Giáo Hội Công Giáo và chính quyền Phi Luật Tân đã đồng ý hạn chế sự tham dự của anh chị em giáo dân trong cuộc rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene tại thủ đô Manila. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất của đất nước, thường quy tụ vài triệu người, có năm đạt đến kỷ lục là 15 triệu người.

Tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.

Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.

Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.

Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.

Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Năm ngoái cuộc rước kéo dài 7km này lôi cuốn đến 9 triệu người.

Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros (Nội Thành), là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo.

Tại nhà thờ Quiapo các thánh lễ được tổ chức từ nửa đêm 8 tháng Giêng cho đến sáng ngày mùng 9 khi bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.

Trong cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận.

Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.

Năm nay, vì đại dịch coronavirus, sẽ không có cuộc rước kiệu long trọng này.

Nhà thờ Quiapo đã ấn định giới hạn 400 người cho mỗi thánh lễ. Tuy nhiên, 15 thánh lễ được cử hành trong ngày lễ 9 tháng Giêng. Điều này có nghĩa là chỉ 6,000 người có thể tham gia các cử hành bên trong nhà thờ.

Đức Cha Broderick Pabillo, giám quản tông tòa của tổng giáo phận Manila, cử hành thánh lễ đầu tiên lúc 4:30 sáng ngày 9 tháng Giêng và Đức Ông Hernando Coronel, cha sở Nhà thờ Quiapo, chủ sự thánh lễ cuối cùng lúc 10:15 tối

Đối với những người không thể tham dự Thánh lễ bên trong Nhà thờ Quiapo, các màn hình lớn sẽ được hiển thị bên ngoài nhà thờ để các tín hữu không thể tham dự Thánh lễ bên trong nhà thờ có thể xem được.

Thay vì hôn bức tượng, một thực hành còn được gọi là pahalik, những người tham dự sẽ có thể tôn kính và cầu nguyện với bức tượng, bức tượng sẽ được hiển thị trên ban công của nhà thờ.

“Thay vì pahalik, nghĩa là tri ân. Chúng tôi đặt tượng Nazarene bên ngoài để mọi người có thể đến thăm bất cứ lúc nào và vẫy chiếc khăn tay của họ để thể hiện sự tôn vinh đối với Black Nazarene,” Cha Badong, là cha phó xứ nói với ABS-CBN.

Vị linh mục không khuyến khích những người tham dự mang các bản sao rất lớn của bức tượng. Ngài nói những hình ảnh nhỏ hơn thì được.


Source:Catholic News Agency