1. Tập trung tại Tòa Giám Mục chửi bới và làm các trò dâm đảng. Tuyên bố của Tòa Giám Mục Kinshasa

Chiều Chúa Nhật 1 tháng Tám, Tòa Tổng Giám Mục Kinshasa đã đưa ra tuyên bố sau gởi các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân.

“Chúng tôi vô cùng đau buồn báo cáo với anh chị em rằng, sáng nay Chúa Nhật ngày 1 tháng 8 năm 2021, một nhóm người, chưa được xác định danh tính, đã tập trung tại Tòa Giám Mục Tổng giáo phận Kinshasa và tại tư dinh của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Fridolin Ambongo Besungu. Họ hát những bài hát và hò reo các khẩu hiệu xúc phạm và thực hiện những hành vi dâm đãng, hạ cấp và công xúc tu sỉ”.

Thông cáo báo chí có chữ ký của Cha Georges Njila, Thư ký kiêm Chưởng ấn Tòa Giám Mục. Ngài cho biết “vô cùng đau buồn trước những hành vi này. Chúng tôi đo lường và đánh giá, ở tất cả các cấp độ, những hành vi mà chúng tôi hết sức phản đối cũng như hậu quả của chúng”.

Cha Chưởng ấn mời gọi tất cả các tín hữu Công Giáo hãy hết sức cảnh giác “ngăn chặn bất kỳ hành vi phá hoại nào, bảo vệ tài sản Giáo Hội và cẩn thận không để mình bị khiêu khích dính líu vào các hành vi bạo lực.”

Ngoài ra, tổng giáo phận cảm ơn các nhân viên Cảnh sát Quốc gia vì sự nhanh chóng của họ trong việc giải tán những kẻ tấn công này.
Source:Radio KAPI

2. Các giáo phận ở thủ đô Manila phải hủy bỏ các thánh lễ có giáo dân tham dự trong bối cảnh coronavirus lan rộng

Tất cả các giáo phận ở thủ đô Manila đã phải đình chỉ các thánh lễ công cộng trong nhiều tuần và miễn trừ cho người Công Giáo các nghĩa vụ tham dự thánh lễ Chúa Nhật.

Từ tổng giáo phận Manila đến các giáo phận Cubao, Novaliches, Pasig, Parañaque, và Kalookan các giám mục đang khuyến khích các tín hữu ở nhà theo dõi thánh lễ trực tuyến.

Lệnh đình chỉ các thánh lễ có hiệu lực từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8.

Chính phủ Phi Luật Tân hôm thứ Sáu đã đặt khu vực thủ đô vào diện kiểm dịch cộng đồng tăng cường từ ngày 6 đến ngày 20 tháng 8; việc di chuyển bị hạn chế rất nhiều và chỉ giới hạn trong việc mua các hàng hóa và dịch vụ cơ bản. Chỉ những cơ sở và ngành thiết yếu mới được phép hoạt động.

Tử vong tại Phi Luật Tân, tính đến thứ Ba 3 tháng 8, đã lên đến 28,141 người, trong số 1,612,541 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày thứ Hai 2 tháng 8, có 8,067 trường hợp nhiễm bệnh mới, và 77 trường hợp tử vong.
Source:CBCP News

3. Tập Cận Bình, mối âu lo của nhân loại

Việc Trung Quốc xây dựng một mạng lưới hầm chứa mới để phóng đầu đạn hạt nhân, được Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tiết lộ trong tuần này, cho thấy sự gia tốc của cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử do chế độ của Chủ tịch Tập Cận Bình phát động và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đưa Bắc Kinh vào các cơ chế quốc tế liên quan đến việc ngăn chặn và giải trừ quân bị, trong đó cho đến nay chỉ có Hoa Kỳ và Nga là những nước được coi là cường quốc hạt nhân lớn có khả năng hủy diệt thế giới.

Nó không phải là dữ liệu đáng lo ngại duy nhất. Một cuộc điều tra khác của Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân của James Martin đã tiết lộ việc xây dựng 119 hầm chứa khác trên một vùng sa mạc của Trung Quốc. Theo ước tính hiện tại số lượng các các đầu đạn nguyên tử của Trung Quốc là từ 200 đến 350; vẫn thấp hơn nhiều so với khoảng 4,000 đầu đạn nguyên tử được lưu trữ ở Hoa Kỳ và Nga. Tuy nhiên, rõ ràng là Bắc Kinh đang đầu tư các tài nguyên đáng kể để kho vũ khí hạt nhân của nước này có một bước nhảy vọt đáng kể về phẩm và về lượng, với khát vọng không thể phủ nhận là có một tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Trung Quốc đã là một cường quốc toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, và ngày càng trở nên một nhân tố quyết định tương lai thế giới; và giờ đây Tập Cận Bình đã quyết định đặt kho vũ khí hạt nhân của mình ngang hàng với hai cường quốc nguyên tử khác. Ngoài thực tế là việc phổ biến vũ khí hạt nhân không bao giờ có thể mang lại kết quả tích cực, thì hành động kích động mạnh mẽ của tác nhân thứ ba trong kịch bản đáng lo âu này này khiến cộng đồng quốc tế cần phải cấu hình lại hệ thống các hiệp ước nhằm kiểm soát và bảo đảm an ninh thế giới cho đến nay đã ngăn chặn sự hủy diệt hành tinh chúng ta.

