Bông Hồng 21- Đau Thương Với MARIA.

ĐAU THƯƠNG VỚI MẸ

I- SUY NIỆM THÁNH KINH:

“Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giô-xép, và cũng là môn đệ Đức Giêsu. Ông đến gặp Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông.” (Mt 27: 57-58). Và Thánh Luca nói rõ chi tiết hơn: “Ông hạ xác Người xuống…” (Lc 23:53).

Riêng Thánh Gioan đang hiện diện dưới chân thập giá, nên viết đầy đủ và chính xác các chi tiết rõ ràng: “Sau đó, ông Giô-xép, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống. Ông Giô-xép này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xép đến hạ thi hài Người xuống.” (Ga 19: 38).

Chính ông Giô-xép thành Arimathê đã đưa xác Chúa Giêsu xuống. Và lẽ dĩ nhiên các phụ nữ đã phải cùng giúp ông một tay trong việc này. Bởi thế, chắc chắn rằng Đức Maria đã đón nhận lấy xác Con ở dưới chân cây Thập Giá. Và truyền thống suy diễn thêm rằng khi xác của Chúa Giêsu được đưa xuống khỏi cây thập giá, Mẹ Người đã tiếp nhận Người trong đôi cánh tay và ôm lấy Con vào lòng.

Không phải chỉ lúc này, Mẹ Maria mới ôm lấy Con vào lòng. Mẹ đã ôm lấy Người Con yêu dấu của mình trong suốt cả cuộc đời bằng tình yêu thương rồi. Mẹ cũng ôm lấy tất cả những đau khổ của Người phải chịu vào trong trái tim mình nữa.

Thánh Giêrônimô đã nói: “Không một vết thương nào trên thân xác Chúa, mà không là một vết thương trong Trái Tim Đức Mẹ.”

Quả vậy, đôi cánh tay dang rộng của Mẹ Maria tiếp nhận lấy Người Con đã bị đóng đinh, trên thân xác còn mang đầy thương tích, để trở nên một với Con, bằng cả cuộc đời chịu đau khổ: từ lúc đầu thai trong cung lòng mẹ đến khi lâm chung lại trở về nằm trong lòng của người Mẹ hiền mẫu.

Đức Maria đã đón nhận lấy Chúa Giêsu như một người đầy lòng thương xót tiếp nhận nỗi thương đau của cả nhân loại vào trong lòng mình. Mẹ ôm lấy Người Con đầy thương tích là một nạn nhân vô tội của tấm bi kịch kinh khủng và tàn bạo nhất, do sự bất công và tội lỗi của con người gây ra như Isaia đã nói tiên tri trước rằng: “Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng còn nơi lành lặn: vết bầm, vết đánh, vết thương còn mới, chưa có ai lau chùi, chưa có ai băng bó, chưa có ai thoa dầu.” (Is 1: 6).

Điểm chính của nỗi đau thương thứ sáu là việc Đức Maria tiếp nhận thi thể của Đức Giêsu trong đôi cánh tay và ôm vào lòng. Mẹ Maria đã nhận lại Con với toàn thể con người của Người để hoàn thành một chu kỳ của kiếp sống nhân sinh từ khi sinh ra đến lúc tử biệt. Trong thân xác này bao gồm tất cả những gì Mẹ đã yêu mến và biết về Con: những kỷ niệm yêu thương, buồn lo, và thử thách mà Mẹ Con đã kinh nghiệm và chia sẻ với nhau; cùng với những ước mơ và hy vọng mà bất cứ người mẹ nào cũng đều mong muốn cho con mình. Mẹ Maria đã ôm tất cả vào lòng mình.

II- ÁP DỤNG THỰC TẾ:

Mỗi cuộc đời đều có những đau khổ, phấn đấu và khó khăn. Cuộc đời của Đức Maria cũng thế. Để diễn tả nỗi thương đau lớn nhất của cuộc đời Mẹ Maria, và cũng để diễn tả niềm tin của Truyền Thống Kitô giáo vào sự đau thương thứ sáu này của Đức Maria, Michelangelo (1475 - 1564) đã tạc một tác phẩm bằng thạch cao nổi tiếng mang tên “Pietà”, “Piety”, có nghĩa là “Lòng Trung Thành và Sự Kính Mến”, “Loyalty and Devotion”.

