Phe chống đối việc đề cử Amy Barrett vào Tối Cao Pháp Viện không hẳn chống đối khả năng của bà cho bằng chống đối tôn giáo của bà, Đạo Công Giáo nói chung. Ít nhất đây cũng là lối giải thích của người đề cử bà, Tổng Thống Donald Trump.



Thực vậy, theo Fox News, trong buổi họp báo chiều ngày 27 tháng 9 tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump cho rằng “Tờ New York Times nói rằng tôn giáo của bà (Amy Barrett) không nhất quán với các giá trị Hoa Kỳ”. Ông bảo, “Bà là người Công Giáo. Điều này đụng đến rất nhiều người. Nói như thế là một điều bất lịch thiệp”. Theo ông chuyện tôn giáo đã được giải quyết cả 60 năm trước đây rồi với việc bầu JF Kennedy làm tổng thống.

Tổng thống Trump nói thêm: “họ tấn công đạo Công Giáo của bà. Tôi sẽ đứng với bà, chiến đấu với bà, và chúng ta sẽ bảo đảm để những tấn công như thế này dừng lại vì... nó không có tiền lệ. Trong căn bản, họ đang đánh một tôn giáo lớn ở đất nước ta. Không thể nào tưởng tượng nổi”.

Ngựa bị bịt hai bên mắt

Dù là do động cơ chính trị, người Công Giáo vẫn biết ơn Tổng thống Trump khi ông lên tiếng bảo vệ một tôn giáo không phải là thống thuộc của ông. Chỉ buồn là người Công Giáo, lại là một nữ tu nữa, Campbell đã mượn oai hùm Phanxicô để nạt nộ người đồng đạo chỉ một lòng muốn giữ đạo cho mình và cho người khác nữa.

Thực vậy, để đánh phủ đầu, ngày 25 tháng 9, cơ quan vận động hành lang của Campbell gọi là Networklobby ra một thông cáo báo chí “bác bỏ việc đề cử Amy Coney Barrett”.

Lý do: “Các phán quyết nhiều năm qua của Thẩm Phán Barrett ở Tòa Phúc Thẩm thứ bẩy chứng tỏ bà không coi mọi mạng sống là thánh thiêng, như chúng ta đã được huấn giáo phải làm từ Giáo huấn Xã Hội Công Giáo và Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Campbell nói rằng “Là một nữ tu Công Giáo luôn cố gắng nghe theo các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi không thể ủng hộ việc đề cử Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện”.

Bà cho rằng: Barrett được đề cử do một động cơ duy nhất: để lật ngược phán quyết phá thai Roe kiện Wade. Bà nói: “là một nữ tu Công Giáo, tôi xin nói rõ: người Công Giáo sẽ không bị mua chuộc bởi một lá phiếu định sẵn chống lại Roe kiện Wade. Quả là một nhục mạ khi hành động như thể đức tin của tôi chỉ thu gọn vào một vấn đề duy nhất”.

Bà nói thêm: “Người Công Giáo không thể ủng hộ các thẩm phán hay chính trị gia ngang nhiên coi thường tính bao quát của giáo huấn xã hội Công Giáo về quyền phụ nữ, quyền bỏ phiếu, quyền di dân, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi sinh, và rất nhiều điều nữa”.

Cái chiều rộng của giáo huấn xã hội Công Giáo ấy thì chắc Campbell có khi còn kém xa Barrett ít nhất ở phương diện thực hành. Barrett dù không thiếu gì con và là người đàn bà chuyên nghiệp, rất bận bịu, đã nhận làm con nuôi 2 đứa trẻ từ Haiti, trong đó, một em mắc hội chứng Down.

Ý thức hệ đã che mắt Campbell không nhìn ra thực tại! Bản thân chúng tôi không nắm vững, trong nghề luật sáng chói của Barrett bà đã phán, đã viết và đã nói gì khiến Networklobby của Campbell cho rằng bà “không coi mọi mạng sống là thánh thiêng”. Nhưng một linh mục Dòng Tên thuộc loại cấp tiến là cha Thomas Reese không nghĩ như thế. Xin mời qúy độc giả đọc bài “Amy Coney Barrett’s Religion is Important, but Irrelevant” đăng trên Religion News Service ngày 28 tháng 9, 2020:

Tôn giáo quan trọng nhưng không liên quan

Tôn giáo của Amy Coney Barrett rất quan trọng đối với việc bà được đề cử vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Nhưng nó cũng không liên quan.

