Đó là tên đặt cho một hội nghị quan trọng về Châu Phi đang diễn ra tại Rôma trong các ngày 22 tới 25 tháng này nhằm mục tiêu đánh đổ kiểu suy nghĩ dựa trên các phạm trù cổ điển tả hữu.

Đây là một hội nghị được coi là quan trọng hơn cả kể từ Thượng Hội Đồng Giám Mục về Châu Phi lần thứ hai tại Vatican năm 2009. Hội nghị này do Đại Học Notre Dame của Hoa Kỳ bảo trợ.

Hội nghị quy tụ nhiều thần học gia Châu Phi, nhiều học giả quốc tế về tôn giáo và xã hội, nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội. Các vị này sẽ cùng nhau suy nghĩ lại nền thần học Châu Phi và bản chất của nó và nó có thể đóng góp được gì cho các Giáo Hội và xã hội Châu Phi, cũng như cho thế giới nói chung.

Hội nghị có sự tham dự của những vị giáo phẩm nổi danh như các Đức Hồng Y Francis Arinze và John Onaiyekan; Đức Hồng Y Laurent Monsengwo, Tổng Giám Mục Kinshasa thuộc Cộng Hòa Dân Chủ Congo và là thành viên của Nhóm Hồng Y Cố Vấn cho Đức Phanxicô trong việc cải tổ Giáo Triều; và Đức Hồng Y Peter Turkson của Ghana, đứng đầu siêu thánh bộ Phát Triển Con Người Toàn Diện.

Như các Kitô hữu Châu Phi

Tài liệu của Hội Nghị cho rằng nền thần học Kitô Giáo Châu Phi xuất hiện như một ngành học chính thức trong Giáo Hội Công Giáo giữa thế kỷ 20 khi một số linh mục Châu Phi được huấn luyện tại Rôma và tại một số đại học Châu Âu.

Lúc đó, người Châu Phi bắt đầu tiếp cận đức tin như “các Kitô hữu Châu Phi” chứ không đơn giản chỉ như những người tiêu thụ cách hiểu đức tin Kitô Giáo theo Châu Âu.

Nhưng theo Cha Odozor, người đứng ra tổ chức Hội Nghị lần này, thì nền thần học Châu Phi hiện đang chịu ảnh hưởng càng ngày càng nhiều bởi những quan tâm vượt quá Tôn Giáo Cổ Truyền Châu Phi, vốn là điều chính yếu cách nay 50 năm. “Chủ nghĩa thực dân, nền độc lập, chiến tranh, nạn HIV/AIDS, và việc xuất hiện của chủ nghĩa cực đoan Duy Hồi Giáo đã thay đổi tận gốc cảnh giới của Châu Phi. Cũng thế, hoàn cầu hóa, cách mạng tình dục, và việc cùng một lúc có sự mở rộng Giáo Hội ở Nam Bán Cầu và sự co cụm của Giáo Hội tại Bắc Bán Cầu đã thay đổi cách Giáo Hội Châu Phi nghĩ về chính mình và vị trí của mình trên thế giới”.

Sự phát triển liên tục về dân số giúp thay đổi trọng tâm của Giáo Hội hoàn cầu từ Châu Âu và Bắc Mỹ qua Nam Bán Cầu, với Châu Phi càng ngày càng chiếm vị trí tự hào.

Theo Cơ Sở Dữ Liệu Kitô Giáo Thế Giới (World Christian Database), tới năm 2050, Châu Phi sẽ có hơn 450 triệu người Công Giáo, trở thành lục địa Công Giáo lớn nhất thế giới, trong khi người Công Giáo được dự kiến sẽ co giảm tại Châu Âu. Khỏang 30 năm nữa, dân số Công Giáo Châu Phi sẽ gần gấp đôi dân số ấy tại Châu Âu.

Giáo Hội ở Nam Bán Cầu không những gia tăng về số lượng, mà cả về ảnh hưởng nữa. Hiện có khoảng 24 thành viên trong Hồng Y đoàn, trong đó, 14 vị dưới 80 tuổi, nghĩa là có thể ứng cử chức vị giáo hoàng trong cơ mật viện tương lai. Các vị đại diện cho 12% các vị cử tri, không cách xa bao nhiêu tỷ lệ 12.63% người Công Giáo Châu Phi trong tổng số 1.3 tỷ người Công Giáo khắp thế giới.

