Canh tân theo tinh thần của Đức Kitô Phục Sinh chính là trung tâm điểm bài giảng của Thánh Phêrô ghi lại trong Tông Đồ Công Vụ 3,13 tt.

Cuộc thương khó của Đức Kitô có thể chia thành ba giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn một là niềm hy vọng của toàn dân, xảy ra trước cuộc thương khó. Trên môi miệng mọi người ai cũng nói về phép lạ Đức Kitô thực hiện và người ta hy vọng được gặp Ngài để được cứu chữa. Giai đoạn hai pha trộn giữa ngạc nhiên lẫn thất vọng trong thái độ bàng hoàng, sợ hãi nơi dân chúng khi họ hay tin các nhà lãnh đạo Đền Thờ Giêrusalem, âm thầm, vội vàng kết án Đức Kitô ngay trong đêm họ bắt Ngài. Ngay đêm đó họ đã đưa ra bản án khắc nghiệt của hận thù. Hận thù, ghen tị của cả một tập đoàn lãnh đạo đổ lên đầu một cá nhân vô tội với bản án tử hình dã man, đóng đinh chờ cái chết chầm chậm đến trong nắng, khát, cô đơn, một mình trên đồi vắng. Đám đông khóc thầm, thương tiếc. Ai cũng cảm thấy mất mát nhưng bất lực trước bất công và bạo hành. Người ta cảm thấy bất lực đến độ không dám khóc lớn, hay lên tiếng than vãn vì thái độ hung hăng, tính bạo hành, cách hành xử vừa vô nhân đạo vừa tàn ác nơi nhà lãnh đạo ra lệnh cho đám hành hình thi hành. Mọi người đều uất ức nhưng làm gì được vì họ nắm binh quyền trong tay. Mọi người âm thầm, nhìn nhau, cắn răng chịu đựng vì hở môi đau khổ ập vào. Ai cũng biết, cũng nghe nói đến. Cả người xót thương, đau khổ lẫn kẻ hả hê vì đã thực hiện được dã tâm muốn thực hiện. Điều này thể hiện rõ ràng khi Clêo nói với người lạ ông gặp trên đường:

Có lẽ ông là cư dân duy nhất không biết việc vô cùng dã man vừa mới xảy ra tức thì tại thành thánh Giêrusalem Lc 24,18.

Giai đoạn ba là tin tức nóng hổi loan tin Đức Kitô bị đóng đanh chết trên thập giá, an táng ba ngày trước nay đã sống lại và hiện ra với rất nhiều người, trước hết là các môn đệ sống gần thành thánh Giêrusalem và sau đó là những môn đệ khác. Tin loan nhanh không gì ngăn cản nổi. Trên môi miệng mọi người, kẻ tin Đức Kitô lẫn kẻ không tin đều bàn tán xôn xao về tin Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Các môn đệ vui mừng đón nhận tin vui, lòng họ rộn rã mong chờ được gặp lại Thầy mình; kẻ chống đối Đức Kitô thì bồn chồn lo lắng, làm thế nào để bịt miệng toàn dân và tránh bị chính quyền trù dập. Loan tin giả và hối lộ là cách họ thực hiện. Điều này cho thấy giả dối sau dùng để bao che giả dối trước và cứ thế chồng chất lên nhau.

Về phần các môn đệ sau khi gặp lại Thầy các ông trở nên mạnh dạn, khôn ngoan phi thuờng. Nghe những tuyên bố của thánh Phêrô ghi lại trong sách Tông Đồ Công Vụ 3,13tt cho thấy khôn ngoan của ông đến từ Đức Kitô Phục Sinh. Phêrô cho biết chương trình cứu độ của Thiên Chúa thực hiện không thế lực trần gian nào có thể ngăn cản. Người ta tưởng giết Con Một Thiên Chúa là Đức Kitô là phá tan chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Họ không thể ngờ được là Đức Kitô họ giết đi được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết tạo thành làn sóng Kitô hữu nói về Ngài, làm chứng nhân cho Ngài và trung thành, vui mừng được đổ máu đào ra làm chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh. Điểm thứ hai là Đức Kitô Phục Sinh đổi mới cuộc sống Kitô hữu, ban cho họ tinh thần mới, sự sống mới và khả năng mới, mạnh dạn làm chứng nhân không sợ gian nguy, khó khăn và ngay cả cái chết. Đức Kitô đổi mới con người và đổi mới mọi loài thụ tạo. Điểm thứ ba Đức Kitô làm Vinh Danh Chúa Cha bằng cách tự nguyện chết trên thập tự trong khi đó Chúa Cha làm Vinh Danh Chúa Con bằng cách cho Ngài sống lại vinh quang từ cõi chết. Các môn đệ Đức Kitô làm Vinh Danh Đức Kitô bằng cách công khai loan tin Đức Kitô Phục Sinh và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Tin Mừng Phục Sinh. Điểm thứ tư thánh Phêrô cho biết í kiến của tập thể lãnh đạo sai lầm khi cùng lòng giết Đức Kitô, họ biết họ sai do ích kỉ nhưng vì tự kiêu nên họ không dám nhận điều sai trái và tìm cách tránh né, giải thích lệch lạc sự việc, dùng tuyên truyền tạo chia rẽ trong dân chúng. Điểm thứ năm cho thấy tập thể lãnh đạo luôn vỗ ngực tự nhận mình khôn ngoan nhưng không biết là càng tự nhận mình khôn càng đi sâu vào con đường u tối bởi họ từ chối ánh sáng chân lí Phục Sinh. Điểm thứ sáu cho biết chỉ cần khiêm nhường tự nhận mình sai trái, thống hối ăn năn sẽ nhận được ơn Chúa thứ tha. Điều này cho thấy tình yêu Chúa lơn hơn tội ta phạm, tội cá nhân và tội tập thể.

Bài đọc thứ hai thánh Gioan (1Gn 2,1-5) cũng nói về tình yêu Chúa khi Ngài cho biết tình yêu Chúa mạnh hơn tội lỗi. Tình yêu Chúa có sức ban sự sống, tạo dựng, đổi mới đời ta và đổi mới toàn vũ trụ; đối nghịch với tình yêu Chúa là sự ác, thể hiện qua tội lỗi. Hậu quả của tội lỗi là tàn phá, gây chia rẽ, hận thù, giết hại và án phạt muôn đời. Để được hưởng tình yêu Chúa con người cần sống theo giáo huấn của Đức Kitô, làm cho giáo huấn của Ngài đi chung với hành động trong cuộc sống hàng ngày. Khi Lời Chúa thấm nhập vào trong lòng ta, Lời Chúa biến thành nguồn suối tình yêu, đến từ cõi lòng, mang sinh lực cho cuộc sống và chính suối nguồn tình yêu này sẽ làm trôi đi những rác rưởi cuộc đời, rửa sạch tội đời và làm cho cuộc sống ta trở nên mới trong Đức Kitô. Lời Chúa không những rửa sạch tội đời mà còn thiêu huỷ mọi mầm mống tội đang nảy mầm trong tâm hồn.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org