Là một người Công Giáo, Barrett đã được Tổng thống Donald Trump đề cử vào tòa án ngày 26 tháng 9 để lấp chỗ trống sau cái chết của thẩm phán cấp tiến Ruth Bader Ginsburg. Một số người phản đối việc bổ nhiệm Barrett cho rằng niềm tin của bà sẽ ảnh hưởng đến cách bà quyết định các vụ kiện trước tòa án.

Việc lập luận rằng niềm tin tôn giáo của một người không hoặc không nên gây ảnh hưởng đến cách họ tiếp cận các vấn đề tư pháp chứng tỏ có sự thiếu hiểu biết về lịch sử và chính trị.

Chính trị là cách trong đó chúng ta đưa ra các quyết định có tính ràng buộc đối với các thành viên trong cộng đồng chính trị của chúng ta. Tất cả là vấn đề "Chúng ta nên làm gì?" - một vấn đề đạo đức trong chính bản chất của nó. Bất cứ mệnh đề nào có chữ "nên" ở trong nó đều là một phát biểu đạo đức. Đó là một phán đoán về điều gì đúng, điều gì sai.

Có nên tăng lương tối thiểu không? Chúng ta có nên rút khỏi Afghanistan không? Chúng ta có nên có Medicare cho mọi người không? Đây không chỉ là những câu hỏi về kinh tế hay quân sự; chúng cũng là những câu hỏi đạo đức.

Không phải mọi vấn đề đạo đức đều là vấn đề chính trị, nhưng mọi vấn đề chính trị đều là vấn đề đạo đức.

Tuy nhiên, cần có sự phân biệt giữa đạo đức bản thân và đạo đức xã hội. Đạo đức bản thân chỉ ảnh hưởng đến cá nhân (và có thể là một người lớn đồng thuận khác); đạo đức xã hội bao hàm những hành động tác động đến người khác. Đạo đức xã hội là lãnh vực của chính trị. Chính trị là cách trong đó, chúng ta áp đặt các chuẩn mực xã hội lên cộng đồng.

Tôi ngủ với ai có thể là một vấn đề đạo đức, nhưng nó không phải là một vấn đề chính trị. Chúng ta xử tử ai với tư cách một xã hội vừa là vấn đề đạo đức vừa là vấn đề chính trị.

Trong phần lớn lịch sử của phương Tây, người ta đã nhận được ý niệm của họ về điều gì đúng và điều gì sai từ Kitô giáo, như đã được cha mẹ và văn hóa của họ truyền thụ. Đối với những người Công Giáo hiểu biết hơn, triết học Hy Lạp cũng đóng một vai trò nhất định, nhờ các nhà thần học như Thánh Tôma Aquinô, người tin rằng đức tin và lý trí không xung đột với nhau.

Ở điểm tốt nhất của nó, Công Giáo đã cổ vũ một nền văn hóa yêu thương người lân cận; ở điểm tệ nhất, nó khiến giáo dân tùng phục các ý muốn bất thường của hàng giáo sĩ.

Sự tổng hợp đức tin và lý trí của Công Giáo đã bị phá vỡ bởi phong trào Cải cách, một phong trào biến Kinh thánh thành ưu việt, và bởi phong trào Ánh sáng, một phong trào bác bỏ sự đóng góp của tôn giáo.

Trong khi cả hai đã làm nhiều để giải phóng mọi người khỏi quyền lực giáo sĩ, Thệ Phản đã khai triển ra loại giáo sĩ trị riêng của họ, và các cố gắng khai triển một nền đạo đức phi tôn giáo đã tạo ra chủ nghĩa toàn trị ở cả cánh tả lẫn cánh hữu ở châu Âu thế kỷ 20.

Những người đến Hoa Kỳ từ Châu Âu đã mang theo họ lịch sử và bản sắc trên. Hầu hết tiếp tục đặt nền tảng đạo đức của họ trên Kitô giáo, nhưng nhiều nhà trí thức đã chịu ảnh hưởng bởi phong trào Ánh sáng.

Lịch sử Hoa Kỳ đầy những điển hình trong đó, các niềm tin tôn giáo đã ảnh hưởng đến cách người Mỹ tiếp cận các vấn đề chính trị, bắt đầu với Cách mạng và Tuyên ngôn Độc lập ("mọi người đều được tạo dựng bình đẳng").

Những người sáng lập ra quốc gia của chúng ta, vốn là các Kitô hữu và người theo phái duy thần (Deist), đã nhận ra tầm quan trọng của tôn giáo trong cuộc sống của người dân nhưng cũng nhận ra những tranh chấp tôn giáo đã chia cắt châu Âu ra sao. Hầu hết đều tin rằng tôn giáo như một nền tảng đạo đức là điều chủ yếu cho hoạt động của một nền dân chủ. Do đó, họ quyết định rằng các cá nhân nên được tự do lựa chọn tôn giáo của mình và tuyên bố chính phủ không nên chuộng tôn giáo này hơn tôn giáo nọ.

