Thứ Năm Tuần Thánh

TIỆC LY - BỮA TIỆC CỨU ĐỘ

Có lẽ trong đời mình, nhiều người trong chúng ta đã từng tổ chức các bữa tiệc khác nhau: tiệc cưới, tiệc giỗ, tiệc tân gia, tiệc sinh nhật, tiệc thôi nôi, tiệc đầy tháng, v.v... Còn đối với Chúa Giêsu, trong suốt cuộc đời dương thế của mình, Ngài chỉ “tổ chức” duy nhất một bữa tiệc, cũng là “tiệc chia tay” với các môn đệ dấu yêu trước khi Ngài đi vào cuộc thương khó, tử nạn. Bữa tiệc duy nhất này vẫn thường được gọi bằng cái tên rất dễ thương: Tiệc Ly. Tuy nhiên, đây không phải là bữa tiệc ly - tiệc chia tay thông thường, mà là bữa tiệc đặc biệt nhất, quan trọng nhất, và cũng gây nhiều cảm hứng nhất cho các nhà điêu khắc, hội họa trong lịch sử nhân loại. Vậy Tiệc Ly là bữa tiệc gì mà đặc biệt như thế?

1. Tiệc Ly, trước hết, là bữa tiệc Vượt Qua. Chúa Giêsu đã khẳng định điều này: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em, trước khi chịu khổ hình” (Lc 26,15). Chúng ta biết Lễ Vượt Qua của người Do Thái bắt đầu vào tối Thứ Sáu. Nhưng Chúa Giêsu đã ăn tiệc Vượt Qua vào tối Thứ Năm, nghĩa là Ngài ăn lễ trước một ngày. Vì đêm Thứ Sáu và ngày Thứ Bảy, Chúa Giêsu đã chết và đang ở trong mộ đá. Và vì là tiệc Vượt Qua, nên Chúa Giêsu đã đích thân lên chương trình kỹ lưỡng: từ việc mượn phòng tiệc, sắp đặt các chỗ ngồi, chuẩn bị đồ ăn thức uống, rồi sai các môn đi chuẩn bị trước. Nhưng đây cũng là lễ Vượt Qua được “làm mới”. Mới ở chỗ: nếu trong lễ Vượt Qua thời Cựu Ước, máu chiên của cuộc vượt qua được bôi lên cửa nhà những người Do Thái, làm cho tai họa “bỏ qua” nhà họ và các con trai đầu lòng của họ thoát chết, thì trong bữa Tiệc Ly - lễ Vượt Qua mới, chính Chúa Giêsu đã trở thành Chiên Vượt Qua của Thiên Chúa. Máu của Ngài – máu của Chiên Thiên Chúa sẽ giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết để được trường sinh trong Vương Quốc của Ngài.

2. Tiệc Ly, thứ đến, còn là bữa Tiệc Thánh. Là bữa Tiệc Thánh vì tất cả những gì liên hệ đều thánh. Người chủ sự bữa tiệc hôm đó không phải là một người phàm, dù đó là người gia trưởng trong các gia đình Do Thái hoặc là Môisê hay Aaron đi nữa; chủ tiệc là Con Thiên Chúa, Đấng “ba lần thánh”. Cả đến đồ ăn thức uống của bữa tiệc đó, tức là bánh và rượu, cũng đã trở thành “của ăn của uống cực thánh” - Mình và Máu châu báu của Chúa. Điều đặc biệt hơn nữa: bữa Tiệc Thánh này sẽ được tiếp nối và kéo dài cho đến tận thế, và những người làm công việc tiếp nối này cũng được “thánh hiến” qua Bí tích Truyền Chức mà Ngài sẽ thiết lập ngay sau đó. Tất cả những gì “liên hệ” tới lễ Tiệc Ly này đều trở thành “thánh”: Thánh lễ, chén thánh, đĩa thánh, khăn thánh, Bánh Thánh, Máu Thánh…

3. Sau nữa, Tiệc Ly còn là bữa tiệc yêu thương phục vụ. Thánh Gioan đã viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Ngài “yêu thương tất cả những kẻ thuộc về mình”, yêu thương cả Giuđa là kẻ nhẫn tâm phản bội Ngài; yêu thương cả Phêrô là kẻ vô tâm chối bỏ Ngài. Nhưng không phải là yêu thương một cách chung chung mà là yêu thương từng người, cũng không phải là yêu thương một cách hời hợt như ta thường thấy giữa thầy trò, mà là “yêu thương đến cùng”, yêu thương đến độ hiến mạng sống mình, biến thịt máu mình làm của ăn của uống nuôi sống linh hồn. Cử chỉ rửa chân là cử chỉ nói lên sự yêu thương phục vụ đúng nghĩa của nó: yêu thương thì không nề hà, yêu thương thì không tính toán, yêu thương thì không phân biệt đẳng cấp thứ bậc, chủ tớ…; yêu thương thì sẵn sàng quên mình đi để phục vụ.

