(Vatican 22/4/2005).
Đức Hồng Y Karl Lehmann
Cảm nhận của mọi người đối với Đức Tân Giáo Hoàng trong một thế giới chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi sự lèo lái của giới truyền thông trong những ngày qua thay đổi thật là nhanh chóng. Ngài đã đi vào Cơ Mật Viện như một “tiên tri nổi giận” và bước ra như một “mục tử khiêm hạ”.

Vài tuần trước Cơ Mật Viện, trong bài Suy Niệm Chặng Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, với một giọng đặc biệt mạnh mẽ, ngài tố cáo những “dơ bẩn” bên trong Giáo Hội.

“Chúng ta đã suy xét đến sự sa ngã con người một cách chung, và sự sa ngã của nhiều người Kitô hữu xa rời Đức Kitô và đi vào chủ nghĩa trần tục vô thần. Chúng ta có nên không nghĩ đến Chúa Kitô đã chịu đau khổ trong chính Giáo Hội của người biết chừng nào không?... Đã bao lần Lời Chúa bị xuyên tạc và bị lăng mạ! Đức tin tầm thường nào đã hiện diện đằng sau quá nhiều học thuyết, quá nhiều những lời nói hão huyền! Đã có bao nhiêu dơ bẩn nằm trong Giáo Hội và ngay cả những người trong thiên chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về người! Bao nhiêu sự kiêu căng, bao nhiêu điều tự phụ!”

”Lạy Chúa, Giáo Hội của Chúa thường giống như một con thuyền sắp đắm chìm, một con thuyền bị đắm nước mọi bề. Trên cánh đồng của Chúa, chúng con nhìn thấy nhiều cỏ dại hơn là lúa. Quần áo và gương mặt của Giáo Hội Chúa bị dơ bẩn đã làm chúng con hoang mang.... Khi chúng con sa ngã, chúng con đã thực sự kéo lê Chúa và Satan cười cợt vì nó hy vọng Chúa sẽ không thể trỗi dậy từ sự sa ngã đó”.


Trong thánh lễ khai mạc Cơ Mật Viện, ngài tố cáo:

“Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình ‘bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý’ dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất”.

Thế là bên cạnh nhãn hiệu “Hồng Y Thiết Giáp” (Panzer Kardinal) từ ngữ mà báo chí thường gán cho ngài, ngài được báo chí tặng thêm cho danh hiệu khác “Angry Prophet” (Tiên Tri Nổi Giận). Chỉ trừ một số báo chí thạo tin về những hoạt động của Tòa Thánh, đa số đều cho rằng các Hồng Y sẽ không bầu cho ngài vì ngài quá bảo thủ và sẽ gây chia rẽ trong Giáo Hội. Thế nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn khác. Cơ Mật Viện đã bầu ngài làm Giáo Hoàng trong một thời gian kỷ lục 26 tiếng đồng hồ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho truyền hình Đức tại Vatican hôm 22/4/2005, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức là Đức Hồng Y Karl Lehmann bày tỏ hy vọng là giới truyền thông sẽ thay đổi thành kiến với Đức Tân Giáo Hoàng sau khi họ chịu khó bỏ giờ đọc các sách của ngài viết, nghiên cứu quá khứ của ngài và quan sát các hoạt động trong triều Giáo Hoàng của ngài.

Trong tư cách là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Ratzinger chịu trách nhiệm về một công việc tế nhị nhất của Giáo Hội là bảo vệ đạo lý Công Giáo: “Hiển nhiên là, với sự đa dạng của những ý kiến đồng thời, ngay cả bên trong chính Giáo Hội, không phải mọi người đều theo ngài. Tuy nhiên, ngài dành được sự kính nể ngay cả với những ai bất đồng ý kiến với ngài, qua những thành tựu về thần học và sự nhìn nhận đối với sự đối thoại không tương nhượng và đương đầu trực tiếp với các thế lực đương đại của ngài”.

Sau khi Đức Thánh Cha bày tỏ cam kết dấn thân đại kết trong Thánh Lễ đầu tiên trong tư cách Giáo Hoàng, “chúng tôi hy vọng sẽ có những sửa đổi trong đánh giá của giới truyền thông”.

Đức Hồng Y Edward M. Egan
Đức Hồng Y Karl Lehmann cũng đưa ra nhận xét rằng Đức Tân Giáo Hoàng là “biểu tượng sống động của chứng tá liên tục của Giáo Hội”. Còn về việc chọn danh hiệu là Bênêđíctô XVI, Đức Hồng Y nhận định rằng Đức Tân Giáo Hoàng muốn theo gương Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV là một nhà vô địch về giáo huấn xã hội của Hội Thánh và đã hoạt động cho sự hoà giải của thế giới tân tiến.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo tại Đại Học Giáo Hoàng Bắc Mỹ, hôm 20/4/2004, các Đức Hồng Y Hoa Kỳ cũng đưa ra những lời bình luận tích cực đối với Đức Tân Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Edward M. Egan của tổng giáo phận Newyork nhận xét: “Ngài là người dễ thương, không thành kiến và chẳng bao lâu quý vị sẽ thấy điều đó”. Đức Hồng Y cho biết tháng 4 năm 1985 khi đang là linh mục làm việc tại tòa án Rôta và dạy học tại Đại Học Giáo Hoàng Grêgôriô, ngài được bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá New york. Trong lúc đang thu xếp về lại Hoa Kỳ, ngài đã nhận được một cú điện thoại của Đức Hồng Y Ratzinger gọi tới phòng làm việc của ngài chúc ngài thượng lộ bình an và đầy ơn thánh Chúa trong nhiệm vụ mới.

Đức Hồng Y Roger M. Mahony của tổng giáo phận Los Angeles cảnh cáo rằng chớ có xét đoán một con người qua những lời đồn. Ngài tin rằng việc Cơ Mật Viện nhanh chóng chọn Đức Hồng Y Ratzinger và những phát biểu của những người đã từng làm việc và tiếp xúc với Đức Tân Giáo Hoàng là một thông điệp rất rõ ràng cho những ai có thành kiến với ngài. Đức Hồng Y tin tưởng: “Rồi ra quý vị cũng sẽ nhìn ngài cùng một cái nhìn như chúng tôi”.

Trong khi đó, Đức Hồng Y Wilfrid F. Napier của tổng giáo phận Durban, Nam Phi nhận xét rằng: “Quý vị có thể thấy trong cách thức ngài giao tiếp với đám đông trong thánh lễ an táng Đức Thánh Cha - chẳng hạn khi ngài kiên nhẫn chờ đợi dân chúng ca hát trong thánh lễ thay vì cắt ngang. Chúng ta có thể thấy rằng ngài là người có thể đọc được các tình huống và đáp trả thích hợp”.