Các chính phủ khắp thế giới, kể cả ở các nước con số tử vong vì Covid-19 vẫn còn rất cao như Hoa Kỳ và Anh, đang nới lỏng hoặc ít nhất đang hoạch định nới lỏng các hạn chế gần như tuyệt đối đối với một số quyền tự do rất căn bản của người dân dưới điều người bình thường cho là lý do, nhưng không thiếu người cho là “chiêu bài” cứu mạng sống, mà thực ra là âm mưu muốn tước đoạt quyền tự do của người dân.



Một trong số những người mặc nhiên cho là chiêu bài nói trên chính là Tổng Giám Mục Viganò, người có lúc đã kêu gọi Đức Phanxicô từ chức, trong lời kêu gọi gần đây gửi người Công Giáo và người thiện chí khắp thế giới về đại nạn Covid-19. Lời kêu gọi do ngài khởi xướng và được một số giáo phẩm, giáo sĩ và nhân vật Công Giáo có tiếng ký vào, được dư luận thế giới chú ý nhờ sự kiện Đức Hồng Y Sarah thuận tình ký thự nhưng sau đó lại “tweet” rằng mình đã không ký.

Các chính phủ và nói chung các giới hữu trách chính trị chắc chắn không quan tâm đến kiểu buộc tội oan uổng này. Nhưng họ không thể làm ngơ trước một sự kiện được CBS News phần nào mô tả qua bài báo hôm nay: “Coronavirus pandemic may lead to 75,000 ‘deaths of despair’ from suicide, drug and alcohol abuse” (Đại dịch Coronavirus có thể dẫn tới 75,000 cái 'chết vì thất vọng’ do tự tử, lạm dụng ma túy và rượu chè).

Con số trên không do CBS suy đoán mà là kết quả của một nghiên cứu gần đây do Benjamin Miller, trưởng chuyên gia chiến lược của Well Being Trust ở Oakland, California, hướng dẫn.

Trở lại cuộc sống bình thường là giải pháp tốt nhất ngăn cản viễn tượng trên. Chính vì thế, các chính phủ từ từ buộc phải để người dân được nhiều tự do hơn, kể cả trong phạm vi thờ phượng.

Hôm nay, Thứ Bẩy tuần IV mùa Phục sinh, trong thánh lễ trực tuyến, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục Huế, cho hay lệnh gián cách xã hội đã được nới lỏng và Thánh Lễ ngày mai, Chúa Nhật thứ V mùa Phục Sinh, sẽ là thánh lễ trực tuyến cuối cùng. Nhân dịp này, ngài cho hay các tín hữu sẽ không thể lấy thánh lễ trực tuyến thay thế Thánh Lễ thật sự được, ngoại trừ những người đau yếu không thể đến nhà thờ. Ngài cũng cho hay các qui định mới sẽ được Tòa Tổng Giám Mục công bố hôm nay.

Chưa biết Tổng giáo phận Saigòn có được hưởng cùng một điều kiện như Tổng giáo phận Huế hay không, vì theo bản đồ của Dân Trí thì Sài Gòn thuộc Nhóm Nguy Cơ giống Hà Nội, trong khi Huế thuộc Nhóm Nguy Cơ Thấp.

Ở Hoa Kỳ, vấn đề thờ phượng dường như không thuộc thẩm quyền chính phủ liên bang mà thuộc thẩm quyền tiểu bang, nên cũng không thấy một cố gắng chung nào của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về phương diện này.

Tuy nhiên, theo CNA, Tòa Bạch Ốc cũng đã hội ý ít nhất với 4 Giám Mục khi họ mốn đưa ra các hướng dẫn chung về việc mở cửa lại các nhà thờ. Cả bốn vị Giám Mục này đều là những vị đã chính thức cho mở lại các nhà thờ với những hạn chế hiện hành.

Các cuộc tham khảo này được sự phối hợp của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ theo lời yêu cầu của Tòa Bạch Ốc, nhưng Hội Đồng không đóng vai trò tích cực trong các cuộc thảo luận.

Dù các viên chức Tòa Bạch Ốc sẵn sàng hỗ trợ các cộng đồng tôn giáo có được “các hướng dẫn nhậy cảm và đầy tôn trọng”, nhưng các Giám Mục vẫn lưu ý họ 2 điều: ước muốn của các ngài tuân theo các quy định y tế của chính quyền tiểu bang đồng thời nhất quyết đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của người Công Giáo địa phương.

Điều đáng lưu ý là trong cuộc thảo luận lần này, các viên chức Tòa Bạch Ốc cho biết họ sẽ thông tri để các tiểu bang và các nhà lãnh đạo địa phương hiểu rõ bản chất “chủ yếu” (essential) của thực hành tôn giáo. Họ cũng muốn cổ vũ “tầm quan trọng cực kỳ” (critical importance) của đức tin và thực hành tôn giáo trong đời sống hàng ngày.

