BÀI 28 THIÊN CHÚA THA TỘI.

Qua nhiệm tích sám hối, ta được giao hòa cùng Thiên Chúa. Đời sống mới bị tổn thương hoặc bị hủy diệt vì tội được phục hồi trong ta.

1. NHIỆM TÍCH SÁM HỐI.

Khi còn ở trần thế, Đức Giêsu đã trực tiếp tha thứ cho tội nhân (Mađalêna, người bất toại, Giakêu, người trộm lành. .. ) Rồi Ngài đã chịu chết để đền tội thay cho cả loài người.

Chiều ngày Phục Sinh, Ngài đã ban quyền tha tội cho các tông đồ. “Các con tha cho ai thì người ấy được tha. Các con cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc”. Đó là nhiệm tích sám hối.

Nhiệm tích sám hối là một cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa qua sự hiện diện hữu hình của linh mục. Mỗi lần gặp Thiên Chúa là một niềm vui. Nhiệm tích sám hối không phải là một hình phạt, một điều miễn cưỡng. “Trên trời vui mừng vì một người có tội hối cải hơn vì chín mươi chín người lành không cần hối cải”.

Đức Giêsu dùng nhiệm tích này để tha thứ và giao hòa ta cùng Thiên Chúa. Mọi tội nếu thực tâm sám hối, sẽ được tẩy xóa trong Máu Thánh của Ngài.

Chẳng những tẩy xoá tội lỗi và quá khứ đen tối, nhưng còn cải hóa, đổi mới tâm hồn, phục hồi đời sống thần linh nơi tội nhân. Nhờ đó, tội nhân đã chết nay được sống lại, trở thành con Thiên Chúa, chi thể của Đức Giêsu. Điều này chỉ Thiên Chúa nhân từ và quyền năng mới thực hiện được.

2. CÁCH CHỊU NHIỆM TÍCH SÁM HỐI.

Gồm năm việc chính : Xét mình - Thú tội - Sám hối - Quyết tâm hoán cải - Đền tội.

Xét mình : Xét mình là kiểm điểm đời sống một cách thành thực và vô tư trong ánh sáng của Thiên Chúa để thấy rõ tình trạng linh hồn mình từ lần xưng tội cuối cùng. Cần có sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Có nhiều cách xét mình : Theo mười giáo luật, theo tám phúc thật, theo các đòi hỏi của Đức Giêsu, theo các loại bổn phận của mình.

Ngoài việc nhớ lại các lỗi phạm, xét mình còn là một phương thế giáo dục lương tâm (giữ cho lương tâm trong sáng và nhạy bén).

Thú tội : Cần thú tội nặng chưa xưng. Nói rõ loại tội, số lượng, những yếu tố có thể làm tội thêm nặng, nhẹ hoặc biến thành tội khác.

Nếu vô tình quên tội nặng, tội ấy cũng được tha, nhưng lần tới sẽ thú những tội nặng đã quên. Nếu chú ý dấu một tội nặng thì nhiệm tích không thành vì thiếu thành thật.

Mặc dầu Thiên Chúa biết rõ tội ta, ta cần thú tội mình để tỏ lòng khiêm tốn, thành thực hối cải, tránh tội nghiêm túc hơn và để nhận được những chỉ dẫn thích hợp.

Sám hối : (Xem bài 27).

Quyết tâm hoán cải : (Xem bài 28).

Đền tội : Khi ban phép giải tội, linh mục chỉ định một việc đền tội. Việc này diễn tả cụ thể tâm tình sám hối bên trong.

Việc đền tội nhằm chủ đích : giảm hình phạt ta, đấng chịu bởi tội giúp ta thắng vượt các khuynh hướng xấu và củng cố ta trong đường lành.

Tuy nhiên, nếu chỉ làm việc đền tội được chỉ định mà thôi thì chưa đủ. Người tín hữu phải làm thêm những việc đền tội tự nguyện : Chay tịnh, cầu nguyện, giúp người nghèo túng, chấp nhận những khó khăn của đời sống. .. Sám hối và đền tội phải bao trùm toàn thể cuộc đời tín hữu.