KHÁM PHÁ LỜI CHÚA THEO TIẾN TRÌNH 6 BƯỚC TRONG CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN (1)

I. MỤC ĐÍCH

Giúp các học viên nắm bắt được một phương pháp rất hữu ích cho việc tìm hiểu các bản văn Kinh Thánh: đó là Phương pháp tự khám phá Lời Chúa, tức tìm hiểu Lời Chúa một mình hay trong một nhóm với một số anh chị em khác. Phương pháp này sẽ giúp việc tìm hiểu học hỏi Lời Chúa hứng thú hơn vì giáo dân đóng vai chủ động trong việc tìm hiểu khám phá Lời Chúa, khác hẳn với thói quen lâu đời là giáo dân chỉ thụ động đón nhận lời giảng dạy của các linh mục. Phương pháp này rất ích lợi cho việc tìm hiểu Lời Chúa của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

II. TIẾP CẬN VẤN ĐỀ

Có thể nói từ trước đến giờ giáo dân Việt Nam ta chỉ quen với cách nghe các linh mục giảng Lời Chúa hay học hỏi tìm hiểu Lời Chúa dưới sự hướng dẫn của các linh mục. Đó là việc làm tốt. Nhưng người giáo dân được Giáo hội mời gọi làm hơn thế là hãy chủ động và tích cực tìm kiếm ánh sáng và của ăn thiêng liêng mà Lời Chúa là kho tàng không bao giơ vơi cạn (2). Phương pháp “đọc suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa” (3) và Phương pháp “Chia sẻ Lời Chúa” (4) đều là những phương pháp nhằm mục đích giáo dân tiếp cận một cách hữu hiệu với Lời Chúa. Phương pháp tự khám phá Lời Chúa sẽ giúp người giáo dân tự mình có thể tìm hiểu học hỏi Lời Chúa.

1. Bạn có tham dự sinh hoạt học hỏi tìm hiểu Lời Chúa của một nhóm nào không? Nhóm sử dụng phương pháp nào? Kết quả ra sao?

2. Bạn có tin là một mình hay cùng với một số anh chị em khác trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản bạn có thể khám phá ý nghĩa các đoạn văn Kinh Thánh không?

III. TÌM HIỂU

1. Có nhiều cách tiếp cận Thánh Kinh

Có nhiều cách tiếp cận Thánh Kinh. Sau đây là một số cách thường gặp thấy nơi giáo dân:

1.Cách tiếp cận gặp chăng hay chớ:

Chúng ta có thể tiếp cận Lời Chúa theo cách gặp chăng hay chớ: hoặc đọc bản văn nhiều lần, hoặc ghi lại vài ý tưởng khi đọc, hoặc tra cứu bản dịch khác hay đọc chú giải, hoặc dành ít thời gian suy nghĩ và cầu nguyện về điều đã đọc. Không theo một trình tự hợp lý nào.

2.Cách tiếp cận nhằm thực hành:

Đây là lối tiếp cận thông thường nhất. Chúng ta đọc nhanh một đoạn Thánh Kinh và dùng thời gian để suy nghĩ về những cách có thể áp dụng trong cuộc sống.

3.Cách tiếp cận bằng sách chú giải:

Đọc đoạn Thánh Kinh và ngay sau đó đọc bài chú giải để được soi sáng, xem chú giải như tôn sư của mình.

4. Cách tiếp cận nhờ Chúa Thánh Thần:

Điểm khác biệt của cách tiếp cận này với các cách tiếp cận khác là dùng hầu hết thời gian học hỏi để cầu nguyện và suy niệm: đọc đoạn Thánh Kinh rồi chờ Chúa Thánh Thần mạc khải những hiểu biết và chân lý trong đoạn văn mà không nỗ lực tìm hiểu.

5. Cách tiếp cận có phương pháp:

Là cách tiếp cận tuân theo một tiến trình có thứ tự và hợp lý trong việc học hỏi Thánh Kinh. Cách tiếp cận này không coi nhẹ các cách tiếp cận khác nhưng kết hợp chúng khi cần thiết và thích hợp. Trong việc học hỏi Thánh Kinh- cũng như trong nhiều việc khác- có phương pháp là điều hết sức quan trọng. Tiếp cận Thánh Kinh có phương pháp sẽ giúp chúng ta có được một hiểu biết sâu sắc hơn và nhận được nhiều sự thỏa mãn trong quá trình tìm tòi khám phá.

