Trước cuộc họp thượng đỉnh khối ASEAN, ngoại trưởng và cộng đồng doanh nhân từ 10 nước trong hiệp hội các quốc gia Đông nam á (ASEAN) đã họp tại Bali trong dịp cuối tuần.

Đây là diễn đàn mà người ta tin là chính phủ các nước ASEAN sẽ tiếp xúc và lắng nghe đại diện cộng đồng doanh nhân để thăm dò các cơ hội kinh doanh mới.

Theo các phóng viên, thì khắc phục hậu quả của khủng bố, tăng thêm niềm tin của thế giới vào vùng Đông nam á, thực hiện các bước cụ thể để hình thành một thị trường chung ASEAN, là những chủ đề được mang ra bàn thảo tại cuộc họp các nhà kinh doanh trong vùng tổ chức hôm chủ nhật tại hòn đảo Bali, Indonesia.

Cạnh đó, ngoại trưởng và doanh nhân của 10 nước thành viên hiệp hội các quốc gia Đông nam á (ASEAN ) tụ họp để bàn về cố gắng của Asean nhằm tăng cường liên kết kinh tế, theo mô hình của cộng đồng kinh tế Âu châu EC.

Tổng thống Indonesia Magawatti Sukarnoputri nhắc đấn vụ tấn công khủng bố nhắm vào Bali một năm trước đây và kêu gọi các đại biểu vượt lên trên đau thương, cùng xây dựng một cộng đồng kinh tế thịnh vượng:

Chúng tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng dù trước đây, do hành động khủng bố, hòn đảo này đã trải qua những ngày đau đớn trong sự mất mát, tuy nhiên, nó không thể nào ngăn cản bước đi tới của chúng tôi. Chúng tôi cho đây là một thử thách ghê ghớm, và chúng tôi tiếp tục giải quyết hậu quả của nó, mà không nguôi đi ý chí xây dựng nền kinh tế thịnh vượng hơn.

Ông Michael Yeoh, tổng thư ký Hội đồng thương mại Trung quốc Malaysia tin vào các cơ hội phát triển to lớn mà cuộc họp tầm cỡ này mang lại:

Một cuộc họp thượng đỉnh qui tụ nhiều quan khách tầm cỡ như thế này chắc chắn sẽ giúp khôi phục lại niềm tin trong vùng của chúng ta. Hội nghị sẽ giúp đỡ cộng đồng doanh nhân hiểu biết các thách thức đang chờ đợi họ.

Theo ông Michael Yeoh thì một hội nghị qui mô lớn với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia cũng sẽ giúp cho các nhà kinh doanh cảm thấy tự tin khi tăng cường thương mại giữa các nước này với nhau ở trong vùng.

Còn chủ tịch phòng thương mại của Indonesia, Aburizal Bakrie, thì tin vào tiềm năng to lớn của vùng Đông nam á, nơi theo ông là một thị trường tiêu thụ to lớn cho các sản phẩm của khối Asean. Nếu đẩy mạnh được sự trao đổi này, thì sẽ góp phần làm cho kinh tế các nước trong vùng phát triển:

Chúng tôi tin rằng thị trường hơn 500 triệu dân của các nước trong vùng Đông nam á mang lại rất nhiều cơ hội. Chúng tôi tin rằng đây là điều mà chúng ta cần làm, đó là thống nhất một thị trường ASEAN, một nền kinh tế ASEAN. Dù cạnh đó chúng ta phải tính đến mức độ phát triển kinh tế tại mỗi nước.

Ông Aburizal Bakrie nói thêm rằng ông không tin là mọi người phải đợi đến cả 20 năm để cho mọi chuyện hình thành. Theo ông thì khối ASEAN có khả năng hình thành được một thị trường tự do sớm hơn thế. (BBC)

Tổng thống Bush bào chữa cho quyết định ra lệnh tiến quân vào Iraq.

Tổng thống Bush đang bào chữa cho quyết định của mình ra lệnh tiến quân vào Iraq bằng cách nói rằng những khám phá do người cầm đầu ngành thanh tra vũ khí đưa ra cũng đủ chứng minh cho hành động quân sự để lật đổ Saddam Hussein.

Ông Bush nói rằng bản phúc trình sơ bộ của ông David Kay cho thấy là trước khi có cuộc tiến quân vào Iraq, Saddam Hussein đang ráo riết thực hiện chương trình sản xuất vũ khí có tầm sát hại tập thể, đang tìm cách thủ đắc kỹ thuật học để sản xuất các phi đạn tối tân và như vậy là đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm nước này thủ đắc vũ khí có tầm sát hại tập thể.

Trước đó, một vài nhà lập pháp Hoa Kỳ nói rằng bản phúc trình của ông Kay chứng tỏ là Iraq không phải là một mối đe dọa khẩn trương như chính phủ nêu ra trong những tháng trước khi xảy ra chiến tranh. Ông thanh tra trưởng tường trình lên một ủy ban của thượng viện Mỹ rằng toán thanh tra của ông không tìm thấy vũ khí cụ thể có tầm sát hại tập thể nhưng tìm thấy đầy đủ bằng chứng về các chương trình để sản xuất vũ khí sinh học, hóa học và phi đạn. (VOA)