III. “Thần học thập giá” ban đầu này là bối cảnh cho cuộc tấn công của Luther vào việc mua bán ân xá năm 1517. Điều khá quan yếu là nhận ra rằng ban đầu Luther không chỉ trích các ân xá là có tính vụ luật hoặc lo lắng rằng chúng sẽ khiến các tín hữu dựa vào các việc làm của chính họ để được cứu rỗi. Ngược lại, nỗi lo lắng mục vụ của ông về việc bán các ân xá là: những người đơn sơ đang bị dẫn dắt sai vào việc nhầm lẫn coi việc xóa bỏ hình phạt bên ngoài với ơn thánh có tính đóng đinh bên trong vốn xua đuổi việc tìm kiếm bản thân.

Và vì vậy, chúng ta cần thận trọng kẻo các ân xá... trở thành một nguyên nhân gây ra sự an toàn và biếng nhác và đánh mất ơn thánh bên trong nơi chúng ta. Trái lại, chúng ta hãy hành động cẩn thận để bệnh tật của bản tính chúng ta có thể được chữa lành hoàn toàn và chúng ta khao khát đến với Thiên Chúa vì tình yêu đối với Người, ghét bỏ đời này và ghê tởm chính chúng ta; nghĩa là, chúng ta hãy cần mẫn tìm kiếm ơn thánh chữa lành của Người.

Chính giữa mùa thu năm 1517 và mùa thu năm 1518, nghĩa là giữa cuộc tranh cãi lớn trong đó, Luther sớm nhận ra mình bị lôi kéo vào, hầu hết các học giả hiện nay định vị được khúc rẽ quan yếu trong suy nghĩ của ông. Vào cuối năm 1518, chủ đề khiêm tốn chịu đựng ơn thánh đòi chúng ta chịu đóng đinh của Thiên Chúa đã lui vào hậu cảnh, không bị bác bỏ nhưng không còn là điểm tập chú nữa. Trung tâm mới của nền thần học ơn thánh của Luther đã trở thành sự bảo đảm đầy tin cậy của trái tim vào lòng thương xót đã hứa của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, một điều mà sau này ông sẽ mô tả đơn giản như “đức tin nắm bắt được Chúa Kitô”, fides apprehensiva Christi.

Chúng ta có thể hiểu cụ thể hơn về chủ trương mới của Luther nhờ giác thư ông trình bầy cho Đức Hồng Y Cajetan trong các phiên gặp gỡ hồi tháng 10 của họ ở Augsburg. Đức Hồng Y Cajetan đã thách thức việc Luther khăng khăng cho rằng những người đến với bí tích sám hối phải tin một cách tin tưởng rằng nhờ đó, họ nhận được ơn thánh và sự tha thứ của Thiên Chúa; lời biện hộ chính của Luther nại tới lời lẽ của Chúa Kitô trong Mátthêu 16:19:

"Muốn tránh nguy cơ bị án phạt đời đời và tội lỗi bất tín, điều cần thiết là phải tin các lời lẽ sau đây của Chúa Kitô: Sự gì các con tha ở dưới đất, cũng sẽ được tha ở trên trời. Cho nên, nếu bạn tiến đến bí tích sám hối và không tin chắc rằng bạn được tha thứ trên thiên đàng, bạn tiến đến sự phán xét và án phạt, bởi vì bạn không tin rằng Chúa Kitô đã nói điều đúng sự thật: Bất cứ điều gì các con tha, v.v., và do đó, do sự nghi ngờ của bạn, bạn khiến Chúa Kitô trở thành người nói dối, đó là một tội lỗi khủng khiếp.... Nhưng khi bạn tin lời lẽ của Chúa Kitô, bạn tôn trọng lời nói của Người và bởi việc làm này, bạn là người công chính, v.v."

Điều quan trọng nhất đã xảy ra với Luther vào năm 1518 là ông đã nghĩ lại nền thần học ơn thánh của mình trong bối cảnh nền thần học bí tích. Điều này quả là mới mẻ; Luther dường như đã không chú ý nghiêm túc đến nền thần học bí tích cho đến khi ông bị cuốn vào cuộc tranh cãi về ân xá. Nhưng trong cuộc tranh cãi đó, việc ông nhấn mạnh đến việc thanh tẩy bên trong trái tim bằng ơn thánh sẽ làm dấy lên câu hỏi về vai trò của các bí tích. Chỉ sau khi ông bắt đầu bị khuấy động bởi việc mua bán ân xá, chúng ta mới thấy ông lần đầu tiên xem xét các vấn đề bí tích một cách nghiêm túc trong các bài thuyết giảng của mình.

