Ngay khi được chính thức công bố, thông điệp Laudato Si về môi sinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được các tờ báo lớn bình luận.

Chủ nghĩa tiêu thụ gây ra các chứng bệnh cho môi trường

Tờ Wall Street Journal, trong bài tựa đề như trên, cho rằng Đức Phanxicô qui lỗi việc hâm nóng hoàn cầu cho chủ nghĩa tiêu thụ. Theo ngài, chính hoạt động của con người đã gây ra sự thay đổi khí hậu, một thay đổi đang đe dọa người nghèo và các thế hệ tương lai.

Francis X. Rocca, tác giả bài báo trên, quả quyết rằng thông điệp của ngài đưa ra một kết án rộng rãi và không khoan nhượng đối với nền kinh tế thị trường của thế giới, tố cáo nó đã cưỡng đoạt Trái Đất, gây hại cho người nghèo và các thế hệ tương lai, qua hai chủ trương hòan cầu hóa và duy tiêu thụ. Ngài cũng cho rằng trong tội cưỡng đoạt này, Bắc Bán Cầu nợ Nam Bán Cầu “một khoản nợ sinh thái”.
Hai chủ trương trên đã làm sinh thái xuống cấp. Ngài viết “Trái Đất, tổ ấm của ta, đang bắt đầu càng ngày càng trông giống như một đống rác rưởi mênh mông hơn”.

Theo tờ báo này, ngôn từ nghiêm khắc của thông điệp chắc chắn sẽ nhận được nhiều tranh cãi ngay lập tức, khiến người ta tự hỏi phải giải quyết việc thay đổi khí hậu ra sao. Hãy nghe ngài: “các cường quốc kinh tế liên tiếp biện minh cho hệ thống hoàn cầu hiện nay trong đó, ưu tiên thường được dành cho đầu cơ và theo đuổi lợi ích tài chánh. Thành thử, bất cứ điều gì mảnh dẻ, như môi trường chẳng hạn, đều không được ai bảo vệ trước lợi ích của thị trường đã được thần thánh hóa, trở thành qui luật duy nhất”.

Trong thông điệp, Đức Phanxicô không ngại đứng về phía những người qui kết việc hâm nóng thế giới cho hoạt động của con người. Ngài viết: “một nhất trí khoa học rất vững chắc cho thấy rằng hiện nay ta đang mục kích một sự hâm nóng đầy lo ngại hệ thống khí hậu”, góp phần vào việc “không ngừng lên cao hơn mặt biển” và việc “gia tăng các biến cố cực đoan về khí hậu”.

Ngài viết thêm: “nhân loại được mời gọi nhìn nhận nhu cầu phải thay đổi lối sống, lối sản xuất và tiêu thụ, ngõ hầu chống trả việc hâm nóng này hay ít nhất các nguyên nhân nhân bản đang tạo ra và gia trọng nó”.

Tuy nhìn nhận rằng các nguyên nhân tự nhiên có góp phần vào việc thay đổi khí hậu, trong đó có các hoạt động của núi lửa và chu kỳ thái dương, nhưng ngài vẫn cho rằng “một số nghiên cứu khoa học cho thấy: phần lớn việc hâm nóng hoàn cầu trong mấy thập niên vừa qua là do việc tập trung lớn vào các chất hơi nhà xanh (greenhouse gases: carbon dioxide, methane, nitrogen oxides…) phần lớn do hoạt động của con người thải ra. Thành thử khẩn thiết phải đưa ra các chính sách nhằm giảm thiểu đáng kể việc thải carbon dioxide và các chất hơi khác, và cổ vũ việc chuyển qua các nguồn năng lượng có thể đổi mới được.

Đức Giáo Hoàng còn đi xa hơn nữa bằng cách lồng chủ đề công lý kinh tế rất thân thiết của ngài cũng như lời phê phán nghiêm khắc của ngài đối với chủ nghĩa tư bản vào thông điệp.

Phần đầu của thông điệp nói tới nền thần học về tạo dựng trong đó đề cập tới các tội của con người chống lại “Mẹ Đất”, biến mình thành chúa tể của Mẹ, với quyền muốn cưỡng đoạt Mẹ ra sao thì cưỡng đoạt, hiển hiện nơi “đất đai, nước, không khí và mọi hình thức của sự sống”.

