Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc ngày đầy đủ đầu tiên của ngài tại Phi Châu bằng cách tới thăm Văn Phòng Liên Hiệp Quốc ở Nairobi, viết tắt là UNON.

Văn Phòng này là một trong bốn văn phòng chính của Liên Hiệp Quốc trong đó, có sự hiện diện của nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc. Văn Phòng có một toà nhà gọi là Nhà Xanh, nơi làm việc của hai cơ quan UNEP và UN-Habitat. Tòa nhà này có điều đặc biệt là sử dụng nước tái chế biến và ánh sáng tự nhiên để giảm thiểu việc lệ thuộc ánh sáng nhân tạo. Tòa nhà cũng được thiết kế để sử dụng không khí tự nhiên thay thế cho không khí được điều hòa: họ dùng các tấm năng lượng mặt trời để sản xuất năng lượng cho tòa nhà. Tòa nhà này được Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon khánh thành ngày 31 tháng Ba năm 2011.

Không còn dịp nào thích hợp hơn để Đức Phanxicô “đánh tiếng” với Hội Nghị Thượng Đỉnh tại Paris về khí hậu sẽ được khai mạc vào ngày 30 tháng này, trùng với ngày ngài chấm dứt chuyến tông du Phi Châu đầu tiên của ngài. Nhân dịp này, ngài nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc chăm sóc công trình sáng thế của Thiên Chúa. Theo ngài sẽ là một thảm họa nếu quyền lợi cá thể thắng lướt ích chung, dẫn tới việc thao túng thông tin để bảo vệ “các kế hoạch và dự án riêng của họ”.

Đức Giáo Hoàng được đón tiếp nồng hậu tai UNON vì cử tọa được yêu cầu ba lần hoan hô vang dậy lúc ngài mới tới. Sau ba bài diễn văn chào mừng của các viên chức Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha đã đọc một bài diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha, chủ yếu nhấn mạnh tới các đề tài chính của Thông Điệp Laudato Si’, đặc biệt là hai vấn đề khai thác kim cương và săn bắn voi.

Đức Giáo Hoàng giải thích rằng trước khi vào đại sảnh, ngài được yêu cầu trồng một cây tượng trưng: “trước hết và trên hết đây là một lời mời tiếp tục cuộc chiến đấu chống các hiện tượng như phá rừng và hoang địa khóa” cũng như nhắc người ta nhớ tới “tầm quan trọng của việc bảo vệ và quản trị có trách nhiệm những ‘lá phổi đa sinh phong phú của hành tinh ta’”.

Đức Giáo Hoàng nhắc tới Hội Nghị Khí Hậu ở Paris cũng có tên là COP21, một hội nghị lần đầu tiên trong 20 năm thương thảo vừa qua, hy vọng sẽ thông qua một thỏa hiệp phổ quát có tính bắt buộc về khí hậu, nhằm duy trì việc hâm nóng địa cầu ở mức dưới 2 độ bách phân.

Một chọn lựa

Đức Giáo Hoàng từng nhắc tới hội nghị trên nhiều lần và ngài đã ban hành Thông Điệp Laudato Si’, trước biến cố này, với hy vọng nó sẽ góp phần vào cuộc thảo luận lần này.

Hôm nay, ngài nói về hội nghị này như sau: “Sẽ là điều đáng buồn, và tôi dám nói là thảm họa nữa, nếu các quyền lợi riêng thắng lướt ích chung và dẫn tới việc thao túng thông tin để bảo vệ kế hoạch và dự án riêng của họ”.

“Trong bối cảnh quốc tế này, chúng ta bị đối đầu với một chọn lựa không thể nào bỏ qua được là: hoặc cải thiện hoặc tiêu diệt môi sinh”.