Con số hiện nay so với 3 năm trước, do đó, đã tăng tới 7. Trong khi đó, Âu Châu hiện có phần giảm trong 3 năm ấy: thực vậy, 3 năm trước Âu Châu có 108 Hồng Y với 53 vị dưới 80, nay họ có 109 vị nhưng chỉ có 52 vị dưới 80 mà thôi.
Hai vị Hồng Y Châu Phi hiện đang nắm giữ các chức vụ quan trọng tại Giáo Triều: Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinea, đứng đầu Thánh Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích và Đức Hồng Y Turkson, đứng đầu siêu thánh bộ Phát Triển Con Người Toàn Diện.

Người Châu Phi cũng can dự vào nhiều sáng kiến cải tổ lớn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Đức Hồng Y Monsengwo được cử vào “Nhóm C9” còn Đức Hồng Y Wilfrid Napier của Durban, Nam Phi, thì được cử làm thành viên của Hội Đồng Kinh Tế.

Các vị giáo phẩm Châu Phi không ngại phát biểu quan điểm của mình một cách lớn tiếng.

Thực vậy, trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình năm 2014, không vị giáo phẩm Châu Phi nào được cử soạn thảo văn kiện cuối cùng. Một số vị phản đối việc này, thế là Đức Hồng Y Napier nhanh chóng được Đức Phanxicô cử vào ban soạn thảo.

Một năm sau, trong một Thượng Hội Đồng khác, 2 trong số 13 vị Hồng Y viết thư cho Đức Giáo Hoàng tỏ ý quan ngại về diễn trình của Thượng Hội Đồng là người Châu Phi: Napier và Sarah.

Kiểm hàng

Có thể nói: Giáo Hội tại Châu Phi đã trưởng thành. Nên trước khi xét đến việc mình có thể làm gì trong tương lai, hội nghị lần này muốn kiểm hàng xem mình đã làm được gì trong các lãnh vực thiết yếu như thần học, phụng vụ, vai trò nữ giới và chính trị.

Thần học

Cha Bede Ukwuije, người Nigeria đã mở màn hội nghị bằng một tham luận nói tới nền thần học Công Giáo Châu Phi trong mấy thập niên qua.

Theo Cha, nền thần học ấy nở rộ trong mọi phạm vi, trong đó có phụng vụ, giải thích Thánh Kinh và đạo đức học theo cung cách Châu Phi. Nhìn về tương lai, Cha cho rằng một trong các thách đố là thích ứng các cơ cấu của Giáo Hội để mở ra một lối đi rộng rãi hơn cho việc hội nhập văn hóa và thích ứng với hoàn cảnh Châu Phi. Cha đưa ra ý niệm dành “nhiều tự lập hơn cho các hội đồng giám mục quốc gia hay miền”.

Đức Cha Tharcisse Tshibangu của Cộng Hòa Dân Chủ Congo, người Phi Châu duy nhất làm chuyên viên tại Vatican II, lớn tiếng kêu gọi một nền thần học Công Giáo trên lục địa vừa có tính Châu Phi chân chính vừa tham dự vào những cuộc đàm đạo có tính hoàn cầu rộng rãi hơn.

Đức Cha nói rằng “Chúng ta phải nắm được các nhu cầu của Châu Phi, phải nắm được linh hồn của Châu Phi, nhưng cũng phải là người hùn hạp vào tư duy hoàn cầu. Đây không phải là chỉ là vấn đề thần học Châu Phi cho người Châu Phi mà thôi, mà là một nền thần học có giá trị cho mọi người”.

Cha Charles Nyamiti, thuộc Đại Học Công Giáo Đông Châu Phi, dự hội nghị qua Skype từ Nairobi, đưa ra một luận điểm cho rằng ta có thể hiểu toàn bộ câu truyện của Chúa Kitô theo ngôn từ của nghi thức khai tâm truyền thống của Châu Phi. Nghi thức này hội nhập các thành viên mới vào các gia đình và các vòng họ hàng.

Cha Nyamiti đề nghị: loại khám phá thần học này cần được cổ vũ nơi các học giả Châu Phi, như một cách khám phá ra điểm giao thoa giữa đức tin và văn hóa của châu lục.

Cha Bonaventure Ikenna, thuộc Trường Thần Học Quốc Tế của Dòng Spiritan (Chúa Thánh Thần), thì nhấn mạnh rằng vì nền văn hóa tôn giáo đặt căn bản trên thần trí của phần lớn Châu Phi, nên một số tư tưởng gia Công Giáo Châu Phi đã đóng những vai trò dẫn đầu trong các khai triển gần đây về nền thần học Thần Khí.

Tuy nhiên, sự lớn mạnh về trí thức như trên không luôn được kèm theo bởi một nền thực hành mục vụ tương ứng. Cha Ikenna trích dẫn cuộc tranh luận nổ ra ở Nigeria trong thập niên 2000 về một phong trào có tên là “Ngọn Lửa Chúa Thánh Thần”, một kỹ thuật cầu nguyện có lẽ phát nguyên từ các giới Ngũ Tuần và du nhập vào Giáo Hội Công Giáo qua phong trào đặc sủng.