Sau đó, ngài lên án các thất bại trong quá khứ không chịu đưa ra các chính sách bạo dạn hơn về môi trường, chỉ quanh quẩn trong lãnh vực kỹ thuật và tài chánh, với quá nhiều đặc quyền đặc lợi…

Như trên đã nói, ngài cho rằng Bắc Bán Cầu đang nợ Nam Bán Cầu một “món nợ sinh thái” vì “các nước đang phát triển, nơi có các dự trữ quan trọng nhất của sinh quyển (biosphere), liên tiếp tiếp dầu cho việc phát triển của các nước giầu có hơn mà gây hại cho chính hiện tại và tương lai của mình”.

Trong các khía cạnh thực tiễn, Đức Phanxicô nói tới “cảnh nghèo nước uống” của Phi Châu và nhiều vùng khác. Ngài cổ vũ các lối sống biết ý thức tới môi sinh, trong đó có việc giảm việc dùng chất nhựa, giấy và nước; phân chia rác; đi xe chung và tắt điện. “Đừng nghĩ rằng các cố gắng này sẽ không thay đổi được thế giới”.

Theo tờ Wall Street Journal, thông điệp này rất được sự chú ý trước khi công bố, nhất là sau khi Đức Giáo Hoàng cho biết ngài muốn nó có ảnh hưởng tới hội nghị thượng đỉnh tại Paris sắp tới về thay đổi khí hậu. Bởi thế, một số công ty dầu hỏa đã góp ý kiến vào bản dự thảo thông điệp.

Dù có những người Công Giáo, thí dụ Samuel Gregg thuộc Viện Acton, một cơ quan nghiên cứu có tính đại kết với khuynh hướng bênh vực thị trường tự do chẳng hạn, lên tiếng cho rằng ngài thiên vị khi nghiêng về phía chỉ rrích thị trường tự do, điều chắc chắn là Đức Phanxicô sẽ lặp lại các trọng điểm vừa kể trong các bài diễn văn đọc tại Liên Hiệp Quốc khi tới New York và tại Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ khi tới Washington D.C.vào tháng Chín này.

Kêu gọi một cuộc cách mạng văn hóa

Tờ Guardian thì cho rằng với thông điệp Laudato Si, Đức Phanxicô muốn kêu gọi một cuộc cách mạng văn hóa. Tờ này đánh giá thông điệp của ngài như “văn kiện giáo hoàng gây nhạc nhiên nhất và có lẽ có tham vọng hơn cả trong 100 năm nay, vì nó không những chỉ nói với người Công Giáo, hay Kitô Giáo, mà với mọi người trên mặt đất. Nó trình bầy một chương trình thay đổi bắt nguồn từ các nhu cầu nhân bản nhưng nó cho rằng các nhu cầu này chủ yếu không phải là lòng tham và các nhu cầu vị kỷ”.

Ngài bảo: ta cần thiên nhiên, và ta cần nhau. Nhu cầu hỗ tương và cho đi cũng có thực như các khía cạnh vị kỷ trong nhân cách ta; nhu cầu thán phục và lặng thinh trước thiên nhiên cũng sâu sắc như bất cứ nhu cầu nhân bản nào khác. Chăm sóc thiên nhiên và chăm sóc người nghèo là các khía cạnh của cùng một lệnh truyền đạo đức, và nếu ta lãng quên một trong hai khía cạnh này, ta không thể tìm thấy hòa bình. Theo ngài, môi sinh không phải là một điều gì ở ngoài kia: thiên nhiên không đối nghịch với thế giới con người. Môi sinh diễn tả mối tương quan giữa thiên nhiên và con người, những hữu thể vốn liên kết chặt chẽ và là thành phần của nhau. Mối tương quan này cần được chỉnh sửa.