2. Tầm quan trọng của việc tự khám phá Lời Chúa

Mọi Ki-tô hữu đều biết rằng học hỏi Thánh Kinh là điều hết sức quan trọng và cần thiết vì “không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Ki-tô(5). Một đàng có nhiều người không biết phải học hỏi thế nào, ở đâu, với ai. Vấn đề thật không đơn giản, vì giáo dân không có nhiều thời gian và các điều kiện khác để theo học các khóa dài ngày như chủng sinh, tu sinh. Mặt khác có nhiều người chẳng cảm thấy hứng thú gì khi tiếp cận với Thánh Kinh. Đây quả là thảm kịch bởi vì việc học hỏi Kinh Thánh đáng lẽ phải là một việc bổ ích, đầy thách đố và hứng khởi, thì nó lại trở thành một việc chán ngắt, nặng nề và rất đáng ngại.

Để các Ki-tô hữu tìm thấy niềm vui trong việc học hỏi Thánh Kinh, thiết tưởng không có cách nào tốt hơn, hiệu quả hơn là giúp họ tự khám phá kho tàng Thánh Kinh. Người tự khám phá Thánh Kinh sẽ tránh được thái độ thụ động trong học hỏi và sẽ hết sức trân trọng những gì mình khám phá:

Chỉ khi chân lý được khám phá ra, nó mới là của ta. Khi một người chỉ được nói cho biết về chân lý, thì chân lý ấy là cái gì ở bên ngoài người ấy và người ấy dễ quên nó lắm. Khi người ấy được hướng dẫn để tự mình khám phá chân lý, thì chân lý trở thành một phần thân thiết của người ấy và người ấy sẽ không bao giờ quên(6)

Để niềm vui khám phá được phong phú và việc tự khám phá Lời Chúa được lâu bền hơn, tốt nhất là chúng ta làm việc trong một nhóm nhỏ gồm một số anh chị em cùng nhau khám phá, cùng nhau học hỏi và chia sẻ với nhau những gì mình khám phá và cảm nghiệm được. Việc học hỏi theo nhóm đem lại 4 lợi ích lớn lao cũng là 4 giá trị quan trọng sau đây:

(1) Phát triển tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với bản thân mỗi người và đối với người khác trong nhóm.

(2) Đòi hỏi sự dấn thân tham gia của mọi thành viên trong nhóm.

(3)Gia tăng sự thỏa mãn và học hỏi vì sự góp sức của nhiều người bao giờ cũng phong phú hơn của một người.

(4) Phát triển tiềm năng sáng tạo ở trong mỗi người nhờ việc cùng học hỏi và khám phá Thánh Kinh.

3. Tiến trình khám phá Lời Chúa qua 6 bước



BƯỚCNỘI DUNG
BA BƯỚC ĐẦUKHÁM PHÁ LỜI CHÚA
1. QUAN SÁT

Chính xác điều tác giả nói
Đoạn văn nói gì?

Đây là bước quan trọng nhất trong việc học hỏi Kinh Thánh và phải là bước đầu tiên. Càng quan sát cẩn thận và thấu đáo thì phần giải thích càng đầy ý nghĩa, phần lượng gía càng đúng đắn và phần áp dụng càng phong phú.
2.GIẢI THÍCH

Khách quan điều tác giả đã viết
Tác gỉả muốn nói gì?

Sau khi quan sát cẩn thận bản văn, hãy xác định điều tác gỉa thực sự muốn nói. Hãy cố gắng khám phá tư tưởng, thái độ, cảm xúc và mục đích của tác gỉa.
3.TÓM KẾT

Ngắn gọn những ý tưởng chính của bản văn.
Ý chính là gì?

Mặc dầu tóm kết được xếp vào bước thứ ba, nhưng là một tiến trình cần thực hiện trong mối liên kết với bước quan sát và giải thích. Hãy cố gắng tóm kết các dữ kiện đã quan sát và ý nghĩa của chúng.
BA BƯỚC SAUCÁ NHÂN HÓA HAY NỘI TÂM HÓA LỜI CHÚA
4.LƯỢNG GÍA

Đúng điều tác giả nói
Có gía trị gì cho ngày hôm nay?

