Sáng thứ Sáu 3 tháng 12, sinh hoạt đầu tiên của Đức Giáo Hoàng là chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia vào lúc 8:30. Sau đó, phái đoàn Tòa Thánh đã có cuộc gặp gỡ Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo tại nhà thờ chính tòa của Chính Thống Giáo ở Nicosia.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Kính thưa Đức Tổng Giám Mục,

Kính thưa các Giám mục của Thánh Công Đồng,


Tôi rất vui khi được đồng hành cùng anh em và tôi biết ơn sự chào đón thân tình của anh em. Cảm ơn Hiền Huynh thân yêu vì những lời tốt đẹp của huynh, vì sự cởi mở tâm hồn và cam kết thúc đẩy đối thoại giữa chúng ta. Tôi muốn gửi lời chào tới các linh mục và phó tế, cũng như các tín hữu của Giáo Hội Chính thống Síp, với một ý nghĩ đặc biệt dành cho các nam nữ tu sĩ, những người mà lời cầu nguyện của họ giúp thanh lọc và nâng cao đức tin của tất cả mọi người.

Ân sủng được ở đây nhắc nhở tôi rằng chúng ta có một nguồn gốc tông đồ chung: Thánh Phaolô đi qua Síp và tiếp tục đến Rôma. Vì vậy, chúng ta là những người thừa kế cùng một lòng nhiệt thành tông đồ, và có cùng một con đường duy nhất nối liền chúng ta, đó là Tin Mừng. Tôi muốn thấy chúng ta tiến trên cùng một con đường, tìm kiếm tình huynh đệ tuyệt vời hơn bao giờ hết và sự hiệp nhất trọn vẹn. Trong phần Đất Thánh Thiêng này, nơi lan tỏa ân sủng của những nơi linh thiêng trên khắp Địa Trung Hải, chúng ta tự nhiên nghĩ lại nhiều trang và nhiều nhân vật trong Kinh thánh. Trong số tất cả những người đó, tôi muốn đề cập một lần nữa đến Thánh Bácnaba, và muốn suy ngẫm về một số khía cạnh trong cuộc sống của ngài, là những điều có thể hướng dẫn chúng ta trên hành trình của mình.

“Các tông đồ đã đặt tên cho ông Giuse là Bácnaba” (Công vụ 4:36). Đây là những gì sách Tông Đồ Công Vụ nói với chúng ta. Chúng ta biết và tôn kính Bácnaba qua danh xưng này của ngài, một danh xưng mô tả thật khéo léo tính cách của ngài. Tên “Bácnaba” vừa có nghĩa là “con trai của sự an ủi” vừa là “con trai của sự khuyên bảo”. Thật phù hợp khi ngài kết hợp cả hai đặc điểm này, vốn là những đặc điểm không thể thiếu cho việc loan báo Tin Mừng. Sự an ủi đích thực không thể giữ riêng tư, nhưng phải được bày tỏ trong sự khuyến khích và hướng dẫn tự do hướng tới điều thiện. Đồng thời, tất cả những lời khích lệ trong đức tin nhất thiết phải được đặt trên nền tảng là sự hiện diện an ủi của Thiên Chúa, đi kèm với tình bác ái huynh đệ.

Bằng cách này, Bácnaba, con trai của niềm an ủi, khuyến khích chúng ta, những người anh em của ngài, hãy thực hiện cùng một sứ mệnh là đem Tin Mừng đến cho nhân loại; ngài yêu cầu chúng ta nhận ra rằng thông điệp không thể chỉ dựa trên những lời khuyến khích chung chung, hay việc khắc sâu các giới luật và quy tắc phải tuân theo, như thường lệ. Đúng hơn, nó phải đi theo con đường gặp gỡ cá nhân, chú ý đến các câu hỏi của mọi người, đến các nhu cầu hiện sinh của họ. Nếu chúng ta là người con của niềm an ủi, thì trước khi chúng ta nói một lời, chúng ta cần phải lắng nghe, phải để bản thân mình bị chất vấn, ngõ hầu khám phá những người khác, để chia sẻ. Bởi vì Tin Mừng không được truyền lại bằng cách truyền thông, nhưng bằng sự hiệp thông. Đó là điều mà những người Công Giáo chúng tôi muốn trải nghiệm trong vài năm tới, khi chúng tôi khám phá lại chiều kích đồng nghị cần thiết để trở thành Giáo hội. Trong điều này, chúng tôi cảm thấy cần phải sát cánh cùng anh em hơn nữa, những người anh em thân mến, kinh nghiệm của anh em về tính đồng nghị, có thể thực sự giúp chúng tôi. Cảm ơn sự hợp tác huynh đệ của anh em, thể hiện sâu xa hơn nữa trong việc tham gia tích cực vào Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo hội Chính thống.

