DẤN THÂN GIÁO HỘI & XÃ HỘI CỦA CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN TRONG ĐỊA BÀN GIÁO XỨ VÀ DÂN CƯ

I. MỤC ĐÍCH

1. Giúp các học viên hiểu rõ tầm quan trọng của các việc làm hay dấn thân của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản đối với Giáo hội và xã hội. Chính nhờ các dấn thân mang tính Giáo hội và xã hội như thế mà các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản trở thành nhân tố tích cực trong/đối với Giáo hội và xã hội.

2. Giúp các thành viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản biết cách dấn thân một cách hữu hiệu để làm cho đời sống Giáo hội ngày một phong phú hơn và đời sống xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

II. TIẾP CẬN VẤN ĐỀ

1. Trong thư của Thánh Giacôbê (1) có một câu đã trở thành “bất hủ” , và thành phương châm và tiêu chuẩn cho người Kitô hữu sống đạo. Các bạn có biết câu đó là câu nào không? ("Đức tin không có việc làm là đức tin chết”). Câu nói đó chỉ đúng với từng cá nhân người công giáo hay còn đúng với cả một cộng đoàn như Cộng đoàn Giáo hội cơ bản hay Cộng đoàn giáo xứ của chúng ta?

2. Thế nào là dấn thân Giáo hội và thế nào là dấn thân xã hội của một Cộng đoàn Giáo hội cơ bản?

3. Trong tình hình hiện nay của Giáo hội và xã hội Việt Nam ta, các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản nên ưu tiên dấn thân vào những lãnh vực nào? Tại sao lại nên ưu tiên dấn thân vào những lãnh vực ấy?

III. TÌM HIỂU

1. Những hoạt động hay dấn thân của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Chúng ta đã biết hoạt động tông đồ (hay đối ngoại) của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản rất đa dạng và là những dấn thân cụ thể trong môi trường Giáo hội và xã hội mà trong đó Cộng đoàn cơ bản được hình thành và hoạt động. Các dấn thân đó là (2):

* Cổ võ các Nhóm Chia sẻ Lời Chúa, các Nhóm Cầu nguyện,

* Chăm sóc bệnh nhân, chăm lo cho những người nghèo, cho những người tàn tật, gìa yếu và cho giới trẻ.

* Thăm viếng những ngưỡi cùng giáo xứ, những người mới đến cư ngụ trong khu vực, khóm phường, giáo xứ, những người bị giam, bị tù, các bệnh nhân,

* Giúp đỡ những người thiếu thốn,

* Tham dự lễ hội trong vùng,

* Dạy dỗ trẻ nhỏ,

* Tham gia các nhóm tín dụng, giúp vốn, phát triển cộng đồng,

* Làm chứng cho Chúa Kitô trong môi trường nghề nghiệp, lao động,

* Đem Tin Mừng đến cho những người ngoài Giáo hội,

* Dạy giáo lý cho dự tòng,

* Chuẩn bị lễ rửa tội cho trẻ em,

* Quyết định về việc rửa tội cho trẻ em và người trưởng thành,

* Bênh vực quyền lợi của người lao động,

* Chuẩn bị hôn nhân cho các bạn trẻ,

* Chuẩn bị phụng vụ ngày Chúa nhật cho giáo xứ,

* Hòa giải khi có xung đột và tranh chấp,

* Quan tâm đến vấn đề bất công lớn trong xã hội,

* Quan tâm đến những nhu cầu nghiêm trọng mà người khác làm ngơ,

* Quan tâm đến sự phát triển nhân bản,

* Quan tâm đến sự phát triển kinh tế,

* Quan tâm đến môi trường sinh thái.

2. Phân loại các những hoạt động hay dấn thân của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Từ những hoạt động hay dấn thân kể trên của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản, chúng ta có thể phân thành hai loại: dấn thân Giáo hội và dấn thân xã hội.

2.1 Những dấn thân Giáo hội của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

1. Thế nào là dấn thân Giáo hội?

Những hoạt động hay dấn thân có tính Giáo hội, là những việc mà các thành viên hay Cộng đoàn Giáo hội cơ bản thực hiện cho và ở trong Giáo hội như: cổ võ các Nhóm Chia sẻ Lời Chúa, các Nhóm Cầu nguyện, -làm chứng cho Chúa Kitô trong môi trường nghề nghiệp, lao động, -đem Tin Mừng đến cho những người ngoài Giáo hội, -dạy giáo lý cho dự tòng, -chuẫn bị lễ rửa tội cho trẻ em, -quyết định về việc rửa tội cho trẻ em và người trưởng thành, -chuẩn bị hôn nhân cho các bạn trẻ, -chuẩn bị Phụng vụ ngày Chúa nhật cho giáo xứ, v.v…

2. Mục đích của những dấn thân Giáo hội:

Những hoạt động hay dấn thân mang tính Giáo hội của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản nhằm nhiều mục tiêu cùng một lúc: (a) trước tiên là làm cho đức tin và cuộc sống của các thành viên cộng đoàn gắn kết với nhau; (b) kế đến là làm cho đời sống đức tin cậy mến của các thành phần trong giáo xứ được củng cố và phát triển, (c) sau cùng là nhằm mục đích làm cho cộng đoàn ấy mỗi ngày mỗi lớn mạnh do có thêm các tín hữu mới.

