Những Giọt Nước Mắt Cho Ðức Giáo Hoàng



Tôi những tưởng tuyến nước mắt của tôi đã cạn, vì tôi đã không nhỏ được một giọt nước mắt khi nghe tin mẹ tôi chết cách đây gần bốn mươi năm. Thực vậy, tôi đã khóc nhiều khi mẹ tôi chưa chết, khi được tin mẹ tôi bị lao phổi ở thời kỳ chót mà tôi không làm gì được để giúp mẹ tôi trong hoàn cảnh đất nước bị chia đôi ấy. Thế rồi tôi đã thở ra nhẹ nhõm khi được tin mẹ tôi đã qua đi, đã không còn phải chịu đựng những khổ đau phần xác nữa.

Vậy mà trong mùa Phục Sinh năm nay, tôi đã phải cố gắng ngăn nước mắt chảy ra khi qua màn hình TV, tôi thấy Ðức Giáo Hoàng ngồi trên một chiếc xe rất khiêm nhường, không trang trí, do hai người mặc thường phục, có lẽ là hai nhân viên bảo vệ, đẩy ở công trường Thánh Phê Rô. Hai tay ÐGH bám vào hai thành xe, đầu ÐGH quẹo qua một bên. Cụ già ấy, vị cha chung của hơn một tỉ người Công giáo, dù sức khỏe bị giới hạn, vẫn cố gắng xuất hiện để tạo niềm tin cho con cái khắp nơi.

Từ hôm đó, tôi muốn viết một bài để nói lên cái cảm nghĩ chân thành của một người con rất nhỏ, rất khiêm nhường, đối với vị Cha chung vĩ đại ấy; nhưng tôi cứ mãi luẩn quẩn tìm ý, vì những người có lương tâm trong sáng của cả thế giới này đã viết về Ngài, đã nói về Ngài quá nhiều rồi. Thế rồi mới đây, tôi lại được nhìn thấy hình ảnh của Ngài ngồi trong chiếc xe bọc kiếng chống đạn đi qua lộ trình thăm viếng đất nước Slovakia. Vị Cha chung của chúng ta đã yếu hơn nhiều chỉ trong vòng có mấy tháng. Và gần đây nhất, Ngài đã phải bỏ lần xuất hiện với công chúng ở công trường Thánh Phêrô vì lý do sức khỏe. Lần lượt, mọi người trong chúng ta đều được Chúa gọi về. Chúng ta biết như vậy; nhưng chúng ta vẫn muốn cầu nguyện xin Chúa cho vị Cha chung của chúng ta ở lại trần gian với chúng ta lâu hơn để dẫn dắt Giáo-hội Chúa qua hết những thử thách hiện nay. Tôi có ích kỷ không, khi tôi viết rằng chúng ta vẫn muốn cầu nguyện xin Chúa cho vị Cha chung của chúng ta ở lại trần gian với chúng ta lâu hơn để dẫn dắt Giáo-hội Chúa qua hết những thử thách hiện nay. Mà những thử thách đó là gì nếu không phải là những rối rắm của con người, ngoài Giáo-hội cũng như trong Giáo-hội. Và chúng ta, con cái của Giáo-hội, con cái của Ngài, đang muốn níu kéo Ngài ở lại để giải quyết những vấn đề của chúng ta, hay nói cách khác là để phục vụ chúng ta. Tại sao chúng ta không cố gắng làm những con cái ngoan để Ngài ở lại với chúng ta với tinh thần thoải mái, vui vẻ cùng đàn con ngoan của mình, thay vì phải lo giải quyết những vấn đề của con cái mình.

Quả thực, suốt hai mươi lăm năm qua, ÐGH đã làm việc không ngừng nghỉ. Với cặp mắt của một đứa con nhỏ bé, tôi nhìn thấy nơi bất cứ việc làm nào của vị Cha chung của chúng ta cũng phảng phất có ba nét đặc biệt: Giản dị, Phục vụ quên mình, Tình thương bao la. Ba nét đặc biệt này không tách rời nhau; chúng luôn quyện lấy nhau một cách nhịp nhàng để đem lại kết quả tốt.

Ðiển hình là trong việc giúp làm sụp đổ Chủ nghĩa Cộng sản, tôi nghĩ rằng nét giản dị của Ngài được thể hiện qua chủ trương của Ngài là không khuyến khích dùng bạo lực để chống lại bạo lực. Ngược lại, với cách xử trí đầy tình thương, Ngài đã giúp những người đang phạm sai lầm hiểu được rằng việc làm của họ chỉ đưa đất nước họ đến ngõ cụt, một ngõ cụt không có tình người. Và cái vết dầu loang ấy đã lan hết lục địa Âu châu, nơi phát sinh ra chủ nghĩa ấy. Trên thực tế, chủ nghĩa Cộng sản đã chết trên khắp thế giới, nếu còn lại ở vài nước thì cũng chỉ là những hời hợt bên ngoài vì quyền lợi cá nhân, hoặc phe nhóm mà thôi.

