Hội Nghị Tái Duyệt Lần Thứ Chín Các Bên của Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân đang diễn ra tại New York từ ngày 27 tháng Tư đến ngày 22 tháng Năm, 2015. Chủ Tịch Hội Nghị là Nữ Đại Sứ Taous Feroukhi của Algeria. Hội nghị được tổ chức 5 năm một lần để các bên tái khẳng định và củng cố việc thi hành hiệp ước. Tại Hội Nghị năm 2015 này, các nước thành viên lượng giá việc thi hành hiệp ước từ năm 2010 đến nay, và nhận diện các phạm vi và phương thế để thực hiện các tiến bộ xa hơn.

Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân là một hiệp ước quốc tế quan trọng mà mục tiêu là ngăn chặn việc lan tràn các vũ khí và kỹ thuật hạch nhân, cổ vũ sự hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạch nhân cách hòa bình và đẩy mạnh các mục tiêu giải giới hạch nhân cũng như giải giới toàn diện và triệt để.

Hiệp ước trên đã được ký năm 1968, có hiệu lực từ năm 1970. Với 189 nước thành viên, trong đó có 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạch nhân, nó là hiệp ước được tuân hành nhiều nhất trong các hiệp ước giải giới đa phương.

Hội nghị lần này xem sét một số vấn đề như: tính phổ quát của Hiệp Ước; giải giới hạch nhân, trong đó có các biện pháp cụ thể chuyên biệt; cấm lan tràn vũ khí hạch nhân, trong đó có việc tuân hành các điều khoản của hiệp ước, cổ vũ và củng cố các biện pháp an toàn, các biện pháp thăng tiến việc sử dụng năng lượng hạch nhân cách hòa bình; an toàn và an ninh; giải giới và cấm lan tràn trong vùng; thực thi nghị quyết năm 1995 về Trung Đông; các biện pháp giải quyết việc rút chân ra khỏi Hiệp Ước…

Tòa Thánh lên tiếng

Ngày 29 tháng Tư vừa qua, Đức TGM Bernadito C. Auza, Đại Diện Thường Trực của Tòa Thánh bên cạnh LHQ ở New York, đã đọc một tham luận trước Hội Nghị nói trên:

Thưa Bà Chủ Tịch,

Trước nhất, phái đoàn tôi muốn bày tỏ tình liên đới và sự gần gũi của chúng tôi với những người dân nạn nhân của trận động đất mạnh mẽ tại Nepal và các nước lân cận.

Thưa Bà Chủ Tịch,

Năm nay đánh dấu năm thứ 70 ngày ném bom hạch nhân xuống Hiroshima và Nagasaki. Các nạn nhân vẫn còn đang hiện hiện với chúng ta. Các nạn nhân Hibakusha đang là các chứng từ sống động kêu gọi tất cả chúng ta ngày nay phải đưa ra các quyết định đúng đắn nếu không muốn đối diện với các tình huống tương tự vào ngày mai. Hiroshima và Nagasaki phải nhắc nhở ta nhớ tới tầm quan trọng của Các Hội Nghị Tái Duyệt Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân như một dụng cụ giúp nhân loại thoát khỏi nguy cơ chiến tranh hạch nhân. Lý do của chính Hịệp Ước này đặt căn bản trên phẩm giá con người nhân bản và trên việc thừa nhận chung các hậu quả thảm khốc về nhân đạo của bất cứ cuộc nổ hạch nhân nào.

Các kho hạch nhân trên thế giới hiện vẫn còn chứa quá nhiều các thứ vũ khí này. Lý thuyết gián chỉ hạch nhân quá mơ hồ đến không thể dùng làm căn bản bền vững và có tính hoàn cầu cho nền an ninh thế giới và cho trật tự quốc tế. Ngược lại, tự chúng, các thứ vũ khí này hoàn toàn bất nhân và vô đạo đức. Đó là lý do tại sao Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân đã được thương thảo. Các hy vọng từng được một số người trong hệ thống gián chỉ đặt để làm chiến lược ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạch nhân và để cung cấp một nền an ninh vững bền đã không đem lại thứ hòa bình và ổn định mong chờ.

