1. Linh mục Chính Thống Giáo Hy Lạp la ó phản đối Đức Thánh Cha
Như chúng tôi đã tường trình, sáng thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển. Sau lễ nghi tiếp đón chính thức tại dinh tổng thống, lúc 4g chiều, Đức Thánh Cha đã thăm xã giao Đức Tổng Giám Mục Ieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo.
Khi ngài bước vào cổng Tòa Giám Mục, một linh mục Chính thống giáo Hy Lạp lớn tuổi đứng trong số những người tụ tập bên đường, đã hét lên, “Giáo hoàng, ngài là một kẻ dị giáo”. Ông ta la 3 lần như vậy trước khi bị cảnh sát bắt đi.
Đoạn video cho thấy người đàn ông mặc áo choàng đen, đội mũ đen và có bộ râu dài màu trắng, hét lên những lời phản đối bằng tiếng Hy Lạp bên ngoài tòa nhà trước khi bị hai nữ cảnh sát xốc nách kéo ra xa hơn. Ông ta đã cố ngã nhào xuống đất nhưng hai nữ cảnh sát vẫn quyết liệt lôi đi.
Đức Thánh Cha Phanxicô dường như không để ý, hay không hay biết về những gì đang xảy ra khi ngài bước vào Tòa Giám Mục để có cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Chính thống giáo.
Chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô đến Hy Lạp diễn ra 20 năm sau khi Thánh Gioan Phaolô II thực hiện chuyến thăm đầu tiên như vậy đến Hy Lạp kể từ thời Đại Ly Giáo vào năm 1054.
Vị Thánh Giáo Hoàng đã sử dụng dịp này để cầu xin sự tha thứ cho những tội lỗi mà một số người Công Giáo chống lại Chính thống giáo đã phạm phải trong nhiều thế kỷ. Đức Phanxicô đã lặp lại lời xin lỗi đó vào hôm thứ Bảy trước Đức Tổng Giám Mục Ieronymos và các giám mục Chính thống giáo khác.
Ngài nói rằng nhiều người Công Giáo “đã có những hành động và quyết định liên quan rất ít hoặc chẳng liên quan gì đến Chúa Giêsu và Tin Mừng, nhưng thay vào đó lại được đánh dấu bằng sự khao khát lợi thế và quyền lực, những quyết định như thế đã làm suy yếu nghiêm trọng sự hiệp thông của chúng ta”.
Trong cuộc gặp gỡ này Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo của Athens nói rằng “chuyến viếng thăm này của ngài đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi”.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám Mục Ieronymos đề cập đến đại dịch, môi trường và nhập cư, hoan nghênh sự nhạy cảm của Đức Giáo Hoàng đối với vấn đề này, nhưng cũng nói rằng làn sóng di dân nên dừng lại và đề cập đến việc vũ khí hóa người tị nạn của các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ.
Ieronymos cũng đề cập đến lễ kỷ niệm 200 năm Chiến tranh giành độc lập của Hy Lạp, và nói rằng các vị Giáo hoàng thời đó đã giữ khoảng cách với cuộc đấu tranh giành tự do của người Hy Lạp. Đức Tổng Giám Mục Ieronymos nói: “Tôi không muốn làm bạn khó xử, nhưng tôi tin rằng trong số những người muốn được gọi là anh chị em trong Chúa Kitô, ngôn ngữ tốt nhất là sự trung thực.”
Sau bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám Mục Ieronymos đã trao tặng Đức Phanxicô một bức ảnh của Thánh Phaolô làm bằng bạc.
Tuy có những khó khăn nhất định nhưng nhìn chung, thái độ khiêm nhường của Đức Thánh Cha Phanxicô đã chiếm trọn cảm tình của các vị Chính Thống Giáo tại Athens.
Source:Greek Reporter
2. Israel cho biết chích 3 liều vẫn nhiễm Omicron
Tờ Jerusalem Post số ra hôm thứ Bẩy 4 tháng 12 cho biết đến nay Israel có 34 trường hợp nhiễm coronavirus bị nghi ngờ là có liên quan đến Omicron. 7 trường hợp đã được xác nhận một cách dứt khoát là liên quan đến Omicron. 27 trường hợp còn lại vẫn còn trong vòng điều tra.
Sáng thứ Sáu Bộ Y tế cho biết 7 trường hợp liên quan đến biến thể Omicron phần lớn là những người chưa được tiêm chủng.