3.Lý do của những dấn thân Giáo hội:

Lý do hay động cơ khiến các thành viên và Cộng đoàn Giáo hội cơ bản có những dấn thân mang tính Giáo hội là vì mỗi Kitô hữu là thành viên của Cộng đoàn Giáo hội nên có trách nhiệm phải xây dựng và làm phát triển Giáo hội như mỗi chi thể có trách nhiệm phải làm cho Thân Mình mầu nhiệm Chúa Kitô được sống động và thánh thiện hơn lên. Thánh Phaolô còn nhấn mạnh một điều quan trọng khác: các đặc sủng tuy nhiều nhưng đều xuất phát từ một nguồn là Thiên Chúa và đều qui về một đầu mối là phục vụ Cộng đoàn Giáo hội (2). Đó cũng chính là giáo lý về một Giáo hội mà trong đó mọi người có phần và phải góp phần (Participatory Church).

2.2 Những dấn thân xã hội của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

1.Thế nào là dấn thân xã hội?

Còn những dấn thân có tính xã hội là hoạt động hay những công việc mà các thành viên hay Cộng đoàn Giáo hội cơ bản thực hiện cho và ở trong xã hội như: chăm sóc bệnh nhân, -thăm viếng những ngưỡi cùng giáo xứ, những người mới đến cư ngụ trong khu vực, khóm phường, giáo xứ, những người bị giam, tù, các bệnh nhân trong bệnh viện -giúp đỡ những người thiếu thốn, -tham dự lễ hội trong vùng, -dạy dỗ trẻ nhỏ, -tham gia các nhóm tín dụng, giúp vốn, phát triển cộng đồng, -chăm lo cho những người nghèo, -chăm lo cho những người tàn tật, già yếu, -chăm lo cho giới trẻ,, -bênh vực quyền lợi của người lao động, -hòa giải khi có xung đột và tranh chấp, -quan tâm đến vấn đề bất công lớn trong xã hội, -quan tâm đến những nhu cầu nghiêm trọng mà người khác làm ngơ, -quan tâm đến sự phát triển nhân bản, -quan tâm đến sự phát triển kinh tế, v.v…

2.Mục đích của những dấn thân xã hội:

Những hoạt động (dấn thân) mang tính xã hội của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản nhắm mục đích thăng tiến con người và biến đổi xã hội theo tinh thần và tiêu chuẩn của Tin Mừng. Chúng ta biết đời sống con người mang nhiều tính chất hay chiều kích khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tôn giáo và tâm linh. Bất cứ một hành động nào đóng góp vào việc thăng tiến các tính chất hay chiều kích trên của cuộc sống con người đều được coi là hành động làm thăng tiến con người và biến đổi xã hội. Biến đổi xã hội là giúp xã hội có tinh thần đoàn kết, yêu thương, công bằng và bình đẳng hơn; cũng như giúp luật pháp và cơ chế xã hội mang tính tự do, dân chủ và tôn trọng quyền con người hơn.

(3) Lý do của những dấn thân Giáo hội:

Chính lúc dấn thân làm thăng tiến con người và biến đổi xã hội, người và cộng đoàn Kitô hữu sống chức năng và trách nhiệm là muối và ánh sáng và là men mà Chúa Giêsu đã dậy trong Phúc âm. Đó cũng chính là lý do hay động lực của những dấn thân xã hội của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản:

Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng nó ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che dấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh cha của anh em, Đấng ngự trên trời
(3).

Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men(4).

Trên thực tế có nhiều hoạt động hay dấn thân của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản, cùng một lúc, vừa mang tính Giáo hội vừa mang tính xã hội như: thăm viếng, giúp đỡ, chăm lo người khác nhất là những người bất hạnh, nghèo khổ, bị bỏ quên, bị thiệt thòi hay bị bóc lột trong cộng đồng.

IV. ÁP DỤNG

1. Các bạn thấy trong Giáo xứ, trong các hội đoàn tông đồ, số người tích cực dấn thân chiếm một tỷ lệ như thế nào? (%?) Tại sao vậy?

2. Các bạn cho biết Cộng đoàn Giáo xứ và hội đoàn tông đồ của các bạn có những dấn thân đáng kể nào cho và trong xã hội?

3. Nếu trong Giáo xứ của các bạn có nhiều Cộng đoàn Giáo hội cơ bản và nếu các Cộng đoàn ấy đều có những dấn thân mang tính Giáo hội và xã hội thì tình hình Giáo xứ và các khu xóm sẽ ra như thế nào?

V. CHIA SẺ

1. Trong giáo xứ của các bạn:

các bạn thấy có những nhu cầu nào?

(b) có những nhu cầu nào đã được đáp ứng và những nhu cầu nào chưa được đáp ứng?

tại sao có những nhu cầu chưa được đáp ứng?

(d) để đáp ứng những nhu cầu ấy, giáo xứ cần những gì?

2. Trong Giáo hội Việt Nam chúng ta hiện nay:

các bạn thấy có những nhu cầu nào?

(b) có những nhu cầu nào đã và đang được đáp ứng và những nhu cầu nào chưa được đáp ứng?

(c) tại sao có những nhu cầu chưa được đáp ứng?

(d) muốn đáp ứng các nhu cầu ấy, Giáo hội cần những gì?

3. Trong khu xóm các bạn hiện nay:

các bạn thấy có những vấn đề nào?

(b) có những vấn đề đã được giải quyết và những vấn đề nào chưa được giải quyết?

(c) tại sao có những vấn đề chưa được giải quyết?

(d) muốn giải quyết các vấn đề ấy, khu xóm cần những gì?

4. Trong xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay:

các bạn thấy có những vấn đề nào?

(b) có những vấn đề nào đã và đang được giải quyết và những vấn đề nào chưa được giải quyết?

(c) tại sao có những vấn đề chưa được giải quyết?

(d) muốn giải quyết các vấn đề ấy, xã hội chúng ta cần những gì?

----------------

Chú thích:

(1) Gc 2,17.

(2) Xem lại đề tài 01: Thế nào là Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

(2) 1 Cr 12.

(3) Mt 5,13-16.

(4) Mt 13,33.