Qua tác phẩm nghệ thuật đầy xúc cảm và ấn tượng này, chúng ta nhìn thấy hình ảnh đau buồn của một người mẹ đang ôm lấy thân xác thương tích của người con vừa bị hành quyết. Michelangelo muốn diễn tả sức mạnh và tình yêu bao la của Đức Maria qua khuôn mặt và tư thế đang ôm lấy Chúa Giêsu đầy thương tích. Trong tác phẩm “Pietà”, Đức Maria có đôi vai rộng lớn và một khoảng trống rộng rãi từ thắt lưng đến đầu gối để thi thể của Chúa Con có thể nằm yên nghĩ trong lòng Mẹ. Tác phẩm này là một sự nhắc nhở về sức mạnh chịu đựng đau khổ và tình yêu bao la của người mẹ.

1- Những “Pietàs” trong cuộc đời:

Một người mẹ phát hiện ra người con trai duy nhất của mình treo cổ tự tử trong phòng ngủ. Bà chạy vội vào nhà bếp, lấy con dao, cắt sợi giây, đưa con xuống với hy vọng nó còn sống. Người mẹ quỳ xuống, ôm lấy con vào lòng, khóc nức nở. Bà không thể tin được rằng con mình đã chết!

Có một lần, tôi được vị tuyên úy bệnh viện gọi đến xức dầu cho một người vừa bị tai nạn nằm bất tỉnh trong phòng cấp cứu. Khi vừa bước qua phòng chờ đợi dành cho thân nhân của bệnh nhân, tôi nhìn thấy một số giáo dân người Việt Nam. Tình cờ gặp tôi, họ mừng lắm, và dẫn tôi vào ngay phòng thân nhân của họ, ở bên cạnh phòng đã mời tôi đến. Tôi trông thấy một bà mẹ đang khóc ôm lấy cái đầu đã được băng bó kín mít bằng băng vải trắng của người con trai. Sau khi đã ban phép Bí Tích Xức Dầu, gặp gỡ gia đình, tôi được biết rằng người anh đang nằm ngủ trên chiếc ghế sofa, nghiêng đầu sang một bên, đứa em trai bị bệnh tâm thần suốt đêm không ngủ được… bèn cầm con dao đâm một phát vào ngay thái dương của anh nó. Cảnh sát đã bắt giữ nó. Trước khi đi, nó còn đưa lại cho gia đình một số tiền và căn dặn rằng hãy đi mua thuốc chữa bệnh cho anh nó!

Tôi nhìn thấy Đức Maria là một biểu tượng đặc biệt của các bà mẹ phải chịu đau khổ trước những bi kịch xảy ra cho con cái. Hay nói một cách tổng quát hơn, Đức Maria là hình ảnh của bất cứ ai mở rộng cánh tay đón nhận lấy đau khổ, buồn sầu và sự chết của người khác trong cuộc đời. Bởi tư thế đón nhận một cách rộng rãi này, chúng ta trở nên hình ảnh sống động của “Pietàs”.

Và hình ảnh của “Đức Giêsu mang thương tích”, người con được mẹ ôm lấy là biểu tượng của những người đau khổ, những người đang cần đến một người nào đó hiện diện với họ khi cô đơn, bị bỏ rơi, bị rối loạn, xúc động, mất bình tĩnh vì khổ đau. Những người đau khổ này đang mong muốn được đón nhận vào vòng tay âu yếm và dịu hiền để làm nên ý nghĩa của “Pietàs”.

2- Ôm vào lòng:

Người mẹ ôm con vào lòng. Đưa vào lòng là nơi để an ủi, vỗ về, yêu thương. Nằm an toàn trong lòng mẹ, người con cảm thấy được che chở, bảo vệ, nuôi nấng và thường được ru ngủ êm ái. Lòng là một phần cơ thể tự nhiên được cấu tạo khi chúng ta ngồi xuống. Nó tạo nên một khoảng trống để lưu giữ, ôm ấp người hay vật gì mà chúng ta quý mến. Không ai muốn đưa vào lòng điều gây nguy hại hay mình không ưa thích!

