1. Người Nhật Bản hướng đến các trò ma thuật để bảo vệ gia đình khỏi coronavirus

Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.

Tờ Japan Times số ra ngày 9 tháng 10, năm ngoái, cho biết số vụ tự tử tăng ở Nhật Bản trong tháng 8 do ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em trong độ tuổi đi học tự sát. Điều đó mang đến cái nhìn đầu tiên về hậu quả của những căng thẳng liên quan đến sức khỏe tâm thần do COVID-19 gây ra trên toàn cầu.

Nhật Bản nằm trong số những cường quốc kinh tế công bố dữ liệu kịp thời về các vụ tự tử vì đây là một vấn đề xã hội dai dẳng. Các con số này gợi ý cho thấy những gì có thể xảy ra trên khắp thế giới khi các quốc gia phải vật lộn với thảm họa thất nghiệp hàng loạt và sự cô lập xã hội đang tác động đến một số nhóm người nhất định trong xã hội.

Các nhà xã hội học từ lâu đã cảnh báo rằng sự cô lập về kinh tế và xã hội gây ra bởi các biện pháp ngăn chặn coronavirus có thể gây ra nhiều ca tử vong hơn chính căn bệnh quái ác này. Tại Nhật Bản chẳng hạn, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người còn trẻ - năm nay, tự tử đã cướp đi sinh mạng của 13,000 người, trong khi tổng số ca tử vong do COVID-19 chưa đến 2,000 người.

Bên cạnh nạn tự tử, lại có hiện tượng khác là các giáo phái thu hút các tín đồ bằng nhiều trò ma thuật như những gì quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Tại núi Takaosan, một số người tự xưng là các nhà sư Phật Giáo đốt gỗ và lá bách Nhật Bản, tạo ra một ngọn lửa trại dữ dội. Sau đó, họ gom than hồng và xếp chúng thành hai dải, trên đó họ vừa đi chân trần vừa tụng kinh. “Tôi muốn coronavirus chấm dứt nhanh hơn”, Eriko Nakamura, 46 nói, khi mạnh dạn bước trên các hòn than.

Trước khi bước trên các hòn than, những người tham gia được yêu cầu nhúng chân vào một hợp chất. Có thể hợp chất này có tác dụng nào đó giúp họ bước đi được trên các hòn than.
Source:Reuters

2. Đức Hồng Y Farrell: Việc chúc phúc chỉ có thể dành cho hôn nhân, nhưng đời sống mục vụ của Giáo hội là dành cho tất cả mọi người

Trong bối cảnh các tấn kích liên tục nhắm vào Giáo Hội sau khi Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin Giáo Hội cho biết Giáo Hội không có quyền chúc phúc cho các kết hiệp đồng giới tính, Đức Hồng Y Kevin Farrell nêu rõ rằng đời sống mục vụ của Giáo Hội là dành cho tất cả mọi người, nhưng các phép lành chỉ được dành riêng cho các đôi hôn phối theo giáo huấn Công Giáo.

“Điều cần thiết và rất quan trọng là chúng ta phải luôn mở rộng vòng tay để đón nhận và đồng hành cùng tất cả mọi người trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời và trong những hoàn cảnh sống khác nhau của họ”, ngài nói trong buổi họp báo trực tuyến ngày 18 tháng 3.

Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống của Vatican đã trả lời một câu hỏi về tài liệu ngày 15 tháng 3 của Bộ Giáo lý Đức tin nói rằng các kết hiệp đồng tính không thể được chúc phúc trong Giáo Hội Công Giáo.

Trong câu trả lời của mình, Đức Hồng Y Farrell nhấn mạnh rằng đời sống mục vụ của Giáo hội là dành cho tất cả mọi người, nhưng ngài nói rằng sự phân biệt giữa hôn nhân bí tích và các loại kết hợp hoặc quan hệ đối tác khác là quan trọng.

“Khi Giáo hội nói về hôn nhân, Giáo hội muốn nói về hôn nhân bí tích. Giáo Hội không nói về các kết hiệp dân sự”, ngài nói. “Các phép lành là một á bí tích, có liên quan đến bí tích hôn nhân”.

“Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chỉ những người kết hôn trong Giáo hội mới nhận được lợi ích từ việc chăm sóc mục vụ của Giáo hội”, ngài nói thêm.

