Chúa nhật VIII Thường niên - A
Isaia 49: 14-15;Tvịnh 61;1Côrintô 4:1-5; Matthêu 6: 24-34


ĐỪNG LÀM TÔI HAI CHỦ

Trong nỗ lực diễn tả mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, các tác giả Kinh Thánh dường như không có một giới hạn nào về trí tưởng tượng thi ca. Thế nên, Thiên Chúa được hình dung như vị mục tử, vì vua, đá tảng, đại bàng, người thợ gốm, người cha, và hôm nay, ngôn sứ Isaia lại ám chỉ đến tình mẫu tử của Thiên Chúa. Trước trích đoạn sách ngôn sứ Isaia hôm nay, vị ngôn sứ miêu tả Thiên Chúa sinh hạ một cuộc sáng tạo mới và ông đã dùng cách diễn đạt sự sinh hạ này như sau: “Nhưng giờ đây, như sản phụ lâm bồn, Ta rên siết, Ta hổn hển, Ta thở chẳng ra hơi.”

Trong bài đọc hôm nay, hình ảnh người mẹ vẫn tiếp tục được gán cho Thiên Chúa. Dân chúng đang sống trong cảnh lưu đày và ngay trong câu liền trước trích đoạn Kinh Thánh hôm nay, ngôn sứ Isaia cam đoan với những người lưu đày rằng: “Vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người” (49,13). Lẽ ra phải có hạn từ “Nhưng” đứng ở đầu câu trích dẫn của Xion: “Nhưng Đức Chúa đã bỏ tôi…” để cho thấy dân chúng miễn cưỡng tin rằng Thiên Chúa thật sự đến để trợ giúp họ.

Một số người phải chịu đau khổ trong thời gian dài trung thành với Thiên Chúa như là niềm hy vọng duy nhất của mình, mà lại chẳng có dấu chỉ hữu hình nào của sự trợ giúp sắp xảy ra. Trong lúc đó những người khác lại mất hết hy vọng về việc Thiên Chúa sẽ đến cứu giúp họ. Trong nỗi tuyệt vọng, có thể họ đưa ra kết luận rằng Thiên Chúa nổi giận với họ vì những tội lỗi trong quá khứ họ đã trót phạm, đã lãng quên họ, hoặc không còn quan tâm để ý đến họ chút nào nữa! Họ sẽ là những người thốt lên rằng: “Nhưng Đức Chúa đã bỏ tôi…”

Những người làm việc trong các nhà tù sẽ nói rằng ngay cả các tội nhân đã làm những điều khủng khiếp cũng vẫn được mẹ của họ đến thăm nom sau nhiều năm sống trong tù, khi các bạn bè khác và gia đình đã bỏ rơi họ và lần lượt bỏ đi. Tôi nhớ có lần nói chuyện với một tù nhân đã thụ án trong tù được mười năm và đã lãnh án chung thân. Anh ấy nói: “Ngay cả mẹ con cũng không còn đến thăm nom con nữa cha ạ. Con như đã chết đối với thế giới bên ngoài.”

Có thể là dân Israel cũng cảm thấy như thế sau nhiều năm lưu đày. Thiên Chúa đã bao giờ ngưng chăm sóc họ chưa? Liệu Thiên Chúa có để ý và đến viếng thăm họ tại nơi họ bị giam cầm và giải phóng họ không? Vì vậy, ngôn sứ Isaia đã thấy cần thiết phải cậy nhờ đến một hình ảnh mạnh mẽ và có sức thuyết phục để an ủi dân chúng bị lưu đày trong tâm trạng hoài nghi và mệt mỏi – lúc này tình yêu của Thiên Chúa được ví như mẹ hiền. Thiên Chúa đáp lại lời than van của dân chúng rằng: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?” Tình yêu của người mẹ thì không bao giờ cạn và Thiên Chúa cũng giống như thế. Nhưng thậm chí một điều không thể tưởng tượng nổi có xảy ra đi chăng nữa, chẳng hạn người mẹ bỏ rơi đứa con của mình, thì Thiên Chúa hứa không quên dân mà Người đã sinh ra đâu: “Cho dù người phụ nữ có quên đứa con đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”

