Cuộc khủng hoảng lạm dụng và che đây lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo tùy theo độ nhìn mà được mô tả thật khác nhau. Bỏ ngoài tai những bàn ra tán vào của các cơ quan truyền thông thế tục một trăm phần trăm, những cơ quan tự hào là vô tư mà thực ra vô tư rất ít khi đụng đến những vấn đề luân lý như phá thai, ly dị, đồng tính. Chẳng lạ gì họ dùng những kiểu nói thật giật gân như âm mưu đảo chính để nói về một sự bất đồng công khai, mà xét cho cùng thì xã hội nào cũng có. Ngay trong hàng ngũ báo chí Công Giáo, nó cũng được mô tả thật khác nhau xa vời rồi.



Giáo Sư Cunningham, trong cuốn Catholic Heritage xuất bản năm 1981, cách nay 37 năm, khi nói đến hai tờ báo The Wanderer National Catholic Reporter ở Hoa Kỳ, đã nhận định rằng đọc thoáng qua không ai có thể tin đó là hai tờ báo đều là Công Giáo cả. Nhận định này càng đúng xiết bao vào lúc này, khi phe ủng hộ và phản đối yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Viganò đụng nhau chát chúa đến mất cả đức ái vốn là nền tảng của Đạo. Nhưng công bình mà xét, phe phản đối sử dụng nhiều “mỹ từ” khôn lường hơn cả. Cha Sparado, chủ nhiệm tờ Civilta Catolica, gọi động thái Viganò là một trò hề (a farce) (Tweet ngày 31 Tháng Tám). Mấy ngày sau, cũng vị linh mục này gọi động thái Viganò là “cuộc tấn công đâm thẳng đầu của ma qủy” (a diabolical head-on attack). Trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu từng phán rằng “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5:22). Giêsu hữu (tu sĩ dòng Tên) như Cha Sparado mà dùng các “mỹ từ” này (không phải là lần đầu, Cha từng gọi 4 vị Hồng Y “dubia” là dòi bọ) thì không biết nên xếp cha vào loại người nào.

Cứ đọc như thế, người ta tưởng Đạo Công Giáo sắp đến ngày tàn khi các vị chức sắc cao cấp nhất trong Đạo công khai mang nhau ra đàn hặc và được những người ủng hộ lên tiếng “chửi” đối phương thậm tệ, “chẳng còn mặt mũi gì nữa”. Nhưng không. Phản ứng của các tín hữu không hẳn nóng như mấy vị chức sắc và “tay chân” trong Đạo. Phần lớn tuy tỏ ra buồn rầu, lo âu, nhưng họ chỉ nói lên tâm tình của họ, phản ứng của họ và từ đó các mong ước được thấy một Giáo Hội “sạch” hơn, xứng đáng là hiền thê của Chúa Kitô và là mẹ yêu quí của họ. Người ta bảo thái độ này là thái độ “khiếu nại” (complaint) chứ không phải “chỉ trích”: khiếu nại là nói lên cảm quan và mong ước của mình và sẵn sàng nghe người khác giải thích; chỉ trích thì chỉ ngón tay mình vào người khác mà kết án, không cần lắng nghe chi hết, một chiều.

Thiên Chúa viết những đường thẳng bằng nhữ nét cong

David Mills, chẳng hạn, ngay cận kề ngày có Phúc Trình Pennsylvania, nghĩa là trước cả Chứng Từ Viganò, nhận định rằng “Thiên Chúa viết những đường thẳng bằng những đường cong. Chúng ta là một lũ cong queo nhưng được một an ủi lớn ở sự kiện Thiên Chúa vẫn sử dụng chúng ta, đồng thời giúp chúng ta thẳng người ra” dù ông cho rằng có những lúc, như lúc này, những đường viết cong queo quá sợ không làm sao trở thành thẳng đuột cho được!

Thực vậy, chúng cong đến nỗi, theo Mills, “Giáo Hội không còn là người mình nói mình là” nữa. Nhưng Mills bảo: “Các bạn không nên cảm thấy như vậy”.