Những người được thúc đẩy bởi niềm tin tôn giáo đã tham gia vào mọi phong trào chính trị lớn trong lịch sử Hoa Kỳ, bao gồm việc bãi bỏ chế độ nô lệ, Nội chiến, Tái thiết, chính sách dùng bạc tự do, nghiệp đoàn lao động, Phong trào Uống Điều độ (Temperance), quyền bỏ phiếu của phụ nữ, Chính sách Kinh Tế Mới (New Deal), hai chiến tranh thế giới, dân quyền và nhiều biến cố khác nữa. Trong phần lớn các phong trào này, các tín đồ ở cả hai bên của các cuộc tranh chấp. Nhiều tín đồ cũng đưa ra các quyết định chính trị trước và sau đó tìm lý do tôn giáo hoặc đạo đức để hỗ trợ chúng.

Những người theo các tín ngưỡng khác nhau, cũng như những người không có đức tin, đã cùng nhau tham gia để ủng hộ hoặc phản đối các mục tiêu chính sách chuyên biệt mà không cần phải có chung động cơ. Điều quan trọng là thỏa thuận về mục tiêu chính sách, không phải động lực. Chính trị là làm cho mọi người đồng ý dù với những lý do khác nhau. Các nhà đạo đức có thể quan tâm liệu bạn có làm "điều đúng với lý do sai" hay không, nhưng các chính trị gia chỉ quan tâm đến việc bạn làm những gì họ muốn.

Đây là lý do tại sao tôn giáo của Barrett quan trọng nhưng không liên quan. Tôn giáo của bà có thể ảnh hưởng đến quan điểm của bà về luật pháp, nhưng điều này cũng đúng với hầu hết mọi thành viên của tòa án. Hãy nhớ rằng, Ginsburg đã có một câu trích dẫn từ sách Đệ nhị luật trên tường văn phòng của bà: "Công lý, công lý, con sẽ theo đuổi công lý".

Điều quan trọng là cách một người được đề cử xem xét luật pháp, chứ không phải tại sao bà ấy lại xem xét nó cách đó. Điều quan trọng là các phán quyết của bà ấy, không phải động cơ của bà ấy.

Cả các thượng nghị sĩ Dân chủ lẫn Cộng hòa đều biết tất cả những gì họ cần biết về việc Barrett sẽ là loại Thẩm phán nào của Tối cao Pháp viện bằng cách xem xét các phán quyết của bà, các bài viết của bà và các bài nói chuyện của bà. Bà đã dạy tại Trường Luật Notre Dame trong 15 năm và đã ở ngồi ở Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ trong ba năm. Họ không cần phải lục lọi tôn giáo của bà để giải mã cách bà suy nghĩ.

Thí dụ, các thượng nghị sĩ biết bà nghĩ gì về vụ Roe kiện Wade, Đạo luật Chăm sóc Giá phải chăng, kiểm soát súng ống, và nhiều vấn đề khác. Còn việc liệu bà ấy có thuộc một nhóm tôn giáo như People of Praise, một nhóm vốn gọi phụ nữ là "tớ gái", hay không, là điều không liên quan.

Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng đối với Đảng Dân chủ khi nói về tôn giáo của Barrett vì nó sẽ mở đường khiến họ hứng chịu những cáo buộc chống Công Giáo từ người Cộng hòa. Nếu đảng Dân chủ nghiêm túc trong việc thu hút các cử tri theo đạo Công Giáo, họ sẽ không đối kháng họ bằng cách tấn công tôn giáo của Barrett, một điều quan trọng nhưng không liên quan.

Linh mục Reese không đề cập đến một phán quyết hay một bài báo hoặc một bài diễn văn cụ thể nào của Barrett để đánh tan nghi ngại rằng bà sẽ mang quan điểm của riêng bà áp đặt lên pháp luật. Nhưng ai cũng biết Tối Cao Pháp Viện là cơ quan cao nhất để giải thích Hiếp Pháp. Về phương diện này, mọi người đều biết bà thuộc nhóm giải thích Hiến Pháp theo nghĩa nguyên thủy của các người viết ra nó. Thuật ngữ gọi nhóm này là “originalist”.

Người ta lo ngại bà sẽ phán quyết bất lợi cho các nhóm như LGBT. Nhưng trước phiên điều trần ở Thượng viện năm 2017 trước khi được xác nhận trong vai trò Thẩm phán liên bang ở tòa Phúc Thẩm Chicago, bà coi các phán quyết trước đây về nhóm người này như là những tiền lệ có tính trói buộc (binding predecents) mà bà sẽ “trung thành tuân theo”.

