Chúa Nhật 5 tháng Chín Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 23 Mùa Quanh Năm. Bài Tin Mừng tường thuật cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu chữa cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng trong phụng vụ ngày hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chữa lành một người điếc không thể nói được. Điều nổi bật trong câu chuyện này là cách Chúa thực hiện dấu chỉ phi thường này. Ngài đưa người đàn ông bị điếc sang một bên, đặt ngón tay vào tai người ấy và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” nghĩa là, “Hãy mở ra!” (x. Mc 7: 33-34). Trong những sự chữa lành khác, đối với những bệnh tật nghiêm trọng như bại liệt hoặc phong cùi, Chúa Giêsu đã không làm nhiều điều như vậy. Vậy tại sao Ngài lại làm tất cả những điều này, mặc dù họ chỉ yêu cầu Ngài đặt tay lên người bệnh (xem c.32)? Có thể đó là vì tình trạng của người đó có một giá trị biểu tượng đặc biệt. Tình trạng điếc cũng là một biểu tượng có thể nói lên điều gì đó đối với tất cả chúng ta. Vậy biểu tượng này là gì? Thưa: Điếc. Người đàn ông đó không thể nói bởi vì anh ta không thể nghe thấy. Để chữa lành nguyên nhân gây ra bệnh tật của người ấy, Chúa Giêsu, trên thực tế, đặt những ngón tay của mình trước hết vào tai của người đàn ông, sau đó miệng của anh ta, nhưng trước hết là vào đôi tai của anh ta.

Tất cả chúng ta đều có tai, nhưng rất thường xuyên chúng ta không thể nghe thấy. Tại sao thế? Thưa anh chị em, có một chứng điếc nội tâm mà chúng ta có thể xin Chúa Giêsu chạm vào và chữa lành ngay hôm nay. Đó là điếc nội tâm, tệ hơn điếc thể chất, vì nó là chứng điếc lác của con tim. Vội vã bởi quá nhiều điều phải nói và làm, chúng ta không tìm thấy thời gian để dừng lại và lắng nghe những người muốn nói với chúng ta. Chúng ta có nguy cơ trở nên vô cảm trước mọi thứ và không còn chỗ cho những người cần được lắng nghe. Tôi đang nghĩ về trẻ em, thanh niên, người già, những người không thực sự cần những lời nói và các bài giảng, nhưng cần được lắng nghe. Chúng ta hãy tự hỏi: khả năng lắng nghe của tôi đang như thế nào đây? Tôi có để mình xúc động trước cuộc sống của người ta không? Tôi có biết dành thời gian cho những người thân thiết với tôi để lắng nghe họ không? Điều này liên quan đến tất cả chúng ta, nhưng đặc biệt là liên quan đến các linh mục. Linh mục phải biết lắng nghe mọi người, không nên vội vàng nhưng hãy lắng nghe và xem mình giúp được gì, sau khi đã lắng nghe. Và tất cả chúng ta: trước tiên hãy lắng nghe, sau đó phản ứng lại. Hãy nghĩ về cuộc sống gia đình: bao nhiêu lần chúng ta nói mà không lắng nghe trước, lặp đi lặp lại những điều giống nhau, luôn luôn là những điều giống nhau! Không có khả năng lắng nghe, chúng ta luôn nói những điều giống nhau, hoặc chúng ta không để người đối diện nói xong, đưa ra ý kiến ngay và chúng ta ngắt lời họ. Bắt đầu một cuộc đối thoại thường xảy ra không phải bằng lời nói mà là sự im lặng, đừng khăng khăng, nhưng kiên nhẫn bắt đầu lại để lắng nghe người khác, nghe về những cố gắng của họ và những gì họ mang trong lòng. Việc chữa lành trái tim phải bắt đầu bằng việc lắng nghe. Hãy lắng nghe. Đây là cách chinh phục trái tim. “Nhưng thưa Cha, có những người nhàm chán nói đi nói lại những điều giống nhau...” Hãy lắng nghe họ. Và sau đó, khi họ nói xong, anh chị em có thể nói, nhưng hãy lắng nghe mọi thứ.

Và điều này cũng đúng với Chúa. Thật tốt khi thân thưa với Ngài nhiều điều, nhưng tốt nhất là trước hết chúng ta nên lắng nghe Ngài. Chúa Giêsu yêu cầu điều này. Trong Phúc Âm, khi dân chúng hỏi Ngài điều răn thứ nhất là gì, Ngài trả lời: “Hỡi Israel, hãy nghe đây”. Rồi Người thêm vào điều răn thứ nhất: “Ngươi phải hết lòng yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi… và người lân cận như chính mình” (Mc 12, 28-31). Nhưng trước hết, “Hỡi Israel, hãy nghe đây”. Chúng ta có nhớ lắng nghe Chúa không? Chúng ta là những Kitô hữu, nhưng đôi khi với hàng ngàn lời nói chúng ta nghe hàng ngày, chúng ta không tìm thấy một giây phút nào để một vài lời Tin Mừng vang lên trong chúng ta. Chúa Giêsu là Lời: nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Ngài, thì Ngài sẽ đi qua. Thánh Augustinô nói, “Tôi sợ rằng Chúa Giêsu sẽ đi ngang qua tôi mà tôi không hay biết.” Và nỗi sợ hãi là để cho Ngài đi ngang qua mà không nghe thấy tiếng Ngài. Nhưng nếu dành thời gian cho Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm thấy bí quyết cho sức khỏe tâm linh của mình. Đây là liều thuốc: mỗi ngày im lặng một chút và lắng nghe, hãy bớt đi những lời vô ích và thêm nhiều Lời Chúa hơn. Luôn luôn có Phúc âm trong túi của anh chị em có thể giúp ích rất nhiều. Hôm nay, cũng như ngày chịu Phép Rửa, chúng ta nghe những lời của Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ephphatha, hãy mở ra!” Hãy mở đôi tai của anh chị em ra. Chúa ơi, con muốn mở lòng đón nhận Lời Chúa; Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con biết lắng nghe Chúa; Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành trái tim con đang đóng kín, xin chữa lành tim con khỏi những hấp tấp, xin chữa tim con khỏi tính nóng nảy.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã mở lòng để nghe Ngôi Lời đã trở thành nhục thể nơi Mẹ, giúp chúng ta mỗi ngày lắng nghe Con Mẹ trong Tin Mừng và với anh chị em của chúng ta với một trái tim ngoan ngoãn, một trái tim kiên nhẫn và chú tâm.