Theo Guardian, dựa vào tiền đề trên, Đức Phanxicô “đã phát động một cuộc tấn công dữ dằn vào điều ngài cho là các thèm khát sai lầm và lừa phản của chủ nghĩa tư bản và vào quan điểm duy tiêu thụ của bản tính con người. Đối với Đức Phanxicô, có một sự phân biệt có tính sinh tử giữa các nhu cầu nhân bản, là các nhu cầu có giới hạn nhưng không thể đem ra thương lượng được, và các thèm khát, vốn có tiềm năng vô giới hạn và luôn luôn có thể đổi chác lấy các thỏa mãn khác nhưng không bao giờ đem lại cho ta điều ta cần hơn cả. Ngài bảo: các nhu cầu của người nghèo bị bác bỏ, trong khi các thèm khát của người giầu luôn được dung túng. Cuộc khủng hoảng môi sinh đã liên kết hai khía cạnh này với nhau.

Ngài phê phán cả hai loại người bênh vực trật tự thế giới hiện hành: cả người bác bỏ lẫn người lạc quan. Laudato Si tuyệt đối không mơ hồ trong việc ủng hộ sự nhất trí áp đảo của khoa học khi cho rằng việc con người gây ra cảnh hâm nóng trái đất là mối nguy rõ ràng và đang hiện có. Văn kiện này lên án việc sử dụng nhiên liệu hình thành từ xác động vật xa xưa (fossil fuels) và đòi thay thế chúng bằng năng lượng có thể đổi mới được. Nhưng nó cũng minh nhiên chống lại ý tưởng cho rằng ta chỉ nên dựa vào các giải pháp hoàn toàn có tính kỹ thuật. Đây là điểm minh nhiên khác với quan điểm cấp tiến được nhiều người lạc quan trong thế giới tiêu thụ ủng hộ. Sẽ không bao giờ có một giải pháp kỹ thuật đối với những thèm khát vô giới hạn, vì đây là một vấn đề luân lý đòi một giải pháp luân lý, một sự quay về với đạm bạc, với tự chế và xa lánh các rù quyến độc hại của chủ nghĩa duy tiêu thụ.

Theo Guardian, Đức Phanxicô một phần dựa vào truyền thống của giáo huấn xã hội Công Giáo, và một phần dựa vào tư duy luân lý rất phổ thông trong thập niên 1960, trong đó, các triết gia luân lý, lần đầu tiên, vật lộn với các hệ luận của vũ khí hạch nhân và ý thức rằng nhân loại chưa trưởng thành mà mới chỉ đạt tới trạng thái trẻ thơ, trong đó, khả năng phá hoại vượt xa khả năng phán đoán.

Ngày trước, nguy cơ hạch nhân còn có thể cân bằng bằng trả đũa hạch nhân. Ngày nay, người nghèo phải trả giá cho tội ác của kẻ giầu, con cháu phải trả giá cho tội ác của cha ông. Đó chính là “món nợ sinh thái”. Tuy nhiên, bằng một giọng đôi khi có tính khải huyền, với bóng ma chiến tranh tài nguyên cũng như các tai họa sinh thái hiển nhiên, văn kiện này hàm ý món nợ này, vào một lúc nào đó, sẽ phải được đền trả.

Nhưng liệu có ai lắng nghe không? Đức Giáo Hoàng rất nghiêm khắc, và ngài rất đúng, đối với việc thiếu hành động đi đôi với các tuyên bố cao vọng trong quá khứ. Lần này liệu có khác gì không? Câu trả lời là ta không thể cứ tiếp tục như hiện nay nữa. Tư lợi mà thôi sẽ không tránh được thảm họa. Không có một cơ cấu tinh thần và nhiều óc tưởng tượng nhằm liên kết phúc lợi của ta với phúc lợi người khác, để những đau khổ của họ được cảm nhận là cấp bách giống các đau khổ của ta, hay ít ra, cũng được cân đo trên cùng một bàn cân, ta sẽ biến hành tinh ta thành nơi không thể ở được. Đức Phanxicô đang cố gắng thay đổi cái hiểu của ta về bản nhiên con người. Nhiều người bất đồng với cái hiểu của ngài. Nhưng ngài đúng ở chỗ không một thay đổi nào nhỏ hơn thế có thể giúp chúng ta.