Không có đủ điều kiện để quy tụ những người dân lưu đày đang sống tản mác thành một cộng đoàn đức tin. Đền thờ của họ đã bị phá hủy, nền quân chủ cũng chẳng còn, và họ đã bị tống khứ ra khỏi quê hương rồi. Vì thế, khi ngôn sứ Isaia cần phải cậy nhờ đến một đơn vị xã hội hữu hình và nhạy bén dù đang sống trong cảnh lưu đày, ông đã khéo so sánh về tình mẫu tử và gia đình. Cuộc sống nơi quê hương và trong gia đình cung cấp cho ngôn sứ Isaia những hình ảnh cần phải dùng đến để ông thuyết phục dân chúng rằng: Thiên Chúa không quên họ và Người vẫn còn đáng cậy tin. Theo hình ảnh minh họa ở trên, cho dù một người mẹ không còn đến thăm nom đứa con của mình đang ngồi tù đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn thăm nom nó.

Ba tuần vừa qua chúng ta đã được nghe các bài đọc trích từ chương năm trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Giờ đây chúng ta đang nghe chương sáu; vẫn là một phần trích từ Bài Giảng trên Núi và vẫn nhắm đến các vấn đề tương tự như: nếp sống của một người môn đệ đang sống trong hiện tại và thấy trước được sự viên mãn của Nước Thiên Chúa. Những tuần trước chúng ta nghe về cách thức phải cư xử với nhau thế nào. Chủ đề xoay quanh nội dung về các mối tương quan. Giờ đây, chủ đề được nhắm đến là người môn đệ phải xem và sử dụng của cải vật chất thế nào.

Ngay trước trình thuật Tin Mừng hôm nay (các câu 19-21), Đức Giêsu đã nói với các môn đệ của Người là đừng có tích trữ của cải, vì Thiên Chúa đã là kho tàng của họ rồi. Hôm nay, Người cũng nói tương tự như thế nhưng theo một cách thức khác: “Không ai có thể làm tôi hai chủ…” Trong thời điểm tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao và hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng hơn, thì làm sao mà Đức Giêsu bảo chúng ta là đừng “lo lắng” về cơm áo gạo tiền được?

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng phải lo toan những nhu cầu cần thiết của cuộc sống và hạnh phúc của gia đình mình. Đó là điều bình thường. Nhưng Đức Giêsu cảnh báo về một sự lo lắng bận tâm hay chi phối khiến tiền bạc và của cải vật chất lại trở nên ông chủ mới của chúng ta. Nếu mục đích mà chúng ta nhắm đến là một nơi nào khác, thì tất nhiên chúng ta không còn nhắm đến Thiên Chúa nữa. Sự lo lắng về của cải vật chất như thế có thể khiến chúng ta rơi vào tình trạng: ít quan tâm đến những mối liên hệ của chúng ta, ngay cả trong chính gia đình mình; ít có xu hướng chia sẻ với người túng thiếu nghèo hèn, và ít nhận ra được nhu cầu của họ trong cộng đồng rộng lớn hơn; nhiều khả năng sử dụng tài nguyên trái đất cho mục đích của riêng mình và ít bảo tồn lợi ích của trái đất cho người khác; ít dang rộng vòng tay để đón tiếp thành viên mới, vì sợ phải chia sẻ với họ những gì chúng ta tự cho mình quyền được hưởng.

Đức Giêsu muốn nhắc nhớ chúng ta rằng: Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, mọi thứ khác mà chúng ta theo đuổi cũng do chính Người tạo nên. Chú tâm vào những thụ tạo có thể khiến chúng ta lãng quên Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc phát sinh mọi điều thiện hảo. Nếu Thiên Chúa là cùng đích của chúng ta, thì những chuyện Thiên Chúa bận tâm về thế giới này thế nào thì cũng sẽ quan tâm đến chúng ta như vậy.

