CÁC CA ĐOÀN GXVN PARIS HỌC HỎI VỀ « PHỤNG VỤ, THÁNH NHẠC VÀ CA ĐOÀN »

Thứ bảy, ngày 07 tháng VI năm 2014. Các ca đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris đã đáp lời mời của Ông Võ Tri Văn, Ủy Viên Phụng vụ và Thánh ca, trở về giáo xứ để cùng nhau họp mặt và hội học. Họp mặt và hội học của 14 ca đoàn Paris và ngoại ô đã trở thành truyền thống. Theo những tài liệu mà tôi ghi nhận và lưu trữ, đây là lần họp mặt hội học thứ 10 của các ca đoàn GXVN Paris.

1. Chia sẻ kinh nghiệm hát thánh ca phụng vụ, ngày 30.IV.2005, với cha Vũ Thái Hòa.

2. Khóa huấn luyện ca trưởng, hai ngày 21 và 23.IV.2006, với cha Vũ Thái Hòa.

3. Họp mặt các ca đoàn, « Trao đổi về thánh ca », ngày 29.IV.2006, với cha Nguyễn Thành Sang.

4. Diễn nguyện thánh ca, ngày 29.IV.2007, với cha Giuse Nguyễn Văn Việt.

5. Học hỏi về « Các thừa tác viên công bố Lời Chúa », ngày 23.II.2008, với cha Giuse Nguyễn Văn Việt.

6. Học hỏi về đề tài « Con tim muốn hát », ngày 26.IV.2008, với cha Phêrô, cha Phaolô và Sơ Maria.

7. Điễn nguyện thánh ca với chủ đề : « Con tìm Chúa hay Chúa tìm con », ngày Chúa Nhật 21.XII. 2008, với Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương.

8. Diễn nguyện thánh ca với chủ đề « Mến ơi », Chúa Nhật 03.VII.2010, với cha Vũ Mộng Thơ.

9. Học hỏi về đề tài « Tin và Hát với nhau », ngày 18.V.2013.

Hôm nay, ngày 07.VI.2014, lần hội học thứ mười, đề tài hướng về « Phụng vụ, Thánh nhạc và Ca đoàn », do linh mục Giuse Nguyễn văn Hiển, dòng Đa Minh, trình bày.

Tựa vào 2 tài liệu chính, là « Hiến chế về Phụng vụ » của Công Đồng Vatican II và « Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ » của Thánh bộ Lễ nghi ngày 05 tháng 03 năm 1967, Cha Giuse đã khai triển 3 khía cạnh sau đây : 1. Công đồng Vatican II nói về phụng vụ. 2- Thánh nhạc trong phụng vụ. 3- Vai trò của ca đoàn trong các cử hành phụng vu.

Vì ích lợi của việc đào tạo liên tục, sau đây, chúng tôi xin phép cha Giuse được trích đăng nguyên văn bài của cha, để mọi ca viên trong các ca đoàn có tài liệu học hỏi và tham khảo.

Hiến chế về Phụng vụ-Sacrosanctum concilium của Công đồng Vatican II, số 14 : Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do chính bản tính phụng vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa Tội, việc tham dự phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, “là giòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân được tuyển chọn” (1P 2,9; x. 2,4-5)

I.- CÔNG ĐỒNG VATICAN II NÓI VỀ PHỤNG VỤ

Chúng ta biết rằng, trước Công đồng chung Vatican II, việc cử hành phụng vụ, nhất là cử

hành thánh lễ, là công việc của riêng linh mục. Nghĩa là giáo dân không có vai trò gì; họ tham

dự vào các mầu nhiệm thánh qua việc lần chuỗi hay đọc các sách đạo đức, và thưa “Amen” sau khi nghe đến các chữ “in saecula, seculorum” của linh mục trên bàn thờ. Nhưng kể từ sau Công đồng Vatican II, việc cử hành phụng vụ của Giáo Hội đã mang một khuôn diện mới: Phụng vụ là công việc chung của toàn thể Giáo Hội.