Các nguy cơ của vũ khí hạch nhân ai cũng biết. Các quốc gia có vũ khí hạch nhân và các quốc gia không có vũ khí hạch nhân đều ý thức rõ sự bất ổn khôn lường do các thứ vũ khí này gây ra. Sự thiếu ổn định này, ở một số vùng, lớn lao hơn ở một số vùng khác và trong một số thời kỳ, sâu xa hơn ở các vùng khác. Hậu quả của sự bất ổn này quá trầm trọng đến không thể dùng làm căn bản cho một trật tự quốc tế chân chính, hòa bình và ổn định. Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân khác xa ý niệm cho rằng sự cân bằng của khiếp đảm là căn bản tốt nhất cho sự ổn định chính trị, kinh tế và văn hóa trên thế giới.

Các nguy cơ và sự bất ổn nối kết với sự hiện hữu của vũ khí hạch nhân là lời mời gọi khẩn thiết phải đưa ra các biện pháp cụ thể và hữu hiệu để giải quyết tình thế này bằng cách làm mới lại các cam kết tập thể đối với việc cấm lan tràn và giải giới hạch nhân vốn là trọng tâm của Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân. Không ai hoài nghi đối với việc cho rằng con đường an tòan nhất và chắc chắn nhất tiến tới việc không sử dụng (vũ khí hạch nhân) là việc hỗ tương và triệt để loại bỏ các thứ vũ khí này, và hữu hiệu phá bỏ hạ tầng cơ sở mà chúng hiện đang tùy thuộc. Chính viễn kiến và cam kết đối với một tương lai không vũ khí hạch nhân này đã đem chúng ta lại với nhau. Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân là khí cụ quan trọng cho sự an ninh của mọi người. Không thiện ý diễn dịch các nghĩa vụ chứa đựng trong nó sẽ tạo ra sự đe dọa thực sự cho việc sống còn của toàn thể nhân loại.

Thưa Bà Chủ Tịch,

Bản chất phân biệt đối xử của Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân ai cũng rõ. Sự phân biệt đối xử giữa các nước có và các nước không có vũ khí hạch nhân không thể là một giải pháp vĩnh viễn. Tình huống này chỉ nhằm có tính tạm thời. Nguyên trạng là điều không lâu bền và không được ai ưa thích. Nếu việc tưởng tượng ra một thế giới trong đó nước nào cũng có vũ khí hạch nhân là điều không thể suy tưởng, thì điều hợp lý là tưởng tượng ra, và cùng nhau làm việc, cho một thế giới trong đó không nước nào có vũ khí hạch nhân cả. Vả lại, đó là cách chúng tôi đọc ngôn từ và tinh thần của Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân.

Chính việc sở hữu các vũ khí hạch nhân cũng tiếp tục diễn ra với một phí tổn tài chánh khổng lồ. Các chi phí, hiện hành và dự phóng, tương ứng với các tài nguyên có thể, và thực sự nên được sử dụng vào việc phát triển xã hội và con người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong thông điệp gửi Chủ Tịch Hội Nghị Vienna về các hậu quả của vũ khí hạch nhân, đã mạnh mẽ nói tới điều đó: “Chi tiêu vào vũ khí hạch nhân là phí phạm của cải các dân tộc. Ưu tiên hóa các chi tiêu đó là một lỗi lầm và một phân phối sai lầm các tài nguyên đáng lý ra tốt nhất nên được đầu tư vào các phạm vi phát triển nhân bản toàn diện, giáo dục, y tế và cuộc chiến đấu chống nghèo đói cùng cực. Khi các tài nguyên này bị phí phạm, người nghèo và người yếu thế sống bên lề xã hội sẽ phải trả giá đắt”.

Thực vậy, thế giới hiện đang đối diện với nhiều thách đố hết sức lớn lao: nghèo đói cùng cực, các vấn đề môi sinh, các làn sóng di dân, các tranh chấp quân sự, các khủng hoảng kinh tế v.v… Chỉ có sự hợp tác và liên đới giữa các quốc gia mới có khả năng đương đầu với chúng. Tiếp tục đầu tư vào các hệ thống vũ khí đắt đỏ là điều nghịch lý. Cách riêng, tiếp tục đầu tư vào việc sản xuất và hiện đại hóa vũ khí hạch nhân là điều phi luận lý. Hàng tỷ bị phí phạm mỗi năm để phát triển và duy trì kho vũ khí vốn được giả thuyết là sẽ không bao giờ dùng đến. Há không hợp lý khi đặt câu hỏi liệu những việc đầu tư như thế không mâu thuẫn với tinh thần của Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân đó sao?

