Trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Năm 6 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Martha, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài về mầu nhiệm cái chết, mời gọi chúng ta cầu xin Chúa ban ơn được chết trong hy vọng, trong lòng Giáo Hội và biết rằng chúng ta đã để lại cho cõi đời này một di sản là chứng tá đẹp đẽ của một Kitô hữu.

Dựa trên câu chuyện về cái chết của Vua Đa-Vít, Đức Thánh Cha nói rằng mặc dù ông là kẻ có tội, ông không phải là một kẻ phản bội đất nước và vẫn được hoài niệm trong lòng người Israel, dân riêng của Thiên Chúa. Chúng ta cũng nên xin Chúa ban cho ân sủng được chết trong ngôi nhà tinh thần của chúng ta, tức là trong lòng Giáo Hội. Như tôi đã nói, chúng ta tất cả là những người tội lỗi, nhưng Giáo Hội cũng giống như một người mẹ chấp nhận chúng ta bất kể thân phận tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta được thanh sạch.

Đức Thánh Cha cũng ghi nhận là Vua Đa-Vít được chết trong hòa bình, trong niềm xác tín rằng sau cái chết nhà vua sẽ được xum họp với tổ tiên của mình. Đây là một ân sủng, chúng ta có thể cầu xin được chết trong niềm hy vọng là ở thế giới bên kia gia đình và người thân của chúng ta sẽ chờ đợi chúng ta ở đó. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ đến Thánh Têrêxa thành Lisieux. Khi tiếp cận cái chết, vị thánh nữ này đã trải qua cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong chập chùng những ý tưởng ma quỷ muốn gieo vào lòng cô là không có gì ngoài bóng tối mịt mù đang chờ đợi cô. Ma quỷ không muốn cô tin tưởng vào Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng thừa biết cuộc sống là một cuộc tranh đấu và phải xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng được chết trong hy vọng. Để làm điều này, Đức Giáo Hoàng nói, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tin tưởng Thiên Chúa trong mọi khó khăn lớn nhỏ gặp phải hàng ngày, để hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa được phát triển và chúng ta quen thuộc với việc tín thác vào Chúa trong thịnh vượng cũng như lúc gian truân, khi này và trong giờ lâm tử.

Nhận xét cuối cùng của Đức Thánh Cha liên quan đến di sản Vua Đa-Vít để lại cho hậu thế sau 40 năm cai trị và chăm sóc dân Israel. Ông để lại di sản này cho con mình khi nói với chúng hãy tuân giữ luật Chúa, theo đường lối Chúa, và tuân giữ huấn lệnh Chúa. Đức Thánh Cha nhắc đến một ngạn ngữ theo đó “di sản tốt nhất chúng ta để lại cho con cháu là trồng một cây và viết một cuốn sách”. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi, “phần chúng ta, chúng ta để lại những gì cho con cháu? Chúng ta có mang đến cho đời sự khôn ngoan, có trồng cho đời một cây nào? Chúng ta có làm được những điều tốt lành để hậu thế có thể xem chúng ta như một người cha hay một người mẹ hay không?”

Di sản của chúng ta là chứng tá Kitô chúng tôi đưa ra cho người khác, như các thánh nhân đã mạnh dạn sống Tin Mừng và đã để lại cho chúng ta một con đường để noi theo trong cuộc sống của chúng ta.