Trong bài phân tích đăng trên pillarcatholic.com, Tiến sĩ JD Flynn nhận định rằng ngay sau khi Tổng thống Biden khởi đầu nhiệm kỳ, các Giám Mục Hoa Kỳ chắc chắn sẽ bị chế giễu là những chiến binh của mặt trận văn hóa và là những người bị phá thai ám ảnh, không chịu tìm cơ sở chung với chính phủ của vị tổng thống Công Giáo thứ hai.



Thực thế, kiểu chỉ trích đó đã bắt đầu. Nó bắt đầu ngay sau khi Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez tuyên bố vào tháng 11 rằng ngài sẽ thành lập một nhóm làm việc trong hội đồng giám mục Hoa Kỳ để đánh giá những thách thức độc đáo đặt ra bởi một tổng thống Công Giáo mâu thuẫn với tín lý Công Giáo trên một số mặt trận chính sách chủ chốt và để khai triển một chiến lược nhằm làm việc với chính phủ Biden.

Sau khi nhóm làm việc được công bố, ít nhất một số nhà bình luận Công Giáo đã dùng diễn đàn của họ để cho rằng các giám mục Hoa Kỳ là những người Cộng hòa dấu mặt chỉ biết một vấn đề, những người chống đối Biden sau khi thông qua chính phủ Trump.

Trình thuật trên sẽ được khuếch đại sau lễ nhậm chức của Biden. Hội đồng giám mục sẽ bị tố cáo là không sẵn lòng làm việc với Biden, không sẵn lòng tìm kiếm cơ sở chung với chính phủ của ông, và không sẵn lòng mừng vui đối với cuộc bầu cử một người Công Giáo vào chức vụ tổng thống.

Tuy nhiên, điều dường như không được thảo luận là Biden, không phải các giám mục, sẽ lên khuôn cho mối liên hệ của chính phủ ông với hội đồng giám mục.

Nhiều điều cần được làm trong những ngày tới về tư cách Công Giáo của Tổng thống Joe Biden. Biden sẽ tham dự Thánh lễ trước khi nhậm chức, bổ sung Nội các của ông bằng những người Công Giáo, và trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các bài diễn văn chính của ông. Ông đã dùng nhiều lời hoa mỹ nói về sự đoàn kết và hàn gắn quốc gia để lên khuôn các mục tiêu của chính phủ ông.

Nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy tổng thống sắp tới không có kế hoạch tìm kiếm cơ sở chung cho các vấn đề bị các giám mục Hoa Kỳ lớn tiếng nói tới nhất.

Biden đã đoan hứa sẽ đảo ngược lệnh cấm lâu đời về việc liên bang tài trợ phá thai, sẽ hệ thống hóa việc bảo vệ pháp lý cho việc phá thai thành luật liên bang và đấu tranh cho Đạo luật Bình đẳng, một đạo luật bị các Giám Mục Hoa Kỳ cho rằng sẽ cản trở nghiêm trọng hoạt động của các tổ chức dịch vụ xã hội dựa trên tôn giáo, các bệnh viện, các nhà cung cấp việc nhận con nuôi và các trường học. Biden cũng đã cho biết ông sẽ loại bỏ các miễn trừ lương tâm đối với mệnh lệnh ngừa thai của Đạo luật Chăm sóc Giá cả Phải chăng.

Biden có thể nghĩ các giám mục sai trong các vấn đề trên, nên các kế hoạch của riêng ông để giải quyết chúng cho thấy ý kiến đóng góp từ các giám mục Hoa Kỳ, và cơ sở chung với những người Công Giáo bảo thủ về mặt xã hội, sẽ không phải là ưu tiên đối với chính phủ của ông.

Nếu Biden không sẵn lòng thỏa hiệp, điều chỉnh hoặc đối thoại về các vấn đề ưu tiên đối với các giám mục, thì các giám mục gần như chắc chắn sẽ lên tiếng. Khi các ngài làm vậy, các ngài, chứ không phải chính phủ Biden, sẽ bị các nhà bình luận Công Giáo vạch mặt chỉ tên cho là bất hợp tác.

Câu chuyện trên không hoàn toàn phù hợp với sự kiện, cũng không phải là câu chuyện đặc biệt mới lạ gì.

Trong bốn năm qua, các giám mục Hoa Kỳ đã bị chỉ trích nặng nề từ những người Công Giáo ủng hộ Trump; họ tô vẽ hội đồng giám mục như những người phản đối Trump theo phản xạ, hoặc rao bán thứ biệt danh cũ cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ là: “Đảng viên Dân chủ đang cầu nguyện”.

Một số người Công Giáo trên đã chỉ trích nhóm làm việc của các giám mục về di dân, được thành lập để phản ứng đối với việc bầu Trump và cả ủy ban đặc nhiệm của các giám mục về phân biệt chủng tộc, được thành lập sau cuộc biểu tình “Đoàn kết cánh hữu” ở Charlottesville năm 2017.

Đối với toàn bộ chính phủ Trump, các giám mục đã được những người bảo thủ xã hội Công Giáo cứng rắn khuyến khích chuyên chú vào các bí tích đừng pha mình vào chính trị.

Nhưng ngay cả khi ủng hộ ông về phá thai, các giám mục cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc khuyên răn chính phủ Trump về các vấn đề quan trọng: di dân, án tử hình, lời lẽ châm chọc và gây chia rẽ. Chính phủ dọn bàn, còn các giám mục thì đáp ứng. Điều này cũng sẽ đúng vào thời chính phủ Biden. Các giám mục sẽ cảm thấy buộc phải lớn tiếng về vấn đề phá thai, ý thức hệ giới tính và tự do tôn giáo, và một nhóm người Công Giáo lớn tiếng khác sẽ cáo buộc các ngài là gây chia rẽ, có óc đảng phái và không sẵn lòng muốn thấy một bức tranh lớn hơn.