Vấn đề trong nền thần học bí tích chứng tỏ quan yếu đối với Luther là mối liên hệ giữa hành động bí tích bề ngoài, ơn thánh của Thiên Chúa, và đức tin cần có nơi người tham gia bí tích. Câu chuyện liên quan đến cuộc vật lộn của Luther với câu hỏi này, từ mùa hè năm 1517 đến mùa hè năm 1518, rất phức tạp. Chỉ riêng vào mùa xuân năm 1518, Luther đã công bố ba giải pháp khác nhau và loại trừ lẫn nhau cho vấn đề, trong đó có một giải pháp không thể phân biệt được với chủ trương sau đó có liên hệ với Zwingli.

Điều cuối cùng đã xuất hiện vào mùa hè năm 1518 từ sự suy nghĩ lại đầy hối hả này — bạn đọc nên nhớ rằng Luther đang cố gắng giải quyết vấn đề thần học trong khi cùng một lúc giải thích cho thế giới lý do tại sao ông không nên bị lên dàn hỏa vì tội lạc giáo — dường như đã được lên khuôn chủ yếu nhờ sự suy gẫm về các bản văn như Mátthêu 16:19: “Bất cứ điều gì các con tha ở dưới đất, thì cũng được tha ở trên trời”. Đối với câu hỏi về các bí tích, Luther cuối cùng đã trả lời rằng hành vi bí tích cụ thể, bên ngoài, công khai trong Giáo hội là hành động của Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta đến với bí tích, chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô: lời của Người, hành động của Người, thẩm quyền của Người.

Tập chú mới về các bí tích là điều mang lại cho nền thần học của Luther sau năm 1518 một hình dạng rất khác so với suy nghĩ ban đầu của ông, mặc dù ông vẫn tiếp tục quan tâm đến nhiều khía cạnh của cùng các vấn đề này. Điểm mấu chốt trong nền thần học ơn thánh trước đây của ông là sự mâu thuẫn đau đớn của Thiên Chúa về bản tính tội lỗi của con người, ở đây điểm mấu chốt của mọi thứ là thẩm quyền của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, được thi hành cách cụ thể trong các dấu chỉ bí tích của Giáo Hội.

Đức tin ngày nay được xác định sắc nét bởi hoàn cảnh bí tích này: đức tin là sự cởi mở và thừa nhận thẩm quyền của Chúa Kitô trong việc thực thi bí tích cụ thể của nó. Không có điều kiện tiên quyết nào khác ngoài đức tin để lãnh nhận bí tích một cách hữu hiệu, vì bí tích tự nó là hành động công khai, trong đó Chúa Kitô ban ơn thánh của Người cho những kẻ vô đạo. Đời sống bí tích công khai của Giáo hội giờ đây được xem như là cứ điểm (locus) bảo đảm, chắc chắn, nơi diễn ra một cuộc thông hiệp (communication) cứu độ hoàn toàn phi biện chứng.

Sự hiểu biết sâu sắc rằng nền thần học bí tích là bản lề cho “tổng thể” tư duy của Luther vào năm 1518 được thừa nhận rộng rãi trong các tài liệu học thuật. Nhưng sự chuyển hướng này được mô tả khá sai lầm nếu chúng ta coi đó như một “sự quay lưng của Cải cách” đối với truyền thống Công Giáo. Ngược lại, tôi cho rằng đây là một khúc rẽ hướng về tâm điểm của truyền thống Công Giáo.

Hiệu quả thuần của tập chú mới nơi Luther vào thẩm quyền của Chúa Kitô trong dấu chỉ bí tích là bắt chiến lược mâu thuẫn (contrariety) cũ phụ thuộc chiến lược đặc thù (particularity) mới, được tóm tắt rất hay trong một dòng của một trong những bài giảng sau này của Luther: “Chúng ta có một Chúa dứt khoát, một Chúa mà chúng ta có thể nắm bắt được". Từ năm 1518 trở đi, chính tính đặc thù và cụ thể trong sự hiện diện của Thiên Chúa giờ đây đã loại bỏ việc thờ ngẫu tượng; Thiên Chúa thật, Đấng, theo định nghĩa, không thể bị sử dụng, là Thiên Chúa làm cho chính Người sẵn có đó theo quyết định của Người, bằng xương bằng thịt được sinh ra bởi Đức Maria và bằng việc thực hành bí tích của Giáo hội, chứ không phải trong suy đoán tôn giáo và tư lợi của chúng ta.