Ngài nói thêm: “COP21 biểu tượng cho một giai đoạn quan trọng trong diễn trình khai triển một hệ thống năng lượng mới ít lệ thuộc vào việc sử dụng nhiên liệu từ xác động vật (fossil fuel), nhằm việc hiệu năng hóa nhiên liệu và việc sử dụng các nguồn năng lượng không có hoặc có rất ít nội dung cácbon. Chúng ta đang đương đầu với một nghĩa vụ chính trị và kinh tế lớn lao là phải suy nghĩ lại và điều chỉnh các trục trặc và bóp méo mô thức phát triển hiện thời”.

Ba mục tiêu

Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài hy vọng thoả hiệp tại Paris sẽ đặt căn bản trên “các nguyên tắc liên đới, công lý, bình đẳng và tham dự” và nó sẽ nhắm ba mục tiêu: “giảm thiểu tác động của việc thay đổi khí hậu, chống nghèo đói và bảo đảm việc tôn trọng nhân phẩm”.

Ngài nói rằng “việc đối thoại thành thực và cởi mở” là điều cần thiết để giúp các điều trên diễn ra “với sự hợp tác có trách nhiệm của mọi người: các nhà cầm quyền chính trị, cộng đồng khoa học, thế giới kinh doanh và xã hội dân sự”.

Ngài nhìn nhận rằng con người “có khả năng làm điều tồi tệ nhất”, nhưng họ cũng “có khả năng vươn cao hơn chính họ, biết chọn lại những gì là tốt và thực hiện một khởi đầu mới”.

Do đó, thế kỷ 21 có thể được ghi nhớ là đã “quảng đại gánh vác các trách nhiệm nặng nề của mình” ngược với thời kỳ hậu kỹ nghệ, là thời kỳ “đáng bị ghi nhớ là một trong các thời vô trách nhiệm nhất trong lịch sử”.

Không phải là một ảo tưởng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng cho biết: để việc trên diễn ra, cần phải bắt kinh tế và chính trị “phục vụ con người”.

Điều trên sẽ giúp con người tái cấu trúc “tòan bộ hệ thống sản xuất và phân phối một cách khiến cho các khả năng và các nhu cầu của mỗi cá nhân tìm được biểu thức thích đáng trong đời sống xã hội” trong sự hoà hợp với thiên nhiên.

Đức Phanxicô quả quyết rằng đây không phải là “một ảo tưởng kiểu lý tưởng chủ nghĩa”. Trái lại, nó là “viễn ảnh thực tiễn biến con người và nhân phẩm thành khởi điểm và mục tiêu của mọi sự”.

Ngài cho rằng muốn cho điều trên xẩy ra, điều cần thiết là phải dấn thân vào giáo dục: “một diễn trình giáo dục biết cổ vũ trẻ trai trẻ gái, đàn bà đàn ông, người trẻ người trưởng thành, tiếp nhận nền văn hóa chăm sóc, chăm sóc cho mình, chăm sóc cho người khác, chăm sóc cho môi sinh, thay thế cho nền văn hóa vứt bỏ, trong đó người ta sử dụng rồi quăng bỏ chính mình, quăng bỏ người khác và quăng bỏ môi sinh”.

Ngài cho rằng “chúng ta vẫn còn thì giờ”.

Hoàn cầu hóa lòng dửng dưng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định rằng “nền văn hóa làm hư và vứt bỏ” này đã tế sống quần chúng trước bàn thờ các ngẫu thần “lợi nhuận và tiêu thụ”.

Và ngài cảnh cáo “ta cần đề cao cảnh giác đối với dấu hiệu xấu xa của ‘việc hoàn cầu hóa lòng dửng dưng’, nghĩa là cảnh giác sự kiện này: ta đang dần dần trở nên quen mắt đối với sự đau khổ của người khác, coi nó như một điều bình thường, hoặc tệ hơn nữa, trở nên nhẫn nhục trước những kiểu cực đoan và đầy tai tiếng của việc ‘dùng rồi bỏ’ và loại trừ xã hội như các hình thức mới của nạn nô lệ, nạn buôn bán người, nạn lao động cưỡng bức, nạn đĩ điếm và buôn bán bộ phận người”.

