Nhà thờ nơi sinh hoạt của người Việt
LONDON (1-2/8/2013) Đã từ lâu lắm rồi nay tôi mới có dịp trở lại thăm London. Lần đầu tiên đến London là năm 1969 khi đó tôi đến thăm thành phố ngày ít ngày và đi học Anh ngữ tại nhà dòng các nữ tu St. Augustine tại Liverpool. Tôi vẫn còn nhớ như tin một biến cố lịch sử khi phi thuyền… đưa Amstrong đặt chân lên mặt trăng. Tôi thức suốt cả đêm chờ giây phút trọng đại xem phi hành gia bước chân xuống mặt trăng với hình ảnh đen trắng nhạt nhòa trên TV và âm thanh lúc có lúc không, vang vọng từ mặt trăng dội về (làm gì thời đó đã có TV mầu như ngày nay!).

Xem hình ảnh thắng cảnh London Biến cố lịch sử này cũng đánh dấu một bước tiến nhảy vọt về khoa học và kĩ thuật của một thế giới mới mà cuộc đời của tôi -- từ đó gắn bó với nó, lớn lên với nó -- chứng kiến những đổi thay mạnh liệt nhất của lịch sử nhân loại, không những về sự hiểu biết được nhân cấp về con người, mà còn về những biến chuyển chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, khoa học và truyền thông. Con người tiến lại gần nhau hơn bao giờ hết, qua du lịch và các phương tiện di chuyển, ranh giới các quốc gia mờ dần… Chúng tôi may mắn được sống và chứng kiến những cuộc cách mạng đổi đời như vậy.

Tôi lại đi quá xa về lại với những kỉ niệm quá khứ mà quên đi rằng mình đang viết về London. Phải lần đầu tiên khi tôi đến London, lúc đó chỉ có một ít người Việt Nam đang ở đây, hoặc là sinh viên đang du học hay gia đình các nhân viên làm việc trong sứ quan Việt Nam. Khi ấy nghe biết có Cha John Bằng đang ở nhà thờ The Holy Spirit và tôi đã ghé đến thăm ngài và được biết lâu lâu ngài cũng làm lễ bằng tiếng Việt cho người Việt dù ít ỏi tại đây.

LM Nghị, Lm chánh xứ Thắng, Thầy Song
Những kỉ niệm về London trong tâm trí tôi cũng nhạt nhòa như thành phố London, hầu như luôn luôn được làm mờ đi bằng những áng sương mù và bầu trời mây xám phủ quanh. Vẫn là cầu Tower Bridge biểu tượng, vẫn là Bucklingham Parliament và tháp Big Ben uy nghi tráng lệ bên dòng sông Thames ngày trước, vẫn nhà thờ St. Paul hiên ngang, và các lâu đài mấy trăm năm, những con đường cổ kính, những phố xá mua sắm nhộn nhịp như Piccadilly và … Nhưng lần này tôi về thăm vào những ngày nắng chói chang và nóng bức… thành phố lên mầu tươi sáng và nồng ấm lạ thường… Phải chăng bởi vì người tiếp đón tôi là linh mục Simon Thắng, một người tràn đầy niềm vui và sức sống lạc quan.

Đúng vậy, mấy tháng trước đây có dịp gặp cha Simon Nguyễn Đức Thắng tại Cali và ngài mời tôi có dịp qua chơi. Tôi nói sắp đi Bắc Âu vừa nghỉ Hè vừa làm tuyển úy trên tầu du lịch, và tôi nhận lời sẽ đến thăm Cha và giáo xứ của Cha ở London.

Đón tôi tại phi trường là một giáo dân rất nhiệt tình. Trên đường về giáo xứ, anh và tôi trao đổi thông tin về Cộng đoàn Công Giáo Việt nam ở đây qua các thời các cha Tuyên úy.

Xem hình ảnh Trung tâm CGVN London

Tôi cũng đã từng biết thời kỳ đầu sau biến cố 1975 có đại tá Lý Trọng Song (nay là Phó tế vĩnh viễn) từng giúp hình thành sinh hoạt cộng đoàn này (Thầy Sáu Song sẽ có bài trường tình về “Lịch sử Cộng đoàn CG đầu tiên tại Vương quốc Anh” ở phần cuối bài này). Tôi cũng đã biết thầy Song khi tôi làm báo Công Giáo cần trao đổi thông tin về Cộng đoàn London, và có lần đại hội ở Roma thầy sang đại hội và chúng tôi đã gặp gỡ trao đổi. Lần này gặp lại thầy thấy đã yếu đi rất nhiều, nhưng tâm hồn và lòng trí vẫn còn nhiệt huyết cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam.