Trong cấu hình mới này, đức tin chắc chắn không còn can dự vào thứ biện chứng pháp bất tận của tín thác và tuyệt vọng nữa; thay vào đó nó là một niềm tin tưởng hoàn toàn phi biện chứng vào thẩm quyền rõ ràng của Chúa Kitô cứu thế hiện diện cụ thể trong Giáo hội của Người. Trong thần học sơ khai của Luther về thập giá, Thiên Chúa che giấu sự hiện diện cứu rỗi của Người trong sự giầy vò mà Người giáng xuống trên những kẻ được Người tuyển chọn; trong nền thần học trưởng thành, sự ẩn giấu nhân từ của Thiên Chúa chủ yếu là vấn đề về sự thấp hèn của Người, sự tự hủy (kenosis) của Người trong Chúa Con nhập thể, trong các dấu hiệu đã chọn của Người, và trong các thánh của Người. Các khổ đau thử thách của các tín hữu không còn đồng nhất với ơn thánh cứu vớt họ (mặc dù chúng thúc đẩy họ tìm kiếm ơn thánh đó và là bức màn che giấu khỏi kẻ kiêu hãnh và quyền thế của thế gian này). Ít nhất, thì sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa không có tính biện chứng hay mơ hồ.

Câu hỏi thực sự mà tôi phải đương đầu khi tiếp cận với bí tích sám hối là liệu tôi có tin rằng Chúa Kitô nói sự thật khi Người nói rằng bất cứ điều gì Giáo hội tha ở dưới đất cũng sẽ được tha ở trên trời. Nếu tôi tin, thì tôi được kêu gọi đặt hết niềm tín thác vào thẩm quyền cứu rỗi của Người — và điều này có nghĩa tôi tuyên xưng rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật. Nếu Đấng cho phép sự xá tội cho tôi là Thiên Chúa thật, thì quả thực tôi có thể có một sự bảo đảm hoàn toàn bất biện chứng về ơn cứu rỗi; câu trả lời này cho vấn đề mục vụ của lương tâm bối rối là một sản phẩm phụ thực tế quan trọng một cách sâu sắc trong việc đánh giá mới của Luther về các bí tích. Nhưng sự bảo đảm của đức tin này trước hết và trên hết là sự thờ phượng đích thực, sự thừa nhận Thiên Chúa ở trong Thần tính của Người, sự vâng phục và phục tùng của trái tim. Lo âu về sự không xứng đáng của tôi và cao ngạo cho rằng mình có công lao đều là các thất bại như nhau trong việc thừa nhận thẩm quyền của Thiên Chúa trong sự hiện diện cứu rỗi cụ thể của Người.

Nền thần học lúc ban đầu của Luther có tính “huyền nhiệm” theo nghĩa nó là một nền thần học tập chú vào việc biến đổi hữu thể nhân bản bằng việc kết hợp với Thiên Chúa. Nhìn vào sự phát triển của Luther trước năm 1518, chúng ta dám không tin rằng huyền nhiệm học của ông đang diễn biến theo hướng Công Giáo: các nền thần học quan tâm đến sự biến đổi bên trong và sự hiện diện thanh tẩy của Thiên Chúa, dù sao, cũng được biết như đã thoát ra ngoài truyền thống Công Giáo. Tương tự như vậy, người ta dám lo ngại rằng việc Luther thiếu quan tâm tương đối đến các bí tích, khá ngây thơ trong các bài giảng đầu tiên của ông về các thánh vịnh, đang ngày càng phần nào đáng ngại hơn khi ông thấy có thể trình bầy Thư Rôma mà không cần đề cập đến phép rửa. Tương tự như vậy, nếu Luther tiếp tục khai triển Kitô học của mình theo đường lối của thần học thập giá, thì kết quả dám lật đổ tính qui Kitô (Christocentricity) hiển nhiên của ông bằng một loại Chủ nghĩa Độc vị (Unitarianism) về Chúa Thánh Thần, mà Chúa Kitô, cuối cùng, sẽ chỉ là nguyên mẫu, trong đó ơn thánh biến đổi của Chúa Thánh Thần được trình bầy.