Có thể còn nhiều việc to lớn khác của ÐGH mà tôi không được biết. Nhưng có những việc Ngài làm mà tôi nghĩ rằng thoạt nhìn chúng ta tưởng chúng có vẻ bình thường, nhưng thực ra chúng mang những ý nghĩa sâu sắc mà chúng ta phải suy nghĩ mới thấy được. Cách đây đã lâu lắm, có một lần tôi được nhìn thấy trên mặt một tờ báo, hình ÐGH quỳ hôn mặt đất ngay chân cầu thang máy bay khi Ngài từ trên máy bay bước xuống, bắt đầu cuộc viếng thăm một đất nước không có nhiều người Công giáo. Hình ảnh khiêm nhường ấy, mới thoạt nhìn chúng ta cho rằng nó đơn thuần mang tính ngoại giao. Nhưng theo tôi nghĩ, đó là hình ảnh của lương tâm, của sự bộc lộ tình thương. Hình ảnh ấy mang tính ao ước một tình thương, một sự thông cảm, một sự hàn gắn nơi mọi người, và cho mọi người, từ những con người bình thường, đến các vị chức sắc các tôn giáo, cũng như các giới chức chính quyền. Chúng ta biết rằng khi mà còn phải ao ước một tình thương, có nghĩa là tình thương chưa được thể hiện trọn vẹn. Loài người được Thiên Chúa tạo ra, tuy khác màu da, khác tiếng nói, nhưng đó là ý huyền nhiệm của Thiên Chúa mà chúng ta không thể giải thích được với sức hiểu trần thế. Và Thiên Chúa đã cho con người quyền tự do lựa chọn cuộc sống, lựa chọn cách sống, kể cả quyền tự do theo Chúa hay không theo Chúa. Từ đó, con người đã tạo ra những chia cách, những xung đột, những bóc lột, những giết chóc…. để rồi Ngôi Hai Thiên Chúa đã phải xuống thế làm người, chuộc tội cho con người, và chính con người bội bạc lại giết Chúa đi. Và giờ đây, Ðấng thay mặt Chúa ở trần gian, với sức lực nhỏ bé của một con người trần gian, lại đang đi khắp nơi để mang tình thương đến cho mọi người, để kêu gọi mọi người thương nhau. Trong những chuyến tông du sau này, tôi không được nhìn thấy ÐGH hôn mặt đất nữa. Sức khỏe của Ngài đã suy giảm nhiều. Nhưng hình ảnh Ngài ngồi trong chiếc xe bọc kiếng chống đạn, hình ảnh dân chúng đón chào Ngài mỗi nơi Ngài đi qua, thật là thân thương. Tôi tin rằng khi đón chào ÐGH, mọi người, trong số chắc có nhiều người không phải Công giáo, cảm thấy như gần nhau hơn, như thông cảm nhau hơn, như thương nhau hơn. Nhưng những tình cảm này kéo dài được bao lâu? Khi ÐGH đi qua rồi, khi mọi người ra về trở lại cuộc sống bình thường, những tình cảm này có còn tồn tại nơi mọi người không? Cũng như khi chúng ta đi lễ, chúng ta đến với Chúa, mọi người như gắn bó với nhau hơn, như sẵn sàng chia sẻ hơn, như sẵn sàng tha thứ hơn. Nhưng sau buổi lễ thì mấy ai còn giữ được những tình cảm ấy. Dù sao thì khi đến với Chúa, khi chào đón ÐGH, tâm tình con người cũng có những giây phút lắng dịu, những giây phút cởi mở. Chúng ta chỉ còn biết cầu nguyện để chính chúng ta biến sự cởi mở thành hành động.

