Ngày 17 tháng 6 hôm qua, trên trang mạng https://denvercatholic.org/the-biases-of-a-royal-commission, Tiến sĩ George Weigel đã lớn tiếng phê phán sự thiên vị của Ủy Ban Hoàng Gia Úc đối với Đức Hồng Y George Pell.



Theo Tiến sĩ Weigel, có một câu ngạn ngữ Latinh có thể giúp chúng ta hiểu các định kiến có thể dẫn người ta tới các phán đoán thiên vị làm sai lệch lịch sử ra sao, như chúng từng làm khi Ủy Ban Hoàng Gia Úc điều tra việc lạm dụng tình dục gần đây đã công kích sự liêm chính của Đức Hồng Y George Pell.

Câu ngạn ngữ Latinh đó là quidquid recipitur ad modum recipientis recipitur – dịch chiểu tự, “điều được tiếp nhận nào cũng được tiếp nhận theo lối người tiếp nhận”. Bớt chiểu tự hơn, câu ngạn ngữ có nghĩa các thiên hướng (predispositions), hay các "máy lọc" của ta, lên mầu sắc cho các tri nhận của ta. Nói cách khác, chúng ta thường tri nhận sự việc, không theo như chúng là nhưng theo những gì chúng ta là.

Dù thoạt nhìn, nó có vẻ trừu tượng, câu ngạn ngữ này thực ra được kinh nghiệm hàng ngày củng cố. Người ta rút ra nhiều kết luận khác nhau về cùng những sự kiện, về cùng những nhân cách, về cùng các tình huống. Các dị biệt này thường lại được giải thích bằng những “máy lọc” khác nhau luôn có đó trong tâm tư chúng ta.

Điều đó đem chúng ta tới các ý niệm sai lầm và đầy thiên kiến quanh Đức Hồng Y George Pell.

Vị Hồng Y trên vốn liên tiếp bị tấn công miệt mài bởi giới truyền thông Úc, các nhà đấu tranh xã hội và chính trị, và các đối thủ trong Giáo Hội cả hơn 2 thập niên. Việc ngài bênh vực tín lý và luân lý cổ điển Công Giáo làm mất lòng một số người. Các quan điểm “không chính xác” về chính trị của ngài về việc thay đổi khí hậu và cách mạng tình dục làm nhiều người khác nổi giận. Việc ngài say mê trong tranh luận và hăng hái trong lúc tranh luận làm ngỡ ngàng rồi chọc giận những người Úc ưa bắt nạt theo thứ văn hóa triệt tiêu, quen được các nạn nhân của họ khuất phục trước hạ nhục, tố cáo, và đe dọa. Người này sao vậy? Tại sao ông ta không chịu xu phụ như những người khác từng làm, kể cả rất nhiều lãnh tụ Giáo Hội?

Vì cái niềm tin của họ vào chính sự vô ngộ của họ, nên các người phê phán ngài về chính trị và giáo hội học không thể nào nhân nhượng mà cho rằng họ có thể sai. Và một người rất thông minh với văn bằng tiến sĩ của Oxford không thể nào bị hạ thấp như một tên ngu dại. Nên những người chỉ trích và kẻ thù của ngài dường như chỉ còn một kết luận duy nhất là phải làm ngài trở thành đồi bại, một tên dối trá về vai trò của mình trong một Đạo Công Giáo Úc đang lao đao với cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Bất chấp việc khi trở thành tổng giám mục Melbourne, Đức Hồng Y Pell đã nhanh chóng lập ra chương trình giáo phận đầu tiên ở Úc để vươn tay ra với các nạn nhân lạm dụng và cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ - một chương trình được thiết kế trong sự hợp tác với cảnh sát và được chính quyền khen ngợi. Bất chấp việc, ở Melbourne và Sydney (sau khi được chuyển về thành phố này), Đức Hồng Y Pell đã xử lý nghiêm khắc những giáo sĩ lạm dụng và đã ra lệnh sa thải hơn hai chục người trong số họ khỏi bậc giáo sĩ – một giải pháp nặng nề nhất của Giáo Hội để xử lý các linh mục lạm dụng. Những sự kiện có thể chứng minh đó đã không đáng kể, đối với cả các người chỉ trích Đức Hồng Y Pell, lẫn bây giờ, dường như, Ủy ban Hoàng gia nữa. Tại sao? Vì chúng không ăn khớp với các định kiến trổi vượt về Đức Hồng Y Pell và phán đoán sai lầm về nhân cách của ngài được họ khuôn định, dựa trên những định kiến đó.