Đặc biệt tôi được biết Cố đức ông Đào Đức Điềm qua các lần họp tông đồ mục vụ ở Roma và biến cố phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 1978 và được hiểu biết về tình hình sinh hoạt của người Công Giáo Việt Nam tại Anh quốc ra sao. Đức ông Điềm là con người hiền lành luôn hết lòng cho dân Chúa. Khi đức ông bị thảm sát ở Việt Nam 10 năm trước đây, khi ấy tôi đã từng nhiều lần gọi về giáo phận Huế ở Việt Nam và Trung tâm Mục Vụ VN ở London đề tìm hiểu và tường trình về tai nạn này. Cái chết của đức ông cho đến nay vẫn còn là một nghi vấn chưa có câu trả lời cuối cùng. Nay vào nhà thờ giáo xứ The Holy Name and the Sacred Heart of Mary thấy tượng đức ông bằng đồng đặt ở đó vẫn với nụ cười hiền hậu… mà người đã đi rồi, lòng đầy thương cảm.

Phải nói Cộng đồng CGVN tại London đã phải trải qua nhiều sóng gió, nhưng nay có dịp thăm viếng 2 Trung Tâm sinh hoạt của Cộng đồng, chúng ta như đang chứng kiến sự hồi sinh nhanh chóng của Cộng đồng này. Một trong những điểm đáng nói nhất là đã từ nhiều năm qua, cộng đồng vẫn có nơi sinh hoạt, có nhà thờ, nhưng các linh mục phụ trách là tuyển uý và nhà thờ là nhà thờ mượn. Từ 1 năm nay khi cha Thắng được cử làm Tuyên uý cho Cộng đồng CGVN thì nay cũng được chính thức cử làm Linh mục chánh xứ cho giáo xứ The Holy Name and the Sacred Heart of Mary, nơi ngày nay người Công Giáo Việt Nam vẫn tham dự các thánh lễ hằng ngày.

Trung tâm CGVN ở 117 Bow Common Lane
Đến với trung tâm ờ đường 117 Bow Common Lane, tôi gặp Cha Hùng (Dòng Đa Minh) được cha Thắng mời về đây giúp chương trình dậy giáo lý cho chừng gần 200 em. Cha Hùng kể cho biết về sinh hoạt của trường Giáo lý Việt ngữ này. Phụ giúp Cha Hùng có 2 nữ tu Sr Mơ và Sr Mỹ Hạnh thuộc Đa Minh Bùi Chu từ Việt Nam qua và có các Thầy và giáo dân tự nguyện. Một cộng đoàn kể là không lớn nếu so với cộng đoàn CGVN ở Hoa Kỳ, thế mà có một chương trình Giáo lý và Việt ngữ được tổ chức một các chu đáo và nghiệm chỉnh như vậy, nó cũng nói lên cái nhìn xa của thành lãnh đạo của giáo xứ này.

Đến ở trung tâm này, tôi cũng được gặp 1 linh mục và 3 chủng sinh Việt Nam đang du học ở Roma được mời đến nghỉ hè tại đây, có thêm 1 linh mục Việt Nam sang du lịch và và 1 chủng sinh khác cũng đang ở tại đây. Tất cả các vị khách qúi này đều được Cha chánh xứ Thắng tiếp đãi nồng hậu và với cánh tay luôn rộng mở. Cha Thắng cho biết “đây là nhà của Chúa mà, chúng con làm được gì thì luôn sẵn lòng”… Tôi tự đặt mình vào trường hợp của một tu sĩ du học, xa quê hương, không thân nhân, không tiền bạc, nếu gặp được một mái ấm và một trái tim rộng mở đón tiếp như vậy, tôi sẽ mừng vui và với lòng tri ân biết bao.

Vài quan sát như vậy cũng đã nói lên được sức sống tinh thần và tiềm năng tông đồ của Trung tâm Mục Vụ Việt Nam ở London và sức sống đó đang vươn lên tựa như tia nắng ấm và bầu trời trong xanh của London mà thôi nhìn thấy.