“Chúa Giêsu mang thương tích” nằm ở trong lòng Mẹ Maria thì cũng muốn được ở trong lòng mỗi người chúng ta. Người là biểu tượng của những con người đau khổ trong cuộc đời, của những bệnh nhân ốm đau liệt giường, của những con người không còn hình tượng là con người nữa, của sự mất mát và sự chết… mà chúng ta lại đang thực sự không muốn ôm vào lòng, bởi chúng ta không ưa thích, bởi chúng sẽ làm cho chúng ta buồn phiền và đau khổ. Đây là một thách đố lớn lao cho chúng ta vì “Chúa Giêsu mang thương thích” chỉ muốn nằm trong lòng chúng ta mà thôi.

Bởi thế, trong cuộc đời, dù muốn hay không, dù thích hay bất đắc dĩ, không thể tránh, chúng ta cũng phải đóng vai trò của Đức Maria, ôm lấy “Chúa Giêsu thương tích” vào lòng. Lòng là một khoảng trống. Khoảng trống đó có thể là khoảng trống tinh thần, tình cảm, tâm trí, hay thể lý. Chúng ta có một khoảng trống nào dành cho những đau khổ của người khác không?

3- Ôm lấy đau khổ: thật khó khăn!

Đức Maria ôm lấy thi thể của một tội nhân bị đóng đinh với những thương tích tàn bạo của nó. Cảnh tượng thực tế của “Pietà” không lãng mạn hay đẹp đẽ gì đâu. Nhưng là một cảnh tượng nhuốm máu! Đức Maria vô cùng đau đớn, vừa mệt vì đứng đã lâu dưới chân Thập Giá, lại phải chịu đựng sức nặng của thi thể Đức Giêsu đè xuống. Trẻ thơ ngồi trong lòng mẹ thì cả hai đều rất sung sướng và nhẹ nhàng. Nhưng thi thể của người con là chàng thanh niên trai tráng đã chết mà nằm trong lòng mẹ thì trở nên vô cùng nặng nề cả về thể lý lẫn tâm lý. Sức nặng và sức ép cùng đè xuống thân xác và tâm hồn của người mẹ!

Một số đau khổ dường như nặng hơn so với khả năng chúng ta có thể tiếp nhận. Một thân xác đã bị dị dạng do hỏa hoạn, dị dạng bẩm sinh, ung thư mặt, tai nạn xe hơi, và tất cả những đau khổ thay đổi hình dạng thể lý của con người đều gia tăng sự thảm khốc đến mức độ thật khó chấp nhận. Có những trường hợp không còn nhận diện ra hình thể của thân nhân mình nữa. Như tiên tri Isaia đã nói trước về Chúa Giêsu chịu đóng đinh: “Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn…” (Is 53: 3).

Trong những hoàn cảnh này, chúng ta chỉ có thể ôm lấy được bởi một sức mạnh phát xuất từ một tình yêu sâu xa. Hình ảnh của “Pietà” là một điển hình nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của tình yêu. Đây là một bằng chứng sống động cho thấy rằng tình yêu mạnh hơn sự chết.

Một ngày nọ Mẹ Têrêsa Calcutta và một số các nữ tu Bác Ái Truyền Giáo đang đi thăm dân chúng nghèo đói trên đường phố ở Calcutta. Mẹ Têrêsa đã gặp thấy một người đàn ông gần chết nằm rên rỉ ở dưới cống rãnh bên vệ đường. Ông ta thực sự dơ dáy bẩn thỉu. Quần áo như giẻ rách. Những vết thương hôi thối ruồi bọ bu quanh. Mẹ Têrêsa đi đến nói chuyện và ôm lấy ông. Khi mẹ bắt đầu chăm sóc vết thương cho ông thì có một người khách qua đường trông thấy những vết thương ghê tởm mới nói với mẹ Têrêsa: “Trả tôi một triệu đô la tôi cũng không thể làm được việc này.” Mẹ Têrêsa đáp lại rằng: “Tôi cũng vậy!” Cho một triệu đô la cũng không làm được, nhưng với tình yêu, Mẹ Têrêsa đã làm được tất cả những việc bác ái.