Tôi nghĩ rằng khi hôn mặt đất, ÐGH cũng ngụ ý loài người được Thiên Chúa tạo ra không phải để sống trên không trung hay dưới biển, mà để sống trên mặt đất. Trái đất được Thiên Chúa tạo ra không phải để dành riêng cho một sắc dân nào. Và dù chất đất, hình dạng của đất, tài nguyên của đất có khác nhau, tất cả nên được chia sẻ đồng đều, ít ra là nên san sẻ cho nhau, giúp xóa đi những cách biệt quá xa, nhằm tạo những hình ảnh đẹp cho mặt đất. Vậy mà đó đây, qua những tranh chấp, con người còn làm xấu mặt đất đi. Ôi, thương quá! Chỉ với một hình ảnh khiêm nhường, ÐGH đã chuyển cho mọi người một thông điệp có ý nghĩa sâu xa mà con người không hiểu nổi, hay hiểu mà lờ đi vì lòng vị kỷ, vì lòng tham, vì cái ác trong con người còn nặng hơn cái thiện.

Cái nét giản dị nơi ÐGH, chúng ta có thể dễ nhận thấy hơn, dễ hiểu hơn, nhưng dường như chúng ta không muốn làm theo gương Ngài. Bao nhiêu người chúng ta muốn giản dị trong mọi sinh hoạt của cuộc sống? Chúng ta vẫn muốn phô trương, vẫn muốn đua đòi. Chúng ta vẫn chưa chịu nhận ra rằng Chúa đã cho chúng ta tất cả, từ sự sống đến mọi của cải vật chất. Chúng ta cho rằng chính chúng ta tạo ra những của cải vật chất. Không phải vậy. Sự sống của chúng ta Chúa có thể cất đi bất cứ lúc nào. Của cải vật chất của chúng ta Chúa cũng có thể lấy đi bất cứ lúc nào. Chính Chúa đã cho chúng ta sức khỏe và sự khôn ngoan để có những quyết định chính xác trong việc làm ra của cải vật chất. Nhưng chúng ta đã lạm dụng quyền tự do mà Chúa ban cho chúng ta, để đôi khi chúng ta quá khôn ngoan đến mức bóc lột anh em, quá ích kỷ để chỉ lo thu vén cho cá nhân mình. Chúng ta nên suy niệm nhiều hơn, sâu hơn về nét giản dị của ÐGH. Khi còn ở thế gian, Chúa Giê Su cũng giản dị, Người dạy chúng ta chỉ thu vén và cho đi một điều duy nhất. Ðó là thu vén và cho đi lời Chúa để đem thêm anh em về với Chúa. ÐGH đang làm như vậy. Nét giản dị, sự phục vụ, và tình thương của Ngài là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Mọi vật đều sẽ qua đi. Không ai ăn được những đống tiền, đống bạc, đống kim cương… Vậy thì thu vén mà làm gì. Hãy chia sẻ để sống giản dị, để chuẩn bị cho cuộc sống đời sau được kề cận Thánh nhan Chúa.

Cái gương giản dị của ÐGH dường như vẫn chưa thấm vào được trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Ngay cả trong đời sống tôn giáo, chúng ta san sẻ như thế nào khi mà có những nhà thờ nguy nga lộng lẫy, trong lúc có những nhà thờ lợp tranh, hoặc lợp tôn hoen rỉ và dột nát. Xây dựng thêm nhà thờ để thờ phượng Chúa là điều nên làm vì con người sinh ra ngày càng đông, mặc dầu khi còn ở thế gian, Chúa Giê Su chẳng từng dạy chúng ta là chúng ta phải làm nhà thờ để thờ phượng Người. Tôi đã có dịp được thấy hai nhà thờ nguy nga lộng lẫy, chỉ cách nhau khoảng một trăm mét. Tôi không có dịp tìm hiểu, nhưng tôi đoán rằng hai nhà thờ ấy thuộc về hai giáo xứ kề cận nhau. Cách đây không lâu lắm, tôi cũng được biết rằng trong nước còn có nhà thờ lợp tôn, lợp tranh, tuy không nguy nga nhưng giàu tình người, vì còn được dùng làm trạm xá, chữa bệnh, phát thuốc cho dân nghèo. Tôi tin rằng trong hai loại hình nhà thờ trên đây, Chúa Giê Su thích loại hình thứ hai hơn. Cái nét giản dị của ÐGH cũng nói lên điều đó. Thực vậy, ÐGH đâu có thể nói rằng đừng nên xây nhà thờ quá nguy nga, lộng lẫy, mà nên dùng công sức để làm việc cho tha nhân. Một giáo dân có thể đóng góp hằng chục ngàn đô la để xây một nhà thờ, nhưng giả thử có ai nói rằng không xây nhà thờ nữa mà dùng số tiền ấy giúp người nghèo, người bệnh tật, tôi nghĩ rằng số tiền ấy sẽ chui trở lại túi của chủ nó. Người nghèo, người bệnh tật khó hưởng được số tiền ngàn, may ra được hưởng số tiền trăm. Từ nét giản dị của ÐGH, chúng ta có nên giản dị hóa những sinh hoạt thờ phượng ở nơi có dư thừa, để giúp san sẻ những phương tiện thờ phượng tới những nơi có giáo dân mà không có nơi thờ phượng không? Tôi tin rằng chúng ta có thể giúp xây dựng thêm những nhà thờ lợp tranh hay tôn kẽm mà còn được dùng làm trạm xá chữa bệnh, phát thuốc cho người nghèo, để có thể đem thêm anh em về với Chúa, bằng cách bớt đi vài nét nguy nga, lộng lẫy của một nhà thờ nào đó. Người bệnh được chữa lành khi đến với nhà thờ khiêm nhường kia chứ họ không được chữa lành chỉ vì đi qua nhà thờ nguy nga, lộng lẫy.