Về tất cả những khía cạnh này, “bước ngoặt” khởi xướng vào năm 1518 là một cuộc đi nhanh về cốt lõi của truyền thống Công Giáo, một sự tái khẳng định tâm điểm tín lý và bí tích của nó. Đối với Luther sau năm 1518, Chúa Kitô là trung tâm không phải như một khuôn mẫu mà như một con người; chúng ta được cứu bởi đức tin biết thừa nhận thẩm quyền, năng quyền và sự sẵn lòng của Người muốn giải cứu những ai kêu cầu Người. Tin mừng được công bố và được ban hành một cách bí tích trong Giáo Hội là lời kêu gọi chúng ta đặt trọn niềm tín thác nơi Chúa Giêsu, Con Đức Mẹ; do đó, Chúa Giêsu Kitô là ai và do đâu Người có thẩm quyền để hứa những điều đáng kinh ngạc như vậy trở thành những vấn đề thần học chính. Hoặc, như Luther đã trình bầy nó trong các bài thuyết giảng của ông về Thánh vịnh 2 từ đầu những năm 1530, điều cấu thành Tin mừng là danh tính của Đấng mà nó chỉ về:

"Đây hẳn là một học thuyết mới. Tín lý cũ là: Hãy tin Thiên Chúa.... Lề luật thúc giục chúng ta làm việc; đó là điều cao nhất nơi Môsê. Nhưng ở đây không có lề luật nào được đề xuất, không có sự đòi hỏi quá quắt mà là sự đánh đổ; điều đặt trước chúng ta không phải là các việc làm của chúng ta mà là Con Thiên Chúa. Nó cung ứng cho chúng ta một đối tượng, mà không phải là chúng ta, nhưng đúng hơn là: "Con Ta". Tín lý dứt khoát mà vị Vua và vị Thầy Kitô này muốn thúc giục và thực hiện là: không dạy lề luật hay việc làm của chúng ta, mà là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, để người ta có thể nhìn vào Người.... Vì vậy, tín lý chính, và tổng hợp mọi tín lý vốn vượt quá Môsê, không phải là nghe lề luật, điều tôi phải làm, nhưng là nghe đấng duy nhất hiện hữu.

Tín điều Kitô học, và với nó, tín lý Chúa Ba Ngôi, chính vì lý do trên, đã rõ ràng có tính cấu thành đối với nền thần học ơn thánh của Luther sau năm 1518 hơn nhiều so với các Bài giảng thuyết về Thư Rôma hay Cuộc Tranh Luận Heidelberg. Thật vậy, Luther có thể đồng nhất một cách thẳng thắn tín công chính hóa với tín điều Kitô học của Giáo hội cổ xưa, như ông đã làm trong Bài giảng về chương 6 Tin Mừng Gioan:

“Bạn đã nghe nói rằng Người tự gọi mình là ‘Con Người’. Bằng cách này, Người muốn chứng tỏ rằng Người có máu thịt thật của chúng ta, máu thịt mà Người đã tiếp nhận từ Đức Trinh Nữ Maria, nơi có sự sống vĩnh cửu. Đó là tín điều công chính hóa: Chúa Thánh Thần muốn không ai trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng học, biết, tưởng tượng, nghe, hoặc chấp nhận một Thiên Chúa nào khác ngoài vị Thiên Chúa này, Đấng mà thịt và máu mà chúng ta in sâu và nắm giữ trong trái tim nếu chúng ta muốn được cứu rỗi.... Bạn sẽ tìm thấy Thiên Chúa trong xác thịt và máu huyết của Người; đó là nơi Người đã định vị chính Người, ở đó bạn sẽ gặp Người, nơi Con Người đang hiện diện".

Và cùng điều ấy cũng đúng đối với hệ thống bí tích Công Giáo. Sau năm 1518, Luther nói khá rõ ràng rằng chính trong và thông qua việc thực hiện công khai các dấu hiệu bí tích trong Giáo hội hữu hình, mà ơn thánh được ban cho những ai tin. Thần học huyền nhiệm của ông về ơn thánh vô tạo (uncreated grace), cuộc gặp gỡ có tính thanh tẩy với Thiên Chúa trong chính Thiên Tính của Người, do đó, được cột chặt vào việc giảng dạy và nghi lễ của Giáo hội như là cứ điểm (locus) cụ thể của sự hiện diện chắc chắn, phi biện chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, điều sau đây đã trở thành một tiên đề (axiom) thần học minh nhiên đối với Luther: ơn thánh bên trong và thiêng liêng chỉ được ban cho trong và qua việc thực hành bí tích công khai, có tính thân xác, của Giáo hội.

Do đó, những lập luận thiếu kiên nhẫn của Luther đối với việc cải cách thực hành bí tích và thần học, và việc ông thường xuyên chế giễu các tập quán và quan điểm đã được tiếp nhận, không nên làm lu mờ điều có thể gọi là cam kết “Công Giáo sâu sắc” của ông đối với tính bí tích của ơn thánh, với những âm hưởng Giáo phụ không thể nhầm lẫn của nó. Đối với Luther và các Giáo phụ cũng vậy, việc thờ phượng của ekklesia (Giáo Hội) là lễ hiển linh huyền nhiệm của philanthropia (lòng từ thiện) của Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Không phải ngẫu nhiên mà công trình chính của Luther vào năm 1519 là một loạt bài giảng mô tả cách thức mà sự tồn tại của Kitô hữu được xây dựng và hình thành bởi các bí tích.