Cần phải làm cho Trung Quốc thấy rằng việc chấp nhận và tham gia vào các cơ chế này là điều cần thiết bởi vì điều chắc chắn duy nhất mà chúng ta có về một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu là tất cả chúng ta sẽ là những kẻ thua cuộc.
Source:El Pais

4. Đức Hồng Y Nicaragua nói Giáo hội không thể bị bọn cầm quyền bắt nạt

Vị Hồng Y duy nhất của Nicaragua nói rằng hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công Giáo đã sẵn sàng đối mặt với cuộc đàn áp mà bọn cầm quyền có thể thực hiện nhằm chống lại các ngài, và rằng các ngài sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ dân chủ, mà không sợ hậu quả.

Khoảng 25 thủ lĩnh phe đối lập, bao gồm một số ứng cử viên tổng thống cho cuộc bầu cử quốc gia ngày 7 tháng 11, đã bị Tổng thống Daniel Ortega và phu nhân Phó Tổng thống Rosario Murillo bỏ tù trong tháng qua, buộc một số quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, bày tỏ quan ngại về tình trạng dân chủ của đất nước.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng giám mục Managua, thủ đô Nicaragua, cho biết hôm thứ Bảy rằng các linh mục và toàn thể Giáo Hội Công Giáo đã sẵn sàng đối mặt với “sự trả đũa” từ bọn cầm quyền.

Ngài nói: “Cứ việc trả đũa, và chúng tôi sẽ đối phó như những năm 1980”, tức là trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ortega, “khi xảy ra những tình huống rất khó khăn”. Ngài nhấn mạnh rằng: “Giáo hội không do con người lãnh đạo. Chúng tôi chỉ là những công cụ, Giáo hội được hoạt động và được củng cố bởi Chúa Thánh Thần. Chúng tôi tiếp tục hoàn thành sứ mệnh mà Chúa đã giao phó”.

Vị Hồng Y cũng nói rằng, bất chấp những cáo buộc của bọn cầm quyền độc tài, Giáo Hội Công Giáo không có ý định trở thành một thể chế chính trị ở Nicaragua. Ortega và Murillo đã nhiều lần cáo buộc hàng giáo phẩm địa phương đứng sau một loạt các cuộc biểu tình lớn bắt đầu từ tháng 4 năm 2018. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh, hàng nghìn người bị bỏ tù và vẫn còn bị giam giữ, và đang chờ ngày xét xử. Hàng chục ngàn người đã chạy trốn khỏi đất nước, bao gồm cả phụ tá của Đức Hồng Y Brenes, là Đức Cha Silvio Jose Baez.

“Chúng tôi không bao giờ muốn đảm nhận một vai trò chính trị tại bất cứ thời điểm nào, công việc của chúng tôi là rao giảng Tin Mừng, công việc của chúng tôi là công việc của tình yêu từ Chúa Kitô, Đấng đến để cho chúng ta có thể sống và sống dồi dào”, Đức Hồng Y Brenes nói với các phóng viên. “Giáo hội không có khả năng thù ghét, cả trong cử chỉ cũng như bằng lời nói; chúng ta cầu nguyện cho những người có thể chỉ trích chúng ta và quấy rối chúng ta, và điều này mang lại cho chúng ta sự bình an”.

Những lời của vị Hồng Y được đưa ra sau khi ngài cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Managua để đánh dấu một năm vụ tấn công đốt phá cây thánh giá bằng gỗ của nhà thờ. Bọn cầm quyền, thông qua một báo cáo của cảnh sát, tuyên bố rằng đó là một vụ tai nạn. Tuy nhiên, các nhân chứng có mặt tại chỗ đã làm chứng rằng một kẻ tấn công đã vào nhà thờ vào ngày 30 tháng 7 năm 2020, hét lên các khẩu hiệu ủng hộ bọn cầm quyền trước khi ném bom xăng vào bức ảnh.

“Chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng đây là một cuộc tấn công,” Đức Hồng Y Brenes nói.
Source:Crux