Hôm Chúa Nhật 21 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 1 Mùa Chay, bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ Tư tuần trước, với nghi thức xức tro sám hối, chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay. Hôm nay, Chúa nhật đầu tiên của mùa phụng vụ này, Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường để sống hiệu quả trong bốn mươi ngày dẫn đến việc cử hành lễ Phục sinh hàng năm. Đó là cách mà Chúa Giêsu đã dõi theo, mà Phúc Âm, với phong cách tóm lược các điều cốt yếu của Thánh Sử Máccô, tóm tắt bằng cách nói rằng trước khi bắt đầu rao giảng, Ngài đã rút vào sa mạc trong bốn mươi ngày, nơi Ngài bị Satan cám dỗ (x. Mc 1: 12-15). Thánh sử nhấn mạnh rằng “Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa” (c. 12). Thánh Linh đã ngự xuống trên Ngài ngay sau khi Ngài lãnh nhận phép Rửa từ Gioan ở Sông Giođan; cùng một Thánh Linh ấy giờ đây thúc giục Ngài đi vào sa mạc, đối mặt với tên Cám Dỗ, chiến đấu với ma quỷ. Toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu được đặt dưới dấu chỉ của Thánh Linh Thiên Chúa, Đấng làm sống động, soi sáng và hướng dẫn Ngài.

Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến sa mạc. Chúng ta hãy dừng lại một chút về môi trường tự nhiên và mang tính biểu tượng này, vốn rất quan trọng trong Kinh thánh. Sa mạc là nơi Thiên Chúa nói với trái tim của con người, và là nơi mà cầu nguyện là câu trả lời, nghiã là trong sa mạc của sự cô độc, khi trái tim không còn dính bén đến những thứ khác, và trong sự vắng vẻ đó chúng ta mở lòng ra cho Lời Chúa. Nhưng sa mạc cũng là nơi thử thách và cám dỗ, nơi tên Cám Dỗ, lợi dụng sự yếu đuối và nhu cầu của con người, nói mập mờ tiếng nói dối trá của hắn, giả dạng tiếng nói của Chúa, khiến chúng ta thấy một con đường khác, một con đường sai lầm. Kẻ Cám Dỗ quyến rũ. Thật vậy, trong bốn mươi ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc, “cuộc đọ sức” giữa Chúa Giêsu và ma quỷ đã bắt đầu, và sẽ kết thúc bằng cuộc Khổ nạn và Thập giá. Toàn bộ sứ vụ của Chúa Kitô là một cuộc đấu tranh chống lại Kẻ Ác trong nhiều biểu hiện của nó: chữa lành bệnh tật, xua đuổi người bị quỷ ám, tha thứ tội lỗi. Đó là một cuộc đấu tranh. Sau giai đoạn đầu mà Chúa Giêsu chứng tỏ rằng Ngài nói và hành động với quyền năng của Thiên Chúa, thì đến giai đoạn mà dường như ma quỷ chiếm thế thượng phong, khi Con Thiên Chúa bị từ chối, bị bỏ rơi và cuối cùng bị bắt và bị kết án tử hình. Dường như ma quỷ là kẻ đã chiến thắng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu mới là người chiến thắng. Trên thực tế, cái chết là “sa mạc” cuối cùng Người phải vượt qua để cuối cùng đánh bại Satan và giải thoát tất cả chúng ta khỏi quyền lực của nó. Và như thế, Chúa Giêsu đã chiến thắng trong sa mạc của sự chết chóc, để vươn đến chiến thắng Phục sinh.