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Hôm qua, tại Catamarca, Á Căn Đình, Mamerto Esquiú, tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn và là Giám mục giáo phận Cordoba, đã được phong chân phước. Cuối cùng, cũng có một Chân phước người Á Căn Đình! Ngài là một người nhiệt thành công bố Lời Chúa trong việc xây dựng Giáo hội và xã hội dân sự. Xin gương của ngài giúp chúng ta luôn hiệp nhất cầu nguyện và làm việc tông đồ, và phục vụ hòa bình và tình huynh đệ. Chúng ta hãy cùng nhau hoan hô vị Chân phước mới!

Trong những thời điểm khó khăn khi chứng kiến những người Afghanistan tìm kiếm nơi ẩn náu, tôi cầu nguyện cho những người dễ bị tổn thương nhất trong số họ. Tôi cầu nguyện rằng nhiều quốc gia sẽ chào đón và bảo vệ những người đang tìm kiếm một cuộc sống mới. Tôi cũng cầu nguyện cho những người phải di dời trong nước, cầu mong họ có thể nhận được sự trợ giúp và sự bảo vệ cần thiết. Mong những người trẻ Afghanistan được giáo dục. Giáo dục là một điều tối cần thiết cho sự phát triển của con người. Và mong tất cả người Afghanistan, dù ở quê nhà, đang quá cảnh, hay ở các nước sở tại, có thể sống đàng hoàng, hòa bình và huynh đệ với những người láng giềng của họ.

Tôi xin cam đoan những lời cầu nguyện của tôi dành cho người dân Hoa Kỳ, những người đã bị ảnh hưởng bởi một cơn bão mạnh trong những ngày gần đây. Xin Chúa thương đón nhận linh hồn của những người đã khuất và nâng đỡ những người đang phải gánh chịu tai họa này.

Trong những ngày tới, Tết của người Do Thái, Rosh Hashanah, sẽ được tổ chức. Và sau đó là hai ngày lễ Yom Kippur và Sukkot. Tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp chân thành đến tất cả anh chị em theo Do Thái Giáo của chúng ta: cầu chúc Năm Mới dồi dào hoa trái bình an và tốt lành cho những ai trung thành tuân giữ lề luật của Chúa.

Chúa Nhật tới, tôi sẽ đến Budapest để kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Cuộc hành hương của tôi sẽ tiếp tục sau Thánh lễ với vài ngày ở Slovakia, và sẽ kết thúc vào thứ Tư tuần sau đó với lễ kỷ niệm rất lớn và nổi tiếng, là lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Đấng Bảo Trợ của đất nước đó. Đây sẽ là những ngày được đánh dấu bằng sự tôn thờ và cầu nguyện ở trung tâm của Âu Châu. Trong khi chào đón một cách trìu mến những người chuẩn bị cuộc hành trình này - tôi cảm ơn các bạn - và những người đang chờ đợi tôi và những người mà bản thân tôi hết lòng mong muốn được gặp, tôi xin mọi người đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện, và tôi giao phó những chuyến viếng thăm mà tôi sẽ thực hiện cho sự chuyển cầu của rất nhiều vị đã tuyên xưng đức tin một cách anh hùng, những người ở những nơi đó đã làm chứng cho Tin Mừng giữa sự thù địch và bắt bớ. Xin các ngài cũng giúp Âu Châu đưa ra các chứng tá hôm nay, không phải bằng lời nói mà trên hết bằng việc làm, với những việc làm của lòng thương xót và lòng hiếu khách, theo tin mừng của Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và cứu độ chúng ta. Cảm ơn các bạn!

Và bây giờ lời chào của tôi xin gửi đến anh chị em, những tín hữu Rôma thân yêu và những khách hành hương! Đặc biệt, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Hội Đạo Binh Đức Mẹ, đang kỷ niệm một trăm năm thành lập: Cầu xin Chúa ban phước lành cho anh chị em và cầu xin Đức Trinh Nữ bảo vệ anh chị em! Tôi chào các bạn trẻ của phong trào “Opera della Chiesa”, các trẻ em ở Faenza và các trẻ em ở Casatedolo đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức và Rước lễ lần đầu, cũng như các nhóm từ Arta Terme và các tín hữu Ba Lan và Lithuania cùng với các bạn của họ từ Abruzzo.

Hôm nay là lễ kính Thánh Teresa thành Calcutta, được mọi người gọi là Mẹ Teresa. Xin anh chị em một tràng pháo tay lớn! Tôi gửi lời chào đến tất cả các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái, đang làm việc trên khắp thế giới và thường xuyên cống hiến một sự phục vụ thật anh dũng. Tôi đang đặc biệt nghĩ đến các Nữ tu “Dono di Maria”, nhà dành cho người vô gia cư như món quà của Đức Maria, ở đây, ngay Vatican này.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office