Cùng với một nửa đất nước Mỹ, chúng ta đã có một mùa đông rất lạnh lẽo ở Texas. Một buổi sáng nọ, tôi đã đi ngang qua một con chim chết trên bãi cỏ bị đóng băng. Có thể nó đã chết vì đói. Với loài chim chóc luôn vất vả kiếm ăn như thế này, thì làm sao Đức Giêsu lại sử dụng chúng làm ví dụ về sự nuôi nấng và chăm sóc của Thiên Chúa được? Tôi không nghĩ là Đức Giêsu đang có ý nói về sự sinh tồn của đời sống động vật. Người muốn thay đổi ý thức của chúng ta để nhận ra những khả năng khác. Cuộc sống bao la rộng lớn hơn nhiều so với nỗi ưu tư về sự sinh tồn. Nói như thế không phải để phủ nhận việc lo toan thích đáng của con người ngày nay trên thế giới. Đối với hầu hết chúng ta là những người đang nghe Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng Đấng Tạo Hóa của mình là Thiên Chúa, Đấng hằng quan tâm lo lắng cho ta, và cho ta thấy được niềm hạnh phúc trong nỗi muộn phiền của thế gian. Nếu chấp nhận sự diễn tả này của Thiên Chúa, thì chúng ta có thể giảm bớt sự lo lắng nội tâm về bản thân, và hướng đến những người túng thiếu và những ai Thiên Chúa hằng quan tâm lo lắng đến họ.

Vua Salômôn đã được nhắc đến về sự khôn ngoan và vẻ đẹp lộng lẫy của hoàng tộc. Dân chúng khắp chốn gần xa đến để nghe ông nói và chiêm ngắm sự giàu có nơi cung điện của ông và vinh quang của Đền Thờ do ông xây cất. Nào có ai không muốn được như vua Salômôn? Tuy nhiên, Đức Giêsu nói: ngay cả một con chim (1)* nhỏ bé cũng được trang điểm rực rỡ hơn cả vua Salômôn nữa. Thay vì mục tiêu của chúng ta nhắm đến là những gì vua Salômôn đã có, Đức Giêsu lại xoay qua một con chim nhỏ, một bông hoa, và thậm chí là ngọn cỏ. Đức Giêsu không hề nói là chúng ta không nên ăn uống hay ăn mặc gì, nhưng giá trị của chúng ta trước nhan Thiên Chúa không đến từ vật chất, trái với cách thế gian vẫn đo lường giá trị của một người.

Thay vào đó, chúng ta có được sự huy hoàng và vinh quang của mình từ nơi Thiên Chúa, và điều đó nên được quan tâm trước tiên trong tâm trí và tâm hồn của chúng ta. Một người đáng giá bao nhiêu trước mắt Thiên Chúa? Thậm chí còn nhiều hơn sự giàu sang của vua Salômôn. Giá trị của chúng ta là những gì mình có ở trong lòng và đó là một tặng phẩm vô giá của Thiên Chúa ban cho. Chúng ta chẳng có gì cả, hay ta cũng chẳng thể làm gì cho chính mình để được tăng thêm giá trị trước nhan Thiên Chúa – mà chính ân sủng Thiên Chúa là nguồn gốc chắc chắn duy nhất của sự “huy hoàng” đích thực chúng ta.

Chuyển ngữ: A.E. Học viện Đaminh Gòvấp


(1)* đây tác giả so sánh vẻ đẹp của con chim với sự nguy nga của vua Salômôn. Nhưng trong Tin Mừng (Mt 6,28-29), Đức Giêsu đã so sánh bông huệ với vua Salômôn.



8th SUNDAY (A)
Isaiah 49: 14-15; Psalm 62; I Corinthians 4:1-5; Matthew 6: 24-34


The poetic imagination of the biblical writers seems to know no bounds in their attempt to describe our relationship with God. God is imaged as shepherd, king, rock, eagle, potter, father and, today, Isaiah refers to the motherhood of God. Prior to today’s passage Isaiah describes God’s giving birth to a new creation and he uses the language of childbirth, "But now, I cry out as a woman in labor, gasping and panting."

Today the mothering image for God continues. The people are in exile and in the preceding verse Isaiah assures the exiles, "For the Lord comforts his people and shows mercy to his afflicted" (49:13). There should be a "But" to begin the quote of what Zion says, "But the Lord has forsaken me....", indicating the people’s reluctance to believe that God is really coming to their aid.

Some people suffer for a long time clinging to God as their only hope when there are no visible signs of help on the horizon. While others despair that God will help them. They might conclude, in their desperation, that God is angry with them for past offenses, has forgotten them or, doesn’t care for them at all! They would be the ones to say, "But the Lord has forsaken me...."

