Theo dõi tình hình chính trị tại Trung Hoa Lục địa, người ta vừa thấy hai động thái quan trọng của Đảng Cộng Sản Trung Hoa trong phạm vi tôn giáo tâm linh đó là văn kiện dài 10,000 chữ của họ về các phong thái xã hội, hay đúng hơn về nền luân lý của họ, công bố hồi tháng 10 năm ngoái. Văn kiện thứ hai gần đây hơn tựa là “Các Biện Pháp Hành Chánh Đối với Các Nhóm Tôn Giáo” gồm 6 phần và 41 điều nhằm kiểm soát mọi khía cạnh của sinh hoạt tôn giáo tại Trung Hoa, công bố ngày 30 tháng 12 năm ngoái và sẽ có hiệu lực từ đầu tháng Hai này.



Trò chơi luân lý ở Trung Hoa

Theo Michael Sainsbury (https://www.ucanews.org/news/dont-be-fooled-by-chinas-morality-play/86928), ít ai biết đến, nhưng hồi tháng 10 năm ngoái, Đảng cộng sản Trung Quốc đã cho công bố một văn kiện dài 10,000 chữ về các phong thái xã hội, nói đúng hơn, về nền luân lý họ muốn áp đặt lên xã hội Trung Quốc do họ cai trị.

Ký giả trên cho rằng đây là cuộc tấn công mới nhất của lãnh tụ Tập Cẩn Bình đánh vào các tôn giáo, nhất là Kitô giáo và Hồi giáo, một cuộc tấn công chưa từng thấy kể từ những năm đen tối Cách Mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông (1966-1976).

Văn kiện trên cũng đồng thời là một thừa nhận trên thực tế đối với khoảng chân không tâm linh do Đảng cộng sản Trung Quốc chính thức tạo ra. Tính chính đáng của Đảng này hiện đang leo lét dựa vào, không phải các mục tiêu nguyên thủy của họ là tạo ra một xã hội bình đẳng mà dựa trên việc tiếp tục thành công trong việc phát triển và thịnh vượng kinh tế, một thành công hiện cũng rất nổi bật do sự kiện được phân phối không bình đẳng và dù sao cũng đang khựng lại trong khi hàng trăm triệu người vẫn sống trong cảnh nghèo khó. Những người từng thoát cảnh nghèo hiện cũng đang lao đao không kém vì vật giá leo thang và nợ nần bản thân.

Chủ nghĩa tư bản tràn lan cùng với việc Đảng loại bỏ nòng cốt nhiều phong trào tâm linh và việc nó bao trùm về đạo đức dưới nhiều hình thức khác nhau đã tạo ra một xã hội trong đó, rõ ràng thiếu lòng tin một cách nguy hiểm. Việc nhiều người Trung Hoa tìm kiếm một nền linh đạo chính là cách để sửa chữa sự thiếu vắng này.

Bất kể chủ nghĩa vô thần chính thức, Đảng cộng sản Trung Hoa luôn can dự vào các vấn đề tâm linh, trong đó, có việc kiểm soát chặt chẽ 5 tôn giáo “chính thức”: Công Giáo, Thệ phản, Phật giáo Trung Quốc, Lão giáo và Hồi giáo.

Nó cũng phát triển Đảng thành một thứ đấng cứu thế và người hướng dẫn luân lý cũng như một thứ phản-tôn-giáo của riêng mình, với các điển hình cực đoan là việc tôn thờ Mao Trạch Đông, và nay, Tập Cẩn Bình.

Thành thử không ngạc nhiên chi đây không phải là lần đầu tiên Đảng cộng sản Trung Quốc mưu toan tạc cho mình vai trò người duy trì luân lý của dân tộc Trung Hoa, một vai trò vốn hàm chứa trong ý thức hệ Mácxít-Lêninít. Thực vậy, thành tích của Đảng trong việc mưu toan trở thành mọi sự cho mọi người Trung Hoa, trong đó, có việc duy trì nền luân lý, đã có từ những ngày khởi đầu. Đây là chủ đề chung của các chế độ toàn trị thời nay: họ không thích các tôn giáo có tổ chức, những tôn giáo, dù sao, cũng đều đặt ra nhiều đe dọa có thực hay tưởng tượng cho “lòng trung thành”.