Ngài đặc biệt nhắc đến các di dân phải “chạy trốn cảnh nghèo đang gia tăng và còn bị việc xuống dốc môi sinh làm cho trầm trọng hơn” vậy mà vẫn không được thừa nhận là người tị nạn.

“Nhiều cuộc đời, nhiều câu truyện, nhiều giấc mơ đã thành mây khói trong thời đại ta. Ta không thể mãi dửng dưng trước tình huống này. Ta không có quyền làm thế".

Vượt qua các quyền lợi thương mại

Đức Giáo Hoàng cũng đề cập tới vấn đề đô thị hóa bừa bãi, và ngài khuyến khích những ai có nhiệm vụ bảo đảm để việc đô thị hóa trở thành một phương thế phát triển nên lưu ý tới những người ở những khu vực ngoại biên.

Ngài cũng đề cập tới các tương quan buôn bán giữa các chính phủ bằng cách nhắc tới suy nghĩ của Đức Phaolô VI, một suy nghĩ cho rằng các tương quan này rất có thể “là yếu tố căn bản cho việc phát triển các dân tộc”, nhưng, mặt khác, cũng có thể là “nguyên nhân gây ra nghèo đói và loại trừ cùng cực”.

Ngài nói: “dù nhận rằng còn nhiều điều phải làm trong lãnh vực này, nhưng xem ra ta vẫn chưa đạt được một hệ thống buôn bán quốc tế công bình và hoàn toàn phục vụ cuộc chiến đấu chống nghèo đói và loại trừ”.

Trong bối cảnh ấy, ngài nói tới vấn đề phát triển và chăm sóc y tế, nhất là các thỏa hiệp liên quan tới tài sản trí thức và quyền có thuốc men và chăm sóc y tế cốt yếu. Ngài nói: “các hiệp ước tự do buôn bán trong vùng có đề cập tới việc bảo vệ tài sản trí thức, nhất là trong các lãnh vực dược học và kỹ sinh học, không những nên duy trì nguyên vẹn các quyền hạn đã được các thỏa hiệp đa quốc dành cho các chính phủ, mà còn phải trở thành phương thế bảo đảm mức tối thiểu cho việc chăm sóc sức khỏe và quyền được chữa trị căn bản cho mọi người”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng một số vấn đề về sức khỏe, như bệnh sốt rét và bệnh lao, “đòi các chính phủ phải lưu ý đặc biệt, trên và vượt quá mọi lợi ích buôn bán hay chính trị”.

Tiếng kêu từ trái đất

Đề cập tới tình thế môi sinh của Phi Châu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô than phiền rằng sự phong phú tự nhiên của lục địa này “thường xuyên bị lâm vào nguy cơ bị hủy diệt do lòng vị kỷ đủ loại của con người và do việc lạm dụng các tình huống nghèo đói và bị loại trừ gây ra”.

Ngài lên án việc buôn bán bất hợp pháp, phát sinh “từ các tình huống nghèo đói và kết quả càng dẫn tới nghèo đói và loại trừ nhiều hơn”.

Ngài cho hay: “Việc buôn bán bất hợp pháp kim cương và đá qúy, cũng như kim loại qúy hoặc những thứ có giá trị lớn về chiến lược, gỗ, chất liệu sinh học và các sản phẩm từ động vật, như việc buôn bán ngà voi và vì thế sát hại voi, đang đổ dầu thêm vào lửa bất ổn chính trị, tội ác và khủng bố có tổ chức. Tình thế này cũng là một tiếng kêu từ nhân loại và từ chính trái đất, một tiếng kêu cần được cộng đồng quốc tế lắng nghe”.

Đức Giáo Hoàng kết thúc bài diễn văn bằng lời đoan hứa: Giáo Hội sẽ hỗ trợ và cố gắng làm việc cho ích chung.