Cụ thể, Bộ cho biết, 4 người hoàn toàn chưa được tiêm phòng lần nào và 3 người đã được tiêm phòng - 2 người đã tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer và 1 người đã tiêm 2 mũi AstraZeneca. Việc 2 người đã tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer mà vẫn nhiễm biến thể Omicron khiến Israel hết sức lo lắng.
Trong số 7 người được xác nhận nhiễm micron, tất cả đều từ nước ngoài trở về: 5 người từ Nam Phi, 1 người từ Anh và 1 người từ Malawi.
Ngoài những người được xác nhận nhiễm bệnh, có thêm 27 trường hợp rất đáng ngờ. Những người này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID nhưng mẫu PCR của họ vẫn đang được sàng lọc di truyền để xác định xem có phải là nhiễm Omicron hay không.
Trong số 27 trường hợp đáng ngờ, 22 người chưa hề được tiêm chủng hoặc đã qua thời gian 6 tháng phục hồi sau khi nhiễm coronavirus. Trong số 27 trường hợp, chỉ có tám trường hợp ở nước ngoài gần đây. 19 trường hợp còn lại đã nhiễm biến thể này ở Israel.
Những người này cảm thấy thế nào?
Trong số 34 bệnh nhân, 26 người chưa được tiêm chủng hoặc đã qua thời gian 6 tháng phục hồi. Trong số 26 người này, 10 người có triệu chứng và 16 người không có triệu chứng nào hết.
Trong số 8 người được tiêm chủng, một người có triệu chứng và bảy người không có bất cứ triệu chứng nào đáng kể.
Các chuyên gia y tế của Israel nói họ đang bắt đầu hiểu rõ hơn về Omicron và có vẻ như dựa trên dữ liệu ban đầu rằng biến thể này không gây ra bệnh nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó, mặc dù nó có vẻ lây lan nhanh hơn. Đồng thời, các vắc-xin tuy không bảo vệ hoàn toàn chúng ta khỏi nhiễm Omicron, nhưng nó đang ngăn chặn bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào.
Thủ tướng Naftali Bennett đã đăng trên trang Facebook của mình về biến thể Omicron vào hôm thứ Sáu, bảo vệ quyết định cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Israel trong hai tuần nữa cho đến khi có nhiều thông tin hơn về khả năng hoạt động của vắc-xin.
Bennett nói: “Khi có sự chắc chắn và kiến thức… chúng tôi sẽ hành động theo đó. Trong trường hợp của Omicron, khi không có câu trả lời rằng vắc-xin rất hiệu quả để chống lại nó, tôi không có ý định chấp nhận rủi ro”.
Với quyết định này của ông Bennett, mọi hy vọng về một lễ Giáng Sinh khởi sắc tại Bethlehem trong năm nay đã tan thành mây khói.
Source:Jerusalem Post
3. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit
Văn phòng Báo chí Tòa Thánh công bố ngày 2 tháng 12 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris. Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier đã được bổ nhiệm làm Giám quản tông tòa của tổng giáo phận.
Vào ngày 25 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Paris đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng xác định xem ngài có nên từ chức hay không. Việc công bố vào ngày 22 tháng 11 một bài báo trên tờ Le Point hàng tuần đã đặt vấn đề về khả năng quản trị của ngài. Bài báo đã dùng những từ ngữ như sự “tàn bạo” trong quan hệ với người khác, và “chủ nghĩa độc đoán” trong cách quản lý của ngài.
Bài báo cũng cho rằng tổng giám mục đã có quan hệ tình cảm với một phụ nữ vào năm 2012.
Phản ứng về ấn phẩm này, Đức Tổng Giám Mục Aupetit, nói trên Đài Notre Dame rằng ngài đã bị sốc.
“Tôi tự hỏi phải chăng thực sự có quá nhiều người muốn tôi ra đi”. Tuy nhiên, ngài thừa nhận “đã xử lý một số tình huống nóng nảy với một vài người.”
Đức Tổng Giám Mục Paris đã trao quyết định về tương lai của ngài cho Đức Giáo Hoàng sau khi tham khảo ý kiến của Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục ở Rôma, và là Sứ thần Tòa thánh tại Paris: “Tôi đã làm điều đó để bảo tồn giáo phận, vì với tư cách là một giám mục. Tôi phải phục vụ sự hiệp nhất. Không phải vì những gì tôi nên làm hay không nên làm trong quá khứ - nếu không thì tôi đã bỏ đi từ lâu - mà là để tránh chia rẽ, nếu chính tôi là nguồn gốc của sự chia rẽ.”