1.- Khái niệm về phụng vụ :

Trước hết, chữ Phụng vụ trong tiếng Việt, liturgie trong tiếng Pháp được chuyển dịch bởi chữ liturgia trong tiếng latin, và có nguồn gốc hy lạp bởi chữ leiturgia, có ý nghĩa trước tiên là việc phục vụ công cộng, công ích hay ngay cả phục vụ cho ích lợi xã hội, nhà nước. Trong Kinh Thánh, cụm từ này chỉ việc phụng vụ trong đền thờ, như việc dâng lễ tạ ơn Chúa thay cho dân : « Zacaria » thực hiện vai trò dâng lễ tạ ơn thay cho toàn dân. Cũng cần nói thêm chữ leiturgia được dịch là offcium, ministerium, munus.

Công đồng Vatican II nói với chúng ta rằng: Phụng vụ là “việc thực thi chức vụ tư tế của

chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những

dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả

Ðầu cùng các chi thể của Người”

2.- Giá trị của Phụng vụ

Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần hiến tế và ăn tiệc của Chúa. Vì thế, chính Phụng vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu đồng thời Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh; đó là điều mà mọi công việc khác của Giáo Hội đều qui hướng về như là cứu cánh. Hai ý nghĩa chính của việc cử hành Phụng vụ : “tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người”,

3.- Việc tham dự vào các cử hành phụng vụ là công việc của toàn thể Giáo Hội

Việc cử hành phụng vụ là công việc chung của toàn thể Giáo Hội, nó không là công việc

của riêng một các nhân, cho nên, mọi người đều được mời gọi tham dự cách tích cực, ý thức và nảy sinh hoa trái vào công việc chung này. Và « Ðể phát huy việc tham gia linh động, cần phải cổ xúy những lời tung hô của dân chúng, những lời đối đáp, những bài ca vịnh, tiền khúc, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ, thái độ của thân xác ».

Tuy nhiên, Công đồng cũng nhắc nhở ở số 28 rằng : « Là thừa tác viên hay là tín hữu, trong các việc cử hành phụng vụ, mỗi người khi chu toàn phận vụ, chỉ thi hành trọn những gì

thuộc lãnh vực mình tùy theo bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ ».

II.- THÁNH NHẠC TRONG PHỤNG VỤ

Ngay từ những ngày đầu thuở Giáo Hội mới khai sinh, mỗi khi có dịp hội họp lại với nhau để cử hành Phụng vụ, các tín hữu luôn dùng lời ca tiếng hát để tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa. Quả thật, trong Sách Công vụ các Tông đồ và các thư của thánh Phaolô đã đề cập đến những việc này : Nhưng trước đó, cũng cần phải nói rằng, chính Đức Giêsu và các tông đồ đã làm việc này trong khi cử hành tiệc Vượt qua. Thánh sử Luca đã kể rằng, Phaolô và Xila đã hát

thánh ca cầu nguyện ngay trong ngục (Cv 16,25). Thánh Phaolô cũng đã từng khuyến dụ các tín hữu Êphêxô rằng : “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19). Người cũng viết cho các tín hữu Côlôxê: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng” (Cl 3,16c).

Từ đó đến nay, vai trò của Thánh nhạc trong Phụng vụ vẫn được Giáo Hội đề cao và quan

tâm cách đặc biệt, cho đó là ngôn ngữ và là thành phần thiết yếu của Phụng vụ trọng thể.

1.- Giáo huấn của Giáo Hội về Thánh nhạc trong phụng vụ

Chúng ta chỉ nêu ra ở đây một vài giáo huấn của Giáo Hội về vai trò của Thánh nhạc trong cử hành phụng vụ, để từ đó chúng ta tìm hiểu tham dự của chúng ta vào việc hát Thánh nhạc trong các buổi cử hành phụng vụ. Công đồng Vatican II đã khẳng định giá trị của Thánh

nhạc, qua trước hết trong Hiến chế Phụng vụ, các số 112-114 :

Truyền thống âm nhạc của Giáo Hội trên khắp hoàn cầu đã cấu tạo nên một kho tàng vô giá, vượt khỏi mọi nghệ thuật khác. Lí do chính là vì thánh ca đi liền với câu kinh để kết thành một phần cần thiết hoặc kiện toàn phụng vụ trọng thể. Do đó, Thánh nhạc càng liên kết với phụng vụ chặt chẽ thì càng nên một nhạc thánh hơn, vì nó phát biểu lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn, giúp cho sự đồng thanh nhất trí và làm cho nghi lễ càng thêm long trọng. Giáo Hội chấp nhận và dùng vào phụng vụ tất cả những hình thức nghệ thuật có đủ điều kiện của nghệ thuật đích thực (HCPV, số 112).