Vì theo ông, Thiên Chúa từng ở Địa Đàng, nhìn nhân loại xé nát hồng ân đẹp đẽ nhất. Người cũng có mặt khi dân riêng của Người đánh đĩ đi thờ thần minh khác, đánh nhau chia thành hai vương quốc thù nghịch. Người ở đó khi những kẻ vĩ đại và tốt lành lạnh lùng sát hại Con Mình và bạn bè của người Con này trốn chạy tìm nơi “che thân” (cover!) cho chắc ăn. Người cũng ở với Giáo Hội của Người suốt hơn 20 thế kỷ nay, kể cả những thời các lãnh tụ của Giáo Hội này thiếu sót một cách khủng khiếp nhất. “Người biết mọi hành vi khủng khiếp, mọi động thái đần độn, mọi vụ lười lĩnh, vị kỷ và nhỏ mọn, mọi dối trá, lừa đảo, những hèn hạ dân Người từng làm. Cả McCarrick lẫn phúc trình của tổng trưởng tư pháp đều không lạ lẫm gì đối với Người”.

Và Người không bỏ rơi Giáo Hội, “nơi chúng ta biết chúng ta sẽ gặp Chúa Giêsu, nơi chúng ta sẽ tìm ra điều Người muốn nói với chúng ta và Người muốn chúng ta phải sống ra sao, và là nơi chúng ta sẽ nhận được sự trợ giúp của Người”. Người hứa: Người sẽ ở với Giáo Hội cho tới ngày tận thế, và các cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi Giáo Hội này...



Nhân dịp này, Mills nhắc lại Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005 lúc Hồng Y Joseph Ratzinger, nhân đi đàng thánh giá ở Rôma, dừng lại ở chặng Chúa ngã xuống đất lần thứ ba mà thấy “biết bao bẩn thỉu trong Giáo Hội, và cả nơi những người, thuộc hàng linh mục, đáng lẽ phải hoàn toàn thuộc về Người”. Đành chỉ biết thưa với “Đấng ngã xuống đất” rằng: “Lạy Chúa, Giáo Hội Chúa đôi khi xem ra giống con tầu sắp sửa chìm, một con tầu nước tràn vào bốn phía. Trong cánh đồng của Chúa, chúng con thấy nhiều cỏ dại hơn lúa mì. Áo xống và khuôn mặt lấm bùn của Giáo Hội Chúa ném chúng con vào bối rối. Ấy thế nhưng chính chúng con đã làm chúng lấm bùn! Chính chúng con đã phản bội Chúa hết lần này đến lần khác, sau khi nói những lời lẽ cao thượng và làm những cử chỉ trang trọng. Xin thương xót Giáo Hội Chúa; cả trong Giáo Hội, Ađam vẫn đang tiếp tục sa ngã. Khi chúng con sa ngã, chúng con kéo Chúa cùng ngã xuống đất, và Satan phá lên cười, vì nó hy vọng Chúa sẽ không còn khả năng chỗi dậy nữa; nó hy vọng bị kéo ngã theo cái ngã của Giáo Hội Chúa, Chúa sẽ mãi nằm soài và tàn lực. Nhưng Chúa sẽ chỗi dậy. Chúa đã đứng lên, Chúa đã chỗi dậy thì Chúa cũng sẽ nâng chúng con dậy. Xin Chúa cứu và thánh hóa Giáo Hội của Chúa. Xin Chúa cứu và thánh hóa mọi người chúng con”.

Niềm tin của người con gái New York, Dorothy Day

Niềm tin ấy, theo Mills, cũng là niềm tin của Dorothy Day, người con gái New York, nơi nay mai chắc chắn sẽ được nghe một phúc trình không thua phúc trình Pennsylvania. Lúc đã 70 tuổi, sau khi làm con cái Giáo Hội được 4 thập niên, Day nói rằng hàng giáo sĩ không phải là yếu tố làm “sự việc tiếp tục tiến triển” trong Giáo Hội, mà là các vị thánh. Mà các vị thánh thì luôn xuất hiện trong lịch sử lâu dài của Giáo Hội. Nên “Giáo Hội là mái ấm của tôi, và tôi không muốn làm người vô gia cư... Tôi không bao giờ muốn thách thức Giáo Hội, chỉ muốn là một thành phần của Giáo Hội”.



Nữ tu Theresa Aletheia Noble cũng nhắc đến lời kinh Hồng Y Ratzinger ngỏ cùng “Chúa ngã xuống đất lần thứ ba” nhất là câu “biết bao bẩn thỉu trong Giáo Hội, và cả nơi những người, thuộc hàng linh mục, đáng lẽ phải hoàn toàn thuộc về Người” mà bà coi là tóm tắt đầy đủ cuộc khủng hoảng hiện nay.