Tình huống này với Đức Tổng Giám Mục Paris xảy ra sau báo cáo của Pháp về lạm dụng tình dục trong Giáo hội.
Việc chấp nhận đơn từ chức của ngài đã được công bố trong bản tin chính thức của Tòa thánh trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang bay đến Síp.
Đức Cha Aupetit đã phản ứng với quyết định này trong một tuyên bố. Ngài nói rằng ngài “vô cùng lo lắng vì các cuộc tấn công” chống lại ngài và nói rằng ngài đang cầu nguyện “cho những người có thể đã mong muốn hãm hại ngài.”
“Tôi cũng cầu xin sự tha thứ cho những người mà tôi có thể đã làm tổn thương”.
Trong bài phát biểu cách đây vài ngày với Đài Notre Dame, Đức Tổng Giám Mục phủ nhận có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ. Ngài thừa nhận rằng khi chưa là một Giám Mục, một người phụ nữ đã tiếp xúc “nhiều lần qua các cuộc thăm viếng, thư từ, v.v., đến mức đôi khi tôi phải thực hiện các bước để tạo khoảng cách giữa chúng tôi.” Ngài nói rằng “hành vi của ngài đối với cô ấy có thể không rõ ràng, do đó ngụ ý rằng giữa chúng tôi tồn tại một mối quan hệ thân mật và quan hệ tình dục, là điều mà tôi mạnh mẽ bác bỏ. Tôi quyết định không gặp lại cô ấy nữa và tôi đã thông báo cho cô ấy biết điều này”.
Về vấn đề quản trị của mình, ngài nói trong cuộc phỏng vấn ngắn rằng “Tất nhiên, việc đưa ra quyết định tạo ra sự thất vọng và cay đắng là điều bình thường, nhưng tôi không bao giờ thực hiện chúng một mình”. Đức Tổng Giám Mục cho biết các quyết định của ngài luôn có sự tham gia của nhiều hội đồng bao gồm cả giáo dân.
Ngày 7 tháng 12 năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Aupetit được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục thủ đô nước Pháp. Kể từ tháng 12 năm 2018, ngài cũng là thành viên của Bộ Giám mục và thường xuyên đến Rôma để tham gia vào quá trình tuyển chọn các giám mục tương lai. Ngài cũng được bổ nhiệm làm thành viên của Thánh bộ Giáo hội Phương Đông vào tháng 8 năm 2019.
Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier sẽ làm Giám Quản Tông Tòa sede vacante et ad nutum Sanctæ, nghĩa là tạm thời phụ trách chờ lệnh của Tòa Thánh, cho đến khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm một tổng giám mục mới của Paris.
Vị tổng giám mục 78 tuổi của Marseille cũng là cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp trong thời gian từ 2013 đến 2019 được bổ nhiệm làm giám quản tông tòa của Avignon vào tháng Giêng năm 2021 để bảo đảm quá trình chuyển tiếp sau khi Đức Tổng Giám Mục Jean-Pierre Cattenoz từ chức.
Source:Aleteia
4. Đức Tổng Giám Mục Paris từ chức có thể báo hiệu sự thay đổi của Vatican
Hôm thứ Năm, Vatican thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Paris, Michel Aupetit, sau khi truyền thông Pháp cáo buộc Đức Đức Tổng Giám Mục có quan hệ tình cảm với một phụ nữ hơn một thập kỷ trước.
Quyết định của Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Aupetit có thể báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong đường lối của Vatican đối với các cáo buộc về các hành vi sai trái của các giám mục, nhưng các tuyên bố của chính Đức Tổng Giám Mục cho thấy quyết định này có thể liên quan đến việc điều hành tổng giáo phận của ngài.
Bài báo xem ra đã khiến Đức Tổng Giám Mục Aupetit phải ra đi đã được xuất bản tuần trước bởi tạp chí Le Point của Pháp. Nó cáo buộc rằng linh mục Aupetit đã có một mối quan hệ “thân mật” với một phụ nữ vào năm 2012, khi ngài còn là linh mục và tổng đại diện của tổng giáo phận.
Le Point trích dẫn một số nguồn ẩn danh tuyên bố đã nhìn thấy một email năm 2012 của Cha Aupetit gửi cho người phụ nữ nhưng dường như được gửi nhầm cho thư ký của ngài.