Vì thế, « phải hết sức thận trọng gìn giữ và trau dồi kho tàng Thánh nhạc, phải cố gắng

đào tạo các ca đoàn. Các Giám mục và các vị chủ chăn hãy nhiệt thành lo cho toàn thể cộng đoàn tín hữu có thể tham dự thánh lễ cách linh động những phần riêng dành cho họ trong các nghi lễ cử hành với kinh hát » (HCPV, số 114).

Kế đến, “Huấn thị về âm nhạc trong Phụng vụ” được ban hành ngày 05 tháng 03 năm 1967, do Bộ Phụng tự, nghi lễ và kỷ luật các Bí tích đòi hỏi : Thánh nhạc là những loại âm nhạc được sáng tác để phụng thờ Thiên Chúa, vì thế Thánh nhạc phải biểu lộ được sự thánh thiện và diễn tả được hình thức nghệ thuật cao.

Để đáp ứng đòi hỏi này, trong tất cả các nghi lễ phụng vụ do cộng đồng dân Chúa cử hành, dưới quyền chủ toạ của Đức Giám Mục, linh mục, hoặc các thừa tác viên có chức thánh, ca đoàn, với khả năng ưu tú của họ, đã được chọn làm một thừa tác viên, một nhân tố sống động

của cộng đồng dân Chúa, với nhiệm vụ làm cho các nghi lễ thêm rực rỡ vui tươi và giúp cho

giáo dân tham gia tích cực vào việc ca hát.

2.- Mục đích của Thánh nhạc

Thực vậy, vai trò của Thánh nhạc (hay âm nhạc) trong phụng vụ là : giúp con người cầu nguyện và là trợ tá cho các cử hành phụng vụ. Vì vậy, âm nhạc không lấn át các cử hành phụng vụ, nhưng trợ giúp và làm cho các cử hành trở nên trang trọng, hân hoan, nó giúp con người hướng lên cùng Thiên Chúa, chứ không làm ngược lại bằng cách lội kéo và hướng chú ý của con người về chính mình. Để đạt tới mục đích cao trọng của Thánh nhạc là: « Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá tâm hồn các tín hữu ».

Do đó Thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu. Thánh nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn, vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng.

a). Thánh nhạc là làm vinh danh Chúa (HCPV, số 112) Mục đích chính trước tiên và trên hết của Thánh nhạc nhắm đến không gì khác hơn phải là để tôn vinh Thiên Chúa. Muốn đạt được mục đích này, người thực hiện Thánh nhạc trong Phụng vụ cần tuân giữ các quy tắc, luật lệ của truyền thống. Bên cạnh, chúng ta cần phải biết khảo cứu những thể loại, các đặc điểm của những tác phẩm âm nhạc cổ thời của Giáo Hội, để qua đó có thể sáng tạo nên những tác phẩm mới có giá trị xứng đáng trong kho tàng âm nhạc của

Giáo Hội. Như vậy, Thánh nhạc chỉ đạt được mục đích chính yếu là làm vinh danh Chúa khi nào Thánh nhạc tuân theo những truyền thống và sự hướng dẫn của Giáo Hội.

b). Thánh nhạc thánh hóa các tín hữu (Huấn thị về Thánh nhạc, số 4)

Bên cạnh việc phụng thờ Thiên Chúa, Thánh nhạc có nhiệm vụ nâng tâm hồn người tín

hữu vươn lên tới Chúa trong các buổi cầu nguyện, nhất là trong phụng vụ Thánh lễ; và nhờ đó

mà họ được thánh hóa. Muốn vậy, Thánh nhạc phải có tính thánh thiện. Tính thánh thiện của

Thánh nhạc được ẩn sâu trong chính bản chất của nó là sự chân chính, đích thực, sống động,

trong sáng, thanh cao… thể hiện rõ trong những ý nhạc lời ca. Điều này được thánh Augustin đã thổ lộ rằng : « Khi hát lên như vậy, Thánh nhạc có khả năng nâng tâm hồn người tín hữu vươn lên tới Thiên Chúa ». Do đó, không thể biến Thánh nhạc thành một thể loại nhạc thời trang, nhất thời, mau qua vào trong các Thánh lễ, nhất là trong các Thánh lễ dành cho giới trẻ.

