Dù có một số chính khách, nhất là ở Hoa Kỳ, lên tiếng chỉ trích Thông Điệp Laudato Si của Đức Phanxicô, ngay cả trước khi nó được công bố chính thức, ký giả Inés San Martín của tờ Crux cho rằng rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị thế giới đã hết lòng ca ngợi nó và lên tiếng kêu gọi mau chóng hành động để cứu vãn môi sinh.

Các nhà lãnh đạo chính trị

Hôm thứ Năm vừa qua, Tổng Thống Barack Obama “hoan nghinh” thông điệp của Đức GH Phanxicô và ca ngợi quyết định của ngài trong việc “rõ ràng và mạnh mẽ dùng trọn vẹn thế giá tinh thần trong chức vụ của ngài” để kêu gọi hành động đối với việc thay đổi khí hậu.

Tổng Thống Obama nói rằng ông cam kết đưa ra các hành động mạnh dạn nhằm cắt giảm việc sản xuất khí carbon và gia tăng năng lượng sạch ở Hoa Kỳ và ở ngoại quốc, đồng thời chờ mong hội nghị thượng đỉnh của LHQ về thay đổi khí hậu vào tháng Mười Hai này.

Dù các giới chức trong Giáo Hội nhấn mạnh rằng Laudato Si chủ yếu không phải là một văn kiện về chính sách, nhưng tháng Giêng vừa qua, Đức Phanxicô nói rằng ngài muốn thông điệp được công bố kịp thời để “khuyến khích” việc có nhiều quyết định “can đảm” hơn tại Paris.

Làm chủ nhà cho cuộc họp thượng đỉnh trên sẽ là Tổng Thống Pháp François Hollande, người vừa ra một tuyên bố nói rằng ông hy vọng “tiếng nói đặc thù” của Đức GH Phanxicô sẽ “được nghe khắp các lục địa, không kể các tín hữu”.

Ông Hollande, vốn được dưỡng dục như một người Công Giáo nhưng nay đã tự cho mình là một người vô thần, nói rằng ông hoan nghinh lời kêu gọi của Đức Phanxicô đối với công luận hoàn cầu.

Đối với Tổng Thống Pháp, thông điệp Laudato Si đã đặt sinh thái “vào một viễn ảnh của nhân bản thuyết”.

Hội nghị thượng đỉnh Paris, kéo dài từ ngày 30 tháng Mười Một tới ngày 11 tháng Mười Hai, được Liên Hiệp Quốc bảo trợ và nhiều nhà lãnh đạo của LHQ cũng hoan nghinh thông điệp này.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng luận điểm của Đức Giáo Hoàng cho thấy rõ việc các chính phủ phải đạt cho được các thỏa hiệp đầy tham vọng khi họ họp nhau tại Pháp. Trong một tuyên bố, ông viết: “Thông điệp đầu tiên của ngài nhấn mạnh rằng thay đổi khí hậu là một trong những thách đố lớn lao nhất đối với nhân loại, và đây là một vấn đề tinh thần đòi ta phải kính cẩn đối thoại với mọi thành phần trong xã hội”.

Trong thông điệp Laudato Si, Đức Phanxicô nặng nề phê phán các hội nghị thượng đỉnh từ trước đến nay của LHQ về thay đổi khí hậu. Ngài viết: “Hội Nghị của LHQ về Việc Phát Triển Lâu Dài, ‘Rio + 20’ (Rio de Janeiro 2012) đã công bố một văn kiện có tầm xa nhưng không có hiệu quả… Các cuộc thương thuyết quốc tế không thể đem lại một tiến bộ có ý nghĩa nào vì lập trường các nước chỉ biết đặt quyền lợi quốc gia của mình lên trên ích chung của cả thế giới”.

Giữ chúc vụ từ năm 2007, Ông Ban cũng đứng đầu hội nhị này.

Một số tổ chức, xưa nay vốn làm việc để bảo vệ thiên nhiên, như Liên Minh Sự Sống Hoang Dã Thế Giới (WWF) và Hòa Bình Xanh (Greenpeace) cũng lên tiếng ca ngợi Đức Giáo Hoàng và văn kiện của ngài.

Chủ tịch WWF, Yolanda Kakabadse, cho rằng tiếng nói của Đức Giáo Hoàng là “một phương thức luân lý rất cần thiết cho cuộc tranh luận về khí hậu. Việc thay đổi khí hậu không còn chỉ là một vấn đề khoa học nữa; càng ngày, nó càng là một vấn đề luân lý và đạo đức”.

Giuseppe Onufrio, giám đốc điều hành của Hòa Bình Xanh tại Ý, nói rằng “thông điệp này là một tin vui” vì “nó khuếch đại đến hàng triệu lỗ tai mới mẻ lời kêu gọi đạo đức mà tất cả chúng ta đang dóng lên về khí hậu”.