Cha nói rằng: “một số Kitô hữu bắt đầu cầu nguyện theo lối mới, tức là, cầu khẩn lửa Chúa Thánh Thần xuống trên kẻ thù của họ, thiêu rụi chúng và các kế hoạch xấu xa của chúng”.

Cha cho biết các mục tử và giám mục Công Giáo đã nhất trí nhấn mạnh rằng giáo huấn Công Giáo luôn coi Chúa Thánh Thần là nguồn yêu thương chứ không phải trả thù đối với kẻ thù của ta. Nhưng bất chấp các cố gắng của các ngài, phong trào trên vẫn lớn mạnh và tại một số giáo phận, các đấng bản quyền buộc phải chính thức kết án. Dù thế, sau đó, một số người Công Giáo vẫn ương ngạnh và kết cuộc đã xa lìa Giáo Hội.

Phụng vụ

Cha Ukwuije nhận định rằng một yếu tố khác biệt của đời sống Công Giáo Châu Phi sau Công Đồng Vatican II là sự xuất hiện của những nét thờ phượng hết sức đặc trưng Châu Phi, nhất là trong việc tổng hợp các chuyển động và bước nhẩy đầy phong cách.

Ngài cho rằng các khai triển trên “đã cô đọng việc tìm tòi và các cuộc tranh luận vào việc hội nhập văn hóa”.

Ấy thế nhưng, cha cho rằng, cả ở đây nữa, cũng có những chuyện đau lòng. Thí dụ, một số thần học gia và giáo phẩm lo sợ rằng dùng nhiều khiêu vũ quá trong việc thờ phượng có thể xâm hại tới “cảm thức thánh thiêng”. Cha cảnh cáo rằng ngày nay, một số cộng đoàn có thể bị thúc đẩy theo hướng đó bởi áp lực cạnh tranh của Phái Ngũ Tuần ở khắp Châu Lục; phái này, với những cung cách thờ phượng chứa chan tình cảm và tự phát, đang có sức lôi cuốn rất mạnh đối với nhiều người Công Giáo.

Về phần ngài, theo tạp chí Crux, Đức Hồng Y Cardinal Francis Arinze, người Nigeria, một viên chức lâu năm tại Vatican, nay đã về hưu, cho hay: ngài hoài nghi việc thực sự có những điệu vũ cổ truyền Châu Phí thích hợp được dùng trong chính Thánh Lễ.

Ngài nói: “Chúng ta có điệu vũ chiến tranh cổ truyền. Có điệu vũ cổ truyền thông thường để tiêu khiển, mà ta có thể nhẩy ở phòng họp giáo xứ sau Thánh Lễ khi có đức giam mục tới kinh lý. Và rồi chúng ta có điệu vũ cho phụ nữ đang kiếm chồng, một điệu vũ khiêu gợi, vì họ đang kiếm chồng mà lị, mục đích của điệu vũ là thế.

“Các bạn thấy chả có điệu nào thích hợp cho Thánh Lễ cả vì lý do của Thánh Lễ là thờ phượng, cảm tạ, xin những điều cần thiết. Những điều này khó có thể thực hiện nếu có bất cứ điều gì gọi là vui nhộn trong Thánh Lễ”.

Nhưng Cha Ukwuije nhấn mạnh rằng các điệu múa sẽ được tiếp tục như một nét của việc thờ phương tại Châu Phi, chỉ cần làm đúng mà thôi. Cha bảo: “trước đây, ta dành giờ tranh cãi về việc liệu Giáo Hội có thể nhẩy hay không. Chuyện ấy qua rồi. Nay việc Giáo Hội nhẩy cần được suy tư về chính nó”.

Phụ nữ

Ngay ngày đầu tiên của hội nghị, người ta đã liên tiếp nghe thấy từ các diễn giả lẫn cử tọa các lời yêu cầu phải lưu ý tới vai trò của phụ nữ trong đạo Công Giáo ở Châu Phi, và nhất là trong lãnh vực thần học Công Giáo Châu Phi.

Shawn Copeland, một nữ thần học gia Mỹ gốc Châu Phi tại Cao Đẳng Boston, nói rằng xét về nhiều phương diện, đã có sự tiến bộ rất lớn trong việc xuất hiện tiếng nói phụ nữ.