c). Sứ vụ tông đồ của Thánh nhạc : nâng đỡ đời sống Đức Tin và Tân Phúc Âm hóa”

Thiết tưởng những lời khuyến cáo và niềm mong ước của Đức Giáo Hoàng Piô XII trong

Thông điệp Mediator Dei cần được lập lại nơi những cộng đoàn này: « Tín hữu luôn tham dự

các cử hành phụng vụ thánh không thể là những khán giả câm lặng và xa lạ... Họ phải cảm nhận sâu xa nét thẩm mỹ của phụng vụ; họ phải lần lượt, theo luật định, góp tiếng với chủ tế và ca đoàn... Ước gì tiếng của toàn dân vọng lên tới trời, đồng nhất và mạnh mẽ như tiếng sóng đại dương, biểu lộ nhịp nhàng và sinh động sự hiệp nhất một trái tim, một tâm hồn, phù hợp với tình huynh đệ của các con một Cha chung ».

Ngỏ lời với các tham dự viên Hội nghị quốc gia các ca đoàn do Hiệp hội Thánh nhạc Santa Cecilia của Italia tổ chức tại Rôma trong ngày 10 và 11 tháng 11 năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: « Thánh nhạc có thể nâng đỡ Đức tin và đóng góp cho công cuộc Tân

Phúc âm hóa ». Đức Thánh Cha diễn giải điều này cách sâu sắc như sau:

Về niềm tin, sự kiện thánh Augustin trở lại chắc chắn có sự tác động của những buổi nghe hát Thánh vịnh và Thánh thi trong các cử hành Phụng vụ do Thánh Ambrôsiô chủ tọa. Quả thật, nếu Đức Tin luôn phát sinh từ lắng nghe Lời Chúa, sự lắng nghe không đơn thuần dừng lại

nơi các giác quan mà đi từ giác quan đến trí và tâm. Hiển nhiên âm nhạc, và nhất là bài hát, đem lại cho các bài Thánh vịnh và các bài ca Thánh Kinh một sức mạnh thông truyền lớn lao. Thánh Ambrôsiô được Chúa ban nhiều ơn riêng, trong đó phải kể đến sự nhạy cảm và khả năng âm nhạc. Sau khi được tấn phong làm giám mục Milan, thánh nhân đã dùng tài âm nhạc được Chúa ban để phục vụ Đức Tin và Phúc âm hóa.

Đề cập mối liên hệ giữa Thánh nhạc và công cuộc Tân Phúc âm hóa, Đức Bênêđíctô còn nhắc lại giáo huấn của Công đồng qua Hiến chế về Phụng vụ như sau: « Tầm quan trọng của Thánh nhạc trong sứ mạng truyền giáo đến với muôn dân, đồng thời cổ võ việc phát huy truyền thống âm nhạc của các dân tộc. [….] hãy lại đến với sứ điệp Kitô giáo và những mầu nhiệm Đức Tin ». Đức Giáo Hoàng mời gọi những tham dự viên hãy ra sức nâng cao chất lượng nhạc phụng vụ, nhất là trong nhạc bình ca Grêgôrianô và nhạc đa âm… Điều này cũng đúng đối với nhạc Phụng vụ.

III.- VAI TRÒ CỦA CA ĐOÀN TRONG CÁC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Ca đoàn có một vai trò và nhiệm vụ cao quí. Một điểm cần nhắc lại rằng, trong khi cử hành phụng vụ chúng ta thấy có những thừa tác vụ như sau : các tác vụ bàn thờ, các tác vụ Lời Chúa và tác vụ phục vụ cộng đoàn. Ca đoàn thuộc vào thành phần phục vụ cộng đoàn. Cũng cần nhớ rằng, ngay từ thế kỷ thứ Ve, ở Roma, dưới thời Đức Giáo Hoàng, thánh Léon le Grand (440-461) đã xuất hiện ca đoàn (scholae cantorum).