Onufrio nói rằng “điều này phải gia tăng áp lực đối với các nhà lãnh đạo của ta để họ chịu hành động theo mệnh lệnh của liên minh khí hậu lớn lao nhất xưa nay, hàng tỷ công dân khắp thế giới”.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo

Trong những ngày Laudato Si sắp được công bố, Đức Phanxicô lên tiếng kêu gọi sự đoàn kết tôn giáo nhằm chống lại việc thay đổi khí hậu. Sau khi được công bố, thông điệp nhận được nhiều sự ủng hộ của các vị đại diện Ấn Giáo, Anh Giáo, Chính Thống và Do Thái Giáo.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew I của Constantinople và Đức TGM Canterbury, Justin Welby, của Anh Giáo, hôm thứ Sáu, đã cho công bố một nhận định chung trên tờ New York Times hôm thứ Sáu qua, tựa là “Thay đổi khí hậu và trách nhiệm luân lý”.

Rajan Zed, chủ tịch Hội Ấn Giáo Hoàn Vũ, đã ra tuyên bố nói rằng ông hy vọng thông điệp sẽ giúp lên khuôn cho chính sách công. Ông Zed cũng yêu cầu Đức Giáo Hoàng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hoàn cầu về môi sinh bao gồm mọi tôn giáo.

Trước khi được công bố, thông điệp đã gợi hứng để giáo sĩ Do Thái Giáo người Mỹ là Arthur Waskow viết “Lá Thư Giáo Sĩ về Cuộc Khủng Hoảng Khí Hậu” gửi “Mọi Người Do Thái, mọi cộng đồng tinh thần và toàn thể thế giới”.

Các chuyên viên

Austen Ivereigh, tác giả cuốn tiểu sử của Đức Phanxicô, tựa là “Nhà Cải Cách Vĩ Đại”, tin rằng Laudato Si có tiềm năng tái lên khuôn chính trị và Giáo Hội. Ông bảo: “đây là giáo huấn xã hội Công Giáo có ý nghĩa nhất kể từ lúc thông điệp Rerum Novarum khởi sự giáo huấn này năm 1891”.

Ông nói thêm rằng thông điệp của Đức Phanxicô tạo ra con đường chân chính thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản duy cá nhân và chủ nghĩa ảo tưởng phản nhân bản của phong trào xanh. Ông viết: “Đức Phanxicô không những làm ổn việc ta vừa là Công Giáo vừa là xanh, ngài còn biến nó thành bắt buộc nữa”.

Kishore Jayabalan, trước đây là một viên chức của Vatican về các vấn đề xã hội và nay đang điều khiển Viện Acton tại Ý, cho rằng ông rất vui vì Đức Giáo Hoàng lên tiếng kêu gọi thảo luận về các phương thức khác nhau nhằm phát triển lâu dài. Ông viết: “Điều rất quan trọng là Đức Phanxicô hiểu rằng hữu thể nhân bản là giải pháp, chứ không phải là vấn đề, trái với điều quá nhiều người cổ vũ cho việc kiểm soát dân số vốn chủ trương nhân danh trái đất”.

Joyce E. Coffee, giám đốc quản trị Global Adaptation Index của ĐH Notre Dame, ca ngợi Đức Phanxicô vì đã làm nổi bật hiệu quả bất cân xứng của việc thay đổi khí hậu đối với Nam Bán Cầu. Bà viết: “Ngài mời gọi chúng ta nhìn vấn đề này từ vọng nhìn của người nghèo trên thế giới. Khi qúy vị hành động đối với việc thay đổi khí hậu, qúy vị đang hành động để giúp đỡ nhân loại. Hành động về khí hậu là hành động giúp người nghèo có được đời sống và kế sinh nhai tốt hơn”.

Christiana Z. Peppard, giáo sư phụ giảng về thần học, khoa học và đạo đức học tại ĐH Fordham, hoan nghinh việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới việc bảo vệ dân bản địa, cho rằng đây là điểm “đáng kể và đáng lưu ý”. Bà cho biết “phần bất khoan nhượng nhất trong thông điệp của Đức Phanxicô là lời kết án của ngài đối với niềm tin sai lạc vào tiến bộ, tiến bộ kỹ thuật và kinh tế, bất cần các giá trị sinh thái và nhân bản để hướng dẫn các mô hình này”.

Giám đốc điều hành và chủ tịch của Catholic Relief Services và là nguyên khoa trưởng Cao Đẳng Kinh Doanh Mendoza của ĐH Notre Dame, Carolyn Woo, thách thức những ai có khuynh hướng không chịu lắng nghe Đức Giáo Hoàng. Bà bảo họ hãy tỉnh ngủ: “Tôi muốn yêu cầu những ai đang ở thế phòng ngự và những ai không tin việc thay đổi khí hậu đang tác động lên thế giới hãy từ bỏ lập trường hiện nay của họ và chịu khó đi tới những nơi đang đau khổ”.

Bà Woo là một trong các thuyết trình viên tại buổi công bố Laudato Si tại Vatican. Bà thấy Laudato Si “đầy cả thi ca và tâm linh lẫn thực tiễn”.