Từ tháng Hai năm nay, Trung Quốc đã sử dụng các mã vạch QR, có thể được đọc qua điện thoại thông minh, để xác minh tình trạng sức khỏe của công dân tại các trạm kiểm soát. QR màu xanh lá cây có nghĩa là chủ sở hữu khỏe mạnh và có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác; màu cam hoặc màu đỏ ngụ ý là có vấn đề cần kiểm dịch hay cách ly.

Ngày 23 tháng Giêng, Trung Quốc mới chính thức nhìn nhận đang xảy ra đại dịch coronavirus. Nhưng đầu tháng Hai, nước này đã bắt đầu sử dụng hệ thống QR. Điều này chứng minh cho nhận định rằng Bắc Kinh đã theo đuổi việc áp dụng hệ thống QR nhằm kiểm soát dân chúng từ rất lâu.

Trong hội nghị thượng đỉnh ảo của 20 cường quốc kinh tế thế giới, gọi tắt là G20, do Arab Saudi tổ chức vào cuối tuần qua, Tập Cận Bình đã đề xuất một cơ chế toàn cầu sử dụng hệ thống QR để khuyến khích nối lại các chuyến du lịch quốc tế, đã giảm đáng kể do sự bùng phát của đại dịch coronavirus.

Theo dự báo của các chuyên gia, lượng du lịch hàng không toàn cầu năm nay sẽ dừng ở mức một phần ba so với năm 2019 do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe. Với đề xuất của mình, ông Tập nói rằng ông muốn tạo điều kiện để nối lại có trật tự các luồng du lịch cũng như để kích hoạt lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lo ngại về những nguy hiểm đối với quyền tư ẩn, các tổ chức nhân quyền đã bác bỏ ý tưởng của Tập Cận Bình. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch lập luận rằng chiêu bài chú ý đến việc phòng bệnh của Tập Cận Bình thực ra chỉ là “con ngựa thành Troy” nhằm thực hiện đồng thời hai sách lược. Thứ nhất là “kiểm soát” và thứ hai là “loại trừ” trên cơ sở chính trị.

Đối với các nhà phân tích, các nước phương Tây không thể nào chấp nhận đề xuất của Tập Cận Bình. Điều đáng lo ngại là Bắc Kinh đang cố áp đặt lên toàn thế giới các tiêu chuẩn kiểm soát xã hội của riêng mình, bao gồm cả các tiêu chuẩn về truy cập internet. Hôm thứ Hai 23 tháng 11, trong một thông điệp được đọc tại lễ khai mạc Hội nghị Internet Thế giới, một sáng kiến do bọn cầm quyền Trung Quốc tổ chức ở Chiết Giang (Wuzhen, 乌镇), Tập Cận Bình đã lên tiếng mời tất cả các quốc gia cùng hợp tác để tạo ra một “cộng đồng mạng được chia sẻ”.

Trung Quốc thường bị chỉ trích vì sự kiểm soát tràn lan đối với Internet, một mô hình dường như khó xuất khẩu sang phương Tây. Ví dụ, Mỹ đang tiến hành một chiến dịch quốc tế tẩy chay Huawei 5G internet. Công ty này bị buộc tội làm gián điệp cho tình báo Bắc Kinh. Các sáng kiến “Clean Network”, nghĩa là “các mạng sạch” không có các mã của Tầu đang được tiến hành tại hàng chục quốc gia ở Âu châu, Á châu, Bắc và Nam Mỹ.


Source:Asia News