Bloomberg đăng hình Đức Phanxicô cùng ngồi tại Vườn Vatican với hai nguyên thủ quốc gia Israel và Palestine. Ba vị có ba thế thân khác nhau: Đức Phanxicô chỉnh tề trên ghế chăm chú theo dõi bản văn nghi lễ; bên phải ngài, ông Peres cũng chỉnh tề nhưng không nhìn vào bản văn, trái lại nhìn thẳng về phía trước; bên trái ngài, ông Abbas ngồi tựa khủyu tay vào tay ghế, mắt chăm chú nhìn vào sách nghi lễ.

Andrew Frye và Alessandra Migliaccio của Bloomberg cho hay ba vị gặp nhau “để cầu nguyện theo nhóm và thương thảo tư riêng về hòa bình”. Đức Phanxicô thì cho biến cố này một chiều kích thật rộng lớn. Ngài nói: sự hiện diện của hai ông Peres và Abbas là “một biểu tượng lớn của tình anh em”. Theo ngài, người đang sống có trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai và những ai từng mất mạng sống trong việc mưu tìm hòa bình.

Ngài cầu nguyện: “Nhiều lần, nhiều năm, chúng con đã cố gắng giải quyết các xung đột của chúng con bằng sức mạnh và vũ khí với không biết bao thời khắc thù nghịch và đen tối, biết bao máu đào đổ ra, biết bao cuộc đời tan nát, biết bao niềm hy vọng bị chôn vùi. Nhưng các cố gắng của chúng con chẳng đi tới đâu. Giờ đây, lạy Chúa, xin chính Chúa ban hòa bình cho chúng con”.

Tờ New York Times thì đăng hình Abbas đang ôm Peres, lưng quay vào ống kính; Peres nhìn thẳng phía trước mỉm cười, trong khi Đức Phanxicô mỉm cười đứng nhìn. Jim Yardley và Jodi Rudoren của tờ này đặt tựa đề cho tường trình của họ là “Tại Vatican, Ngày Cầu Nguyện Tập Chú vào Đoàn Kết”.

Hai ký giả này cho hay đây là một buổi nghi lễ cực kỳ có tính biểu tượng, một “thượng đỉnh cầu nguyện” được đạo diễn cẩn trọng tại Vườn Vatican. Câu hai ký giả này lưu tâm nhất là câu nói của Đức Phanxicô: “Tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ đánh dấu buổi khởi đầu của một hành trình mới để ta tìm kiếm những gì đoàn kết, ngõ hầu vượt qua được những gì chia rẽ”.

Chính vì thế, trong suốt buổi lễ, ông Peres và ông Abbas đã tránh mọi tuyên truyền chính trị quen thuộc. Không ai nhắc tới cuộc chiến năm 1967 hay các biện pháp an ninh hiện thời. Ông Abbas không sử dụng chữ “chiếm đóng” cũng chẳng sử dụng chữ Israel, tuy có nhắc tới người Do Thái.

Tuy thế, vẫn có những ám chỉ khá khiêu khích. Ông Abbas gọi Giêrusalem, vốn được hai bên coi như thủ đô của mình, là “Thành Thánh của chúng tôi” và nói tới “Đất Thánh Palestine”. Còn ông Peres thì mô tả Giêrusalem là “trái tim sinh động của nhân dân Do Thái” và là “chiếc nôi của ba tôn giáo độc thần”.

Ông Abbas cũng cầu nguyện cho một “quốc gia có chủ quyền và độc lập” và nói rằng người Palestine “khao khát một nền hòa bình công chính, một lối sống xứng đáng và được tự do” ngụ ý rằng họ đang bị tước các quyền này dưới sự chiếm đóng của Israel.

Ông Peres không nhắc tới các vụ tấn công bằng hỏa tiễn từ Giải Gaza, nhưng có gián tiếp nói tới chúng bằng cách trích dẫn Thánh Kinh rằng: “Dân tộc này không dùng gươm giáo chống lại dân tộc kia, họ cũng không huấn luyện về chiến tranh nữa”.

Trước buổi lễ tại Vườn Vatican, ba vị cỡi xe búyt nhỏ tới, cùng với Thượng Phụ Barthôlômêô của Constantinople, nhà lãnh đạo tinh thần thế giới Chính Thống Giáo. Có những lúc, họ cùng phá lên cười với nhau.

Reuters đăng tới ba tấm hình. Tấm thứ nhất cho thấy Đức Phanxicô đang đọc diễn văn (chắc là bằng tiếng Ý?). Trong khi ấy, ông Peres chăm chú dán mắt vào một tờ giấy khổ A4 mở rộng (có thể là 1 bản dịch sang tiếng Do Thái) còn ông Abbas thì tay cũng cầm tờ giấy cùng khổ nhưng mắt lại hướng về Đức Phanxicô. Bức thứ hai chụp ông Abbas đang nắm tay Đức Phanxicô nhưng hai vị không nhìn nhau, trong khi ông Peres đứng xa mỉm cười nhìn, không thẳng lắm. Bức thứ ba chụp Đức Phanxicô ôm vai ông Peres, hai người nhìn thẳng vào mặt nhau, trong khi ông Abbas đứng khá xa, nghiêm chỉnh nhìn tới chỗ hai vị kia.

