CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
YÊU NHƯ CHÚA

Đề tài về "tình yêu" chẳng những không xa lạ, ngược lại còn quá quen thuộc với từng người. Cách riêng với Kitô hữu, tình yêu còn là con đường tất yếu đưa họ vào chiếm hữu nước trời vĩnh viễn.

Chính Chúa Giêsu vừa là mẫu mực, vừa là chuẩn mực của việc sống và thực hành nghĩa cử yêu thương mà các Kitô phải có trong cuộc đời. Bởi Chúa không đưa ra một hướng nhắm hay một đích đến nào khác ngoài Chúa, nhưng Chúa lại lấy chính Chúa làm mục tiêu để mời gọi chúng ta: "Hãy yêu thương nhau NHƯ THẦY YÊU thương các con".

Chúa đã hiến dâng chính mình cho nhân loại. Yêu như Chúa yêu, chúng ta cũng phải hy sinh chính mình cho đồng loại. Yêu như Chúa yêu, chúng ta không chỉ muốn điều tốt cho anh chị em, mà còn thể hiện ước muốn ấy bằng hành vi cụ thể, thực tế nhằm sống bác ái, sống tương thân tương ái. Yêu như Chúa yêu, nghĩa là một khi đã yêu là yêu đến cùng, dẫu bản thân có thiệt thòi, có mất mát. Yêu như Chúa yêu đòi ta phải thực thi điều tốt đẹp nhất cho anh chị em.

Yêu như Chúa yêu, chúng ta luôn tìm kiếm những lợi ích linh hồn của anh chị em, giúp nhau giải thoát chính mình khỏi ách nô lệ thần dữ và tội lỗi. Luôn "lấy lời lành khuyên người" nhằm tự đưa mình và anh chị em của mình vào hàng con cái Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp nước trời.

Hãy luôn nhớ, gia sản quý nhất Chúa Giêsu để lại cho Hội Thánh, cho thế giới chính là nghĩa cử hy sinh trong tình yêu tuyệt đỉnh.

Tình yêu ấy, Chúa không giữ lại cho mình, nhưng trao cho Hội Thánh như một bảo chứng, một di ngôn, một loại "phi vật thể" vô giá để từng Kitô hữu phải sống để duy trì và làm cho tình yêu của Chúa mãi mãi sống động, mãi mãi hiện sinh, trải dài suốt dòng lịch sử thế giới.

Một tác giả viết: “Nếu có thực phẩm để ăn, có quần áo để mặc, có một mái nhà che đầu và một nơi để nghỉ qua đêm, bạn đã giàu hơn 75% dân số thế giới. Nếu có tiền trong ví để xài, có tiền ban phát cho người nghèo, có tiền để dành trong ngân hàng, bạn đang ở trong 8% những người giàu nhất thế giới”.

Chẳng biết điều đó có chính xác không, nhưng chắc chắn ai cũng nhận thấy, khoảng cách ngày càng cách biệt giữa người giàu và người nghèo.

Nhưng đó không phải là điều đáng sợ nhất. Cái đáng sợ trên hết, đó là sự nghèo đói tình thương, sự vô cảm, sự chai cứng trước nỗi đau của đồng loại.

Vì nghèo đói tình thương, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc; cảnh “người ăn không hết, kẻ lần không ra” nhan nhãn trong cuộc sống; quá nhiều bệnh nhân phải chết vì những căn bệnh đáng ra không chết.

Vì nghèo đói tình thương, xung đột, cãi vã, tranh giành vẫn xảy ra hàng ngày; cảnh mạnh được yếu thua không hề có dấu hiệu chấm dứt; tình trạng lạm dụng thân xác, nhất là tội ác với phụ nữ và trẻ con dường như ngày càng tăng…

YÊU NHƯ THẦY YÊU, đó không chỉ là mệnh lệnh, không chỉ là giới răn, không chỉ là giáo điều buộc phải giữ, mà đó còn là lời hiệu triệu, lời đòi buộc, lời kích động tâm hồn, lời mang sứ điệp gấp rút, dành cho hết mọi tâm hồn, dù chai cứng hay mềm mỏng.

YÊU NHƯ THẦY YÊU, vừa để thế giới có trật tự hòa bình; để cuộc sống tăng thêm nét đẹp, đáng sống; để nhân loại bớt oằn oại; để những rát buốt tâm can được xoa dịu, để tình yêu được nhân rộng và phủ đầy, phủ kín; nhưng cũng vừa để bản thân vui hơn, bình an hơn, chạm đến gần sự sống của Chúa hơn…

Ngày hôm nay, tin vào Lời Chúa dạy, tin vào tấm gương chết cho con người của Chúa, mà có biết bao nhiêu người tiến về phía thánh giá, để mưu tìm sự sống, mưu tìm tình yêu, mưu tìm những vẻ đẹp rạng ngời của sự sống… cho con người, cho thế giới

- “Tôi là một linh mục Công Giáo Balan, tôi đã già, Tôi muốn được chết thay cho ông này, vì ông còn có vợ con”. Cha thánh Maximilianô Maria Kolbe đã nói với viên cai ngục Đức Quốc Xã như thế, trong lúc anh ta đang chọn 10 tù nhân phải chết để đền tội thay cho một tù nhân mới vượt ngục đêm qua.
Quyết định anh hùng của cha Kolbe đã cứu tù nhân Francis thoát chết, khi ông là người cuối cùng được chọn phải ra xếp hàng vào hầm chết đói. Sau đó, cha Kolbe đã phải chịu số phận chết chung với 9 tù nhân kia.
Suốt thời gian ở trong ngục tối nhịn đói chờ chết, thay vì những tiếng la hét chửi rủa mọi khi, người ta chỉ nghe thấy những lời kinh tiếng hát của nhóm tù nhân sắp chết nhờ sự động viên và hướng dẫn của cha.

- Năm 1981, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát. Nhưng ngài không chết. Ngay sau khi lành bệnh, ngài đến nhà tù thăm chính kẻ đã giết mình và xin tha thứ cho anh.
- Mẹ Têrêsa Calcutta, đặc biệt thương yêu trẻ em và người nghèo khổ. Mẹ là thần tượng, là tấm gương của cả thế giới.

Qua hơn 20 thế kỷ, hàng hàng lớp lớp các anh hùng tử đạo, các bậc hiển tu đã dám đem cả mạng sống mình để minh chứng cho một thứ tình yêu rực sáng: YÊU NHƯ THẦY YÊU.

Tất cả những tấm gương dám băng mình vì thế giới, vì con người, đều là những tấm gương được soi rọi bởi không chỉ lời dạy, mà còn là chính tấm gương từ thánh giá của Chúa Giêsu.