Thông cáo báo chí của Nhóm Campbell nhằm đả phá việc đề cử Barrett có nhắc đến nuyên tắc Stare Decisis tiếng Latinh có nghĩa là “hãy để quyết định đứng đó”, tức tôn trọng các phán quyết trước đây, hay tiền lệ. Đây là một nguyên tắc của thông luật (common law), được coi như loại luật pháp thứ ba, có cùng giá trị như luật pháp định (statutory law). Campbell chỉ trích vì Barrett, trong một bài báo năm 2013, đăng trên Texas Law Review, khi liệt kê 7 tiền lệ như “những siêu tiền lệ” (super precedents) nghĩa là các tiền lệ các tòa án không bao giờ nghĩ đến việc lật ngược lại, Barrett đã không liệt kê vụ Roe kiện Wade (phá thai). Barrett cho rằng một siêu tiền lệ phải được sự ủng hộ rộng rãi không những từ các nhà luật học, chính trị gia mà còn cả công chúng nữa. Roe kiện Wade không được như thế.

Chứ thực ra, Barrett chưa ra phán quyết nào về phá thai cả. Về Roe kiện Wade, theo Từ điển mở Wikipedia, năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm phán quyết này, Barrett cho là nó đã tạo ra “một khuôn khổ cho việc phá thai theo yêu cầu trong một môi trường chính trị vốn đã giải phóng luật lệ về phá thai ờ từng tiểu bang một...” Bà cho rằng các học giả ở cả hai phía của cuộc tranh luận đều phê phán việc Roe tạo ra một cách không cần thiết phản ứng chính trị dữ dội mà người ta quen gọi là “Trận Cuồng Nộ Roe” (Roe Rage), ảnh hưởng mọi điều từ các cuộc bầu cử liên bang và tiểu bang đến diễn trình xác nhận việc đề cử thẩm phán liên bang. Theo bà, Ít có xác suất toà án sẽ lật ngược Roe: “yếu tố nền tảng cho rằng người đàn bà có quyền chọn phá thai, có lẽ sẽ còn đó. Vấn đề tranh cãi nay chỉ là về việc tài trợ. Đây là vấn đề liệu các vụ phá thai có được tài trợ công cộng hay tư riêng”.

Xét chung ra, William T. Cavanaughh, trên tạp chí America ngày 23 tháng 9, 2020, cũng cho rằng dù đa số thẩm phán ở Tối Cao Pháp Viện là Công Giáo đi chăng nữa, Roe kiện Wade sẽ không bị lật ngược. Lý do nó sinh ra năm 1970, lúc đảng Dân Chủ chiếm thiểu số ở Tối Cao Pháp Viện và từ đó, cứ ở mãi thế thiểu số ấy, chỉ trừ lúc Thẩm Phán Antonin Scalia qua đời là họ ngang ngửa ở tỷ số 4-4! Thế nhưng Roe vẫn cứ đứng đó. Ngay lúc này, phía Công Giáo chiếm tới tỷ lệ 6-3 tại Tối Cao Pháp Viện, người ta vẫn có nhiều lý do để hoài nghi việc nó bị lật ngược.

Cavanaugh cho biết thêm: Roe kiện Wade được thông qua với số phiếu 7 chống 2 trong một Tối Cao Pháp Viện với đa số 6 chọi 3 nghiêng về phía Cộng Hòa. Đến năm 1992, hai tổng thống phò sinh Reagan và Bush đã đề cử đến 5 thẩm phán, khiến Cộng Hòa chiếm tới 8 chọi 1 đa số, trong đó, thẩm phán Dân chủ duy nhất là Byron White lại chính là người bỏ phiếu chống Roe kiện Wade! Trái lại, chính trong thòi kỳ này, khi Planned Parenthood kiện Casey ra trước Tối Cao Pháp Viện, không những Roe kiện Wade không bị lật ngược mà Tối Cao Pháp Viện còn phán quyết bỏ ra ngoài vòng pháp luật bất cứ hạn chế nào buộc thêm tròng cho các phụ nữ muốn phá thai!

Thiển nghĩ một người vận động hành lang như nữ tu Campbell hẳn phải biết những sự kiện như thế. Như thế bà chống Barrett hình như không hẳn lo ngại cho nguyên tắc Stare Decisis, mà vì những lý do khác, chẳng lẽ vì cùng là người Công Giáo mà lại theo khuynh hướng chính trị khác. Đúng là độc tài duy tương đối!