Các bạn thân mến,
Tôi vui mừng gửi lời chào đến tất cả các bạn tham gia Hội thảo quốc tế này mang tên “Tâm trí, Thân xác và Linh hồn”, một chủ đề mà trong nhiều thế kỷ đã mời gọi việc nghiên cứu và suy tư trong nỗ lực tìm hiểu mầu nhiệm con người. Tôi kính chào và cảm ơn Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, các nhà tổ chức Hội nghị này, các vị Chủ tịch của các Qũy “Cura” và “Khoa học và Đức tin”, và các diễn giả khác.
Hội nghị của các bạn hợp nhất sự suy tư triết học và thần học với việc nghiên cứu khoa học, nhất là trong lĩnh vực y khoa. Trước hết, điều này cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với tất cả những người đã đích thân và do nghề nghiệp dấn thân vào việc chăm sóc người bệnh và hỗ trợ những người cần đến nhất. Trong những ngày này, tất cả chúng ta đều biết ơn những người đã làm việc không mệt mỏi để chống lại cơn đại dịch đang tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người, nhưng đồng thời cũng là một thách thức đối với cảm thức liên đới và tình huynh đệ chân chính của chúng ta. Vì lý do này, mối quan tâm đến tính trung tâm của nhân vị cũng đòi hỏi sự suy tư về các mô hình chăm sóc sức khỏe có thể tới tay mọi người bệnh, không phân biệt.
Chương trình của Hội nghị của các bạn tập trung vào ba lĩnh vực căn bản được chỉ rõ trong tựa đề của nó: tâm trí, thân xác và linh hồn. Ba phạm trù này hơi khác với viễn kiến “cổ điển” của Kitô giáo, mà mô hình nổi tiếng nhất là: con người, hiểu như một thể thống nhất không thể tách rời gồm thể xác và linh hồn, trong đó linh hồn được phú cho trí hiểu và ý chí (xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 1703-1705). Tuy nhiên, viễn kiến đó không có tính độc chiếm. Chẳng hạn, Thánh Phaolô nói về “tinh thần, linh hồn và thể xác” (1 Tx 5:23), một mô hình ba thành phần sau đó được nhiều Giáo phụ và các nhà tư tưởng hiện đại khác tiếp nhận. Theo suy nghĩ của tôi, sự phân chia của các bạn chỉ ra một cách đúng đắn rằng một số chiều kích nhất định của hữu thể chúng ta, ngày nay thường quá bị tách biệt, trên thực tế có liên quan qua lại sâu sắc và không thể tách rời nhau.
Tầng sinh học của hiện hữu chúng ta, được phát biểu trong tính thân xác (corporeity) của chúng ta, đại diện cho chiều kích gần gũi nhất trong số những chiều kích này, mặc dù không phải là chiều kích dễ hiểu nhất. Chúng ta không phải là những thuần thần; với mỗi chúng ta, mọi sự đều bắt đầu với thân xác của chúng ta, nhưng không phải chỉ có thế: từ khi thụ thai cho đến khi chết, chúng ta không đơn giản có một thân xác; chúng ta là một thân xác. Đức tin Kitô giáo cho chúng ta biết rằng điều này cũng sẽ đúng khi phục sinh. Về phương diện này, lịch sử nghiên cứu y học giới thiệu cho chúng ta một chiều kích của hành trình tự khám phá đầy hấp dẫn của con người. Đây không những chỉ đúng cho điều có thể gọi là y khoa học thuật “phương Tây”, mà còn đúng cho cả sự đa dạng phong phú của các loại y khoa trong các nền văn minh thế giới khác nhau. Các ngành khoa học chắc chắn đã mở ra một chân trời nhận thức và các tương tác mà cách nay một vài thế kỷ không ai có thể tưởng tượng được.
Nhờ các nghiên cứu liên ngành, chúng ta có thể tiến đến chỗ đánh giá tốt hơn những động năng liên quan đến mối liên hệ giữa tình trạng thể chất của chúng ta và tình trạng môi trường sống của chúng ta, giữa sức khỏe và sự nuôi dưỡng, sức khỏe tâm-thể lý của chúng ta và việc chăm sóc đời sống tinh thần - cũng nhờ cả việc thực hành cầu nguyện và suy gẫm - và cuối cùng giữa sức khỏe và sự nhạy cảm đối với nghệ thuật, nhất là âm nhạc. Không phải ngẫu nhiên mà y khoa đóng vai trò cầu nối giữa khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn, đến nỗi trước đây nó đã được định nghĩa là Philosophia corporis (triết học thân xác), như chúng ta thấy trong một bản thảo được lưu giữ trong Thư viện Tông tòa Vatican.
Như thế, một viễn kiến rộng hơn và một cam kết nghiên cứu liên ngành làm cho nhận thức lớn hơn trở thành khả hữu, một nhận thức, khi được áp dụng vào các khoa học y khoa, có thể được diễn dịch thành các nghiên cứu phức tạp hơn và các chiến lược chăm sóc ngày càng thích hợp và chính xác hơn. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn về di truyền học, nhằm mục đích chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau. Tuy nhiên, sự tiến bộ này cũng đặt ra một số vấn đề về nhân chủng học và đạo đức, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến việc điều khiển bộ gen người nhằm kiểm soát hoặc thậm chí khắc phục quá trình lão hóa, hoặc đạt được sự thăng tiến con người.
