PARAGUAY – MỘT CHÚT TẢN MẠN DỊP THỤ PHONG LINH MỤC

Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng 10 và nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang rầm rộ tổ chức một lễ hội dân gian có tên là Halloween. Là người Công Giáo, chúng ta không tố chức hay khuyến khích cho lễ hội này nhưng chúng ta thử tìm hiểu qua để biết và nói cho con cháu nếu có dịp chúng hỏi chúng ta.

Tên gọi Halloween hay Hallowe'en có niên đại từ khoảng năm 1745 và có nguồn gốc Kitô giáo. Halloween (viết rút gọn từ "All Hallows' Evening") là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 31 tháng 10 hàng năm, vào buổi tối trước Lễ Các Thánh ngày 1 tháng 11, theo sau đó là lễ các Đẳng Linh hồn ngày 2 tháng 11 trong Kitô giáo Latinh. Ba ngày này được nhóm chung thành Tam nhật Các Thánh, là thời gian dành để tôn kính các thánh nhân và cầu nguyện cho những linh hồn chưa lên thiên đàng. Trọng tâm theo truyền thống của Halloween xoay quanh chủ đề sử dụng "sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết".

Cách nhìn phổ biến cho rằng nhiều truyền thống của Halloween bắt nguồn từ các lễ hội thu hoạch của người Celt mà có thể mang gốc rễ ngoại giáo, đặc biệt là lễ hội Samhain của người Gael, và rằng lễ hội này đã được Giáo Hội thời sơ khởi Kitô giáo hóa. Tuy nhiên, một số nhà hàn lâm ủng hộ quan điểm rằng Halloween phát triển độc lập với Samhain và chỉ có nguồn gốc Kitô giáo.

Các hoạt động phổ biến trong lễ hội Halloween là trick-or-treat (trẻ con hoá trang đến gõ cửa nhà hàng xóm để xin bánh kẹo), dự tiệc hóa trang, đốt lửa, khắc bí ngô thành jack-o'-lantern, đớp táo, các trò đùa cợt, xem phim hoặc kể chuyện kinh dị. Ở nhiều nơi trên thế giới, những cử hành Kitô giáo trong ngày lễ Halloween như tham dự lễ nhà thờ và thắp nến trên các ngôi mộ, vẫn còn phổ biến, mặc dù ở các nơi khác, Halloween là một ngày hội mang tính thế tục và thương mại nhiều hơn. Trong lịch sử, một số người Kitô giáo từng kiêng thịt vào đêm Vọng lễ Các Thánh, một truyền thống dẫn đến thói quen ăn những loại thực phẩm nhất định vào đêm canh thức này, bao gồm táo, bánh kếp khoai tây và bánh ngọt linh hồn.

Một số báo chí Việt Nam còn gọi lễ hội hóa trang này là "Hóa lộ quỷ" hay "Ma lộ hình", mô phỏng cách phát âm tiếng Anh. (xc. https://vi.wikipedia.org/wiki/Halloween).

Biểu tượng của ngày lễ Halloween là những trái bí ngô được khoét theo những khuôn mặt tưởng tượng. Chuyện kể lại rằng, vào ngày đó những người đã chết sẽ quay về nhân gian tìm một cơ thể và nhập vào để được đầu thai vào năm sau. Đó là cách duy nhất để các linh hồn đó có thể được tái sinh. Người Celtic tin rằng ngày đó chính là ngày âm dương giao hòa, kẻ chết và người sống có thể tiếp xúc với nhau. Dĩ nhiên người sống không bao giờ muốn cơ thể của mình bị các linh hồn “cướp” mất, vì thế vào tối 30/10 tất cả các làng mạc đều dập tắt lửa và mặc những trang phục cực kỳ ghê tởm và diễu hành ầm ĩ khắp xóm để xua đuổi các linh hồn đến tìm kiếm thân xác để nhập vào. (xc. http://khoahoc.tv/le-hoi-ma-halloween-va-nhung-dieu-ban-chua-biet-56670).

Như thế, lễ hội Halloween đã bị biến tướng và bị thương mại hóa và nhiều người trẻ Công Giáo không vững đức tin nên dễ bị lung lạc và dễ bị cuốn theo trào lưu tục hóa. Bản chất của lễ hội này không hề xấu vì chỉ là một nét văn hóa cổ xưa nhưng theo dòng thời gian đã trở thành một thứ lạc giáo và nếu chúng ta không cảnh tỉnh thì dễ rơi vào “thuyết tương đối”, điều mà giới trẻ và ngay cả nhiều người lớn ngày nay thường biện minh cho những việc sai trái của mình là “không ảnh hưởng gì hòa bình thế giới”

