Giải đáp phụng vụ: Nhạc công chơi nhạc không lời sau Hiệp lễ được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con muốn hỏi liệu sau Hiệp lễ, trong khi linh mục tráng chén, và bài hát / bài thánh ca hiệp lễ đã kết thúc, liệu có thể chơi nhạc không lời trong khi chờ linh mục tráng chén xong không? Con nhận thấy ở một số nhà thờ, sau hiệp lễ, và sau khi bài thánh ca hiệp lễ kết thúc, nhạc công dạo một phần nhạc không lời cho đến khi linh mục tráng chén xong, và sẵn sàng đọc lời nguyện sau hiệp lễ. Liệu là không thích hợp để giữ sự thinh lặng chăng, vì bài thánh ca hiệp lễ đã kết thúc rồi? - F. X. D. R., thành phố Cotabato, Philippines.

Đáp: Các quy định liên quan đến nhạc không lời, được tìm thấy trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), là như sau:

“32. Tính chất các phần dành cho vị chủ toạ buộc vị tư tế phải đọc rõ ràng, lớn tiếng, và buộc mọi người phải chăm chú lắng nghe. Vì thế, khi vị tư tế đọc các phần đó, không ai được đọc hay hát kinh nào khác, cũng không được đánh đàn hay chơi nhạc cụ nào khác.

“142. Sau đó, người giúp lễ trao các bình rượu, nước cho vị tư tế đứng phía cạnh bàn thờ, vị tư tế rót rượu và một chút nước vào chén thánh, đọc thầm: "Nhờ mầu nhiệm nước, Per huius aquae”. Trở lại giữa bàn thờ, vị tư tế hai tay cầm chén, nâng cao một chút mà đọc nhỏ tiếng: "Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, Benedictus es, Domine", rồi đặt chén trên khăn thánh và tùy nghi đậy tấm che.

“Nếu không hát khi dâng tiến lễ phẩm hay không chơi đàn, thì vị tư tế được phép, khi dâng tiến bánh và rượu, đọc to tiếng những công thức chúc tụng, và giáo dân tung hô: "Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời, Benedictus Deus in saecula".

“313. Còn phong cầm và các nhạc cụ khác đã được chấp thuận cách hợp pháp, thì phải đặt vào chỗ thích hợp, để chúng có thể trợ giúp ca đoàn và giáo dân hát và, nếu độc tấu, thì mọi người có thể nghe tốt được. Nên làm phép đàn phong cầm, trước khi sử dụng trong phụng vụ, theo nghi thức mô tả trong sách Nghi thức Rôma.

“Trong Mùa Vọng được phép đánh phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh.

“Trong Mùa Chay tiếng phong cầm và các nhạc cụ khác chỉ để giúp hát mà thôi, trừ Chúa Nhật Laetare (IV Mùa Chay), lễ trọng và lễ kính.

“393. .. Trong khi phong cầm giữ vị trí đặc biệt, các nhạc cụ khác, nhạc cụ hơi, đàn dây, nhạc khí gõ, có thể được chấp nhận trong việc thờ phượng thánh trong các Giáo phận Hoa Kỳ, theo tập tục lâu đời, vì chúng thích hợp hay có thể thích hợp với việc sử dụng thánh”.

Về sự thinh lặng thánh, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói:

“45. Sự thinh lặng thánh, kể như thành phần của việc cử hành Thánh Lễ, cũng phải được tuân giữ đúng lúc. Bản chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong Thánh Lễ. Thật vậy, trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện, mỗi người hồi tâm lại; sau bài đọc và bài diễn giảng, mỗi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi hiệp lễ thì ca ngợi và cầu xin Chúa trong lòng.

“Trước khi cử hành, rất nên giữ thinh lặng trong thánh đường, trong phòng thánh và những nơi kế cận để mọi người dọn mình cách sốt sắng tham dự các lễ nghi thánh”.

Về sự thinh lặng thánh sau Hiệp lể, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói:

“88. Sau khi cho rước lễ, vị tư tế và giáo dân tùy nghi cầu nguyện trong lòng một khoảng thời gian. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác.