Điều quan trọng tương tự là chiều kích thứ hai, tức tâm trí, giúp chúng ta có thể tự hiểu được bản thân mình. Câu hỏi căn bản mà các bạn đang tìm cách giải quyết là câu hỏi trong nhiều thế kỷ vốn dẫn nhân loại đi tìm yếu tính của điều làm chúng ta thành người. Hiện tại, yếu tính trong nhân tính chúng ta thường có xu hướng được đồng nhất hóa với bộ não và các diễn trình thần kinh học của nó. Tuy nhiên, bất chấp tầm quan trọng sống còn của các khía cạnh sinh học và chức năng của não, những điều này không cung cấp lời giải thích tổng thể về tất cả những hiện tượng vốn định nghĩa chúng ta là con người, trong đó, nhiều hiện tượng không thể “đo lường được” và do đó vượt qua tính vật chất của thân xác. Chúng ta không thể có một tâm trí mà không có chất não, nhưng tâm trí không thể bị giản lược vào tính vật chất đơn thuần của bộ não. Chúng ta cần phải lưu ý kẻo hai thứ này bị đánh đồng với nhau.
Trong những thập niên gần đây, nhờ sự tương tác giữa các khoa học tự nhiên và nhân văn, ngày càng có nhiều nỗ lực nhằm nắm bắt đầy đủ hơn mối liên hệ giữa các chiều kích vật chất và phi vật chất của hữu thể chúng ta. Kết quả là, câu hỏi thân xác - tâm trí, mà trong nhiều thế kỷ vốn là lĩnh vực phổ biến của các nhà triết học và thần học, giờ đây cũng được những người nghiên cứu mối liên hệ giữa tâm trí và não bộ quan tâm.
Trong bối cảnh khoa học, việc sử dụng thuật ngữ “tâm trí” có thể gây ra các khó khăn nhất định; thành thử, cần phải hiểu và mô tả thực tại này một cách liên ngành. Thuật ngữ “tâm trí” thường được sử dụng để chỉ một thực tại khác biệt về mặt hữu thể học, nhưng vẫn có khả năng tương tác với hạ tầng (substratum) sinh học của chúng ta. Thật vậy, “tâm trí” thường chỉ toàn bộ các khả năng của con người, đặc biệt liên quan đến sự hình thành tư tưởng. Một câu hỏi vẫn còn hợp thời là nguồn gốc của những khả năng con người đó, như sự nhạy cảm luân lý, sự hiền lành, lòng cảm thương, sự tương cảm và tình liên đới, những thứ vốn tìm được biểu thức trong các cử chỉ nhân ái, quan tâm bất vụ lợi đến người khác và óc thẩm mỹ, chưa nói đến việc tìm kiếm cõi vô hạn và siêu việt. Như các bạn thấy, đây là một vấn đề rất phức tạp và liên lập với nhau.
Trong truyền thống Do thái-Kitô giáo, cũng như trong truyền thống triết học Hy Lạp, những đặc điểm nhân bản này gắn liền với chiều kích siêu việt của nhân vị, được đồng nhất với nguyên tắc phi vật chất của hữu thể chúng ta, tức linh hồn, chủ đề thứ ba của Hội nghị. Mặc dù đúng là theo thời gian, thuật ngữ này đã mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, quan niệm mà chúng ta thừa hưởng từ triết học cổ điển coi linh hồn là nguyên tắc cấu thành tổ chức thân xác nói chung và là nguồn gốc của các khả năng trí hiểu, cảm giới và ý chí của chúng ta, bao gồm cả lương tâm luân lý. Kinh thánh, nhất là suy tư triết học và thần học, đã sử dụng khái niệm “linh hồn” để định nghĩa tính độc đáo của chúng ta như những hữu thể nhân bản và đặc tính chuyên biệt của con người, vốn không thể bị giản lược vào bất cứ sinh vật nào khác và bao gồm sự cởi mở của chúng ta đối với chiều kích siêu nhiên và do đó đối với Thiên Chúa. Sự cởi mở này đối với siêu việt, đối với một điều gì đó vĩ đại hơn chính chúng ta, có tính cấu thành, và nó minh chứng cho giá trị vô hạn của mỗi nhân vị. Nói một cách thông thường hơn, nó giống như một chiếc cửa sổ nhìn ra ngoài và mở ra một chân trời rộng lớn hơn.
Các bạn thân mến, tôi rất vui vì sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới, Công Giáo và không Công Giáo, đều tham gia biến cố này. Tôi khuyến khích các bạn đảm nhiệm và theo đuổi việc nghiên cứu liên ngành liên quan đến các trung tâm nghiên cứu khác nhau, vì lợi ích của việc hiểu rõ hơn chính chúng ta và bản chất con người của chúng ta, với mọi giới hạn và khả thể của nó, trong khi luôn ghi nhớ chân trời siêu việt mà con người chúng ta luôn hướng tới. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban phước cho công việc của các bạn và tôi bày tỏ hy vọng rằng các bạn sẽ luôn giữ được nhiệt huyết, và thực sự là sự ngạc nhiên của các bạn, trước sự mầu nhiệm ngày càng sâu sắc hơn của con người. Vì như Thánh Augustinô, khi làm vọng lại Kinh thánh, đã nói với chúng ta bằng những từ ngữ vẫn luôn hợp thời: “Con người thực sự là một hố thẳm rộng lớn” (Tự Thú IV, 14, 22). Cảm ơn các bạn.