Có khi nào chúng ta thấy trong một bữa tiệc mà Đức Giám Mục, hay Đức Giáo Hoàng đi lại phục vụ chén bát, phân phát đồ ăn thức uống, châm đá, hoặc bưng nước cho giáo dân rửa tay chưa? Có lẽ là chưa! Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã làm công việc phục vụ đó, nhưng không chỉ “bưng nước”, mà Ngài còn đích thân cúi xuống rửa chân cho từng người một. Ngài là vị Thiên Chúa mà dân Israel không dám gọi bằng tên, càng không dám tới gần. Nhưng nay Ngài đến thật gần với con người, và không những thế Ngài còn cúi xuống thật thấp trong cung cách là một người tôi tớ, người rốt hết, chứ không phải là một người chủ.. Đây là một cử chỉ nói lên cung cách phục vụ khiêm nhường thẳm sâu nhất của Ngài. Và Ngài cũng mời gọi các môn đệ của Ngài hãy yêu thương phụ vụ như Ngài đã nêu gương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương” (Ga 15,12); “Anh em cũng hãy rửa chân cho nhau”, nghĩa là “hãy phục vụ nhau như thế”!

Nếu người ta cám ơn thánh Luca vì ngài là vị thánh sử duy nhất đã ghi lại lời Chúa Giêsu dạy về dụ ngôn người cha nhân hậu (x. Lc 15,11-31), thì ta cũng phải biết ơn thánh Gioan vì ngài cũng là vị thánh sử duy nhất ghi lại biến cố vô cùng ý nghĩa xảy ra trước giờ phút Chúa chịu tử nạn, đó là biến cố Ngài rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,1-20).

Vì những yếu tố trên, Tiệc Ly trở thành bữa tiệc vô tiền khoáng hậu, bữa tiệc cứu độ.

Trong mỗi Thánh Lễ, trước khi rước lễ, linh mục đều nâng bánh rượu và xướng rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa Đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Là Kitô hữu, chúng ta thật diễm phúc vô cùng, vinh dự vô cùng vì hằng ngày chúng ta được Chúa mời tham dự bữa tiệc đặc biệt này. Hãy dâng lời tạ ơn Chúa luôn. Và một trong những cách thế tạ ơn tốt nhất, thiết nghĩ, đó chính là nỗ lực để “thực thi tình yêu và lòng thương xót” đối với anh chị em đồng loại như Chúa đã nêu gương.

Tất nhiên, Chúa sẽ không hỏi chúng ta đã rửa chân được cho bao nhiêu người, nhưng Chúa sẽ hỏi đôi bàn tay chúng ta đã giúp đỡ sẻ chia cho được những ai! Chúa sẽ không hỏi chúng ta đã hôn được bao nhiêu bàn chân, nhưng Chúa sẽ hỏi môi miệng chúng ta đã làm cho bao nhiêu người được an vui hạnh phúc. Chúa không muốn chúng ta trở thành những người thợ làm thuê (rửa chân - hôn chân thuê), những robot, người máy của thời hiện đại, nhưng muốn chúng ta thực sự trở thành những con trai con gái của một vị Thiên Chúa yêu thương, yêu thương đến cùng bằng nỗ lực thực hành giới luật yêu thương mà Chúa đã dạy (x. Tình Chúa - Tình Người, Lm. Giuse Dương Hữu Tình).

Cụ thể đó là ta đã cúi xuống để có thể lắng nghe và cảm thông với những đau khổ và nhọc nhằn của anh chị em đồng loại hay chưa? Ta đã cúi xuống để phục vụ cha mẹ già trong gia đình, gia tộc mình, bằng sự yêu thương kính trọng hay chưa? Ta đã cúi xuống để yêu thương và phục vụ chồng của mình, vợ của mình, con cái của mình bằng sự hy sinh trao hiến chưa? Ta đã quan tâm đến hàng xóm láng giềng, là những người sống bên cạnh chúng ta nhiều hơn chưa?

Dĩ nhiên để có thể yêu thương theo cung cách của Chúa yêu là không dễ chút nào. Cần phải có ơn Chúa trợ giúp. Bí tích Thánh Thể chính là nguồn trợ lực vô cùng cần thiết.

Vậy xin cho mỗi người chúng ta biết năng tham dự Thánh lễ và tiếp nhận Thánh Thể Chúa mỗi ngày, nhờ đó ta có thêm sức mạnh để thực thi giới luật yêu thương đối với anh em mình như Chúa dạy, và để nhờ đó mà ta có được sự sống đời đời mai sau. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long