Tôi chân thành hy vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ hơn, để hiểu nhau hơn, để loại bỏ những định kiến và để lắng nghe một cách ngoan ngoãn những kinh nghiệm đức tin của chúng ta. Điều này sẽ là một lời khuyến khích và động cơ để làm tốt hơn, và mang lại một hoa trái an ủi tinh thần. Tông đồ Phaolô, người mà chúng ta là dòng dõi, thường nói về sự an ủi, và thật vui khi nghĩ rằng Bácnaba, con trai của sự an ủi, là nguồn cảm hứng cho một số lời của ngài. Thật vậy, ở đầu Thư thứ hai gửi tín hữu Côrinhtô, thánh Phaolô thúc giục chúng ta an ủi nhau bằng chính niềm an ủi mà chúng ta đã được Thiên Chúa ủi an (x. 2Cr 1: 3-5). Theo ý nghĩa này, các anh em thân mến, tôi muốn bảo đảm với các anh em về lời cầu nguyện và sự gần gũi của chính tôi và của Giáo Hội Công Giáo, trong những vấn đề rắc rối nhất đang vây bủa anh em, và trong những hy vọng tốt nhất và táo bạo nhất đang thúc đẩy anh em. Nỗi buồn của anh em và niềm vui của anh em cũng là của chúng tôi; chúng tôi cảm nhận những điều ấy như của chính chúng tôi. Đồng thời, chúng tôi cảm thấy rất cần những lời cầu nguyện của anh em.

Và đây là khía cạnh thứ hai: Sách Tông Đồ Công Vụ cũng trình bày Thánh Bácnaba là “người Lêvi, người gốc Síp” (4:32). Bản văn không thêm chi tiết nào khác, về ngoại hình hay con người của ngài, nhưng ngay lập tức cho chúng ta thấy Bácnaba là người như thế nào qua một trong những hành động của ngài: “ông bán một cánh đồng thuộc về ông, sau đó mang tiền và đặt nó ở chân các Tông đồ” (câu 37). Cử chỉ tuyệt vời này gợi ý rằng, để được hồi sinh trong sự hiệp thông và sứ mệnh, chúng ta cũng cần phải có can đảm từ bỏ tất cả những gì thuộc về trần thế, dù quý giá đến đâu, để ủng hộ sự viên mãn của sự hiệp nhất. Một cách thẳng thắn, tôi không có ý nói về điều gì là thiêng liêng và giúp chúng ta gặp gỡ Chúa, nhưng tôi muốn đề cập đến nguy cơ tuyệt đối hóa một số phong tục và thói quen thật ra không đòi hỏi phải có sự thống nhất và đồng ý của tất cả mọi người. Chúng ta đừng trở nên tê liệt vì sợ hãi trước sự cởi mở hoặc những cử chỉ táo bạo, hoặc nhượng bộ khi nói về “sự khác biệt không thể hòa giải” mà thực tế không liên quan gì đến Tin Mừng! Chúng ta đừng cho phép “truyền thống”, ở dạng số nhiều và với một chữ “t” viết thường, lại có thể chiếm ưu thế hơn so với “Truyền thống”, ở dạng số ít với một chữ “T” viết hoa. Truyền thống đó đánh cược chúng ta hãy dám bắt chước Bácnaba và bỏ lại đằng sau mọi thứ, dù tốt đến đâu, nhưng có thể làm tổn hại đến sự hiệp thông trọn vẹn, đến tính ưu việt của lòng bác ái và nhu cầu hiệp nhất.

Đặt tất cả những gì mình có dưới chân các Tông đồ, Bácnaba đi vào lòng họ. Chúa cũng yêu cầu chúng ta nhận ra rằng chúng ta là chi thể của cùng một thân thể và phải cúi mình, ngay cả dưới chân của anh em chúng ta. Chắc chắn, ở những nơi liên quan đến mối quan hệ của chúng ta, lịch sử đã khoét sâu những khoảng cách giữa chúng ta, nhưng Chúa Thánh Thần mong muốn rằng với sự khiêm nhường và tôn trọng, chúng ta một lần nữa đến gần nhau hơn. Ngài mời gọi chúng ta đừng cam chịu trước những chia rẽ trong quá khứ và hãy cùng nhau vun vén cánh đồng vương quốc bằng sự kiên nhẫn, kiên trì và những cử chỉ cụ thể. Vì nếu chúng ta gạt bỏ những khái niệm trừu tượng để quay sang hợp tác với nhau, chẳng hạn trong các công việc bác ái, giáo dục và thăng tiến phẩm giá con người, chúng ta sẽ khám phá lại tình huynh đệ của chúng ta, và sự hiệp thông sẽ tự trưởng thành trước sự ngợi khen của Thiên Chúa. Mỗi người sẽ duy trì phong tục và bản sắc riêng của mình, nhưng theo thời gian, những nỗ lực chung của chúng ta sẽ gia tăng sự hòa hợp và đơm hoa kết trái. Cũng như những vùng đất Địa Trung Hải xinh đẹp này được tô điểm bởi sức lao động kiên nhẫn và đáng kính trọng của con người, thì với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và sự kiên trì khiêm tốn, chúng ta cũng có thể vun trồng sự hiệp thông tông đồ của mình!