Philip Pullella của hãng tin này đặt tựa đề cho bài tường trình của mình là “Đức Giáo Hoàng nói: người Do Thái và người Palestine phải tìm kiếm hòa bình 'một cách dũng cảm trong đối thoại'”.

Ngài nói với hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine rằng họ nên đáp ứng khát vọng hòa bình của nhân dân hai nước. Ngài nói: “kiến tạo hòa bình đòi phải có can đảm, nhiều hơn là gây chiến. Nó đòi ta can đảm để nói có với gặp gỡ và nói không với tranh chấp; nói có với đối thoại và nói không với bạo lực; nói có với thương thuyết và nói không với thù nghịch”.

Trong dịp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: việc các trẻ em trở thành nạn nhân vô tội của chiến tranh và tranh chấp khiến việc tìm kiếm hòa bình trở thành một mệnh lệnh. Ngài bảo: “ký ức về các trẻ em này truyền dẫn trong ta lòng can đảm của hòa bình, sức mạnh để ta trì chí một cách dũng cảm trong đối thoại”.

Ông Peres, nay đã 90 tuổi và sắp rời bỏ chức vụ vào tháng 7 này, thì cho hay: ông là một ông già từng “chứng kiến chiến tranh” và “nếm thử hòa bình”; theo ông, mọi nhà lãnh đạo có nghĩa vụ phải đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái họ.

Ông Abbas thì cầu xin Thiên Chúa “đem hoà bình toàn diện và công chính lại cho nước và vùng chúng con để nhân dân chúng con và nhân dân Trung Đông cũng như nhân dân khắp thế giới được hưởng thành quả của hòa bình, ổn định và chung sống”.

Đức Giáo Hoàng, hai nhà lãnh đạo chính trị và Thượng Phụ Barthôlômêô đã cùng trồng một cây Ôliu, còn các phái đoàn thì bắt tay nhau trong khi nhạc được trổ lên. Bốn vị sau đó đã nói chuyện riêng với nhau trong 20 phút trước khi hai ông Peres và Abbas rời Vatican.

Cần nhắc lại rằng các giới chức Vatican luôn dè dặt đối với các hy vọng cho rằng cuộc gặp gỡ này sẽ dẫn tới việc khai thông tức khắc các bế tắc thương thuyết hiện nay giữa Israel và Palestine. Vatican nói rõ mình không muốn pha mình vào các vấn đề của vùng và cũng không muốn dính líu vào các chi tiết của thương thuyết.

Thủ tường Israel, ông Benjamin Netanyahu, người quyết định chính của Israel, không tham dự buổi cầu nguyện này và cũng từ khước không chịu liên lạc với chính phủ đoàn kết của Palestine. Ông cũng không đưa ra lời nhận định trực tiếp nào về buổi cầu nguyện chung này. Tuy nhiên, trong một nhận xét vào hôm Chúa Nhật vừa qua tại căn cứ cảnh sát bán quân sự, ông có gợi ý rằng: cầu nguyện không thay thế được cho an ninh. Ông nói với cảnh sát: “Hàng ngàn năm nay, nhân dân Israel đã ngày ngày cầu nguyện cho hòa bình. Nhưng cho tới khi hòa bình xuất hiện, chúng tôi vẫn phải tiếp tục tăng cường các bạn để các bạn có thể tiếp tục bảo vệ Quốc Gia Israel. Xét đến cùng, đó là điều bảo đảm tương lai của chúng ta và cũng sẽ đem lại được hòa bình”.

Tờ Haaretz tại Giêrusalem thì đăng lại tấm hình như của Bloomberg trên đây, nhưng trong hình này có thêm một vị giáo sĩ Do Thái đang đứng ở bục nghi lễ. Tờ này chỉ đăng lại các tường trình của Reuters và AP và cho hay đây là “buổi gặp gỡ cầu nguyện chưa có tiền lệ”.

Hai tường trình này thuật lại cảnh tượng tại Nhà Thánh Mácta nơi ông Peres và ông Abbas ôm hôn nhau, “đùa dỡn với nhau”.

Về chính cuộc gặp gỡ, tuy giới chức Vatican không nhấn mạnh tới chiều kích chính trị, nhưng linh mục Thomas Reese, một nhà phân tích kỳ cựu về Vatican trên tờ National Catholic Reporter, cho hay “Ở Trung Đông, các cử chỉ và những bước thay đổi nhỏ có tính biểu tượng là điều rất quan trọng. .. Vả lại ai biết được phía sau cánh cửa kín mít tại Vatican đang xẩy ra những cuộc thảo luận nào”.

Chính quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, cũng nói rằng không nên coi thường sức mạnh của cầu nguyện trong việc thay đổi thực tại. Ngài nói: “Cầu nguyện có sức mạnh chính trị mà ta có thể không nhận ra… Cầu nguyện có thể biến đổi các tâm hồn và do đó biến đổi lịch sử”.