Hoạt động phụng vụ mang một hình thức cao quí hơn khi các việc phụng tự được cử hành một cách long trọng, với tiếng hát do các thừa tác viên có chức thánh chủ sự và giáo dân tích cực tham dự (HCPV, số 113).

Điều này chính ĐGH Phaolô VI đã nói như sau : « Nếu đọc kỹ các tài liệu về Thánh nhạc, người ta sẽ thấy rõ, ngay cả bây giờ, nhiệm vụ Hội Thánh giao cho Thánh nhạc, những người sáng tác cũng như các nhạc công, các ca đoàn và những người hát trong nhà thờ thật là cao quí và hệ trọng, như từ trước đến nay vẫn thế. Khi cử hành phụng vụ, phải biết thể hiện những hình thức nghệ thuật sao cho thật hay, thật đẹp, như kèm theo các nghi thức là những cử điệu khoan thai, đẹp mắt, xứng hợp, trang trọng, cung giọng trong sáng dễ nghe, dễ đáp ; như đi đôi với lời cầu nguyện của Hội thánh là những bài hát vừa hay vừa cảm động, lại có sức nâng

tâm hồn người nghe lên cùng Thiên Chúa và giúp cầu nguyện.

Âm nhạc tỏa chiếu trên cộng đoàn họp nhau lại nhân danh Chúa Kitô một thứ ánh sáng rực rỡ như chính gương mặt của Người vậy. Nhờ sức mạnh vô hình của nghệ thuật, các ca đoàn dễ bay lên vùng ánh sáng rạng ngời của chân lý, tìm gặp Thiên Chúa là Đấng thanh tẩy và thánh

hóa. Như thế, họ có thể giúp cộng đoàn cử hành mầu nhiệm cứu độ trong những điều kiện thuận lợi khi chính họ thông phần mật thiết vào các ơn ích của mầu nhiệm đó. Nhằm mục đích này, những tài liệu tôi vừa trưng dẫn, nhằm cổ võ các ca đoàn, từ những ca đoàn trong các đại giáo đường, các nhà thờ chánh tòa, các đan viện nổi tiếng cho tới các ban hát trong các nhà nguyện, nhà thờ nhỏ, say sưa tập luyện và chuyên cần trau dồi nghệ thuật. Huấn thị về Thánh nhạc muốn rằng không một buổi cử hành phụng vụ nào mà không có hát, nên đã yêu cầu trong trường hợp không có ban hát nhỏ, thì phải có ít là hai hay ba người biết hát và được huấn luyện vừa đủ, để có thể giúp giáo dân tham dự thánh lễ và các nghi thức bằng những bài hát đơn sơ dễ hát, lại biết điều khiển và làm điểm tựa cho họ dựa vào để hát. Qua những lời lẽ trên, Hội Thánh tỏ ra săn sóc đặc biệt đến các ca đoàn, kêu mời họ đạo và cha sở lưu tâm đến ca đoàn. Lý do của sự quan tâm này là vì các ca đoàn góp phần vào việc tôn vinh thờ phượng Chúa, một nhiệm vụ hàng đầu của Hội Thánh. Đó là bản chất và lý hữu của ca đoàn ».

1.- Định Nghĩa:

Ca đoàn là một tập thể các tín hữu, nhờ vào khả năng chuyên môn của họ về âm nhạc, được tuyển chọn giữa Cộng đồng dân Chúa để thi hành thừa tác vụ ca hát trong các cử hành phụng vụ.

2.- Vai Trò:

Là những người cử hành phụng vụ cùng với linh mục và các thừa tác viên khác, ca đoàn đóng một vai trò nòng cốt là làm thế nào để lời ca tiếng hát của mình tăng thêm sự tưng bừng và linh động mà không làm mất đi vẻ tôn nghiêm, trang trọng và đạo đức của các nghi lễ Phụng vụ. Phần chung giới thiệu Sách lễ Rôma số 63 ghi rõ : « Ca đoàn là điểm tựa, là chỗ dựa cho cộng đoàn, tiếng hát của ca đoàn phải nâng đỡ và hỗ trợ cho cộng đoàn và giúp mọi người tham dự cách linh động vào việc ca hát ».