Người duy trì luân lý cho các công dân Trung Quốc

Lần cuối cùng một công văn dài dòng như vậy đã được Đảng này nhả ra là vào năm 2001. Nhưng theo ghi nhận của Ian Johnson thuộc tờ New York Times: người mà cuốn sách The Souls of China: The Return of Religion After Mao (Các Linh hồn của Trung Quốc: Sự Trở lại của Tôn giáo Sau thời Mao) là sách cần thiết cho bất cứ ai quan tâm đến tôn giáo tại Trung Quốc ngày nay, có một sự khác biệt quan trọng là lần này đảng kết nạp cái gọi là các tôn giáo cổ truyền vào dự án của nó nhằm tự nâng cao mình thành người bảo vệ luân lý của các công dân Trung Quốc.

Đây là phần chủ chốt: “Thấm nhuần Các Nhân đức truyền thống Trung Quốc. Nhân đức truyền thống của Trung Quốc là tinh hoa của nền văn hóa Trung Quốc và là nguồn xây dựng luân lý bất tận. Điều cần là phải đối xử với nền văn hóa truyền thống nổi bật của Trung Quốc với lòng tôn trọng và tự hào, tìm hiểu đầy đủ các tài nguyên luân lý phong phú được mang theo bởi kinh điển văn hóa, di tích lịch sử và di tích văn hóa, và truyền đạt những lời tốt đẹp của các vị thánh nhân cổ thời, các anh hùng và nhà hảo tâm dân tộc, để gen văn hóa Trung Quốc sẽ phát triển gốc rễ sâu hơn trong ý thức hệ và ý niệm luân lý của dân tộc.

“Việc giải thích sâu sắc triết lý Trung Quốc trong việc nhấn mạnh đến lòng nhân từ, tôn trọng người khác, tôn trọng sự liêm chính, tôn trọng công lý, tôn trọng sự hòa hợp và tìm kiếm sự vĩ đại, và thâm hậu hóa việc tự cải thiện bản thân, lòng tận tụy, chính trực, giúp đỡ người nguy hiểm, nhìn ra nguyên nhân công lý, lòng hiếu thảo và các nhân đức truyền thống khác, kết hợp với các điều kiện mới của thời đại và các yêu cầu thực tế để kế thừa và đổi mới, chứng minh đầy đủ giá trị của thời đại và sự lôi cuốn vĩnh cửu, làm cho nó hài hòa với nền văn hóa hiện đại và đời thực, và trở thành một dấu hiệu rõ ràng cho đời sống tâm linh và thực hành luân lý của toàn dân”.

Johnson mô tả “tôn giáo dân sự” và “chủ nghĩa hồi sinh được Đảng chăm sóc” của Trung Quốc. Cuộc chiến tranh tôn giáo mới nhất bắt đầu vào năm 2015. Dưới thời Mao, tôn giáo liên tục và thường xuyên bị bách hại và đàn áp điên cuồng. Điều này rõ ràng từ đầu chế độ cộng sản đến nỗi Vatican đã cắt đứt quan hệ với Trung Quốc cộng sản vào năm 1951.

Thỏa thuận vẫn còn bí mật của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục đã được Bắc Kinh đồng ý trong nỗ lực xác quyết quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các giáo sĩ Trung Quốc bằng cách bắt khoảng 50% trong số 12 triệu người Công Giáo Trung Quốc, những người đang thờ phượng trong điều gọi là Giáo Hội hầm trú, phải qui phục Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc do đảng điều hành.

