Washington: Vào tuần lễ tới đây từ ngày 2-8/1/2005, là tuần lễ dành cho người di dân được tổ chức trên khắp đất nước Hoa Kỳ.

Trong một diễn biến mới lạ, mới đây, Đức Giám Mục Thomas Wenski Chủ tịch Ủy Ban Di Trú Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã gởi lá thư tới Lm Gioan Trần Công Nghị, Giám Đốc Thông Tấn Xã Vietcatholic. Lá thư ghi nhận đến lòng biết ơn đặc biệt đến đóng góp thông tin của Vietcatholic liên hệ tới công việc Giáo Hội trong lãnh vực di dân. Và Đức Giám Mục cũng chúc mừng Cha Giám Đốc và các cộng sự viên đã đóng góp tin tức và mặt kỹ thuật cho trang điện toán Vietcatholic, một cống hiến phục vụ giá trị cho các người tín hữu Việt Nam. Đức Cha cũng ca ngợi đóng góp của riêng người Công Giáo Việt Nam cho Giáo Hội Hoa Kỳ, một cách rất đặc biệt đến tinh thần mục vụ của trên 650 linh mục Việt Nam, 700 tu sĩ và một vị Giám Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Sự đóng góp của người di dân tại Hoa Kỳ và các công việc trợ giúp người di dân và tị nạn trong mọi tầng lớp trong giáo hội sẽ được nhấn mạnh tới trong tuần lễ tới đây.

Thí dụ như tại Houston, một chương trình đã được khởi xướng nhằm giúp những người di dân và người tị nạn đáp ứng những thay đổi trong cuộc sống mới của họ khi đặt chân tới Hoa Kỳ.

Các chương trình định cư cho người tị nạn bao gồm đến các công việc tìm kiếm và duy trì công ăn việc làm và mở những lớp học Anh Văn. Theo ông Stephen Carattini Giám Đốc Tổ Chức Phục Vụ di dân và cư trú tại Giáo Phận Galveston-Houston đã cho biết những nỗ lực giúp người di dân còn đi xa hơn nữa là giúp họ duy trì hôn nhân và gia đình. Thật vậy, với trào lưu thế tục đời, nhiều người di dân đặt chân tới Hoa Kỳ rất ngao ngán tương lai cho con cháu mình và rất nhức đầu vì tỉ lệ ly dị tại Hoa Kỳ quá cao.

Một điểm khác là người di dân phải đáp ứng với hoàn cảnh mới và theo luật mới trong việc giáo dục con cái, ông Carattini nói đến những dịch vụ bảo vệ trẻ em thay vì dùng roi vọt để giáo dục con cái. Thế nhưng người Việt Nam thì lại khác như tục ngữ có câu “Thương con cho roi cho vọt” và có lẽ đó là chính sự thành công và tỏ lòng hiếu thảo của người Việt Nam, không một người Việt Nam nào thành công trên đường đời, người phụ nữ Việt Nam có công dung ngôn hạnh mà lại không bị cha mẹ đánh đòn bao giờ, ít nhất là cũng bị vài cái bạt tai.

Tổ chức giúp người di dân cũng giúp đỡ người cao niên đặt chân đến Hoa Kỳ khi mà họ cảm thấy thật cô đơn xa lạ không được sự giúp đỡ của gia đình như tại quê nhà.

Tại nhiều nơi trên Hoa Kỳ, cũng có sự quyên góp và thu góp đồ cũ như quần áo, đồ đạc trong nhà để giúp cho người tị nạn chân ướt chân ráo vừa mới định cư tại Hoa Kỳ, cũng như tại giáo xứ thiết lập nhiều chuẩn y viện, trạm phát thuốc hay các tổ chức về luật pháp do các Giáo Phận bảo trợ để giúp người di dân và tị nạn.

Trong một lá thư gởi kèm với những tài liệu cho tất cả giáo xứ và Giáo Phận tại Hoa Kỳ nhân tuần lễ dành cho người di dân, của Đức Giám Mục Thomas G. Wenski tại Oralndo, Fla., cũng là vị Chủ Tịch Ủy Ban Di Trú của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Cha nói”

“Thế giới ngày nay tiếp tục là một sự tàn nhẩn cho hơn 35 triệu người tị nạn và thay đổi cư trú. Sự nghèo túng một cách tuyệt vọng vẫn buộc hàng triệu người đi tìm những tình thế giá trị cho đời sống nhân bản vượt xa hơn tình thế nơi những lãnh thổ sinh trưởng của họ. Hoà bình và niềm hy vọng thực sự là một tình trạng thoát lác cho rất nhiều anh chị em chúng ta”.

Tài liệu gởi cho các giáo xứ và các Giáo Phận bao gồm đến những đề nghị làm thể nào để hoạch định chương trình cho tuần lễ người di dân, cùng với những sinh hoạt như buổi liên hoan với những món ăn của các dân tộc, triển lãm nghệ thuật, một chương trình ca vũ nhạc kinh đa văn hóa.

Tài liệu cũng bao gồm những đề nghị đến các bài giảng trong tuần lễ người di dân và trong suốt năm phụng vụ với những ngày lễ và những dịp khác liên quan đến người di dân, đề nghị đến những hoạt động mục vụ xã hội và nhiều phương cách để cho các thiếu nhi tham gia vào trong đề tài này.

Lá thư của Đức Giám mục Wenski cũng ghi chú đến năm 2005 sẽ đánh dấu 125 năm thành lập Dòng Nữ Tu Thánh Tâm Thừa Sai của Thánh Frances Xavier Cabrini. Là một người mang quốc tịch Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh, Mẹ Cabrini cũng như bao người di dân khác đã đặt chân tới Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ thứ 19 và Nữ Tu đã bắt đầu làm việc cho người di dân theo sự yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Lêo XIII.