Tháng 10 năm nay cũng để lại nhiều điều không may cho thê giới và nước Việt thân yêu chúng ta khi những trận cuồng phong và lụt lội đã tàn phá nhà cửa, hoa màu cũng như thiệt hạt về nhân mạng. Nhiều gia đình ở miền Trung Việt Nam đến giờ vẫn còn trong tình trạng màng trời, chiếu đất và đang nhận sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm khắp nơi để duy trì suy sống mà thấy nhói lòng. Phải chăng thiên nhiên đang giận dữ và đang trả thù con người vì chính con người đã và đang hủy hoại thiên nhiên! Rạng sáng thứ Ba ngày 25 tháng 10 vừa qua khi chúng tôi đang còn chìm trong giấc ngủ thì bỗng nhiên nghe một tiếng động rất lớn là tiếng sấm đã khiến toàn bộ hệ thống điện quanh khu vực chúng tôi bị cháy và giông bão nổi lên khiến cây cối ngã đỗ và nhiều ngôi nhà trần tôn bị cuốn đi trong đó có ngôi trường học của chúng tôi. Trận cuồng phong này đã làm thiệt hại rất nhiều về vật chất trong vùng chúng tôi đang sống nhưng cũng may là không có thiệt hạt về con người. Chính mình ở trong hoàn cảnh đó mới hiểu được những người khốn khổ vì thảm hoại thiên nhiên đang ngày đêm vật vã vì cơn đói khát và không có chỗ nương thân. Chính lúc này mơi cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm để họ có thể phần nào giảm bớt những khổ đau phần xác cũng như phần hồn.

Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 7 anh em chúng tôi lãnh tác vụ linh mục. Lẽ ra ngày thụ phong linh mục lúc đầu ấn định là ngày 18 tháng 10 - lễ Thánh Luca. Tuy nhiên do vài vấn đề nhạy cảm giữa chính quyền và Giáo quyền ngày ấy nên đã ấn định lại ngày thụ phong linh mục của chúng tôi trùng ngày lễ Halloween. Không biết vô tình hay hữu ý mà cả hai phía đều đồng ý cho ngày này, một ngày lễ hội bị biến tướng và đối với chúng tôi chỉ biết vâng lời và làm theo. Ngày ấy không dễ dàng giống như bây giờ vì còn bị cơ chế xin-cho và tất cả đều phải chờ đợi quyết định từ trên nếu họ không đồng ý thì phải tiếp tục chờ… Vây mà hơn một thập niên đã trôi qua với bao biến động trong xã hội, trong cuộc sống và trong từng người chúng tôi nhưng nhờ ơn Chúa nâng đỡ và lời cầu nguyện của bao người nên chúng tôi vẫn còn ở trong ơn gọi này.

Người đời thường nói sống ơn gọi nào cũng có thánh giá và mỗi người phải tự biết vác thánh giá mình mà không nên phàn nàn, than thở. Chúng tôi cũng biết bao lần lên bờ, xuống ruộng trong đời tu khi còn là chú chủng sinh trong chủng viện, rồi sau đó khấn Dòng trong Học viện và đời sống truyền giáo như một linh mục nơi vùng truyền giáo ở Nam Mỹ. Vui có, buồn có, thất vọng có, chán nản có, tham vọng có, tội lỗi có, thành công có, thất bại cũng có… Nhất là trong tháng này chúng tôi bị một tên say rượu có chơi ma túy vô cớ vào nhà thờ đánh thẳng vào ngực chúng tôi trong lúc chuẩn bị dâng thánh lễ. Những năm đầu đời linh mục cảm thấy gần Chúa và siêng năng cầu nguyện, hiệp dâng thánh lễ sốt sắng lắm nhưng càng ngày càng thấy mình tệ đi nhiều về mọi phương diện mà chỉ bản thân mới nhận ra. Ngẫm lại thấy những bậc đàn anh khi kỷ niệm ngân khánh, kim khánh hay ngọc khánh linh mục mà các ngài vẫn còn hăng say và tràn đầy nhiệt huyết như những ngày đầu mà bản thân càm thấy xấu hổ vì mình chưa là gì cả.

Hôm nay có cha bạn cùng lớp ở giáo xứ xa xôi mới về thăm và tình cờ có một linh mục đồng hương cũng đến thủ đô có việc nên 3 anh em rủ nhau đi ăn tối để tạ ơn Chúa dịp hội ngộ và ngày kỷ niệm thụ phong linh mục. Lâu ngày được dịp trò chuyện tiếng Việt giữa những người đồng hương đang ở xứ người cảm thấy rất hạnh phúc.

Hôm nay cũng là ngày kết thúc tháng Mân Côi và khi chúng tôi đang còn viết những hàng nhật ký này lúc 22h30 giờ Paraguay ngày 31 tháng 10 thì bên Việt Nam đã bước qua ngày 1 tháng 11 - Lễ Các Thánh. Xin Mẹ Maria và các Thần Thánh trên trời luôn gìn giữ và phù hộ chúng con trong ơn gọi linh mục dù chúng con nhận biết rằng mình yếu đuối và dễ sa ngã. Xin các Thánh Nam Nữ luôn cầu bầu cho tất cả những người thân yêu, bè bạn chúng con trong ngày bổn mạng của tất cả.

Paraguay, 31/10/2016, Kỷ niệm thụ phong linh mục

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.