Trong thực tế, có nhiều trường hợp xảy ra, chính những người thân nhân đã ngoảnh mặt làm ngơ, đổ trách nhiệm cho những người chuyên môn như y tá, bác sĩ, các sơ, tuyên úy bệnh viện, hay hàng xóm… Còn họ chỉ đứng xa xa ở nơi an toàn để ngắm nhìn một cách thương xót! Dĩ nhiên vì họ chưa thực sự yêu thương đủ.

4- Mẹ Maria ôm lấy chúng ta trong đau khổ của chúng ta:

Trong cuốn “Your Sorrow Is My Sorrow”, trang 145, Joyce Rupp đã trích lời của một phụ nữ chia sẻ câu chuyện về Đức Mẹ Maria giúp đỡ bà như sau:

“Cái lưng của bà rất đau đớn vì vừa bị giải phẫu. Sau khi mổ, đã 12 ngày rồi, bà không thể ngủ được vì đau đớn. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời bà hiểu được tại sao người ta lại không muốn sống nữa. Sau cùng, vào ngày thứ 12, bà đã cầu nguyện với Đức Mẹ Maria rằng: Mẹ ơi, Mẹ cũng là Mẹ của con. Mẹ phải ôm lấy con và săn sóc con chứ, bởi con không thể nào chịu đựng được cơn đau này nữa. Rồi sau đó, bà điều chỉnh lại cái gối kê dưới chân và đã ngủ luôn trong 10 tiếng đồng hồ. Bà nói rằng, trong giấc ngủ bà vẫn còn biết đau, nhưng có thể chịu đựng được, và cái đau đó không đến nỗi bắt bà phải thức. Đây chính là hình ảnh về tình mẫu tử của Đức Mẹ Maria đã ôm lấy bà, và làm cho bà được nghỉ ngơi trong giấc ngủ.”

Đức Maria đã dang rộng cánh tay và mở rộng cõi lòng để tiếp nhận Người Con bị đóng đinh của Mẹ. Đối với Mẹ, đó là sự đáp trả tự nhiên, bởi toàn vẹn con người của Mẹ đã luôn luôn dành trọn cho Người. Đó cũng là cách Mẹ yêu thương chúng ta như vậy. Tinh thần quảng đại của Mẹ Maria gợi cho chúng ta ý muốn sẵn sàng hiện diện với những ai đang chịu đau khổ. Khả năng tiếp nhận đau khổ của Mẹ thúc đẩy chúng ta phải quên đi sự ích kỷ, và dấn thân vì tha nhân một cách cởi mở và quảng đại hơn. Bởi trong chính đau khổ của chúng ta, hay đau khổ chúng ta phải chịu vì tha nhân, Mẹ Maria sẽ ôm lấy tất cả vào lòng thương xót của Mẹ.

Lạy Đức Mẹ Sầu Bi, Mẹ đã mở rộng đôi cánh tay, dang rộng cõi lòng để tiếp nhận thi thể của Con Mẹ. Thân thể bị đóng đinh và bị đội mạo gai nói với Mẹ về những đau khổ Người phải chịu. Mẹ đã ôm lấy Người Con yêu dấu đầy thương tích, với tất cả sự đau đớn của trái tim một người mẹ. Chúng con cũng phải trải qua những mất mát và đau khổ trong cuộc đời. Xin dạy chúng con biết ôm lấy những đau khổ của chính mình và của tha nhân. Xin giúp chúng con nhớ rằng cõi lòng rộng rãi của Mẹ, và cánh tay mạnh mẽ của Mẹ cũng đang chờ đợi để tiếp nhận chúng con trong những lúc khổ đau này.