Nhưng các Giáo Hội Kitô giáo kết hợp lại có từ 70 tới 100 triệu tín đồ - Thệ phản, được Đảng tách rời khỏi Công Giáo, là tôn giáo phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc trong hình thức tin lành của nó - và ước chừng 28 triệu người Hồi giáo Trung Quốc vẫn chỉ là một tỷ lệ nhỏ trong tổng dân số.

Hàng trăm triệu người Trung Quốc có xu hướng tự đồng nhất mình với một hỗn hợp các tôn giáo truyền thống, bao gồm cả Phật giáo Trung Quốc do nhà nước kiểm soát, rất khác với Phật giáo Tây Tạng. Đức Đạtlai Lạtma có tiếng bị Bắc Kinh hết sức ghét bỏ, họ nhấn mạnh đến quyền của mình trong việc ‘thừa nhận’ sự tái sinh của ngài. Một tôn giáo được chính thức công nhận khác là Lão giáo, còn gọi là Đạo giáo. Cả Phật giáo và Đạo giáo Trung Quốc đã tiếp thu các truyền thống cổ xưa hơn về việc thờ cúng tổ tiên và vật linh, và Ngày tảo mộ 5 tháng 4 vẫn là một ngày lễ quốc gia quan trọng dành cho việc viếng mộ của những người thân đã khuất.

Trong cuộc trường chinh nắm quyền, Đảng cộng sản Trung Quốc đã chỉ tôn trọng các tôn giáo truyền thống ngoài môi ngoài miệng nhưng sớm bắt đầu phá hủy vô số hàng ngàn ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo cũng như các nhà thờ Kitô giáo khi lên nắm quyền với một làn sóng hoạt động chống tôn giáo lớn khác trong Cách mạng Văn hóa.

Trong tác phẩm do tờ New York Times xuất bản, Johnson lưu ý bằng thí dụ: “các học giả ước tính rằng vào giữa thế kỷ 20, một nửa số ngôi đền hiện hữu ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 đã bị phá hủy. Một cuộc khảo sát năm 1851 về thành phố cổ Bắc Kinh đã liệt kê 866 ngôi đền; ngày nay, tôi chỉ đếm được 18 ngôi. Vào cuối thế kỷ 19, hầu hết các làng đều có ít nhất một ngôi đền và nhiều làng có đến nửa tá ngôi đền; nhiều khu vực rộng lớn của vùng nông thôn Trung Quốc hiện không có đền thờ nào cả”.

Sự giả hình của một tổ chức ưu tuyển, chính thức vô thần và cực kỳ tham nhũng mưu toan tô vẽ cho mình một vai trò trong nền luân lý là điều đáng chú ý, nhưng dưới thời Tập Cận Bình, đó chính là điều mà Đảng cộng sản Trung Quốc đang mưu toan một cách chuyên biệt hơn bao giờ hết.

Thẳng tay đàn áp tự do tôn giáo

Trong khi đó, hãng tin CNA (https://www.catholicnewsagency.com/news/china-announces-new-crackdown-on-religious-freedom-4124) ngày 6 tháng1 năm nay cho hay: Trung Quốc sẽ chấp hành các hạn chế mới đối với các nhóm, tổ chức, các cuộc hội họp và các biến cố liên hệ khác của các tôn giáo bắt đầu từ ngày 1 tháng Hai.

Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đã công bố chính sách mới vào ngày 30 tháng 12, sau khi chính quyền Trung Quốc chuyển sang việc đàn áp hơn nữa người Công Giáo tại Tổng giáo phận Fuzhou, vì đã từ chối gia nhập Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc.

Theo UCA News, “Các biện pháp hành chính mới đối với các nhóm Tôn giáo”, gồm sáu phần và 41 điều, sẽ kiểm soát mọi khía cạnh của hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc, và sẽ bắt buộc tất cả các tôn giáo và tín đồ ở Trung Quốc tuân thủ các quy định do Đảng Cộng sản Trung Quốc, một đảng phải được thừa nhận là cơ quan có thẩm quyền cao hơn.