Khi đi tìm hiểu về lịch sử về sinh hoạt của người Công Giáo Việt Nam ở đây, tôi đã gặp Thầy sáu Song và may mắn thay Thầy đã có bài viết này và đã đưa cho tôi. Xin được trích nguyện văn như sau:

TIỂU SỬ CỘNG ĐOÀN Công Giáo ĐẦU TIÊN TẠI VQA – 1975
(bài viết do Thầy Sáu Lý Trọng Song, London 20/02/2002)

Cộng đồng Công Giáo việt nam tại Vương Quốc Anh được hình thành đầu năm 1980, nhưng đã được cưu mang vào cuối năm 1975, khi những người Việt Nam tị nạn đầut iên được chính phủ Hoàng Gia Anh tiếp nhận từ các trại tịn nạn Hồng Kông, một số anh chị em Công Giáo, cựu nhân viên Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa và Anh chị em sinh viên du học hoặc tu nghiệp tại Anh trước biến cố 30/ 04/ 1975, đã tự động họp thành một nhóm để thăm viếng, ủy lạo và giúp đỡ đồng bào tị nạn mới nhập cảnh, bất phân tôn giáo hay tín ngưỡng, trong tình tương thân tương ái.

Vào đầu tháng 12/1975, Thánh Lễ đầu tiên bằng tiếng Việt do Linh mục Mai Đình Thiên cử hành tại trung tâm tiếp cư Birkenhead, London. Ngài đã qua đời tại Manchester vì bệnh ung thư vào năm 1984. Kế đến Linh mục Phaolô Nguyễn Đình Ngát, thuộc Giáo Phận Sài Gòn đang du học tại Anh về nghành Sinh ngữ. Sau khi tót nghiệpk thể trở về nước, Ngài đã tự nguyện đến giúp đỡ đồng bào tị nạn được 3 tháng, sau đó ngài đã qua Bỉ và hiện nay là Cha Sở của một Giáo xứ tại đó.

Tiếp theo là Lm Augustinô Nguyễn Đức Thụ, thuộc dòng tên Việt Nam du học tại Pháp và được gởi qua Anh tu nghiệp. Trong thời gian đó, Ngài đã dùng thì giở rảnh rổi đến giúp đỡ đồng bào tị nạn gần một năm. Sau khi mãn khóa tu nghiệp, Ngài đã được thuyên chuyển về Uc Đại Lợi để làm việc tông đồ mục vụ cho đồng bào tị nạn tại đó.

Sau khi Cha Thụ rời khỏi Anh. Cha Maurice Nguyễn Văn Danh, thuộc dòng Benedictin ở Buckfast (Anh Quốc) cũng đến giúp cho đồng bào tị nạn được vài tháng và Ngài đã trở về lại dòng.

Sau đó đến Lm Louis Nguyễn Văn Quy, thuộc dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (người đã sáng lập Trung Tâm Hoàn Lương cho trẻ em bụi đời ở Vũng Tàu, Việt Nam) đang lánh nạn tại Pháp, đã được một Dân Biểu Quốc Hội Anh mời sang để giúp đỡ cho trẻ em bụi đời tại đây.

Trong thời gian đó. Ngài đã tận dụng thời giờ rảnh đến giúp đồng bào tị nạn. Tuy không được bao lâu, Ngài ngã bệnh và phải trở về lại Pháp. Trong suốt thời gian nêu trên, nhóm anh chị em Công Giáo có mặt trước biến cố 30/ 04/ 1975 cũng như anh chị em mới đến tị nạn, luôn sát cánh và cộng tác với các Ngài qua cộng tác mục vụ cho đồng bào tị nạn trong tình thương thân tương ái. Sau khi Linh mục Louis Nguyễn Văn Quy trở về Pháp thì không còn Linh mục Việt Nam nào đảm trách việc mục vụ cho đồng bào tị nạn nữa.

Trước những khó khăn mà đồng bào Việt Nam tị nạn đang gặp phải, tình thương của Thiên Chúa bao la, đã không để cho con cái Ngài bơ vơ lạc lõng nơi quê người, nên Ngài đã gửi đến một vị chủ chăn khác từ Việt Nam qua, từng lăn lộn trong cảnh hướng của người di cư lánh nạn, hiểu thấu nỗi thống khổ của người Việt tha hương, hầu có thể phục vụ cho họ một cách thiết thực hơn, đó là Cố Đức ông Phêrô Đào Đức Điềm, tuyên úy của Cộng Động Công Giáo Việt Nam tại Vương Quốc Anh & Ai Nhĩ Lan.