Mỗi năm, vào đầu Mùa Chay, Tin Mừng này về những cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời của người Kitô hữu, theo bước chân của Chúa, là một trận chiến chống lại ác thần. Nó cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu sẵn sàng đối mặt với tên Cám Dỗ, và đánh bại hắn; đồng thời nó nhắc nhở chúng ta rằng ma quỷ cũng có khả năng hành động trên chúng ta, với những cám dỗ của nó. Chúng ta phải nhận thức được sự hiện diện của kẻ thù quỷ quyệt này, kẻ đang tìm kiếm sự thất bại của chúng ta, và sự lên án chúng ta đời đời, để chuẩn bị tự vệ chống lại hắn và chiến đấu với hắn. Ân sủng của Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng với đức tin, lời cầu nguyện và sám hối, chúng ta sẽ chiến thắng kẻ thù. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điều: trong những khi bị cám dỗ, Chúa Giêsu không bao giờ đối thoại với ma quỷ, không bao giờ. Trong cuộc đời của mình, Chúa Giêsu chưa bao giờ đối thoại với ma quỷ, không bao giờ. Hoặc là Ngài trục xuất nó khỏi người bị ám hoặc Ngài kết án nó, hoặc Ngài vạch trần ác tâm của nó, nhưng không bao giờ đối thoại. Và trong sa mạc dường như có một cuộc đối thoại vì ma quỷ đã đưa ra ba đề nghị và Chúa Giêsu đã phản ứng lại. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại bằng lời của Người. Ngài trả lời bằng Lời Chúa, với ba đoạn Kinh thánh. Và điều này là bài học cho tất cả chúng ta. Khi kẻ dụ dỗ đến gần, hắn bắt đầu dụ dỗ chúng ta: Nó nói “Nhưng hãy nghĩ đến điều này, hãy làm điều kia…”, cám dỗ ở đây là đối thoại với hắn, như bà Êvà đã làm. Bà Êvà nói: “Nhưng bạn không thể, bởi vì chúng ta…” và bắt đầu đối thoại. Và nếu chúng ta đối thoại với ma quỷ, chúng ta sẽ bị đánh bại. Hãy ghi nhớ điều này trong đầu và trong lòng bạn: bạn không bao giờ có thể đối thoại với ma quỷ, không đối thoại được. Chỉ có Lời Chúa.

Trong Mùa Chay, Chúa Thánh Thần cũng thúc đẩy chúng ta vào sa mạc như Chúa Giêsu. Như chúng ta đã thấy, nó không phải là một nơi chốn thể lý, mà là một chiều kích hiện sinh, trong đó chúng ta có thể im lặng và lắng nghe lời Chúa, “để một sự hoán cải thực sự có thể được thực hiện trong chúng ta” (Lời nguyện đầu lễ, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay năm B, bản tiếng Ý). Đừng sợ sa mạc, hãy tìm kiếm những giây phút cầu nguyện nhiều hơn, im lặng hơn, để đi vào trong chúng ta. Đừng sợ. Chúng ta được mời gọi đi theo bước chân của Thiên Chúa, đổi mới lời hứa trong Phép Rửa: đó là từ bỏ Satan, mọi công việc và mọi lời hứa rỗng tuếch của hắn. Kẻ thù đang rình rập ở đó, hãy cẩn thận. Nhưng đừng bao giờ đối thoại với nó. Chúng ta hãy phó thác vào lời chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt tới tất cả anh chị em, những người Rôma và những người hành hương. Đặc biệt, tôi xin chào các tín hữu Ba Lan đang ở đây trước mặt tôi. Hôm nay suy nghĩ của tôi hướng đến Đền thờ Płock ở Ba Lan, nơi chín mươi năm trước, Chúa Giêsu đã hiện ra với Thánh nữ Faustina Kowalska, giao một thông điệp đặc biệt về lòng thương xót của Người cho chị. Thông qua Thánh Gioan Phaolô II, thông điệp này đã đến với toàn thế giới, và đó không gì khác hơn là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại, và là Đấng ban cho chúng ta lòng thương xót của Cha Ngài. Chúng ta hãy mở rộng trái tim mình, và nói trong đức tin: “Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Ngài”.

Tôi chào các bạn trẻ và người lớn của nhóm Talitha Kum thuộc giáo xứ San Giovanni dei Fiorentini ở Rôma. Cảm ơn sự hiện diện của các bạn, và hãy tiếp tục với niềm vui trong những việc tốt của các bạn.

Và tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật đẹp, chan hòa ánh nắng và một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn!

Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc các bạn bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Holy See Press Office