Điều 5 của các chính sách mới nói rằng “Các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuân thủ hiến pháp, luật pháp, quy định, pháp lệnh và chính sách, tuân thủ nguyên tắc độc lập và tự trị, tuân thủ các chỉ thị về tôn giáo ở Trung Quốc, thực thi các giá trị của chủ nghĩa xã hội”.

Điều 17 qui định rằng “các tổ chức tôn giáo phải truyền bá các nguyên tắc và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, cũng như đòi “các nhân viên tôn giáo và công dân tôn giáo ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hỗ trợ hệ thống xã hội chủ nghĩa, tuân thủ và tuân theo con đường của chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm Trung Quốc”.

Các điều khác trong các biện pháp mới nêu rõ rằng các tổ chức tôn giáo “phải thiết lập một hệ thống học tập”, để đào tạo nhân viên phù hợp với các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và cũng đòi để chính quyền can dự vào việc lựa chọn các viên chức tôn giáo và vào các cuộc tranh chấp.

Điều 34 tuyên bố “Không có sự chấp thuận của bộ tôn giáo sự vụ của chính phủ nhân dân, hoặc đăng ký với bộ dân sự vụ của chính phủ nhân dân, không có hoạt động nào có thể được thực hiện dưới danh nghĩa của các nhóm tôn giáo”. Điều này có nghĩa “các giáo hội tại gia” hoặc bất cứ hình thức giáo hội hầm trú nào cũng bất hợp pháp.

Trong nhiều thập niên sau cuộc cách mạng Cộng sản ở Trung Quốc, Giáo Hội Công Giáo “hầm trú” hiện hữu trong hiệp thông trọn vẹn với Rome, trong khi Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, được nhà nước bảo trợ, tấn phong các giám mục được chính quyền chọn lựa và hiện hữu trong tình trạng ly giáo.

Vào tháng 9 năm 2018, một thỏa thuận tạm thời giữa các viên chức Bắc Kinh và Vatican đã được công bố, nhằm mục đích thống nhất Giáo hội hầm trú và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc. Mặc dù các điều khoản của thỏa thuận đã được giữ bí mật, nhưng theo báo cáo, nó cho phép Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc quyền lựa chọn một danh sách ứng viên làm giám mục, từ đó Đức Giáo Hoàng sẽ lựa chọn.

Kể từ lúc có thỏa thuận, các giáo phận và giám mục hầm trú ở Trung Quốc đã phải chịu đựng một chiến dịch cưỡng chế phải vào hàng ngũ của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc. Một số nhà thờ đã bị chính phủ ra lệnh đóng cửa hoặc phá hủy vì không tham gia Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Tại Tổng giáo phận Fuzhou, nằm ở phía đông nam Trung Quốc, hơn 100 nhà thờ đã bị chính phủ đóng cửa kể từ tháng 8 năm 2019. Cuộc đàn áp bắt đầu sau khi chỉ có năm thành viên giáo sĩ tham dự một “hội nghị huấn luyện” do Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất và Cục Sắc tộc và Tôn giáo sự vụ bảo trợ.

Các nhà thờ Công Giáo ở thành phố Phú Khánh đã bị đóng cửa và máy giám sát được lắp đặt để xua các giáo dân. Phú Khánh là quê hương của Cha Lin Yuntuan, người là giám quản tông tòa của Tổng giáo phận Fuzhou.

Theo tạp chí Bitter Winter, chính phủ coi Cha Lin là một “nhân vật có sức lôi cuốn và có ảnh hưởng lớn”, người đang ngăn cản việc sáp nhập Giáo hội hầm trú vào Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Một linh mục từ Phú Khánh nói với Bitter Winter rằng chính phủ đang nhắm vào điều họ gọi là “các linh mục nổi loạn” trong tỉnh, những người, từ chối tham gia Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Các linh mục khác cho biết họ bị cấm gặp nhau và phải chịu sự quấy nhiễu liên tục từ phía chính phủ.