Đức Hồng Y Eugene Tisserant là một thủ thư của Tòa Thánh biết hơn 10 ngôn ngữ. Ngài đã là cố vấn của nhiều vị giáo hoàng, và giữ các chức vụ quan trọng trong Giáo triều Rôma.

Sau một thời gian nghiên cứu, hôm 23 tháng 10, Yad Vashem, Trung tâm Tưởng niệm biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã, tuyên bố rằng Đức Hồng Y xứng đáng được ghi nhận là người công chính giữa các dân nước vì đã giúp nhiều người Do Thái thoát khỏi cuộc đàn áp ở Âu Châu. Trung tâm có trụ sở tại Giêrusalem đã tưởng nhớ vị Hồng Y và hai cộng sự viên của ngài là những “người công chính giữa các dân nước” trong một buổi lễ vào một ngày sau đó.

Yad Vashem được Israel thành lập với mục đích giáo dục về biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã, hàng triệu nạn nhân và thủ phạm của nó. Trung tâm đã công nhận khoảng 28,000 người từ hơn 50 quốc gia là những “người công chính giữa các dân nước”, những người không phải là người Do Thái đã cứu người Do Thái trong biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã bất chấp các rủi ro rất lớn đối với chính họ.

Đặc biệt, Yad Vashem kể lại vai trò của Đức Hồng Y Tisserant trong việc trợ giúp Miron Lerner, người được sinh ra từ những người nhập cư Do Thái ở Paris vào năm 1927 nhưng mồ côi vào năm 1937 cùng với em gái Rivka.

Năm 1941, hai anh em của họ đến Ý cùng với những người tị nạn Do Thái khác. Lerner tìm được sự giúp đỡ từ Cha Pierre-Marie Benoît và những người khác thuộc nhóm cứu người Do Thái. Vị linh mục và các cộng tác viên của ngài làm việc từ tu viện Phanxicô Capuchin trên đường Via Sicilia ở Rôma. Cha Benoît được ghi nhận là người đã giúp cứu khoảng 4,000 người Do Thái và được Yad Vashem vinh danh vào năm 1966.

Tuy nhiên, công việc của ngài đã bị lộ trong chiến tranh và ngài buộc phải chạy trốn khỏi Rôma, trong khi Lerner trú ẩn trong một tu viện. Sau khi một linh mục khác viết thư cho Đức Hồng Y Tisserant về hoàn cảnh của Lerner, vị Hồng Y đã gặp cậu bé Do Thái trẻ tuổi tại văn phòng của ngài bên ngoài Vatican.

Khi Lerner nói với Đức Hồng Y rằng cậu bé là người Do Thái, Đức Hồng Y trả lời: “Điều đó không liên quan. Ta có thể làm gì cho con?”

Đức Hồng Y Tisserant đã giúp cậu bé tìm nơi ẩn náu với François De Vial, một nhà ngoại giao Pháp tại Tòa thánh.

Sau đó, ngài đưa Lerner đến một tu viện nhỏ ở Vatican. Sau thời gian một tháng, đầu năm 1944, vị Hồng Y lại chuyển Lerner đến một tu viện gần Nhà thờ Thánh Louis của người Pháp ở Rôma. Cha André Bouquin, là bề trên của tu viện này, đã chứa chấp Lerner cho đến khi Rôma được giải phóng vào mùa hè năm 1944. Lerner đã có thể đoàn tụ với em gái của mình ở Paris.

Yad Vashem tuyên bố cả ông De Vial và Cha Bouquin là những “người công chính giữa các dân nước” cùng với Đức Hồng Y Tisserant. Nhưng sự anh hùng của vị Hồng Y đã cứu được nhiều người hơn thế.

Đức Hồng Y Tisserant được thụ phong linh mục tại Giáo phận Nancy, miền đông bắc nước Pháp, vào năm 1907 ở tuổi 23. Ngài học ở Giêrusalem và nhiều trường Pháp khác, thông thạo 11 thứ tiếng: không chỉ tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Anh mà còn cả tiếng Nga, Tiếng Do Thái, tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư, tiếng Syria, tiếng Assyria và tiếng Ethiopia.

Ngài phục vụ trong Quân đội Pháp hồi Thế chiến thứ nhất. Sau một thời gian phục vụ trong Thư viện Vatican với tư cách là trợ lý thư viện, và người quản lý, Đức Piô 11 đã bổ nhiệm ngài làm Thư ký Thánh bộ các Giáo Hội Đông phương.

Năm 1936, ở tuổi 52, ngài được Đức Hồng Y Eugenio Pacelli, lúc bấy giờ là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tấn phong giám mục. Sau này, Đức Hồng Y Eugenio Pacelli trở thành Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12. Cùng năm đó, Đức Piô 11 tấn phong Hồng Y cho ngài, và bổ nhiệm ngài làm chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, một vị trí mà ngài sẽ giữ trong hơn 30 năm.

Năm 1939, luật chủng tộc được ban hành ở Ý dẫn đến việc sa thải Guido Mendes, người đứng đầu một bệnh viện Do Thái ở Rôma. Để đáp lại, Đức Hồng Y Tisserant đã trao tặng cho Mendes một Huân chương Danh dự từ Bộ các Giáo Hội Đông phương, “rõ ràng là thách thức chính phủ,” Yad Vashem nói. Vị Hồng Y sau đó đã làm việc để bảo đảm giấy chứng nhận nhập cư cho Mendes và gia đình của ông được sang Hoa Kỳ.

Đức Hồng Y cũng đã tìm cách xin thị thực nhập cảnh của Brazil cho Giáo sĩ Do Thái Nathan Cassuto.

Ngài đã giúp nhà ngôn ngữ Do Thái và thẳng thắn chống phát xít Giorgio Levi Della Vida định cư tại Mỹ, nơi ông này đã trải qua chiến tranh thế chiến thứ hai với tư cách là giáo sư tại Đại học Pennsylvania.

Đức Hồng Y Tisserant tiếp tục phục vụ Giáo Hội một thời gian dài sau chiến tranh. Trong nhiều năm, ngài là một trong số ít người không phải là người Ý trong Giáo triều Rôma.

Từ năm 1957 đến năm 1971, Đức Hồng Y Tisserant là Thủ thư của Thư viện Vatican và Giám đốc Văn khố mật Vatican. Ngài đã được ghi nhận với việc hiện đại hóa các hoạt động thư viện ở đó.

Ngài được chọn là thành viên của Viện Hàn lâm Pháp năm 1961 và nhận bằng danh dự của nhiều trường đại học, bao gồm Đại học Princeton, Đại học Fordham, và Đại học Duquesne.

Đức Hồng Y Tisserant qua đời tại Rôma vào ngày 22 tháng 2 năm 1972, ở tuổi 87.
Source:Catholic News Agency