Cũng như David Mills, Nữ Tu Noble cho rằng Chúa Giêsu biết hết những bẩn thỉu ấy. Chỉ có điều, Người biết ngay từ lúc còn treo trên Thập Giá, bởi thế, mà “hết hồn” kêu lên “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Nhưng theo Nữ Tu, chính lúc ấy, Giáo Hội đã được hạ sinh, như Thánh Ambrose từng viết: “Evà được hình thành từ chiếc xương sườn của Ađam đang thiếp ngủ thế nào, thì Giáo Hội cũng được hạ sinh từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Kitô đang chết treo trên thập giá như vậy”.

Nữ tu nhận định tiếp: “Trong suốt các thế kỷ trong Giáo Hội, luôn có nhiều thời kỳ trong đó sự chết và sự ác xem ra đã thắng. Thực vậy, Giáo Hội xem ra lúc nào cũng đang ở bờ chết chóc, hoặc vì bách hại từ bên ngoài hoặc vì tội lỗi khủng khiếp của các chi thể của chính mình. Ấy thế nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại. Nhờ đâu vậy? Nhờ Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, ngay trong những lúc ta phạm trọng tội”.
Nữ Tu cũng trích dẫn số 827 Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo: “... Nơi mỗi người, cỏ dại tội lỗi luôn trộn lẫn với lúa tốt của Tin Mừng cho đến tận cùng thời gian. Thành thử không kẻ tội lỗi nào, dù là tội lỗi xấu xa nhất, có thể phá hủy Giáo Hội. Không phải vì các phàm nhân làm thành Giáo Hội là những người đáng tin, chúng ta không đáng tin. Nhưng Thiên Chúa là Đấng đáng tin”.

Nói như thế, theo Nữ Tu Noble, chỉ để chúng ta tin rằng “Thần Trí Thiên Chúa đang hành động trong mỗi người chúng ta để mang lại một sự sống mới trong Giáo Hội”. Sự sống mới này dĩ nhiên chỉ có Thiên Chúa mới giúp chúng ta mang lại được. Bởi thế, Nữ Tu cũng khuyên ta nên đọc lại lời kinh thống thiết trên của Hồng Y Ratzinger.

Các tín hữu hành động

Nói như thế không phải chỉ biết ngồi chờ ơn trên, người tín hữu cũng biết hành động để tự cứu mình. Theo Amy Forliti, các tín hữu đòi có sự thay đổi. Thực vậy, sau phúc trình Pennsylvania, không thấy vị chủ tế thánh lễ tại giáo xứ nói gì, Adrienne Alexander ở Chicago, nơi Hồng Y Cupich làm Tổng Giám Mục, lên Facebook tỏ ý bất bình rồi tổ chức một đêm canh thức cầu nguyện. Sáng kiến này nay đã lan qua Boston, Philadelphia và nhiều thành phố khác khắp Hoa Kỳ.

Không phải chỉ cầu nguyện mà thôi, những người thuộc phong trào này còn mở các chiến dịch viết thư, tổ chức các buổi lắng nghe trong cố gắng đem lại thay đổi từ hàng ngũ giáo dân, vì “họ nhận ra rằng họ phải đối đầu với vấn đề và cứu Giáo Hội mà họ vốn yêu mến sau nhiều năm hứa hẹn hão huyền của hàng lãnh đạo”.

Theo Forliti, tuần trước, nhóm này đã thu lượm được 39,000 chữ ký cho một bức thư yêu cầu Đức Phanxicô trả lời. Forliti cũng cho rằng các nhóm canh tân, dựa theo các phong trào “Time’s Up” và #MeToo, đang tổ chức nhiều biến cố khắp nước vào cuối tuần này dưới danh xưng #CatholicToo.



Một trong các nhóm trên đòi phải ở các cuộc điều tra do giáo dân cầm đầu. Một phụ nữ ở Michigan lập một trang mạng để mọi người phát biều ý kiến và đạo đạt ý kiến lên các giới chức Giáo Hội.