Một kết quả tốt, chẳng hạn, là tất cả những gì đã diễn ra ở đây ở Síp tại Nhà thờ Panaghia Chryssopolitissa, “Đức Mẹ của Thành phố Vàng”, ngày nay là nơi thờ phượng của các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, được nhiều người yêu mến và thường xuyên được chọn làm nơi cử hành bí tích hôn phối. Vì thế, đó là dấu chỉ của sự hiệp thông trong đức tin và sự sống dưới cái nhìn của Thánh Mẫu Thiên Chúa, Đấng quy tụ con cái của mình lại với nhau. Trong khu phức hợp đó cũng có một cột đá, nơi theo truyền thống, Thánh Phaolô đã phải nhận ba mươi roi vì đã tuyên bố đức tin ở Paphos. Truyền giáo, giống như sự hiệp thông, luôn luôn phải trải qua những hy sinh và thử thách.

Và đây là khía cạnh thứ ba mà tôi sẽ rút ra từ hình ảnh của Thánh Bácnaba: Chính một thử thách như vậy đã gắn liền với sự truyền bá Phúc Âm ban đầu ở vùng đất này. Khi trở về Síp cùng với Phaolô và Máccô, Bácnaba thấy Elymas, “một nhà ảo thuật và tiên tri giả” (Công vụ 13: 6), người đã chống lại các ngài một cách đầy ác ý, đang tìm cách làm cho con đường thẳng của Chúa bị ngoằn ngoèo (xem câu 8, 10). Ngày nay cũng vậy, không thiếu sự giả dối và lừa lọc mà quá khứ có thể đặt ra trước mắt để cản trở hành trình của chúng ta. Nhiều thế kỷ chia rẽ và xa cách đã khiến chúng ta, dù không tự nguyện, đã xem nhau là thù địch và đầy thành kiến với nhau, với những định kiến thường dựa trên thông tin khan hiếm và xuyên tạc, và được lan truyền bởi một nền văn học hung hăng và luận chiến. Điều này cũng bẻ cong con đường của Thiên Chúa, vốn thẳng tắp và hướng đến sự hòa hợp và hợp nhất. Anh em thân mến, sự thánh khiết của Bácnaba cũng là một điều hùng hồn cho chúng ta! Đã bao nhiêu lần trong lịch sử, Kitô Hữu chúng ta quan tâm đến việc chống lại người khác hơn là chấp nhận con đường của Thiên Chúa một cách hòa hợp, dẫn đến việc giải quyết những bất đồng trong đức ái! Đã bao lần chúng ta phóng đại và gieo rắc những thành kiến về người khác hơn là làm theo lời khuyên nhủ của Chúa, là điều thường được nhắc lại trong Tin Mừng theo Thánh Máccô, là người đã đồng hành với Bácnaba trên đảo này, đó là hãy để mình nhỏ bé và phục vụ nhau (x. Mc 9: 35; 10: 43-44).

Thưa Đức Tổng Giám Mục, hôm nay, trong cuộc đối thoại của chúng ta, tôi đã xúc động khi hiền huynh nói về Giáo hội với tư cách là Mẹ. Giáo hội của chúng ta là một người mẹ, và một người mẹ luôn quy tụ con cái mình bằng tình yêu thương dịu dàng. Chúng ta đặt niềm tin vào Hội Thánh Mẹ này, nơi quy tụ tất cả chúng ta, và với lòng kiên nhẫn, tình yêu dịu dàng và lòng can đảm, chúng ta tiến bước trên con đường của Chúa. Tuy nhiên, để cảm nhận được tình mẫu tử của Giáo hội, tất cả chúng ta phải đến đó, nơi Giáo hội là một người mẹ. Tất cả chúng ta, với sự khác biệt của mình, nhưng tất cả đều là những người con của Giáo hội Mẹ. Cảm ơn hiền huynh về những suy tư mà hiền huynh đã chia sẻ với tôi ngày hôm nay.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan và can đảm để đi theo đường lối của Ngài, chứ không phải của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin điều này qua sự chuyển cầu của các thánh Tông đồ. Ông Leontios Machairas, một nhà biên niên sử thế kỷ 15, đã định nghĩa Síp là một “Đảo Thánh” vì có rất nhiều các vị tử đạo và các thánh hiển tu mà những vùng đất này đã chứng kiến qua nhiều thế kỷ. Ngoài những người được biết đến và tôn kính, như Bácnaba, Phaolô và Máccô, Epiphanius, Barbara và Spyridon, còn có rất nhiều người khác: vô số các bậc thánh, những người hợp nhất trong một Giáo hội trên trời - Giáo hội Mẹ - thúc giục chúng ta cùng ra khơi hướng tới bến cảng mà tất cả chúng ta đều khao khát. Síp, vốn đã là một cầu nối giữa Đông và Tây, từ trên cao, các ngài khuyến khích chúng ta hãy làm từ Síp này, một cầu nối giữa trời và đất. Cầu xin cho được như thế, để ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, vì lợi ích của chúng ta và lợi ích của tất cả mọi người. Cảm ơn anh em.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana