Ngày 30-5-2020, Giáo phận Đà Nẵng vừa bế mạc Đại hội Hành hương Năm thánh Đức Mẹ Trà Kiệu (Quảng Nam) cũng còn có tên “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Một buổi lễ bế mạc tổ chức thật hoành tráng tại Giáo Xứ Trà Kiệu với sự tham dự của Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân, đương kim Giám Mục và Đức Giám Mục Giuse Châu Ngọc Tri, cựu Giám Mục Đà Nẵng và đương kim Giám Mục Lạng Sơn – Cao Bằng cùng hàng trăm linh mục dòng triều, các tu sĩ nam nữ cùng rất nhiều tổ chức, hiệp hội, hội đoàn tôn giáo, khách mời trong chính quyền cùng các tôn giáo bạn cùng khoảng 50, 000 giáo dân thuộc các giáo hạt Trà Kiệu, Hòa Khánh, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An v.v… Biến cố lịch sử này không thể không gợi lại cho người tín hữu Công Giáo miền Trung nhớ về thời điểm cách đây 135 năm với niềm tin rằng Đức Mẹ đã hiện ra cứu giúp người giáo dân Quảng Nam trong đại nạn Văn Thân tàn sát vì đạo Chúa và điều đó nhắc chúng ta lần giở lại những trang sử cũ…

Vấn đề Văn Thân 文 紳 sát hại người Công Giáo ở bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên (gọi tắt Nam, Ngãi, Bình, Phú) xuất phát từ hịch Văn Thân “Bình Tây Sát Tả” nói riêng và trên các tỉnh Trung Bộ nói chung trong năm 1885, sau biến cố vua Hàm Nghi bỏ kinh đô Huế chạy ra Quảng Trị, cùng những hậu quả của việc làm này tác động trên phong trào Cần Vương và đặc biệt đối với đạo Công Giáo Việt Nam đến nay vẫn còn là sự kiện lịch sử nhức nhối, tạo nên nhiều luận chứng kết án trong các giới nghiên cứu sử học, văn học cũng như niềm đau thương khôn nguôi trong dư luận nhân dân Việt Nam. Ở đây chúng tôi dùng các chữ “Thân Hào Sát Tả” 紳 豪 刹 左 thêm trong tiêu đề cho bài viết này vốn là chữ của chính người Công Giáo ở Bình Định lúc bấy giờ đã dùng trong một bài vè nổi tiếng xuất hiện sau biến cố đó không lâu để viết về các sự kiện lịch sử đau thương đó.

Về vấn đề này, sử gia Trần Trọng Kim cho biết nguyên nhân như sau: “Tháng giêng năm giáp tuất (1874) là năm Tự Đức thứ 27, đất Nghệ An có hai người tú tài là Trần Tấn 陳 縉 và Đặng Như Mai 鄧 如 枚 hội tập các văn thân trong hạt, rồi làm một bài hịch gọi là “Bình Tây sát Tả” 平 西 殺 左 đại lược nói rằng: “Triều đình dẫu hòa với Tây mặc lòng, sĩ phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước nhất xin giết hết giáo dân, rồi sau đánh đuổi Tây cho hết, để giữ lấy cái văn hóa của ta đã hơn 1000 năm nay v.v.”Bọn văn thân cả thảy độ non ba nghìn người, kéo nhau đi đốt phá những làng có đạo.”Nước ta mà không chịu khai hóa ra như các nước khác là cũng bởi tại bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà làm việc nông nổi càn rỡ, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru!” (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, bản in lần VII, Tân Việt, Sài Gòn, 1964, trang 520).

Xét về thời điểm của biến cố, cụ Trần Trọng Kim đã ghi lại không mấy chính xác khi cho rằng bài hịch được đưa ra vào “Tháng Giêng” năm giáp tuất (1874), nhưng văn bản này lại ghi rõ “Tự Đức nhị thập thất niên nhị nguyệt sơ nhị nhật” nghĩa là Tự Đức ngày mồng 2 tháng Hai năm 27.

Xét về ý nghĩa hai chữ “văn thân”, Giáo sư Yoshiharu Tsuboi đã giải thích rõ ràng như sau: “Từ văn có nghĩa là “chữ” và cũng có nghĩa là “người biết chữ”. Trong xã hội cổ xưa, ở Trung Hoa và ở Việt Nam, từ này thông thường dung để chỉ người có học thức. Từ thân có nghĩa chính từ nguồn gốc là cái dải thắt lung tơ mà viên chức thời Trung Hoa cột áo ngang lưng: từ này dùng để chỉ các thân hào, thư lại ở địa phương; hoặc viên chức đã về hưu – các chuyên gia tiếng Anh viết lịch sử Trung Hoa phiên dịch chữ này ra tiếng Anh là gentry, tiếng Pháp dịch: petitte noblesse. Vậy theo ngữ nguyên, văn thân chỉ chung các nhân sĩ, thân hào, thư lại ở địa phương và các viên chức đã về hưu. Và ở thời kỳ Tự Đức, hình như từ ngữ này giữa cái nghĩa ấy.” (Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, L’Empire Vietnamien face à la France et à la Chine, bản dịch của Nguyễn Đình Đầu, Nxb. Trẻ, TPHCM, bản in lần thứ ba, 1999, trang 255.)

Giáo sư Tsuboi, hiện dạy học ở Viện Đại Học Paris, cũng cho biết thêm: “Chính các thân hào và nhân sĩ đảm nhận việc phiên dịch cho dân chúng các tuyên cáo chính thức, các bài viết bằng Hán tự và dân chúng sẽ không hiểu nếu đọc nguyên văn. Điều này và chức vụ “trung gian cần thiết” của văn thân giữa các cấp lãnh đạo và quần chúng đặc biệt quan trọng đối với các biến cố mà chúng tôi nghiên cứu nhân các bài hịch và các cuộc vận động chống Pháp, chống Công Giáo" (Tsuboi, sách đã dẫn, tr. 256). Tsuboi còn nói rõ hơn trình độ của lớp văn thân này: “Trung tâm của giới nhân sĩ là nhóm tú tài, một vị trí không rõ rệt giữa quan và dân: “gần thành công”, sánh với các quan, vì họ không lên đến được tột đỉnh kỳ thi - không đỗ cử nhân, tiến sĩ - nhưng trái lại, họ thành công ở chỗ hơn các người hỏng thi và quần chúng…” (Tsuboi, sđd, tr. 257) Đi sâu vào việc phân tích cá tính của lớp người có chút ít chữ nghĩa trong xã hội Việt Nam trước đây, vốn là những người mang rất nhiều mặc cảm tự tôn lẫn tự ti, Giáo sư Tsuboi cho biết về tâm trạng của văn thân như sau: “Là những người có đầu óc luôn luôn tìm cách vươn lên trong ước vọng chưa đạt được nên tinh thần có khi quẫn bách vì sinh kế, họ trở nên những người “rất nhạy cảm” và chú ý đến tình hình chính trị hoặc xã hội bùng nổ, một số người của họ, với tư cách lãnh đạo, đứng ra lãnh đạo và tập trung dân chúng chống lại những người mà họ cho là kẻ thù. Ngoài ra là người truyền bá Nho giáo, họ đặc biệt xem người Pháp và người Công Giáo là thù địch.” (Tsuboi, sđd, tr. 258). Những đoạn ngắn trích dẫn của Giáo sư Tsuboi cho chúng ta một nhận xét thêm là “nhóm tú tài” cộng với những người có đi thi mà không đỗ biến thành một con số rất cao trong xã hội VN thời trước chứ không phải chỉ là một, hay nhóm, kể thêm quần chúng thì đó là một lực lượng đáng kể nếu manh động cho một kế hoạch phiêu lưu chính trị nào đó.

Trong bài Hịch Văn Thân được đăng tải ở phần phụ lục của cuốn sách của GS Tsuboi (nguyên văn chữ Hán và do Trương Chính và Đinh Xuân Lâm dịch ra tiếng Việt, công bố trên tạp chí Hán Nôm số 2, năm 1990), chúng tôi đọc thấy các câu như: “… Dẫn tư Da Tô nhập vu ngã quốc, ngữ kỳ thuật tắc xưng Thiên xưng Thánh, lung cổ ngu mông; ngữ kỳ giáo tắc vô phụ vô quân khuyển dương tộc loại…靷 茲 爺 蘇 入 于 我 國, 語 其 術 則 稱 天稱 聖, 聾 瞽 愚 蒙; 語 其 敎 則 無 父 無 君 犬 羊 族 類. Dịch là: “Huống nay, đạo Gia-tô đã lọt vào bờ cõi. Cầu nguyện thì xưng Trời xưng Thánh, thật là đui điếc ngu si; Giảng rao thì vô phụ vô quân, đúng là loài dê loài chó.”

Bỏ ra ngoài giọng điệu khinh miệt mà nhóm Văn thân thường hay có đối với người Công Giáo Việt Nam, rất nhiều đoạn trong nội dung bài hịch chứng tỏ họ không biết hay không cần biết (vì óc tự tôn) đến nội dung giáo lý đạo Công Giáo khi cho rằng người Công Giáo Việt Nam không biết đến tổ tiên, vua chúa. Thuyết “tam phụ” trong sách “Phép giảng tám ngày” của Cha Đắc Lộ đã chỉ rõ người Công Giáo Việt Nam coi Chúa là “thượng phụ” (cha trên hết), kế đến coi vua là “trung phụ” và bậc cha mẹ là “hạ phụ” (Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, Nhà xb. Tôn Giáo, 2008, trang 96).

Theo sử gia Philippe Devillers, ở Quảng Ngãi, quê hương của dòng tộc Nguyễn Thân, ngay từ ngày 13/7/1885, nhóm văn thân đứng đầu là Lê Trung Đình - Nguyễn Tự Tân đã chiếm cứ được tỉnh thành nhưng ngày 26/7 Nguyễn Thân (con của Tiễu Phủ Sứ Nguyễn Tấn) lúc bấy giờ là một vị dũng tướng chỉ huy căn cứ Sơn Phòng (cứ điểm miền núi trấn áp người Thượng Đá Vách do nhà Nguyễn thiết lập từ nhiều thế kỷ về trước) đã thu lại tỉnh thành và dẹp được nhóm nổi dậy một cách dễ dàng. Để trả thù, văn thân Quảng Ngãi kéo đi tàn sát các làng Công Giáo mà họ coi là những bọn phản trắc tay chân của người Pháp. (Philippe Devillers, Francais et Annamites, Partenaires ou Ennemis, 1856-1902, Nhà xuất bản Denoel, 1998, tr. 293).

Mục tiêu của Văn Thân được nêu lên từ năm 1874 là “bình Tây sát Tả” nhưng như một số nhận định của nhiều người trong đó có Giáo sư Lê Hữu Mục thì “tuy nhan đề bài hịch là Bình Tây sát Tả nhưng suốt bài hịch, ta chỉ thấy Trần Tấn say mê có một chuyện sát Tả mà thôi. Vậy Cần Vương và Văn Thân cùng là hai phong trào chính trị, nhưng nếu Cần vương nhắm vào việc đánh Pháp là chính, còn việc đánh Công Giáo là phụ, thì Văn Thân chỉ coi việc trả thù người Công Giáo là lí tưởng của đời mình.” (Lê Hữu Mục, Cụ Sáu đối diện với phong trào Văn Thân, trong Trần Lục (viết chung với nhiều tác giả), Canada, 1996, tr. 340).

Tổng hợp các tài liệu của Linh mục Phan Phát Huồn và của Nguyễn Thanh Cao, tại Quảng Ngãi, cơ quan trọng yếu của Văn Thân đặt tại huyện Bình Sơn. Núp dưới chiêu bài hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, các nhóm Văn Thân kéo quân đi đốt phá hầu hết các giáo xứ và các địa sở Trà Câu, Bàu Gốc, Phú Vang, Kỳ Tân, Châu Me, Phú Hòa, Tân Lộc, Cù Và, sát hại hơn 6.000 giáo dân. Bọn họ giết Thừa sai Poirier Tân tại Bàu Gốc (Mộ Đức), Thừa sai Guégan Hoàng tại Phú Hòa, Thừa sai Garin Châu và các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá tại Cù Và (phía tây Sơn Tịnh).

Đặc biệt tại Trung Sơn, tức Trung Tín (huyện Bình Sơn) có 1.000 tín hữu sống trong 5 họ đạo gọi là Ngũ hội gồm có Trung Tín, Trung Hậu, Trung Thành, Trung Chánh, Long Giang. Ngày 15-7-1885 quân Văn Thân kéo đến Trung Tín. Trong 5 sở họ có 1 sở họ Long Giang hầu hết giáo dân bị Văn Thân sát hại, còn giáo dân các sở họ kia tập trung về nhà thờ sở chính Trung Tín. Tại đây giáo dân hiệp nhau chống trả và đẩy lui được 13 đợt tấn công của Văn Thân, đồng thời cho người ra Phú Thượng (Quảng Nam) cầu cứu cha Maillard Nhơn. Ngày 24-8 cha Maillard thuê tàu từ Đà nẵng vào cửa Sơn Trà (Bình Sơn) đưa giáo dân Trung Sơn đi tị nạn tại Phú Thượng.

Tại Bình Định, các Thừa sai Barrat Chung (Thác Đá), Dupont Ninh (Hội Đức), Martin Bạch (Gò Thị) cùng với hai linh mục Việt Nam tên Mão và Nhứt bị Văn Thân giết, nhà của Giám mục Van Camelbecke, chủng viện Làng Song và hơn 150 họ đạo bị đốt. Đức cha Van Camelbecke cùng một số các cha, các thầy, các dì phước ở Làng Song cùng với khoảng 8.000 giáo dân các họ đạo phải chạy xuống Quy Nhơn lánh nạn. Charles Fourniau tổng kết về thảm trạng Công Giáo ở Trung Bộ cho biết ở Quảng Ngãi và Bình Định vào cuối tháng 8 – 1885 đã có hơn một nửa số dân Công Giáo bị giết chết (24.000 trên 40.000 người). (Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, Tập 1, Dòng Chúa Cứu Thế xb. 1960, tr, 535; Charles Fourniau, Annam-Tonkin 1885-1896, Lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête colonial, L’Harmattan, Paris, 1989, tr. 49; Nguyễn Thanh Cao, Tình hình Công Giáo Quảng Ngãi trong going lịch sử Giáo phận Qui Nhơn từ triều vua Gia Long (1802) đến vua Khải Định (1916), Nội san Hoa Tình Thương, Hội thân hữu Địa phận Qui Nhơn Hải Ngoại, số 5, tháng 7-2001, tr. 79).

Tại Phú Yên, trước năm 1885 có khoảng 6890 giáo dân, sau năm 1885 còn lại khoảng 1.000 giáo dân.

Theo tài liệu của Huỳnh Nhuận (Nhân Kỷ Niệm Mười Năm Tôn Vinh Hiển Thánh 117 Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam (1988-1998), Nội san Liên Lạc số 7, Hội Ái Hữu Cựu Chủng Sinh Làng Song, Qui Nhơn, 1998, tr. 77) hiện nay trong tỉnh Bình Định có ba nhà mồ tập thể của các nạn nhân Văn Thân: một tại Gia Hựu (xã Hoài Châu), một tại Thác Đá Bình Chương (xã Hoài Đức, quận Hoài Nhơn) và một tại Đồng Quả Kim Sơn (xã An Nghĩa, quận Hoài Nhơn). Sau đây là bài Vè của đống bào Bình Định và đã thành sử liệu về vụ Văn Thân sát hại và cướp của các làng Công Giáo trong Khu V:

THÂN HÀO SÁT TẢ

Ra Quảng Ngãi giả đó ngăn là Chú Án [1]

Sao còn vây Gia Hựu nát như tương?

Xuống Làng Song đi phủ ủy có Lão Thương [2]

Sao còn đốt Chánh Khoan mù những khói?

Quyết làm hiểm như loài muông sói.



Thương thay giáo nhơn khi ấy,

Gửi nắm xương theo sông biển,

Mà rửa bụi trần ai,

Rơi giọt máu với cỏ cây,

Mà nhuần ơn vũ lộ.

Vì đạo Chúa chịu lấp chôn hào hố.



Phú hình dung trong đám lửa than,

Đã xong cho mũi mác ngoài đàng,

Lại rồi với lưỡi gươm trong cửa.

Thả trôi nổi lúc bụi lau bụi dứa,

Mà phơi chín chiều ruột chưa se.

Mà vắt một lá gan chưa ráo.

Đã đốt trong nhà không cửa tháo,

Còn quăng xuống giếng chẳng đàng lên.

Thương xá sanh thủ nghĩa [3] lòng bền,

Muôn dặm chẳng nao cơn sấm sét.

Kính tuẫn đạo vong thân [4] đại tiết,

Trăm năm không sợ cuộc biển dâu.



Dân làng xóm thảy tàng đầu xuất vỹ [5].

Khi trước giả đò như phủ ủy,

Đến nay đà vày mặt hung hoang.

Lấy của người bất luận bạc vàng,

Lúa gạo nồi mâm chi cũng tóm.

Trở mặt lạ cũng trong làng xóm,

Trâu bò hòm trấp thảy đều thâu!

Ngoài miệng rằng xướng nghĩa làm đầu,

Chánh ý thiệt giết người lấy của.

Đương khi ấy giáo nhơn,

Cam liều chết đặng về cùng Thiên Chúa.

Tấm lòng vàng đá,

Tân, Châu, Hoàng, Minh, Sĩ, Chung, Thành [6]

Quyết xã sanh cho được tới Thiên Đình,

Tấc dạ sắt đinh,

Thông, Mão, Hậu Bảo, Trang, Nhứ, Lý [7]

Các tỉnh giáo sư cùng giáo sĩ,

Cũng cam lòng vì đạo liều mình.

Mọi nơi phước viện chốn tu trinh,

Đã nhiều kẻ quyên sinh trí mạng.

Bằng thuật đủ tóc tơ quá ngán,

Hãy nói qua sơ lược ít tờ.

Hai trăm mười bốn sở nhà thờ,

Tính lại mười phần đã ráo.

Bốn mươi ngàn người bổn đạo,

Sót lại còn muôn rưỡi là may.

Một là vì ý Chúa cao dày…



Đã khiến nên ong dậy muôn trùng [8]

Mà vắng tiếng rồng ngâm một mối [9].

Ở đây chúng tôi xin nói rõ về các chú thích của bài vè “Thân hào sát Tả” được đưa vào các dấu ngoặc [ ] ở trên:

1.- Chú Án tức quan Án sát Nguyễn Kham có nhiệm vụ bảo vệ dân lành, nhưng ông ta bất lực. Giả hiệu đi ngăn quân sát tả nhưng ông đã để cho giáo hữu Gia Hựu chết thảm, do đó dân chúng không tôn trọng mà gọi là “chú Án”.

2.- Lão Thương: quan Thương biện Trần Đăng Phong.

3.- Xá sinh thủ nghĩa: bỏ mạng sống để giữ điều nghĩa.

4.- Tuẫn đạo vong thân: liều mình chết vì đạo. Đại tiết: nghĩa lớn.

5.- Tàng đầu xuất vĩ: dấu đầu lòi đuôi.

6.- Đây là tên Việt Nam của 7 vị giáo sĩ ngoại quốc, người Việt thường gọi là Cố:

-Cố Tân : Père Poirier ở Bàu Gốc;

-Cố Châu : - Garin ở Phường Chuối;

-Cố Hoàng : - Guégan ở Phú Hòa;

-Cố Minh : - Dupont ở Hội Đức;

-Cố Sĩ : - Macé ở Nước Nhỉ;

-Cố Chung : - Barrat ở Thác Đá;

-Cố Thành : - Tribarne ở Mằng Lăng.

7.- Tên của 7 Linh mục Việt Nam.

8.- Ong dậy muôn trùng : Loạn lạc khắp nơi; từ ngữ Hán văn: đạo tặc phong khởi.

9.-Rồng ngâm một mối: một ông vua nắm quyền nhất thống, dân trong nước đều tuân theo mệnh lệnh. (Chú thích từ số 1 đến 9 là của Huỳnh Nhuận).

Theo Vũ Ngự Chiêu, “phong trào đánh phá giáo dân Ki-tô này bành trướng rất nhanh sang Bình Định. Ngày 6/8 tại Huế, de Champeaux nhận được báo cáo của công sứ Quy Nhơn, cho biết khoảng 3000 giáo dân cùng các nhà truyền giáo và linh mục bản xứ kéo về tị nạn tại khu nhượng địa. Hôm sau, Van Camelbecke, Giám mục Đông Đàng Trong từ đầu năm 1884, phao tin quân Cần Vương đã chiếm thành Bình Định, còn giết chết 5 giáo sĩ Pháp, và đốt cháy chủng viện Quy Nhơn. Ngày 7/8 Tướng Prudhomme và de Champeaux thân hành đến Quy Nhơn thị sát, và khẳng định tin tình báo khá chính xác: khoảng 7 tới 8000 giáo dân tị nạn quanh tòa trú sứ Pháp. Trở lại Huế, Prudhomme gửi một tiểu đội TQLC tới Quy Nhơn. Sự xuất hiện của TQLC Pháp cùng hai chiến hạm Lutin và Lion ngoài khơi khiến tình hình tạm thời êm dịu phần nào. Sáng ngày 3/9, khi thấy bóng quân Pháp, Tổng đốc Bình Định mở cửa thành đón tiếp. Theo tỉnh quan này, thoạt tiên quân Cần Vương chỉ chống giáo dân Ki-tô, sau mới đổi sang chống Pháp.” (Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, Tập 2, Nhà xb. Văn Hóa, 2000, tr. 432).

Riêng với Quảng Nam, Linh mục Vũ Thành cho biết đây là nơi mà trước đây người Công Giáo đã phải chịu nhiều thảm cảnh, “quan đã bắt Đức Cha Charbonnier, thừa sai Van Camelbecke, ba linh mục Việt và nhiều thầy giảng. Họ đánh đập và giam giữ nhiều ngày.” (Vũ Thành, Đạo Công Giáo dưới triều vua Tự Đức (trong Trần Lục), do nhóm tác giả gồm Nguyễn Gia Đệ, Lê Hữu Mục, Bằng Phong, Phạm Xuân Thu, Trần Trung Lương, Canada, 1996, tr. 419).

Tại giáo xứ Trà Kiệu thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, vùng đất thuộc kinh đô cũ của Chiêm Thành (Shimhapura), từ ngày 1/9/1885 là ngày bị bao vây, Linh mục Bruyère tức Cố Nhơn biết khó chống lại Văn Thân nhưng ông ra lệnh cho chế tạo khí giới, tụ tập được khoảng 350 giáo dân tráng kiện có thể chiến đấu được, và khoảng 500 phụ nữ trong làng để thủ thành và cứu thương. Lực lượng Văn Thân kéo đến đánh đuổi giáo dân Kim Sơn về Trà Kiệu và chiếm đồi Kim Sơn để uy hiếp Trà Kiệu. Lực lượng Trà Kiệu nghe tin là sẽ có giáo dân Phú Thượng do Linh mục Maillard kéo đến giúp nên họ hăng say kéo ra đánh Văn Thân chạy tán loạn. Sau 6 ngày vây hãm Trà Kiệu, Văn Thân đem nhiều rơm rạ chất từ Kim Sơn đến núi Trọc để đốt lũy tre quanh làng Trà Kiệu nhưng giáo dân Trà Kiệu một lần nữa tấn công chớp nhoáng ra và thắng lợi, phe Văn Thân để lại 36 xác quanh làng Trà Kiệu. Trong trận này phía Văn Thân có con của Ông Ích Khiêm dự chiến.

Qua ngày thứ tám, Văn Thân kéo vào đánh một trận nữa nhưng bị toán nữ binh Công Giáo võ trang mã tấu phản kích mãnh liệt nên Văn Thân phải rút lui thua chạy. Tài liệu của Teysseyre, “Monseigneur Galibert” trang 320 và “Ravier”, Sử Ký Hội Thánh, T. III, tr. 581 cho biết sau trận thua đám đàn bà con gái này, phe Văn Thân lấy làm nhục kéo nhau lên núi Kim Sơn chửi bới người Công Giáo cho chán rồi lại chửi nhau. “Sau cùng chúng đồng ý đem đại bác ở tỉnh đến bắn phá họ đạo Trà Kiệu. Chúng có ý nhắm Thừa sai Bruyère và nhà thờ, vì Thừa sai Bruyère là hồn của các anh em binh sĩ Công Giáo Trà Kiệu; nhắm nhà thờ, vì nếu nhà thờ đổ, dân Trà Kiệu sẽ mất tinh thần. Chúng biết thường Thừa sai năng ngồi giữa nhà, chúng bắn vào đó 5 đạn lớn, làm thủng cả nhà rồi chúng hò reo: “Ông Tây chết rồi”. Nghe vậy thừa sai ra đầu hè và trả lời lớn tiếng: “ Chưa dễ chết đâu, hãy đến đây mà đánh.” Vừa nói xong, Văn Thân trả lời bằng cách gởi cho người một phát đại bác kinh hồn. Văn Thân tuyên bố ai bắt được thừa sai sẽ được thưởng từ 20 đến 30 nén bạc.” (Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, tập I, bản in lần hai, 1966, trang 535). Có ba lần quân Văn Thân tràn vào tận trung tâm giáo xứ Trà Kiệu, định bắt sống thừa sai Bruyère nhưng theo sự tin tưởng của các giáo dân kể cả lương dân quanh vùng, Đức Mẹ đã cứu thoát Linh mục và Giáo xứ này.

Tư liệu của Teysseyre cho biết giáo hữu ở Trà Kiệu đã nghe nhiều binh lính Văn Thân bắn phá nhà thờ kể lại là đã thấy: “ Một Bà Đẹp” hiện ra trên nóc nhà thờ cùng với nhiều trẻ em mặc đồ trắng và đỏ xuất hiện trên những ngọn tre làng để che chở cho giáo hữu.”

Đặc biệt vào hai ngày 10 & 11 tháng 9 năm 1885, giáo dân Trà Kiệu và Thừa sai Bruyère Nhơn đều nghe tiếng bàn cãi với nhau của binh lính Văn Thân ở trên đồi Kim Sơn : “Thật lạ lùng, có một người đàn bà luôn đứng trên nóc nhà thờ. Bà rất đẹp, mặc áo trắng, mà bắn không trúng.” Trong các súng lấy ở tỉnh, có một súng đại bác cỡ lớn, chúng để cách nhà thở 200 thước, một cựu sĩ quan thiện nghệ có trách nhiệm xử dụng súng này. Vậy mà nhà thiện nghệ này bắn trúng nhà thờ chỉ có một lần.

Sau hai tuần lễ bao vây Trà Kiệu, quân Văn Thân rước một vị tướng rất giỏi là tướng Tý đến chỉ huy mặt trận này cùng với quân số đông như kiến cỏ. Thừa sai Bruyère đưa giáo dân ra cự chiến mãnh liệt khiến quân của Tý bỏ chạy tán loạn và Tý bị chém đầu trong trận này. Ngày 21/9 giáo dân chiếm núi Trọc và hỏa thiêu đại đồn của Văn Thân. (Phan Phát Huồn, Sđd, trang 537).

Trong tờ trình về Tòa Giám Mục Quy Nhơn, Cố Bruyère Nhơn đã thành thật quả quyết rằng: “Đối với con thú thật là con không được thấy phép lạ, nhưng điều con tin chắc chắn đó là phép lạ và chỉ có phép lạ thôi là nhà thờ, nhà xứ đã thoát khỏi sự tàn phá ghê gớm của đại pháo, chỉ đặt cách đó chục mét và bắn trực xạ vào nhà thờ, nhà xứ.” (Compte rendu, Octobre 1886, tài liệu trên Web của Giáo Phận Đà Nẵng, ngày 30-5-2020).