Forliti cho hay nhiều tín hữu khác đang giữ lại các khoản quyên góp để phản đối. Điều này đã được phổ biến rộng rãi, đó là việc Hiệp Hội Doanh Gia Công Giáo Legatus giữ lại ngân khoản gần 1 triệu dollars, không gửi tới Vatican như thường lệ. Nguồn tin đăng trên Vietcatholic giải thích lý do của động thái này là do thủ tục khai báo chi tiêu chưa rõ ràng. Nhưng Forliti cho rằng lý do là để phản đối cung cách giải quyết lạm dụng và che đậy lạm dụng tình dục hiện nay. Điều này có thể có lý. Vì chủ tịch của Nhóm này vốn là Tom Monagan, vua Domino Pizza và là người sáng lập và tài trợ chính của Đại Học Ave Maria, mà gần đây, viện trưởng Towey, buộc phải nói rõ quan điểm sau khi mập mờ chỉ bênh vực Đức Phanxicô.

Adam Waddell, một người đang muốn gia nhập Giáo Hội Công Giáo, tự đặt câu hỏi: “Tôi có thể suy nghĩ ra sao về việc trở thành người Công Giáo sau các phúc trình mới nhất về lạm dụng tình dục?”

Ông thú thực “bị tràn ngập bởi buồn sầu, giận dữ và thất vọng sau khi đại bồi thẩm đoàn ở Pennsylvania” công bố phúc trình của họ, với câu phán kết: “nhiều linh mục hiếp dâm bé trai bé gái, và những người của Thiên Chúa chịu trách đối với họ đã không làm gì; họ dấu nhẹm. Hàng mấy thập niên”.

Ấy thế nhưng, “tôi vẫn muốn trở thành người Công Giáo. Lịch sử, tính kết nối hoàn cầu, tính liên tục, truyền thống, phụng vụ, các bí tích, các kinh cầu, các thánh, huyền nhiệm học, tập chú vào người nghèo, nhấn mạnh đến công lý – mọi chiều kích này của đức tin vẫn luôn chân thực, tốt lành, đẹp đẽ và lôi cuốn”.

Ông biết rõ “quá khứ” của Giáo Hội này: thập tự chinh, tòa án dị giáo và chiến tranh tôn giáo. “Các giới chức Giáo Hội, kể cả các giáo hoàng, từng phạm những điều khủng khiếp. Thế nhưng giáo hội trung thành vẫn tồn tại”.

Vả lại không vào Giáo Hội thì đi đâu? Ông bảo: bên ngoài Giáo Hội, lạm dụng tình dục đâu có kém khủng khiếp. Và dù tâm hồn rối rắm, Ông tìm được an ủi trong lời Kinh Hãy Nhớ (Memorare):

“Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Ðức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen”

Ông không giải thích tại sao. Chỉ kết luận: “Lạy Mẹ, xin mẹ cầu cho chúng con”. Có thể vì ngài là mẹ của những cơn bối rối kiểu tiệc cưới Cana!



Trong khi đó, một nhóm người trẻ Công Giáo gửi đi bức thư ngỏ. Họ là các nhà văn, nhà báo, giảng sư, giáo sư thỉnh giảng và giáo sư đại học, sinh viên tiến sĩ, con cái của các thập niên dẫn đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục năm 2002. Họ vừa biết ơn vừ giận dữ. Biết ơn vì không biết bao nhiêu linh mục và giám mục tốt lành ngày ngày hiến thân cho họ. Giận vì các nhơ nhuốc gớm giếc của McCarrick và “ai cũng biết” chúng mà không ai chịu làm chi ... Họ kêu gọi một cuộc điều tra độc lập để biết ai biết gì và biết khi nào, một chính sách bất khoan dung mới đối với việc giáo sĩ lạm dụng và tội tình dục, và một hành vi thống hối công khai của các giám mục Công Giáo. Họ hứa sẽ làm việc và chịu đau khổ vì Giáo Hội, và cố gắng sống thánh thiện trong chính cuộc sống của họ. Là con cái của Giáo Hội, họ xin các vị cha hãy tôn kính Cha ở trên cao. Họ tin tưởng rằng các lời khẩn khoản của họ sẽ được Thiên Chúa lắng nghe. Họ hy vọng rằng chúng cũng sẽ được các linh mục và giám mục, những vị kính sợ Người, lắng nghe.

Lời họ: “Chúng con xin sự im lặng quanh sự bất xứng về tình dục trong Giáo Hội được phá vỡ”.