Sau khi đặt chân đến đất nước Anh không được bao lâu, Ngài nhận thấy đồng bào Việt Nam tị nạn đến Anh mỗi ngày một gia tăng, nhu cầu cần thiết là phải có một trung tâm cho đồng bào có nơi hội họp đọc kinh cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, gặp gỡ nhau, giúp đỡ lẫn nhau để giữ vững niềm tin, bảo tồn Phong Tục Tập Quán Việt Nam, nên Ngài đã vận động với Giáo Quyền địa phương và một Trung Tâm Mục Vụ cho đồng bào Công Giáo Việt Nam trên toàn lãnh thổ nước Anh đã được thiết lập trong tổng Giáo Phận Birmingham vào đầu năm 1982. Trụ sở đặt tại số 12 Wyecliff Road, Birmingham.

Năm 1980 Anh Chị Em Công Giáo VN ở Anh Quốc trước ngày 30/ 04/ 1975 cũng thiết lập được một Trung Tâm Mục Vụ nhỏ, do chị Emmanuel Nguyễn Thị Bắc, thuộc dòng Đức Bà Lên Trời (Asumpta) và Đại Tá Lý Trọng Song (Cựu tùy viên Quân Lực của Tòa Đại Sứ VNCH ở London, nay là Phó Tế Vĩnh Viễn) điều động dưới sự bảo trợ của Tổng Giáo Phận Westminster, trụ sở đặt tại dòng Assumpta, London. Trung tâm được đặt tên “La Vang” và được duy trì cho đến đầu năm 1985. Vì nhu cầu công ăn việc làm, đa số đồng bào Việt Nam lũ lượt di cư về thủ đô London rất đông đảo mà trung tâm mục vụ Lavang lại quá nhỏ bé, nên Đức ông Điềm lại vận động với giáo quyền địa phương để thiết lập một trung tâm khác trong Tổng Giáo Phận SouthWark, phía nam Sông Thames, trụ sở đặt tại nhà thờ St. James the Great vào lễ Phục Sinh 1985. Vì thế, trung tâm Lavang được giải tán để sát nhập vào với trung tâm mới nầy. Tuy nhiên, vì nhu cầu cần thiết có nơi để thờ phượng, có chỗ dạy giáo lý cho con em, có địa điểm để tổ chức các nghi lễ dân tộc và cho mọi sinh hoạt của giáo dân khỏi bị lệ thuộc và phiền phức về thời giờ nhất là khía cạnh về tự do độc lập, nên Đức ông Điềm đã vận động với tổng giáo phận Westminster, xin một trung tâm khả dĩ có đầy đủ tiện nghi cho việc mục vụ hơn. Do đó trung tâm mục vụ với
Trung tâm CGVN ở 130 Poplar High Street
tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, được hình thành và tọa lạc tại 130 Poplar High St, London E14. Nhờ ơn Chúa và lòng hảo tâm của anh chị em Công Giáo, kẻ góp của người góp công, sau một thời gian ngắn tu bổ và tân trang, đã được Đức Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Westminster đến cắt băng khánh thành ngày 20/ 02/ 1994. Trung tâm mới nầy, ngoài các tiện nghi khác, có một hội trường chứa được 300 người, vừa làm nguyện đường vừa làm nơi sinh hoạt cho giáo dân. Tuy nhiên trung tâm mục vụ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nói trên, mặc dù có nhiều tiện nghi tối thiểu cho việc mục vụ, nhưng vẫn chưa phải là nơi thờ phượng Chúa một cách xứng đáng và vẫn còn chật chội với số giáo dân mỗi ngày mỗi gia tăng, nên Đức ông Điềm với tài ngoại giao khéo léo đã xin một trung tâm khác. Sau khi điều nghiên và quan sát kỹ lưỡng sinh hoạt của cộng đồng Công Giáo Việt Nam London, tổng giáo phận Westminster đã cấp cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam London một trung tâm mới tọa lạc tại 117, Bow Common Lane, London E3, 4 AU, gồm có một thánh đường khang trang đẹp đẽ có thể chứa được 500 người, một hội trường có thể chứa được 300 người, một Nhà xứ với 4 phòng ngủ và các tiện nghi khác. Thánh lễ Việt Nam đầu tiên được cử hành tại Nhà Thờ Mới này vào ngày 22/07/ 2001 và được chính thức khai trương ngày 02/ 09/2001, nhân lễ kính các thánh tử đạo VN do Đức ông Keith Barthrop phụ tá Tổng Giám Mục Westminster chủ sự, người đã có công rất lớn trong việc vận động cho cộng đồng Công Giáo Việt Nam có được trung tâm mới nầy.