Copeland trích dẫn làm điển hình “Câu Lạc Bộ Nữ Thần Học Gia Châu Phi Đầy Quan Tâm”, một nhóm được thành lập năm 1988 bởi Mercy Amba Oduyoye, một thần học gia người Ghana của Giáo Hội Methodist. Ngay từ đầu, câu lạc bộ này đã có tính đại kết, và các phụ nữ Công Giáo đã nắm giữ nhiều vai trò nổi bật.

Bà nói với tạp chí Crux rằng: “các phụ nữ cho ta một mẫu mực làm người như thế nào. Phụ nữ cho ta một mẫu mực phải suy nghĩ với nhau ra sao”.

Mặt khác, Copeland cũng thừa nhận rằng tiến bộ nói trên chưa hoàn hảo, và “vai trò người đàn bà trong nền thần học Châu Phi cần được bàn luận nhiều hơn nữa”.

Đức Cha Godfrey Igwebuike Onah của Nsukka nói rằng một thách đố là tạo ra các điều kiện kinh tế nhờ đó, các phụ nữ có thể theo đuổi việc học cao hơn.

Ngài nói: “thông thường, nếu bạn yêu cầu một nữ giáo dân ở Châu Phi học thần học, câu hỏi kế tiếp sẽ là ‘tôi làm gì với thứ ấy đây? Nó có giúp tôi nuôi sống gia đình tôi không?’ và câu trả lời chắc chắn là không. Thành thử nữ giáo dân này sẽ làm một điều gì khác thế”.

Chính trị

Ở phần lớn miền Châu Phi Hạ Sahara, các nhà lãnh đạo tôn giáo đóng một vai trò rất mạnh trong các vấn đề chính trị, một điều thường bị coi là quá trớn đối với tiêu chuẩn tách biệt giữa nhà nước và Giáo Hội của Tây Phương.

Trong số các tham dự viên hội nghị, có Đức Hồng Y Laurent Monsengwo của Congo, người có lần thực sự phục vụ như là quốc trưởng trên thực tế của quốc gia trong thời gian chuyển quyền từ chế độ độc tài của Mobutu Sese Seko.

Việc ấy thường xẩy ra vì ở một số xã hội Châu Phi, hệ thống chính trị bị coi là thối nát và phục vụ tư lợi, và ở một số xã hội khác, phe đối lập chính trị bị cảnh sát và lực lượng an ninh đàn áp để che chở bất cứ ai cầm quyền. Trong những hoàn cảnh như thế, các tổ chức và các nhà lãnh đạo tôn giáo đôi lúc được coi như những tiếng nói chân chính duy nhất của xã hội dân sự.

Đức Cha Matthew Kukah của giáo phận Sokoto, miền Bắc Nigeria, một vùng tập trung nhiều người Hồi Giáo nhất nước, tin rằng di sản là nguồn hãnh diện của Giáo Hội Công Giáo ở Châu Phi và cũng là một thách thức để tiến bước.

Ngài nói với tạp chí Crux: “chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa. Chúng tôi không thể tự giới hạn mình vào các lời huấn giáo luân lý, vì điều đó không thể cứ tiếp tục như thế được”.

Dùng chính quê hương Nigeria làm điển hình, Đức Cha Kukah cảnh cáo rằng đất nước có thể đang ở bờ vực thẳm đi xuống liên hệ tới sự ngã lòng ngày càng gia tăng đối với điều người ta coi là thối nát và thất hứa. Ngài nói rằng tất cả những điều này còn bị cộng hưởng bởi các tệ nạn xã hội khác như nghèo kinh niên, di hại của HIV/AIDS và hậu quả của tranh chấp có vũ trang.

Ngài cho rằng giải pháp dài hạn đòi phải “huấn luyện các giáo dân Công Giáo để họ nắm giữ vị trí đúng đắn của họ trong sinh hoạt chính trị” theo giáo huấn xã hội Công Giáo.

Đức Cha nghĩ rằng điều mà các xã hội Châu Phi ngày nay rất cần là một cuộc nổi dậy tương tự như phong trào Đoàn Kết mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gợi hứng tại Ba Lan, hay phong trào “Sức Mạnh Nhân Dân” ở Phi Luật Tân trong thập niên 1980 được Cố Hồng Y Jaime Sin nâng đỡ.

Đức Cha Kukah cho rằng điều mừng là ngay tại một số nơi ở Châu Phi, nơi dù Giáo Hội Công Giáo là một thiểu số rõ ràng, nhưng nó vẫn hưởng được một sự tôn trọng rộng rãi nhờ việc Giáo Hội đầu tư lớn lao vào giáo dục, chăm sóc y tế, và trợ giúp nhân đạo.

Ngài nói: “chúng tôi đã đặt nhiều vốn vào ngân hàng. Nay là lúc chúng tôi bắt đầu chi tiêu nó”.