Tưởng cũng nên nhắc lại lá thư của các phụ nữ Hoa Kỳ gửi Đức Phanxicô yêu cầu ngài trả lời việc Tổng Giám Mục Viganò tố cáo ngài che đậy cựu Hồng Y McCarrick mà chúng tôi đã nhắc đến trong một bài báo cuối tháng Tám, 2018.

George Weigel, với câu tự hỏi “Why We Stay”, đã trả lời như Thánh Phêrô trả lời Chúa Giêsu xưa rằng: “Thưa Thầy, chúng con biết đi với ai? Thầy có lời đem lại sự sống đời đời”.



Và sau cùng, xin đề cập đến phản ứng của nhóm nạn nhân bị lạm dụng tình dục hiện được chú ý nhiều nhất nhân vụ McCarrick nằm cùng giường với họ nhiều năm, được “mọi người biết đến” nhưng ít ai chịu làm gì để ngăn chặn. Đó là các chủng sinh. Và câu truyện này diễn ra tại Chủng Viện Mundelein của tổng giáo phận Chicago, nơi vị đứng đầu hiện nay là một người công khai benh vực “ý thức hệ” phò đồng tính luyến ái, Hồng Y Cupich. Ký giả Robert Herguth của tờ Chicago Sun-Times thuật lại rằng: ngày 29 tháng Tám, 2018, Hồng Y Cupich đến thuyết trình cho chừng 200 chủng sinh của chủng viện trên vốn thuộc quyền của ngài. Một chủng sinh phát biểu: “Con bị thương tổn, con không thể ngủ được, con muốn phát bịnh”. Nhưng Hồng Y Cupich nói với mọi người hiện diện: “cha cảm thấy bình an vào lúc này. Cha ngủ rất ngon”. Khiến các chủng sinh lắc đầu “không thể tin được” vì “không mục vụ” chút nào. Đến nỗi vị giám đốc chủng viện là Cha John Kartje phải cho rằng: “Đức Hồng Y phát biểu cho chính ngài, giống như các chủng sinh phát biểu cho chính họ”.

Khác chứ, một bên đại diện cho phe che đậy, một bên đại diện cho phe bị lạm dụng. Và ký giả Herguth cho hay: những người hiện diện trong buổi thuyết trình này cho biết: Hồng Y Cupich nói nhiều tới các sai phạm của các chủng sinh hơn là việc họ là nạn nhân như đã xẩy ra với McCarrick.

Cũng theo Herguth, nhân cơ hội trả lời một câu hỏi trong dịp này, Hồng Y Cupich bác bỏ luận điểm cho rằng đồng tính luyến ái là nguyên nhân chính của tệ nạn McCarrick nói riêng và lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ nói chung. Ngài thẳng thừng cho rằng luận điểm này sai. Ngài quả quyết rằng “cuộc khủng hoảng toàn diện một phần được bơm nhiên liệu bởi nền văn hóa trong đó các linh mục cảm thấy ‘mình có đặc quyền và được che chở’, điều mà ngài gọi, như Đức Phanxicô, là chủ nghĩa giáo sĩ trị.

Dù Đức Phanxicô im lặng không trả lời Tổng Giám Mục Viganò, nhưng Hồng Y Cupich khuyên các chủng sinh nên tin tưởng Đức Giáo Hoàng, sự im lặng của ngài có tính “chiến lược”.

Nhưng trong khi Đức Phanxicô giữ im lặng “chiến lược” thì Hồng Y Cupich không ngần ngại phê phán Tổng Giám Mục Viganò, khiến một chủng sinh thưa với ngài rằng nay không phải là lúc “tấn công”. Điều cần là “có 1 cuộc điều tra” các tố cáo của Tổng Giám Mục Viganò. Nhưng ngài bảo, đâu có tấn công, chỉ nêu ra các bất nhất của vị này mà thôi. Tiếp theo là một nhận định lạ: “nếu cha bảo điều ngài nói là đáng tin, chẳng hóa ra cha phải nói điều ngài nói là đáng tin về cha hay sao!”

Trái với tác phong của Hồng Y Tổng Giám Mục, điều được ký giả này chú ý là thái độ của một chủng sinh hiện diện. Chủng sinh này cho biết: cuộc khủng hoảng lạm dụng khiến ông càng muốn làm linh mục hơn nữa vì người ta đau khổ quá nhiều.