Vai trò ca hát này đã được Thánh bộ Nghi lễ đề cao trong số 5 của “Huấn Thị về âm nhạc trong Phụng vụ” như sau: “Lễ nghi phụng vụ sẽ mang hình thức cao quí hơn, khi được cử

hành kèm theo ca hát, khi mỗi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân

chúng tham dự. Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn; mầu

nhiệm Phụng vụ với những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn;

lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng ca, và tinh thần của con người cũng dễ dàng được nâng cao hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình”. (Ban Thánh nhạc Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, Tài Liệu Thánh nhạc, Việt Nam 1994, trang 64-68.)

Ở số 16, Thánh bộ Nghi lễ còn xác nhận thêm: “Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành Phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức

của mình ra bằng lời ca tiếng hát”. (Ban Thánh nhạc Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, Tài

Liệu Thánh nhạc, Việt Nam 1994, trang 64-68.)

3.- Nhiệm Vụ:

Để có thể thể hiện đúng vai trò nòng cốt trên đây, ca đoàn phải chu toàn ba nhiệm vụ Phụng vụ chính của mình : 1° hát đúng những phần dành riêng cho mình tùy theo các loại bài hát, 2° hát thay cho cộng đoàn khi họ chưa được tập luyện đủ và 3° giúp cho cộng đoàn tham gia tích cực vào việc ca hát.

Về chỗ đứng của ca đoàn : Là thành phần của tín hữu, nên chỗ ngồi của ca đoàn phải là ở giữa cộng đoàn dân Chúa, là nơi để các ca viên chu toàn tốt chức năng của mình và tham dự thánh lễ đầy đủ, sốt sắng, kể cả việc rước lễ.

Tóm lại, với vai trò là một thành phần nòng cốt chứ không phải là toàn thể cộng đoàn, ca đoàn như một hạt nhân, một chất xúc tác, một nhúm men trong đấu bột, có nhiệm vụ trợ giúp, nâng đỡ tiếng hát cho cộng đoàn. Bên cạnh đó, ca đoàn còn phải luôn cổ võ và khuyến khích Cộng đoàn tham gia tích cực vào việc ca hát, nêu gương cho họ bằng sự chuyên cần tập luyện, sự trau giồi học hỏi và sự trình tấu chu đáo các bài thánh ca17. Đừng quên rằng: không riêng gì

chủ tế và ca đoàn, mà tất cả cộng đồng dân Chúa đều được mời gọi tham gia vào phụng vụ một cách linh động và tích cực, nhất là bằng lời ca tiếng hát, bởi vì “tiếng hát của Cộng đoàn là ưu việt và không thể bỏ được”.

4. Việc huấn luyện ca đoàn

Có ba việc cần chú ý đặc biệt : Không những ca trưởng mà cả toàn thể các ca viên đều được đào tạo về thánh nhạc, phụng vụ và đạo đức (Xem Huấn thị về Thánh nhạc trong Phụng vụ, số 24).

Tóm lại, Việc tham dự vào phụng vụ là một quyền lợi và bổn phận của những người mang danh Kitô hữu nhờ bí tích thánh Tẩy. Việc tham dự vào phụng vụ, cho chúng ta nếm thử trước của phụng vụ Thiên quốc (HCPV, số 8), mà ở đó, tất cả cùng hợp đoàn ca tụng Thiên Chúa trong bữa tiệc vĩnh hằng mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta.

Để chuẩn bị cho việc tham dự này, Giáo Hội không ngừng mời gọi chúng ta tham dự vào các cử hành phụng vụ trần thế trong việc tôn vinh Thiên Chúa và xin ơn thánh hóa đời sống lữ

hành của chúng ta. Vì vậy, phụng vụ trở nên như nguồn mạch ân sủng cho chúng ta (HCPV, số 10). Để có một sự tham dự tích cực và ý thức vào các cử hành phụng vụ, chúng ta cần phải được hướng dẫn và đạo tạo về khía cạnh tâm linh để mỗi người hiểu rõ vai trò và giá trị của việc tham dự của chúng ta vào việc cử hành Hiến tế cứu chuộc, nhờ đó chúng ta không lãnh nhận ân sủng cách vô ích.

Lễ nghi phụng vụ sẽ mang hình thức cao quí hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, mỗi khi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự. Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn ; mầu nhiệm phụng vụ với những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn ; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình.

Paris, Ngày 07 tháng 06 năm 2014