Kết quả việc “sát Tả” ở Quảng Nam, theo tài liệu của Charles Fourniau, “con số nạn nhận giảm bớt (400 trên tổng số 5, 400) nhờ việc đề phòng đã được tổ chức ở nhiều địa điểm ngay từ ngày đầu do các cha Thừa sai đặc biệt là Linh mục Maillard, khoảng độ 40 tuổi, cao lớn, gầy để râu đen và khuôn mặt khắc khổ, đã tổ chức giáo dân thành từng toán võ trang, điều động họ và khi “bọn loạn quân xuất hiện…”người thường đi đầu các toán quân trang bị giáo mác, rìu, sung điểu thương cũ và đẩy lui bọn chúng.” (Charles Fourniau, Annam-Tonkin, 1885-1896, Lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête colonial, L’Harmattan, Paris, 1989, trang 53.)

Việc giết hại người Công Giáo do các nhóm Cần Vương và Văn Thân chủ trương đã ghi những vết nhơ trong lịch sử dân tộc. Khoảng 300, 000 giáo dân bị giết trong các cuộc bắt đạo, phân sáp, tróc nả và ngục hình của vua chúa Việt Nam và các nhóm Văn Thân ngụy trang dưới các hoạt động của phong trào Cần Vương cho thấy những tổn thất không chỉ nằm về phía người Công Giáo mà còn là một đau thương lớn lao cho dân tộc. Bản thân các lãnh tụ Cần Vương trải qua các cuộc khởi nghĩa đã chứng minh khả năng lãnh đạo yếu kém, tầm nhìn hạn hẹp, ý thức tổ chức thui chột, thậm chí vô kỷ luật của họ, không có trình độ để tiên liệu tình hình như sự thú nhận của Nguyễn Duy Hiệu, một lãnh tụ Cần Vương ở Quảng Nam: “Bọn ta cử sự biết chắc thế nào cũng bại, chỉ vì danh nghĩa mà thôi.” (Nguyễn Đức Cung, Diên-Lộc Quận Công Nguyễn Thân, Nhà x.b. Nhật Lệ, 2002, trang 235) mà hành động giết bừa bãi người Công Giáo cũng là đồng bào của mình là một chứng minh cụ thể.

Chính sách của Văn Thân là “chỉ chú trọng chém giết và cướp của, không có một sách lược uyển chuyển để thêm bạn bớt thù, nên dần dà bị cô lập và tự tiêu diệt, nhường chỗ cho sự yên hàn mà mọi người mong đợi. (Hồ Đức Hân, Lược Sử Giáo Phận Vinh, Nhóm thân hữu Nghệ Tĩnh Bình phát hành, không ghi năm in, (Lời tựa Phan Viết Phùng), tháng 7, 1989, trang 60).

Trong tinh thần của thuyết “tam phụ” thấm nhuần từ sách “Phép giảng Tám ngày” của Cha Alexandre de Rhodes từ thế kỷ XVII, theo lời tường thuật của Linh mục A. Delvaux, (Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam, BAVH, 1941, Juillet-Septembre, trang 304), vua Hàm Nghi trong những năm tháng dãi dầu sương gió ở vùng cao Quảng Bình rồi Hà Tĩnh trong cuộc xuất bôn 1885, khi rời bỏ Thanh Lạng ngày 6 tháng 11, đã được Linh mục Trung, cha sở Làng Truông (Ngàn Sâu, Hà Tĩnh) dâng một cái cáng bịt bùng, để được kín đáo hơn trong lúc di chuyển. Linh mục này còn cấp cho 12 giáo dân mặc lễ phục để khiêng cáng. Nhà vua lấy làm cảm động hỏi cha Trung:

-Quí danh ông là gì?

Ngài đáp:

-Ngày nhỏ học chữ Hán, tôi chỉ còn nhớ mỗi một chữ “Trung” 忠.

Hàm Nghi hiểu ý, gật đầu:

-Xin cám ơn.

Nguyễn Đức Cung

Philadelphia, ngày 02-7-2020