(Vatican 29/10/2004). Trong buổi tiếp kiến tân đại sứ Iran, ông Mohammad Javad Faridzadeh, đến trình ủy nhiệm thư, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thẳng thắn phàn nàn về tình trạng giới hạn tự do tôn giáo tại đất nước Hồi Giáo này. Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng tự do tôn giáo là nhân quyền căn bản. Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng cuộc chiến chống khủng bố hiện nay cần được sự tham gia tích cực của các chính quyền trên thế giới nhằm đạt đến một “trật tự thế giới cân bằng hơn”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến việc Iran cần tuân thủ các hiệp định quốc tế đã được ký kết chẳng hạn như hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Cho đến nay, Iran vẫn còn giữ quan hệ căng thẳng với Ủy Ban Nguyên Tử Năng Thế Giới vì vẫn theo đuổi chương trình hạt nhân của riêng mình.

Về vấn đề người Công Giáo tại Iran, cũng như các hệ phái Kitô Giáo khác, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “quyền tự do thờ phượng là một trong những khía cạnh của tự do tôn giáo mà mọi người phải được có như nhau”.

Đức Thánh Cha kêu gọi Iran tôn trọng quyền tự do tôn giáo chính đáng của họ và ban cấp cho các cơ chế của Giáo Hội tình trạng pháp lý cần thiết nhằm tạo điều kiện cho họ hoạt động trong xã hội Iran. Đức Thánh Cha long trọng tuyên bố:

“Tòa Thánh trông mong chính quyền Iran cho các tín hữu Công Giáo tại Iran cũng như các Kitô hữu khác quyền giữ đạo và ban cho các cơ cấu của Giáo Hội tình trạng pháp lý cần thiết để tạo điều kiện cho họ hoạt động trong xã hội Iran”.

Đức Thánh Cha cũng đưa ra những nhận xét về tai ương khủng bố. Tai ương khủng bố đã trở nên ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây và đã gây ra nhiều cuộc thảm sát dã man, mà đến lượt lại gây ra những trở ngại lớn lao hơn cho con đường đối thoại và thương thảo, gia tăng những căng thẳng và chồng chất thêm vấn đề. Đối phó với trào lưu khủng bố muốn “áp đặt cho thế giới luật riêng của nó”, công pháp quốc tế phải được tôn trọng, phải được sự đóng góp thêm của các chính phủ để đưa ra các phương thế luật pháp trang bị với những phương tiện ngăn chặn, giám sát và khống chế tội ác. Một trật tự thế giới cân bằng cũng như một tương lai hòa bình và ổn định cho mọi dân nước đòi hỏi các nước, trước hết, phải cam kết tuân thủ những hiệp ước đã được ký kết và tôn trọng các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Đối với Đức Thánh Cha, việc cam kết tuân thủ công pháp quốc tế là “một dấn thân cho hòa bình, can đảm đối phó với chủ nghĩa khủng bố và xây dựng một thế giới trong đó tất cả được coi là con cái của Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót”.

Bài diễn văn của Đức Thánh Cha trước một vị tân đại sứ có lẽ chưa bao giờ căng thẳng như lần này.