IV. Cách đọc này về sự phát triển của Luther gợi ý rằng cuộc ly giáo phương Tây, thay vì là hậu quả lịch sử thích đáng của một bất đồng có nguyên tắc về thần học, thực sự là một chương các tai nạn bi thảm. Không có cơ sở lịch sử nào để tin rằng cuộc ly giáo là hậu quả tất yếu của nền thần học ơn thánh nơi Luther. Ngược lại, có một lần khi các đề xuất thần học của Luther nhận được một cuộc điều trần khá thận trọng của một đại diện Giáo hội Rôma, tại các cuộc gặp gỡ của ông với Đức Hồng Y Cajetan ở Augsburg vào năm 1518, kết luận người ta có được là học thuyết công chính hóa nhờ đức tin của ông không lạc giáo một cách hiển nhiên hoặc đối lập rõ ràng với truyền thống Giáo hội. Dù Cajetan chỉ hiểu quan điểm của Luther một cách không hoàn hảo, và coi chúng là liều lĩnh và sai lầm, ngài vẫn sẵn sàng khuyến cáo để chúng được thảo luận và xem xét thêm trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng.

Ly giáo là hậu quả ngẫu nhiên của Causa Lutheri (nguyên cớ Luther) bị xử lý một cách tồi tệ, tức cuộc khảo sát của giáo hội về tính chính thống của Luther vào năm 1518–1519, và cuộc tranh cãi về thẩm quyền giảng dạy mà nó đã vướng vào. Về phía Luther, việc đoạn tuyệt cuối cùng với các nhà chức trách Giáo hội xảy ra sau sắc chỉ của Đức Lêô X vào tháng 11 năm 1518; trong văn kiện đó, như Luther thấy, Đức Lêô tự gán cho mình quyền được ấn định giáo huấn của Giáo hội mà không chịu trách nhiệm giải trình trước Kinh thánh, các Giáo phụ, hoặc các điều giáo luật cổ xưa. Điều này dẫn Luther cuối cùng đến kết luận cho rằng Giáo hội Rôma đã cam kết bất phản hồi đối với chủ trương cho rằng thẩm quyền của giáo hoàng còn đứng trên cả Kinh thánh và chính trong bối cảnh đó, trong vài năm tiếp theo, ông đã tin rằng ngôi giáo hoàng là Kẻ Phản Kitô của những ngày sau hết từng được tiên báo, một niềm tin mà sau đó ông đã giữ vững cho đến ngày qua đời với một lòng nhiệt thành theo nghĩa đen nhất mà các nhà diễn giải hiện đại của ông hiếm khi sẵn sàng xem xét một cách nghiêm túc như ông.

Khi Luther tiến đến chỗ tin chắc rằng ngôi vị giáo hoàng là Kẻ Phản Kitô, tất cả năng lực trong viễn kiến thần học của ông đã được vận dụng vào các lực lượng đã hoạt động để làm tiêu tan sự hợp nhất của Giáo hội; điều này hơn bất cứ điều gì khác đã làm cho sự ly giáo không thể nào tránh khỏi. Có đủ đáng trách để qui kết hậu quả bi thảm và vô nghĩa này. Sự cùn nhụt thần học của các nhà thần học ở triều đình Rôma (ngoại trừ Cajetan một phần), sự bất lực hoặc không sẵn lòng của các thẩm quyền Rôma trong việc chiếm hữu làm của mình các truyền thống giáo hội học tốt nhất của họ, và ảnh hưởng bất nhân của chính trị tài chính đối với việc xử lý các vấn đề tín lý đều đóng một vai trò đáng kể, cũng như sự thiếu kiên nhẫn và tức giận của Luther, việc ông không có khả năng tiếp nhận những lời dạy ngu ngốc và không thích đáng của giáo hoàng một cách bình tĩnh (có lẽ vì quan điểm ban đầu của ông về chức vụ giáo hoàng không thực tế chăng), cũng như xu hướng bi kịch hóa tình huống của mình theo những thuật ngữ khải huyền. Hơn nữa, bi kịch này gia trọng thêm trong lối đọc mà tôi đã đề xuất, bởi sự kiện nghịch lý này là về mặt thần học chất thể, Luther của năm 1519 rõ ràng đã công bình hơn đối với những xác tín cốt lõi của truyền thống Công Giáo hơn là Luther của năm 1517.