Sáng thứ Năm 26 tháng 6, nhà cầm quyền Hồi Giáo Sudan đã trả tự do cho người phụ nữ đã bị kết án treo cổ vì tội bỏ Hồi Giáo sang Kitô Giáo. Theo thông tấn xã AP, cô Meriam Yehya Ibrahim đã không bước nổi ra khỏi đồn cảnh sát. Có lẽ vì bị đánh đập trong thời gian bị tạm giam tại đây.

Cô Meriam đang được các nữ tu Thừa Sai Bác Ái

chăm sóc tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ
Hôm 16 tháng 5, một tòa án Sudan đã đưa ra một phán quyết tàn bạo là treo cổ chị Meriam Yehya Ibrahim, là một người phụ nữ đang mang thai vì phạm tội bỏ Hồi giáo để gia nhập Kitô Giáo.

Cô Meriam Yehya Ibrahim, 27 tuổi, có cha là một người Hồi Giáo đã bỏ rơi mẹ cô là một tín hữu Chính Thống Giáo nghi lễ Êthiôpia. Từ nhỏ, cô đã được mẹ nuôi dạy trong đức tin Kitô và chưa một ngày nào là người Hồi Giáo.

Cô đã kết hôn với một tín hữu Kitô là anh Daniel Wani, một công dân Hoa Kỳ và có một cháu bé gần 2 tuổi. Người em trai cùng cha khác mẹ với cô đã tố cáo cô bỏ đạo Hồi để theo Kitô Giáo. Trước tòa, Meriam luôn kiên quyết cho rằng mình theo đạo mẹ và đã là một Kitô hữu từ nhỏ.

Tòa án khăng khăng cho rằng Meriam đã phạm tội bội giáo và vì thế cô phải bị treo cổ. Luật lệ Hồi Giáo cũng không cho phép một người phụ nữ kết hôn với một Kitô hữu nên tòa cũng không công nhận hôn nhân giữa cô và anh Daniel Wani và truyền đánh Meriam 100 hèo vì tội ngoại tình.

Trong thời gian bị giam trong tù, cô đã hạ sinh cháu bé thứ hai vào ngày 27 tháng 5 vừa qua. Tòa truyền rằng khi cháu gái mới sinh được dứt sữa thì cô sẽ phải thi hành án.

Nhiều phong trào cầu nguyện cho cô và phản kháng bản án bất nhân đã nổ ra trên khắp thế giới.

Hôm thứ Hai 23 tháng Sáu, thông tấn xã chính thức của nhà nước Sudan cho biết chị Meriam Yehya Ibrahim đã được tự do sau khi một toà án đã đưa ra phán quyết hủy bỏ bản án trước đó. Cô Meriam đã được ra khỏi tù và được đưa đến một điạ điểm bí mật vì nhiều người Hồi Giáo vẫn muốn cô phải chết.

Sáng thứ Ba, gia đình chị chị Meriam ra phi trường quốc tế Khartoum để đi Hoa Kỳ. Tuy nhiên, họ lại bị bắt tại sân bay. Cảnh sát nói họ bị bắt vì xài giấy tờ giả (Những bọn cầm quyền bất nhân trên thế giới này, dù là Hà Nội hay Khartoum, đều có cùng một cách hành xử ti tiện như nhau nên những lý do chúng đưa ra đều rất bất ngờ và đầy kịch tính.)

Trong khi cô Meriam bị bắt lần thứ hai thì đứa em cùng cha khác mẹ đã tố cáo cô lên tiếng chống đối với quyết định tha bổng cô Meriam của tòa sau và cho rằng phán quyết đó vi phạm giáo lý đạo Hồi.

Sáng thứ Năm, cô Meriam lại được tha, chắc chắn một phần là nhờ những áp lực quốc tế mạnh mẽ. Cô đã được cho tá túc trong một toà nhà thuộc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở ngoại ô Khartoum.

Sudan trước đây đã từng là một quốc gia lớn nhất Phi Châu và đã từng có thời là quốc gia Kitô Giáo khi các Vua miền Nubia theo đạo Công Giáo vào thế kỷ thứ Tư. Sau đó quốc gia này bị quân Hồi Giáo chiếm được. Tuy bị cai trị, các tín hữu Kitô Sudan vẫn tiếp tục là nhóm đa số trong xã hội cho đến khi người Ả rập di dân sang vùng này.

Đầu thập niên 1980, tên độc tài Jaafar Nimeiri, áp đặt luật Hồi Giáo Sharia và tiến hành cuộc chiến tranh diệt chủng với sự trợ lực của các sư đoàn quân Trung quốc đánh thuê nhằm tiêu diệt người Kitô Giáo. Cuộc chiến tàn khốc đã dẫn đến can thiệp quốc tế buộc chia quốc gia này thành hai quốc gia là Sudan và Nam Sudan vào năm 2011. 97% dân trong tổng số 35.5 triệu dân Sudan theo Hồi Giáo trong đó 70% dân số là người Ả rập di dân sang.

Miền Nam Sudan chỉ có 11.5 triệu dân trong đó tuyệt đại đa số là các Kitô hữu và là người châu Phi.

Tổng thống Bắc Sudan là Omar Bashir, là kẻ đã lên nắm quyền từ năm 1989 sau một cuộc đảo chính nói rằng luật lệ Hồi Giáo sẽ được thắt chặt hơn nữa vì nay người không Hồi Giáo đã di cư về phía Nam.

Trong các năm qua nhiều người đã bị đưa ra tòa và bị kết án tử hình về tội bội giáo nhưng hầu hết đều không bị tử hình vì họ sợ quá nên đã quay lại Hồi Giáo. Một trường hợp đã bị tử hình là trường hợp của triết gia Mahmoud Mohammed Taha. Ông là một chính trị gia đối lập với tên độc tài Jaafar Nimeiri và có một quan điểm rất khác với quan điểm chính thống của Hồi Giáo về luật Sharia. Ông bị tử hình năm 1985 ở tuổi 76 vì tội bội giáo mặc dù ông không thực sự theo một tôn giáo khác.

Cô Meriam là người Sudan đầu tiên dám nói “không” trước áp lực buộc cô phải theo Hồi Giáo của bọn cầm quyền Hồi Giáo Sudan.