Nhưng nước được người ta chú ý hơn cả là Ý, vì nước này vốn được coi là điển hình của việc phòng chống coronavirus và ở đấy, dường như chính phủ của Ông Conte được sự hậu thuẫn mặc nhiên của Đức Phanxicô trong phạm vi các giới hạn đối với việc thờ phượng của người Công Giáo.



Theo John Allen, đúng 70 ngày sau thánh lễ công cộng cuối cùng được cử hành, hôm thứ Năm vừa qua, các Giám Mục Ý loan báo một thỏa thuận với chính phủ để tái tục phụng vụ vào hôm thứ Hai, ngày 18 tháng Năm. Như thế, Thánh Lễ Chúa Nhật đầu tiên sẽ là thánh lễ Chúa Lên Trời vào ngày 24 tháng Năm!

Thỏa thuận trên đã được ký giữa Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý và Thủ Tướng Giuseppe Conte. Thoả thuận này cũng bao gồm việc tái tục bí tích hòa giải ở những nơi rộng rãi thoáng khí, trong đó, linh mục và hối nhân phải mang khẩn trang và giữ gián cách xã hội.

Dĩ nhiên các thánh lễ công cộng phải tuân theo 26 điều kiện, và 3 “gợi ý”:

Giữ gián cách xã hội; tuy số người tham dự là tùy quyết định của các vị mục tử, nhưng các người này phải giữ khoảng cách ít nhất một mét rưỡi từ tứ phía; được đệm đàn, nhưng không có ca đoàn. Nhân viên và thiện nguyện viên giáo xứ phải điều hành việc ra vào nhà thờ. Nếu số người tham dự vượt quá số tối đa, giáo xứ được khuyến cáo tổ chức thêm các buổi phụng vụ. Thuốc sát trùng tay phải có ở lối ra vào nhà thờ.

Phải đeo khẩu trang mới được vào nhà thờ, và ai nhiệt độ lên tới 99.5 độ của máy rò, có triệu chứng giống như cúm hay từng giao tiếp với người mắc coronavirus không được tham dự. Tuy nhiên, các giáo xứ không buộc phải đặt máy nội soi (scanner) và tiến hành việc xét nhiệt độ. Nhà thờ cũng như các vật dụng dùng trong Thánh Lễ phải được làm sạch cả trước lẫn sau khi cử hành phụng vụ.

Dấu bình an tiếp tục bị hủy bỏ, không có nước thánh ở lối ra vào nhà thờ, cũng không có việc quyên tiền trong thánh lễ, dù giáo xứ được đặt thùng dâng cúng ở lối ra vào nhà thờ hay ở chỗ khác thuận tiện.

Về việc cho rước lễ, linh mục hay thừa tác viên Thánh Thể phải sát trùng tay, rồi đeo khẩu trang và bao tay, chỉ trao Mình Thánh trên tay mà không tiếp xúc thể lý với người lãnh nhận.

Mỗi nhà thờ đều có bảng yết thị nói rõ số tối đa người tham dự, cấm những người bị sốt hay từng tiếp xúc với người lây nhiễm coronavirus được vào, và bổn phận phải đeo khẩu trang, sử dụng thuốc sát trùng tay và giữ gián cách xã hội.

Ba gợi ý là Giám Mục có thể cho phép các thánh lễ ngoài trời nếu nhà thờ nào đó không đủ điều kiện tuân giữ các điều khoản vệ sinh cần thiết; điều quan trọng là nhắc nhở tín hữu rằng bổn phận tham dự thánh lễ có thể được miễn vì lý do tuổi tác và sức khỏe; và điều cũng quan trọng là duy trì giải pháp trực tuyến cho những ai không có khả năng thể lý tham dự thánh lễ.

Đức Hồng Y Bassetti ca ngợi thỏa thuận “Chiêu thức này là thành quả của một sự hợp tác và hợp động sâu xa giữa chính phủ, ủy ban khoa học – kỹ thuật, và Hội Đồng Giám Mục Ý, trong đó, mọi phía đều thực hiện phần của mình một cách có trách nhiệm”.

Thủ tướng Conte cũng ca ngợi thỏa thuận: “Các biện pháp an toàn phác thảo trong bản văn nói lên nội dung và phương thức tốt đẹp nhất đã được chấp thuận để bảo đảm việc tái tục các cử hành phụng vụ có giáo dân tham dự diễn ra một cách an oàn nhất. Tôi cám ơn các Giám Mục Ý vì sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất mà các ngài đã dành cho cả quốc gia trong giờ phút khó khăn này”.