Chúa Giê Su phán “Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”. ÐGH đang làm điều đó. Tôi tin rằng cuộc đời phục vụ của ÐGH bắt đầu kể từ ngày Ngài được ơn kêu gọi chứ không chỉ từ ngày Ngài đăng quang chức vị Giáo Hoàng. Trong cuộc sống hiến dâng của Ngài, chức vị càng cao thì thánh giá Ngài mang càng nặng hơn mà thôi, và thánh giá nặng nhất Ngài phải mang là trong hai mươi lăm năm vừa qua.

Chỉ còn ít ngày nữa cả thế giới sẽ đổ về thủ đô Rôma để chúc mừng và tường thuật ngày lễ kỷ niệm hai mươi lăm năm ở tước vị Giáo Hoàng của Ngài. Tôi hay lẩm cẩm, và với sức hiểu hạn hẹp của tôi, tôi đang cố gắng đoán xem Ngài vui hay không vui, hay buồn. Theo tôi nghĩ thì Ngài vui buồn lẫn lộn. Ngài vui không phải là vì được người ta tung hô, chúc tụng, mà chính là Ngài thấy rằng qua Ngài, thế giới vẫn kính trọng tôn giáo của chúng ta. Ngài vui vì qua một số đại diện, con cái Ngài khắp nơi vẫn hướng về Ngài. Ngài vui vì Giáo-hội vẫn tiếp tục có những con cái mới. Và nỗibuồn, hay không mấy vui, của Ngài chính là khi Ngài thấy rằng Chúa sắp gọi Ngài về trong khi Ngài còn những công việc chưa hoàn tất. Ngài buồn chính vì Ngài thấy rằng có những con cái Ngài, giáo dân cũng như hàng giáo phẩm, vẫn chưa làm theo lời Chúa, vẫn chưa noi gương Ngài, sống giản dị, phục vụ hết mình với một tình thương bao la; thậm chí họ còn đi sai đường, làm thương tổn đến đại gia đình Chúa.

Khi tôi viết những giọt nước mắt tôi dành cho ÐGH, tôi lại nghĩ đến hình ảnh những người đàn bà đi theo Chúa Giê Su khi Người vác thánh giá, khóc thương Người thảm thiết, và Chúa đã quay lại, nói với họ rằng: “Ðừng khóc cho Ta. Hãy khóc cho bay và con cháu bay ngày sau”. Thực vậy, tôi khóc cho ÐGH, chúng ta khóc cho ÐGH, hay chính Ngài đã và đang khóc vì chúng ta? Tôi nghĩ rằng thánh giá Ngài mang chỉ gồm có tám chữ: Cầu nguyện - Giản dị - Phục vụ - Tình thương, vậy mà quá nặng. Tôi tin rằng trên thánh giá Ngài mang, hai chữ Cầu nguyện nặng hơn cả, Ngài chỉ ngưng cầu nguyện trong giấc ngủ mà thôi. Nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ rằng ngay trong giấc ngủ, nơi tiềm thức của Ngài vẫn hiện lên những lời cầu nguyện, xin ơn soi sáng, để Ngài có thể chăn dắt đàn chiên Chúa tốt hơn. Tôi xin được tin rằng có thể có những buổi sáng khi thức dậy, vị Cha chung của chúng ta thấy ướt gối. Ngài đã khóc “trong những giấc mơ”, hay khi còn tỉnh, khi nghĩ đến trong đàn chiên Chúa, còn có những con cái không mấy ngoan của Ngài.

Hai ngàn năm trước, Chúa Giê Su đã đổ máu vì chúng ta. Ngày nay, ÐGH Gioan Phaolô II đang rớt nước mắt vì chúng ta. Chúng ta, giáo dân cũng như hàng giáo phẩm, hãy sống xứng đáng với những giọt máu và những giọt nước mắt ấy.