Như đã xảy ra trong bốn năm qua, cũng sẽ có phản ứng ngược lại: bất kể các giám mục làm gì hoặc nói gì, một số người bảo thủ xã hội sẽ cho rằng các ngài là những người ủng hộ Biden dấu mặt, giống như một số người cấp tiến đã dành bốn năm qua để nói rằng các giám mục là thành viên của Vũ Trụ Làm Mỹ Vĩ Đại Trở Lại.

Nihil novum sub sole (không có gì mới lạ dưới ánh mặt trời), như người ta vốn nói.

Sẽ có một số phức tạp bổ sung trong chính phủ Biden. Đầu tiên, Biden là một người Công Giáo thực hành. Khi tổng thống ủng hộ một chính sách trái ngược với giáo huấn xã hội Công Giáo, các giám mục sẽ cảm thấy cần phải nói cả một cách tổng quát về lợi ích chung, lẫn một cách chuyên biệt, trong tư cách mục tử của tổng thống Công Giáo. Việc lớn tiếng đó có nghĩa là những bất đồng sẽ được cảm nhận như có tính bản thân hơn và do đó, sự căng thẳng chắc chắn sẽ gia tăng lên đáng kể. Nó cũng sẽ làm gia tăng sự xung đột giữa các giám mục với nhau, khi các ngài bất đồng công khai về các phương thức mục vụ thích đáng.

Thứ hai, những người ủng hộ Biden và các nhà chiến lược chính trị sẽ tìm cách xây dựng một động lực Công Giáo theo hình tam giác, không phải hệ nhị phân. Biden tự nhận mình là “Công Giáo của Giáo hoàng Phanxicô”, và cả tổng thống lẫn những người ủng hộ Công Giáo của ông sẽ cố gắng hết sức để gợi ý cho rằng Biden và giáo hoàng là liên minh, trong khi giáo hoàng và các giám mục của ngài chia rẽ sâu sắc. Vẫn còn phải xem xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ lèo lái sự căng thẳng đó ra sao hoặc chọn truyền đạt tình liên đới với các giám mục Hoa Kỳ.

Sự phức tạp thứ ba là bầu không khí chính trị gia tăng trong đó Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức, đã leo thang từ những năm tháng ngôn từ phá hoại đến một năm đầy bạo lực chính trị thực sự, một bạo lực khó có thể sớm hạ gục. Đối với người Công Giáo, làm tăng thêm điều đó là tiếng nói ăn khách của những nhân vật như Tổng giám mục Carlo Vigano, người chắc chắn sẽ tiếp tục khuyến khích sự ngờ vực có tính chung cục (apocalyptic) đối với các định chế và diễn trình dân sự Hoa Kỳ, và sự ngờ vực ngang ngửa như thế đối với các định chế và nhân vật giáo hội. Tất nhiên, một số hoài nghi đối với các định chế đó là điều xứng đáng, nhưng trong vài năm gần đây, một lượng lớn những người Công Giáo không hài lòng một cách cuồng nhiệt ngày càng lớn hơn - đủ lớn hơn để bao gồm một cách khá thường xuyên cả một giám mục giáo phận đang tại chức - và các giám mục Hoa Kỳ dường như không biết chắc phải giải quyết thực tại ngày một gia tăng đó ra sao.

Các giám mục sẽ phải đấu tranh với việc thay đổi các liên minh, các triết lý, và các đường đứt gẫy suy tư chính trị cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội. Khi cả nước phải đối diện với một cuộc chiến toàn diện cho tương lai của đảng Cộng hòa, và hố sâu ngăn cách giữa những người cấp tiến và ôn hòa trong đảng Dân chủ, ngày càng nhiều người Công Giáo đang tìm kiếm những cách suy nghĩ hoàn toàn mới - tránh cả chủ nghĩa cấp tiến tự do và các liên minh cũ của cánh hữu. Người Công Giáo nằm trong số các nhà lãnh đạo trí thức đề xuất và thử nghiệm các cách tiếp cận và liên minh chính trị mới, và không phải tất cả các giám mục đều được hoàn toàn động viên để tham gia các cuộc tranh luận mới phát hiện này. Tuy nhiên, hội đồng sẽ có lợi khi hiểu được chúng.

Cuối cùng, hội đồng giám mục sẽ tự thay đổi trong bốn năm tới, khi cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước chắc chắn sẽ nhân thừa các tai ương kinh tế vốn có sẵn từ trước, và khi một số giám mục và nhân viên bắt đầu đặt câu hỏi liệu mô hình tổ chức, vận động và tham gia chính trị của hội đồng có tạo nên sự khác biệt nào không.

Đối với Giáo hội, Chính phủ Biden sẽ không đơn giản là một việc quay trở lại với những đường nét rõ ràng của những năm Obama nắm quyền. Có quá nhiều thứ đã thay đổi. Bốn năm tiếp theo cũng không giống bốn năm vừa qua.

Tuy nhiên, ngay cả khi mọi sự đều thay đổi, trò chơi vẫn như vậy. Chính trị là việc có được một chỗ ngồi ở bàn [ăn có]. Nếu các giám mục muốn được lắng nghe ở Washington, các ngài sẽ phải tìm một cách mới mẻ để vào phòng [ăn]. Mà Biden thì vẫn chưa đưa ra lời mời nào.