Vì thế mà trung tâm mục vụ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Poplar trở thành trung tâm dạy giáo lý và tiếng việt cho con em Việt Nam và nơi sinh hoạt cho các đoàn thể và hội đoàn.

Tổng số người Việt Nam tại Anh Quốc khoảng chừng 35.000 người, trong số đó có khoảng 4500 người Công Giáo sống rải rác trên khắp nước Anh. Đa số tụ tập về hai cộng đoàn lớn nhất là London và Birmingham. Số còn lại rải rác trong các cộng đoàn nhỏ trong các tỉnh lẻ như Manchester, Nottingham, Northampton Essex, Portsmouth, Hampton Court. Ngoài ra trung tâm mục vụ Công Giáo Việt Nam Anh Quốc còn kim luôn việc mục vụ cho người Việt Nam lánh nạn tại Á Nhĩ Lan. (Xin xem bản đồ đính kèm)

Hàng Giáo sĩ Việt Nam tại Anh Quốc gồm có 15 Linh mục:
1. 12 Linh mục phục vụ cho người bản xứ, trong số đó có 4 Linh mục chính xứ.
2. 3 Linh mục phục vụ cho người Việt Nam.
3. 1 Phó tế Vĩnh Viễn phục vụ cho người Việt Nam.
4. 7 Chủng Sinh.
5. 3 Nam Tu sĩ.
6. 6 Nữ Tu sĩ.

Tất cả các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Anh Quốc đều có ban đại diện. Riêng hai cộng đoàn London và Birmingham có thêm các hội đoàn Công Giáo tiến hành như:
1. Hội đồng giáo xứ.
2. Đạo binh Đức Mẹ (Legio)
3. Ban giúp lễ.
4. Phong trào thăng tiến hôn nhân.
5. Hội Tôn Vương
6. Ca đoàn.
7. Phong trào linh thao.
8. Ban Giáo lý và Việt Ngữ.
9. Hội Thanh niên Công Giáo.

Có khoảng 30% giới trẻ tham dự sinh hoạt cộng đoàn. 5% người trẻ vào Đại Học, 50% người lớn có việc làm, 2% đôi vợ chồng ly dị.

Hằng năm các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam thường tham gia các sinh hoạt chung với các giáo xứ địa phương, đặc biệt với các lễ lạc có tầm vóc quốc gia như các Thánh Lễ Quốc Tế. Cơ cấu tổ chức mục vụ của Giáo Hội Công Giáo Anh Quốc cũng như tổ chức của Giáo Hội Hoàn Vũ chỉ khác một điều là sau Công Đồng Vaticanô II, họ có thêm một ủy ban đại kết để tiến tới việc hiệp nhất.

Vương quốc Anh gồm có 4 ban: England, Wales, Scotland và North Ireland. Nhưng về phương diện Giáo Hội thì ban Scotland có Hội Đồng Giám Mục riêng biệt với 2 bang England và xứ Wales, riêng về bang North Ireland thì trực thuộc Giáo Hội của Ireland. Sau đây là sơ đồ các giáo tỉnh và giáo phận của 2 bang:

1. England và Wales:
- Tổng giáo phận Liverpool
- Giáo phận Hexham và Newcastle
- Giáo phận Lancaster
- Giáo phận Leeds
- Giáo phận Middlesbrough
- Giáo phận Salford
- Giáo phận Hallam

2. Giáo tỉnh Birmingham
- Tổng giáo phận Birmingham
- Giáo phận Shrewsbury
- Giáo phận Clifton

3. Giáo tỉnh Cardiff
- Tổng giáo phận Cardiff
- Giáo phận Wrexham
- Giáo phận Menevia

4. Giáo tỉnh Westminster
- Tổng giáo phận Westminster
- Giáo phận Nottingham
- Giáo phận Northampton
- Giáo phận East Anglia
- Giáo phận Brentwood

5. Giáo tỉnh Southwark
- Tổng giáo phận Southwark
- Giáo phận Arundel & Brighton
- Giáo phận Porthsmouth
- Giáo phận Plymuoth

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục của England và Wales, là đương kim Hồng Y Cormac Murphy-O’Connor, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Westminster.