“164. Sau đó, vị tư tế có thể trở về ghế. Có thể giữ thinh lặng thánh một lúc, hoặc hát thánh ca ngợi khen hay thánh vịnh (xem số 88)” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Năm 2007, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã công bố một tài liệu có tên là “Sing to the Lord” (Hát mừng Chúa). Trong khi không có tính ràng buộc theo bất kỳ cách nào đối với các quốc gia khác, một số phản ánh của tài liệu có thể là hữu ích. Đối với khí nhạc, tài liệu nói:

“43. Những người có tài năng âm nhạc và được đào tạo nên được khuyến khích để tiếp tục truyền thống âm nhạc ngẫu hứng. Hành động phụng vụ có thể kêu gọi sự ngẫu hứng, thí dụ, khi một bài thánh ca cộng đoàn hoặc bài hợp xướng kết thúc trước khi hành động nghi lễ hoàn tất. Nghệ thuật ngẫu hứng đòi hỏi tài năng và sự đào tạo riêng đặc biệt. Nó là nhiều hơn so với âm thanh nền được mời gọi. Khi không có sự ngẫu hứng xứng đáng, các nhạc công nên chơi các bản nhạc chất lượng đã được xuất bản, vốn có sẵn ở mọi cấp độ khó.

“44. Cũng có những lúc khi phong cầm hoặc các nhạc cụ khác có thể chơi một mình, chẳng hạn như khúc dạo đầu trước Thánh lễ, một bản nhạc trong quá trình Chuẩn bị lễ vật, một bài nhạc nếu không có bài hát kết thúc, hoặc bài dạo nhạc sau bài hát kết thúc.

“91. Mặc dù các nhạc cụ được sử dụng trong việc thờ phượng Kitô giáo là chủ yếu để dẫn dắt và nâng đỡ tiếng hát của cộng đoàn, ca đoàn, ngưởi xướng thánh vịnh, và ca viên, nhưng chúng cũng có thể, khi thích hợp, được chơi một mình. Nhạc không lời như vậy có thể hỗ trợ cộng đoàn tập hợp để chuẩn bị cho việc thờ phượng, dưới hình thức khúc dạo đầu. Nó có thể nói lên tình cảm của tâm hồn con người, thông qua các tác phẩm được chơi trong Phụng vụ và khúc dạo kết sau Phụng vụ. Các nhạc công phải nhớ rằng Phụng vụ kêu gọi các khoảnh khắc có ý nghĩa của suy tư thinh lặng. Sự thinh lặng không cần phải luôn luôn được lấp đầy.

“92. Các nhạc công được khuyến khích chơi các bản nhạc từ kho nhạc thánh của các nhà soạn nhạc, thuộc nhiều thời đại và văn hóa khác nhau. Ngoài ra, các người có tài năng và được đào tạo được khuyến khích chơi nhạc ngẫu hứng, như được mô tả trong số 43”.

Với tất cả những điều trên, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể rút ra các kết luận sau đây liên quan đến câu hỏi.

Không có tài liệu nào đề cập đến việc sử dụng nhạc không lời trong thời gian thinh lặng sau hiệp lễ. Các lựa chọn duy nhất được đưa ra là sự thinh lặng hoặc hát các bài thánh ca suy niệm hoặc thánh vịnh.

Có lẽ nhạc công có thể chơi nhạc không lời ngắn gọn, trong trường hợp bài hát hiệp lễ đã kết thúc, nhưng việc cho rước lễ là chưa xong. Đây thường là một phiên bản âm nhạc của bài hát hiệp lễ, chứ không phải là một giai điệu mới.

Thậm chí sự tùy chọn giới hạn này cũng bị loại trừ trong Mùa Chay, và tốt nhất nên tránh trong Mùa Vọng.

Nếu linh mục không trở lại ghế ngồi sau khi cho Rước lễ, khoảnh khắc thinh lặng hoặc việc hát thánh ca hay thánh vịnh sẽ bắt đầu cùng với sự kết thúc cho rước lễ, trong khi linh mục tráng chén. (Zenit.org 5-2-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/instrumental-music-after-communion/