Việc sở hữu vũ khí hạch nhân và việc dựa vào gián chỉ hạch nhân có một tác dụng tiêu cực đối với các mối liên hệ qua lại giữa các quốc gia. Nền an ninh quốc gia thường được đặt ra trong các cuộc thảo luận về vũ khí hạch nhân. Không nên sử dụng ý niệm này một cách cục bộ và thiên vị và mâu thuẫn với ích chung. Mọi quốc gia có quyền đối với an ninh quốc gia mình. Tại sao lại có chuyện an ninh của một số quốc gia chỉ có thể được bảo toàn với một loại vũ khí cá biệt, trong khi các quốc gia khác phải bảo toàn an ninh của họ mà không có các thứ vũ khí này? Mặt khác, thu gọn hoà bình và anh ninh quốc gia, trên thực tế, vào chiều kích quân sự mà thôi là giả tạo và ngây thơ. Phát triển kinh tế xã hội, tham dự sinh hoạt chính trị, tôn trọng các nhân quyền căn bản, củng cố thượng tôn pháp luật, hợp tác và liên đới trên bình diện vùng và quốc tế, v.v… là những điều chủ yếu đối với nền an ninh quốc gia của các nước. Há không phải là điều khẩn thiết hay sao việc cần phải tái duyệt, một cách trong sáng và trung thực, câu định nghĩa của các quốc gia, nhất là các quốc gia có vũ khí hạch nhân, về nền an ninh quốc gia?

Tất cả chúng ta đều ý thức rõ: mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạch nhân là điều không dễ gì đạt được. Như nhiều người vốn nói, nó là một vấn đề phức tạp và khó khăn. Mọi thực tại nhân bản đều khó khăn và phức tạp cả. Nhưng đấy không phải là lý do cũng như miễn chước khiến ta không thi hành các nghĩa vụ cần phải đảm nhiệm nếu muốn phù hợp với Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân. Muốn thế, mọi năng lực và cam kết đều cần thiết. Chúng càng cần thiết hơn vào lúc có những căng thẳng quốc tế. Vai trò của các tổ chức quốc tế, các cộng đồng tôn giáo, xã hội dân sự, và các định chế học thuật là điều sinh tử, đừng để hy vọng chết yểu, cũng đừng để chủ nghĩa khuyển nho (cynicism) cũng như thứ chính trị thực dụng (realpolitik) thắng thế. Các nền đạo đức đặt căn bản trên việc đe dọa chắc chắn sẽ tiêu diệt lẫn nhau không xứng đáng đối với các thế hệ tương lai.

Thiếu việc giải giới hạch nhân cụ thể và hữu hiệu chẳng chóng thì chầy sẽ dẫn tới các nguy cơ thực sự của việc lan tràn hạch nhân. Hội Nghị Tái Duyệt này là một thách đố đối với mọi quốc gia thành viên. Sai phạm không phải là một giải pháp. Làm sói mòn tính khả tín của Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân sẽ có những hậu quả thảm khốc đối với mọi quốc gia và đối với tương lai của toàn thể nhân loại.

Để kết luận, tôi muốn trích dẫn một lần nữa lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Gián chỉ hạch nhân và mối đe doạ chắc chắn sẽ tiêu diệt lẫn nhau không thể là căn bản của nền đạo đức học huynh đệ và sống chung hòa bình giữa con người và các quốc gia. Tuổi trẻ ngày nay và ngày mai đáng được hưởng hơn thế nhiều. Họ đáng được hưởng một trật tự thế giới hoà bình dựa trên tính hợp nhất của gia đình nhân loại, đặt cơ sở trên lòng tôn trọng, sự hợp tác, tình liên đới và cảm thông”. Đó chính là lý do hiện hữu của Hiệp Ước Cấm Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân.

Tôi xin cám ơn Bà Chủ Tịch.