Ủy ban Hoàng gia không hoạt động theo các quy tắc bằng chứng của một tòa án hình sự. Tính liêm chính của họ tùy thuộc không phải vào thực hành tư pháp đúng đắn, mà tùy thuộc sự vô tư (fairmindedness) của các Ủy viên và nhân viên của họ. Sự vô tư này không rõ ràng trong cách Ủy ban Hoàng gia cư xử với Đức Hồng Y Pell, trong các phiên điều trần hoặc trong báo cáo của họ.

Trong các phiên điều trần của Ủy ban, các nhân chứng được phép đưa ra các cáo buộc quá đáng chống lại Đức Hồng Y, gợi ý rằng ngài có mặt khi các trẻ em bị linh mục quấy rối, rằng ngài đã mưu toan hối lộ một nạn nhân để họ giữ im lặng về việc bị quấy rối, và ngài đã có những lời nhận xét vô sỉ về việc lạm dụng tình dục. Những điều phi lý này đã được chứng tỏ là dối trá. Nhưng tại sao chúng lại được phép thực hiện, ở nơi công cộng?

Hơn nữa, Ủy ban Hoàng gia rõ ràng đã áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau cho các nhân chứng khác nhau. Một nạn nhân lạm dụng đã thông báo cho Ủy ban rằng anh ta đã nói với một linh mục, tên là Paul Bongiorno, về việc bị cha Gerald Ridsdale quấy rối; Bongiorno cho biết ông ta không nhớ việc được kể về vụ tấn công của Ridsdale. Ủy ban đã chống chế, nói rằng mình “không thể giải quyết các trình thuật khác nhau” của nạn nhân và của Bongiorno. Tuy nhiên, Ủy ban đã từ chối việc tin vào lời tuyên bố có tuyên thệ của Đức Hồng Y Pell (được chống đỡ bởi lời khai có tuyên thệ của người khác) rằng ngài không biết gì về những vi phạm của Ridsdale; Ủy ban, trên thực tế, đã gọi Đức Hồng Y Pell là kẻ nói dối. Tại sao lại có sự khác biệt này? Có thể là vì Bongiorno (1), sau khi bỏ chức linh mục, đã trở thành một nhân vật truyền thông chính xác về mặt chính trị, trong khi Đức Hồng Y Pell là hiện thân của việc không chính xác về chính trị của Úc và là người bảo vệ hàng đầu nền chính thống Công Giáo ở Úc - và do đó phải là một kẻ xấu nói dối?

Như Đức Hồng Y Pell từng nói, Giáo hội Úc đã hành xử một cách đáng xấu hổ trong nhiều thập niên trong việc đối phó với các giáo sĩ lạm dụng. Tuy nhiên, Pell, giám mục Úc đầu tiên giải quyết tình huống tai tiếng đó một cách mạnh mẽ, đã bị Ủy ban Hoàng gia biến thành chiên thế tội cho các thất bại gớm ghiếc của các giám mục khác. Tại sao?

Suy ngẫm câu ngạn ngữ Latinh kia một lần nữa đi.
_____________________________________________
(1) Bongiorno lớn lên tại Ballarat, Victoria (cùng quê hương với Đức Hồng Y Pell), làm linh mục tại giáo phận này, và từng tu học tại Giáo Hoàng Đại Học Urbano, Rôma. Nhưng sau bỏ chức linh mục, ra lập gia đình và hành nghề báo chí.