Vị Hồng Y người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan và là cựu giám mục của Dallas nói rằng đôi khi có những tình huống mà người ta không thể tham gia đầy đủ vào đời sống của Giáo hội, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không được đồng hành với các linh mục và giáo dân trong các giáo xứ.

Ngài nhấn mạnh rằng có những phong trào và nhóm trong Giáo hội phục vụ những người có sức hấp dẫn đồng giới, giống như có những cơ hội mục vụ cho những người ly dị và tái hôn, và những người khác mà Giáo hội đồng hành “với hy vọng một ngày nào đó họ sẽ sống phù hợp với giáo huấn của Giáo hội”.

Đức Hồng Y Farrell nhấn mạnh rằng không ai bị loại khỏi “sự chăm sóc mục vụ và tình yêu của Giáo hội”.

Phán quyết của Bộ Giáo Lý Đức Tin về các phép lành cho các mối quan hệ đồng giới giải thích rằng “không thể chúc phúc cho các mối quan hệ, hoặc các mối quan hệ đối tác, thậm chí ổn định, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân như trường hợp sự kết hợp giữa những người cùng giới tính”.

Bình luận Đức Hồng Y Farrell xảy ra trong một cuộc họp báo trực tuyến với sự ra mắt của Năm “Gia đình Amoris Laetitia”, được tổ chức bởi Thánh Bộ của ngài.

Ngài lưu ý rằng tông huấn Amoris laetitia năm 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói về hôn nhân, thì cũng chỉ muốn nói đến hôn nhân bí tích theo giáo huấn của Giáo hội.

Cuối năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thông báo rằng kỷ niệm năm năm ngày ký Amoris Laetitia vào ngày 19 tháng 3, sẽ mở ra một năm dành riêng cho tài liệu và cho các gia đình.
Source:Catholic News Agency

3. Ủy ban Kinh thánh có nữ Tổng thư ký đầu tiên

Đức Thánh Cha Phanxicô vừa bổ nhiệm Nữ Tu Nuria Calduch-Benages, thuộc Dòng Thừa sai Thánh Gia Nazareth, làm nữ Tổng thư ký đầu tiên của Ủy ban Kinh thánh.

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, giảng viên Cựu ước tại Đại Học Giáo hoàng Grêgoriô và chuyên gia về Kinh thánh này bày tỏ lòng biết ơn “tới tất cả những người” đã “tin tưởng” bà trong việc bổ nhiệm này.

Trong ba năm, từ 2016 đến 2019, sơ Nuria Calduch-Benages, “cùng với các thành viên khác”, đã tham gia vào công việc của Ủy ban đầu tiên Nghiên cứu về chức Nữ Phó tế. Sơ nói, “Ngay cả khi kết quả thu được bị coi là phiến diện ở một số khía cạnh, trải nghiệm sống rất phong phú theo cả quan điểm trí tuệ và giáo hội lẫn quan điểm nhân bản. Chúng tôi đã tạo ra một mối quan hệ hữu nghị và hợp tác vẫn được theo đuổi cho đến ngày nay. Và tôi coi đó là một đặc ân”.

Nói về sự đóng góp chuyên biệt của phụ nữ trong việc nghiên cứu Lời Chúa, nữ tu liệt kê “khả năng của họ, sở thích của họ và quan điểm của họ.” Sơ mời ta suy nghĩ, “thí dụ về việc nghiên cứu các hình bóng phụ nữ trong Kinh thánh, các câu chuyện của họ, việc sử dụng các phép ẩn dụ phụ nữ, khoa giải thích duy nữ và nhiều khía cạnh khác”. Nữ tu Nuria Calduch-Benages giải thích cách đây 40 năm, “khi các nữ học giả Kinh thánh hầu như vô hình, các chủ đề và cách tiếp cận Kinh thánh này không được dự kiến trong giới Kinh thánh. Tuy nhiên, ngày nay chúng tôi được đánh giá cao bởi tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ, và ngày càng có nhiều ấn phẩm hơn”.

Về những gì liên quan đến viễn kiến phụ nữ có thể suy diễn từ các bản văn Cựu Ước, nữ tu giải thích rằng “trong một số câu chuyện Kinh thánh… phụ nữ xuất hiện như những nhân vật chủ đạo thực sự trong lịch sử của Israel, với những sứ mệnh quan trọng cho người dân”. Nơi những câu chuyện khác, “họ chỉ là công cụ của quyền lực nam giới” hoặc “bị các tác giả hoàn toàn phớt lờ”.
Source:Vatican News