People who work in prisons will say that even offenders who have done horrible things still get visits from their mothers after long years in prison, when other friends and family have given up on them and dropped away. I remember talking to a prisoner who had been in prison ten years and had a life sentence. He said, "Not even my mother visits me anymore Father. I am dead to the outside world."

That may be what the Israelites felt after years in exile. Had even God stopped caring for them? Would God take notice and come to visit them in their prison and set them free? Hence the need for Isaiah to draw on a powerful and persuasive image to console the doubting and exhausted exiles – God’s motherly love. God responds to the people’s lament, "Can a mother forget her infant, be without tenderness for the child of her womb?" A mother’s love is unfailing and so is God’s. But even should the unimaginable happen – a mother forsake her child – God promises not to forget the people God gave birth to: "Even should she forget, I will never forget you."

There wasn’t much to hold the scattered exiles together as a faith community. Their Temple had been destroyed, their monarchy lost and they had been forcibly removed from their homeland. So, when Isaiah needed to draw on one social unit that was still in tact and visible even in exile, he used the metaphor of motherhood and the family. The home and domestic life provided Isaiah with the images he needed to persuade the people that God had not forgotten them and that God was still trustworthy. Drawing on the previous example – even if a mother should stop visiting her child in prison, God would still show up.

The past three weeks we have heard readings from chapter 5 in Matthew. Now we are in chapter 6; still part of the Sermon on the Mount and still addressing similar issues: the life style of a disciple who is living in the present and anticipating the fullness of the kingdom of God. Previous weeks we heard how we were to treat one another. The topic was relationships. Now the focus is on how a disciple is to look upon and use material goods.

Just previous to today’s passage (vv. 19-21) Jesus told his disciples not to accumulate wealth – God was to be their treasure. Today he says the same thing in another way, "No one can serve two masters...." In a time of still high unemployment and a growing gap between the rich and the poor, how can Jesus tell us not to "worry" about food, drink and clothing?

Surely we are to provide for what is needed for our life and the welfare of our families. That would be normal. But Jesus is warning about a preoccupying or consuming worry which makes money and material things our new master. If our focus is elsewhere, it is not on God. Such worry about material goods might also make us: less concerned about our relationships, even within our own family; have less tendency to share with the needy and be aware of their needs in the larger community; more likely to use earth’s resources for our own purposes and less conserving of the fruits of the earth for others; less welcoming of the newcomer for fear of having to share with them what we claim is our due.

Jesus would have us remember: God is the creator, everything else we pursue is created. Focusing on created things can cause us to forget God, who is the source of all that is good. If God is our focus, then the things that concern God about our world should also concern us as well.

Along with half of the country, we had a very cold winter here in Texas. One morning I passed a dead bird on the frozen grass. It probably starved to death. How can Jesus use birds, which are always scurrying for food, as examples of God’s care and feeding? I don’t think Jesus is talking about the survival of animal life. He wants to shift our consciousness to see other possibilities. Life is much bigger than just worrying about survival. This is not to deny that in parts of the world today that’s exactly what people are doing. For most of us listening to the gospel today Jesus wants to open our eyes to our creator God who is concerned about us and the well being of the distressed of the world. If we accept this description of God, then we can lower our inner anxiety level about ourselves and turn to those who lack and who are the focus of God’s concern.

Solomon was noted for his wisdom and for the splendor of his royal household. People came from near and far to hear him speak and see the opulence of his court and the glory of the Temple he built. Who wouldn’t want to be like Solomon? Yet, Jesus says, even a simple bird is arrayed in grander splendor than Solomon. Instead of having as our goal what Solomon had, Jesus turns to a simple bird, a flower and even the grass. Jesus isn’t saying we shouldn’t eat, drink or dress, but that our worth in God’s eyes doesn’t come from things – contrary to how the world measures a person’s worth.

Instead, we have our splendor and glory from God and that should come first in our minds and hearts. How much is a person worth in God’s eyes? Even more than the wealth of Solomon. Our worth is what we have within us and that is a free gift of God. Nothing we own, or can do for ourselves, gains us value in God’s eyes – God’s grace is the only sure source of our true "splendor."