BÀI 35. BỔN PHẬN XÃ HỘI.

Con người không sống cô độc, nhưng là thành viên của nhiều cộng đồng lớn nhỏ với nhiều tương quan khác nhau. Các tương quan đó tạo nên những bổn phận xã hội.

1. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI.

Khi sinh ra, ta đương nhiên thuộc về một gia đình, một địa phương, một dân tộc và thuộc đại gia đình nhân loại. Thánh Tẩy làm ta trở thành con cái của Giáo hội. Ngoài ra còn có nhiều cộng đoàn, đoàn thể khác có tính chất xã hội, văn hóa, chức nghiệp.

Các thành viên của một cộng đồng có bổn phận trọng kính, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Các thành viên đó cũng có bổn phận với chính cộng đoàn. Phải hòa mình vào cộng đồng, giữ kỷ luật chung và mưu ích chung.

Chính cộng đồng cũng có bổn phận đối với mỗi thành viên. Cộng đồng phải tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của mọi người, phải giúp mọi người phát triển tối đa các khả năng của họ.

2. LÒNG HIẾU THẢO.

Cha mẹ truyền sự sống cho ta và có trách nhiệm dẫn dắt ta theo đường lối của Thiên Chúa. Đạo làm con buộc ta phải yêu mến, tôn kính, biết ơn và săn sóc các ngài, nhất là khi các ngài già yếu. Con cái cũng phải vâng lời cha mẹ, nhất là khi chưa tự lập, ngoại trừ những điều trái ý Thiên Chúa.

Con cái có bổn phận nhớ đến và cầu cho cha mẹ khi các ngài đã qua đời, nhất là ngày giỗ. Giáo hội cho phép tín hữu Việt Nam bày tỏ lòng kính nhớ cha mẹ bằng những hình thức hợp với văn hóa truyền thống, tuy nhiên phải tránh những hình thức dị đoan hoặc sai lạc về mặt đức tin.

Ngược lại, cha mẹ cũng có nhiều bổn phận đối với con cái : nuôi nấng, cho theo học, giáo dục nên người tốt, và nên tín hữu tốt, nhất là bằng gương sáng. Khi con cái đã lớn, phải giúp chúng chọn một nghề nghiệp và lập một gia đình thích hợp.

3. CỘNG ĐỒNG QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ.

Sứ mệnh của quốc gia là giải quyết những vấn đề mà từng cá nhân không thể giải quyết nổi. Trong khi thi hành sứ mệnh đó, cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cá nhân, phân chia nhiệm vụ thật công bình. Luật pháp do Nhà Nước đặt ra phải công bình và hợp lý.

Công dân có bổn phận giữ luật pháp và cộng tác vào mọi việc có ích chung. Chính những người điều khiển xã hội cũng phải tôn trọng luật Nhà nước và luật tự nhiên. Phải thi hành chức vụ trong tinh thần tận tụy, công bình và đặt ích chung lên trên lợi riêng.

Mỗi nước là thành viên của cộng đồng thế giới. Các dân tộc đều ngang nhau, phải tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau tìm ích chung cho toàn thể nhân loại.

4. QUYỀN BÍNH TRONG GIÁO HỘI.

Hàng Giáo phẩm ( Đức Thánh Cha và các Giám mục) và các cộng sự viên ( các linh mục) được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ dẫn dắt đàn chiên của Ngài.

Các vị đó có bổn phận truyền giảng Lời Thiên Chúa, cử hành và phân phát các nhiệm tích và hướng dẫn tín hữu cách cụ thể trong đời sống tôn giáo.

Ngoài bổn phận tôn kính, các tín hữu phải nâng đỡ, cộng tác, chia sẻ trách nhiệm với hàng Giáo phẩm để củng cố đời sống đức tin và làm cho công cuộc loan Tin Mừng của Giáo hội được tiến triển.

Để hướng dẫn tín hữu, Giáo hội có thể qui định luật lệ riêng của mình, luật do Giáo hội đặt ra nhằm cụ thể hóa luật do Thiên Chúa ấn định.

Sau đây là mấy luật chính nên biết :

Thánh hóa các ngày lễ buộc (các Chúa nhật và lễ Giáng sinh).

Dự Thánh lễ các ngày lễ buộc (như trên).

Mỗi năm chịu Bí tích Sám hối ít là một lần.

Mỗi năm rước lễ trong mùa Phục sinh.

Giữ chay và kiêng thịt trong các ngày lễ buộc (Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh).

Còn nhiều luật khác, chẳng hạn về hôn nhân. Cần xin các Cha Sở chỉ dẫn cụ thể khi cần.