Chỉ khi nào có khái niệm rõ ràng về điều tác giả đã viết và điều tác gỉa muốn nói qua đoạn văn, chúng ta mới có thể phán đoán cách trung thực gía trị của đoạn văn. Do đó lượng gía phải đi sau bước quan sát và giải thích.
5.ÁP DỤNG

Cho chính mình sứ điệp mạc khải
Áp dụng cho tôi thế nào?

Mặc dầu áp dụng được xếp vào bước thứ năm trong tiến trình, điều đó không có nghĩa là tầm quan trọng của nó được xếp vào hàng thứ năm đâu. Áp dụng là hoa quả phát xuất từ các bước trước. Áp dụng là một tiến trình tăng trưởng không thể áp đặt cách gỉa tạo, nhưng nẩy sinh từ tất cả các bước khác.
4.THỂ HIỆN

Xác tín của bạn
Tôi phải làm gì?

Có người đã nói: “Đừng chỉ học Kinh Thánh mà thôi, hãy làm một điều gì đó”. Nhiều khi việc học hỏi Kinh Thánh chỉ là nhận thức bằng trí óc và tình cảm những chân lý, chứ không biến chúng thành hiện thực- nghĩa là thực hiện ngay lúc này điều Chúa mạc khải cho ta.


4. Các nét đặc trưng cần quan sát ở bước 1.



TỪ CHỦ CHỐTKhi đọc lần đầu đoạn văn, bạn hãy tìm những từ chủ chốt, các từ mà bạn nghĩ là quan trọng trong đoạn văn. Các từ được lặp lại đôi khi là đầu mối. Hãy gạch dưới các từ ấy.
LỜI KHUYÊN HUẤN DỤ CẢNH CÁO LỜI HỨAHãy chú ý các huấn dụ mà tác gỉa đưa ra: lời khuyên, lời huấn dụ, cảnh cáo, những điều tác gỉa bảo bạn phải làm. Cũng hãy ghi nhận các lời hứa và khuyến khích. Một đầu mối là tìm các động từ ở thể mệnh lệnh.
LÝ DO KẾT QUẢKhi bạn quan sát các huấn dụ, hãy nhìn xem tác gỉả có đưa ra các lý do cho lời khuyên đó không, có nêu tương quan nhân quả ra không? Thường với lời cảnh cáo, tác gỉa sẽ đề ra những hậu quả có thể xẩy ra.
TƯƠNG PHẢN SO SÁNH MINH HỌAĐặc biệt ghi nhận cách thức tác gỉả sử dụng lối tương phản, soi sánh, minh họa để diễn tả tư tưởng. So sánh là nối kết các điều tương tự. Tương phản là nối kết các điểm nghịch nhau, thường có chữ ‘nhưng’ đi kèm.
TỪ NGỮ LẶP LẠI Và TIẾN TRIỂN CỦA TƯ TƯỞNGChú ý sự lặp đi lặp lại các từ ngữ, ý tưởng, khẳng định. Đây thường là đầu mối giúp hiểu mục đích của tác gỉả trong đoạn văn.

Đặc biệt ghi nhận danh sách các chủ đề hay tư tưởng. Hãy so sánh chúng với nhau và tìm xem thứ tự đó có ý nghĩa gì không, các tư tưởng có tiến triển đến một cao điểm không?
NHỮNG CÂU HỎIXem cách sử dụng các câu hỏi của tác gỉả: câu hỏi dùng để giới thiệu một ý khác, tóm kết một loạt ý tưởng hay chỉ để kích thích suy tư?
CÁC TỪ NỐI QUAN TRỌNG Giới từ Liên từCác từ nối rất quan trọng để diễn tả các tư tưởng chủ chốt và các tương quan. Hãy chú ý đến vài từ sau đây:

* nhưng: dẫn nhập một tương phản,

* nếu: dẫn nhập một mệnh đề điều kiện,

* vì, bởi vì, cho nên: dẫn nhập lý do và kết quả,

* trong, vào trong, với: các từ nối quan trọng,

* để, cốt để: nêu lên một mục đích.
CẤU TRÚC NGỮ PHÁP Động từ Danh từ Đại từ

Trạng từ Tính từ
Từ “ngữ pháp” có lẽ làm bạn sợ. Nhưng dầu vậy lưu tâm đến cấu trúc ngữ pháp của một số khẳng định là điều quan trọng. Chú ý tới các động từ và các thì của nó, cách dùng đại từ, cách dùng các trạng từ, tính từ và cách chúng diễn tả sự vật.
BẦU KHÍ NHỮNG KHẲNG ĐỊNH NHẤN MẠNHChú ý giọng điệu tổng quát của đoạn văn. Nó có thể diễn tả niềm vui, tạ ơn, quan tâm, khiêm hạ, nhiệt huyết, tức giận, quở trách. Giọng văn trong một đoạn có thể thay đổi khi tác gỉả đi từ ý này sang ý khác. Tính khí của người viết thường được bộc lộ qua cách người ấy nói với độc gỉả (văn là người).

Cũng cần lưu ý tới cách dùng những khẳng định nhấn mạnh, những từ và cụm từ để diễn tả cảm xúc.
THỂ VĂN Luôn phải chú ý tới thể văn của đoạn văn- diễn từ, trình thuật, thi ca, bị kịch, dụ ngôn, khải huyền. Cũng cần xác định tác gỉa dùng từ ngữ theo nghĩa đen hay nghĩa bóng.
CẤU TRÚC

TỔNG THỂ
Lưu ý sự sắp xếp các ý tưởng trong một đoạn văn, tương quan giữa các câu với nhau. Đôi lúc tác gỉa đưa ra một mệnh đề tổng quát, sau đó giải thích bằng nhiều ví dụ. Có khi tác gỉả liệt kê một loạt các tư tưởng rồi tóm kết bằng một mệnh đề tổng quát.


5. Sáu từ hướng dẫn việc tìm hiểu một bản văn tường thuật

TỪGIẢI THÍCH
1. Ở ĐÂU? WHERE?Lưu ý tới khung cảnh của câu chuyện. Xác định địa điểm trên bản đồ là điều rất hữu ích.
2. KHI NÀO? WHEN?Lưu ý thời gian xẩy ra câu chuyện. Đôi khi bạn cần học hỏi những đoạn văn khác để xác định thời gian.
3. AI? WHO? WHOM?Lưu ý các nhân vật trong câu chuyện và mỗi người được mô tả ra sao?
4. CÁI GÌ? WHAT?Lưu ý trật tự chính xác và các chi tiết của các biến cố, các hành động và các đối thoại của các nhân vật. Đôi lúc bạn sẽ thấy hữu ích khi liệt kê các biến cố, hành động, đối thoại theo thứ tự thời gian. Lưu ý tới cách các nhân vật ứng xử với nhau.

Bạn hãy đọc câu chuyện với óc tưởng tượng. Cố gắng xây dựng các hình ảnh trong trí, tái tạo câu chuyện trong đầu của bạn. Khi bạn đọc, hãy cố nhìn, nghe, cảm thấy điều mà các nhân vật đã thấy, đã nghe và đã cảm nhận.
5. THẾ NÀO? HOW? Lưu ý cách kết thúc của câu chuyện, cách định hướng kết cục đó ra sao bởi các biến cố và hành động của các nhân vật. Lưu ý cách các nhân vật hành động và ứng xứ ra sao, như là những người phàm xác thịt. Lưu ý cách họ ứng xử với nhau.
6. TẠI SAO? WHY?Hãy quan sát xa hơn mặt chữ. Tự đặt vài câu hỏi: tại sao các sự kiện xẩy ra như thế? Tại sao các nhân vật hành động và ứng xứ như thế? Họ có thể ứng xứ cách khác không?


IV. ÁP DỤNG (THỰC TẬP)

1. Bản văn Phúc Âm: Tin tưởng vào Chúa quan phòng (Mt 6,25-34)

25. Vì vậy Thày bảo cho anh em biết:

đừng lo cho mạng sống:

lấy gì mà ăn;

cũng đừng lo cho thân thể:

lấy gì mà mặc.

Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn,

và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?

26. Hãy xem chim trời:

chúng không gieo, không gặt

không thu tích vào kho;

thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng.

Anh em lại chẳng quí gía hơn chúng sao?

27. Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng

mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?

28. Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì?

Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng

mọc lên thế nào mà rút ra bài học:

chúng không làm lụng, không kéo sợi;

29. thế mà, Thày bảo cho anh em biết:

ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc,

cũng không mặc đẹp bằng một bông huệ ấy.

30. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng,

nay còn mai đã quẳng vào lò,

mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế,

thì huống hồ anh em,

ôi những kẻ kém tin!

31. Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi:

ta sẽ ăn gì,

uống gì,

hay mặc gì đây?

32. Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm.

Cha anh em trên trời thừa biết

anh em cần tất cả những thứ đó.

33. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa

và đức công chính của Người,

còn tất cả những thứ kia,

Người sẽ thêm cho.

34. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai:

ngày mai, cứ để ngày mai lo.

Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

2. Hướng dẫn thực tập

Phần A: Lưu ý đến các chi tiết

Tìm các từ chủ chốt:

Gạch dưới các từ chủ chốt,

Chọn những từ quan trọng nhất.

Tìm các chi tiết khác:

Các huấn dụ hoặc lý do,

Việc dùng câu hỏi,

Các tương phản, so sánh, minh họa,

Các từ nối quan trọng (khoanh tròn chúng lại),

Các ý lặp lại,

Các khẳng định nhấn mạnh.

3. Tìm cấu trúc tổng thể: tức tìm tương quan của các câu với nhau bằng cách đặt trong ngoặc nối những câu có vẻ như nhắm cùng một chủ đề, rồi tóm lược ý chính của mỗi nhóm câu bằng một câu ngắn (Vd 6,25.26-27.28-30.31-34).

Phần B: Tìm hiểu ý nghĩa

Bắt đầu bằng cách tự đặt câu hỏi:

Tại sao Đức Giê-su nói: “………”? ………..có nghĩa là gì?

Đâu là ý nghĩa của…..?

Đâu là ẩn ý của……….?

Đâu là tương quan giữa……..và……..?

2. Trả lời các câu hỏi:

Định nghĩa từ ngữ,

So sánh các bản dịch,

Tra cứu các tham chiếu,

Cân nhắc các ý nghĩa,

Phần C: Cá nhân hóa lời dạy của Thánh Kinh

1. Lượng giá,

Áp dụng và thể hiện:

2.1 Điền tiếp câu sau đây: Nếu tôi thực sự nghiêm chỉnh tuân theo lời dạy của Đức Giê-su qua đoạn văn này, cuộc đời tôi sẽ có thay đổi là………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

2.2 Phân tích những nỗi lo lắng của bạn. Chia tờ giấy thành ba cột:

Liệt kê vài điều bạn đang lo lắng hiện nayLiệt kê vài cách thức bạn quen sử lý những lo lắng ấy Tuân theo lời dạy của Đức Giê-su, liệt kê vài cách thức phù hợp nhất
1…………………………………………1………………………………………… 1…………………………………………
2………………………………………….. 2………………………………………….. 2…………………………………………..
3…………………………………………… 3…………………………………………… 3……………………………………………

V. CHIA SẺ

1. Hôm nay có phải là lần đầu tiên anh chị thực hành việc Khám phá Lời Chúa theo phương pháp này không? Anh chị thấy thế nào? Anh chị có thắc mắc gì?

2. Qua phần trình bày lý thuyết và thực hành việc Khám phá Lời Chúa theo tiến trình 6 bước ở trên, anh chị có cho rằng phương pháp này là một cách phù hợp với giáo dân không, nhất là với Cộng đoàn Giáo hội cơ bản không? Anh chị sẽ làm gì để phổ biến phương pháp này cho nhiều giáo dân, nhiều Cộng đoàn Giáo hội cơ bản?

----------------

Chú thích:

(1) Đề tài này được soạn dựa vào cuốn “Joy of Discovery in Bible Study” (Niềm Vui khám phá trong học hỏi Lời Chúa) của Otta Wald. Cuốn sách này đã Ban Mục Vụ Giới Trẻ giáo phận Sàigòn chuyển ngữ (1996) với tựa đề KHÁM PHÁ LỜI CHÚA. Trước đó cũng đã có một bản dịch khác do một linh mục của giáo phận Nha Trang thực hiện.

(2) Đọc lại Chương VI Hiến chế Mạc Khải, trong đề tài 05.

(3) Đọc lại đề tài 06.

(4) Đọc lại đề tài 08.

(5) Lời của Thánh Giêrônimô, linh mục tiến sĩ Hội thánh (thế kỷ thứ 4).

(6) Lời của William Barclay viết trong cuốn Daily Celebration được Otta Wald trích dẫn trong sách nói trên.