Đức Tổng Giám Mục đã phủ nhận không có một email nào như thế cả và phủ nhận có quan hệ tình dục với người phụ nữ mà đến nay vẫn chưa ai biết tên là gì.
Đức Tổng Giám Mục cho biết vào tuần trước rằng mối quan hệ này “không rõ ràng” và có thể bị hiểu nhầm, và ngài đã không gặp người phụ nữ này nữa.
“Những người biết tôi vào thời điểm đó và những người chia sẻ cuộc sống hàng ngày của tôi chắc chắn sẽ nói rằng tôi không sống cuộc sống hai mặt, như bài báo gợi ý,” vị tổng giám mục nói với đài phát thanh Công Giáo Pháp Notre Dame.
Phát biểu ngay sau khi bài báo được xuất bản, Đức Cha Aupetit đã tố cáo bài báo là một cuộc tấn công “thâm độc” nhắm vào ngài. Đức Tổng Giám Mục xác nhận rằng ngài đã tham khảo ý kiến của Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục Vatican, về tình hình và đã để lại quyết định về tương lai của mình cho Đức Thánh Cha Phanxicô, đồng thời nhấn mạnh rằng ngài đã không sử dụng từ ngữ “từ chức” trong thư viết cho Đức Giáo Hoàng.
Các phương tiện truyền thông đã đưa tin rộng rãi về quyết định của Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Aupetit đối với báo cáo về mối quan hệ nào đó với người phụ nữ giấu tên, mặc dù Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng điều đó chưa bao giờ xảy ra.
Nếu quyết định được đưa ra bởi Đức Thánh Cha Phanxicô là nhằm đáp lại mối quan hệ bị cáo buộc năm 2012, nó sẽ báo hiệu một sự thay đổi trong sự khoan dung của Đức Giáo Hoàng đối với các hành vi sai trái của các giám mục. Các giám mục ở Pháp, Đức và Hoa Kỳ đều đã bị Đức Giáo Hoàng ngưng chức trong những năm gần đây sau những vụ bê bối liên quan đến việc xử lý lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.
Quyết định của Đức Giáo Hoàng cũng có thể gợi ý rằng việc xác định sự không phù hợp của Đức Cha Aupetit đối với chức vụ dựa trên công luận, thay vì bất kỳ hành vi sai trái thực tế nào: Đức Tổng Giám Mục đã nói công khai rằng vào năm 2012, ngài đã thông báo cho người tiền nhiệm là Đức Hồng Y Andre Vingt-Trois, lúc đó là Tổng Giám Mục Paris, về mối quan hệ với người phụ nữ.
Đức Hồng Y Vingt-Trois đã yêu cầu Cha Aupetit tiếp tục đảm nhiệm cương vị tổng đại diện của tổng giáo phận và vào năm 2013, ngài được thăng chức lên làm Giám Mục Phụ Tá. Đức Cha Aupetit cuối cùng đã kế nhiệm Đức Hồng Y Vingt-Trois làm tổng giám mục vào năm 2018.
Thông lệ, Bộ Giám mục luôn xem xét kỹ lưỡng hồ sơ nhân sự của các ứng viên cho chức vụ Giám mục với sự tham khảo ý kiến của Sứ thần Tòa thánh và Giám mục địa phương.
Không thể có chuyện Đức Hồng Y Vingt-Trois cố tình không thông báo cho Rôma về tình hình này, vì cả Sứ thần Tòa Thánh và Tòa thánh đều đã biết về mối quan hệ của Auptit với người phụ nữ này ngay từ năm 2013, và dường như không coi đó là trở ngại cho việc thăng chức của ngài để lãnh đạo một trong những vị trí nổi bật nhất, và dễ nhìn thấy nhất ở Âu Châu.
Bản thân Đức Cha Aupetit cũng đã xác nhận sự kiện này, và cuối tuần qua ngài đã nói rằng ngài đã thông báo với cấp trên của Giáo hội về mối quan hệ vào thời điểm đó.
Vị tổng giám mục cũng cho biết lời đề nghị để Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định tương lai của mình không phải là một phản ứng trực tiếp đối với “những gì tôi đã làm hay không trong quá khứ - nếu không thì tôi đã ra đi từ lâu”.
Thay vào đó, Đức Cha Aupetit cho biết mối quan tâm của ngài là “tránh sự chia rẽ” trong tổng giáo phận. Quyết định chấp nhận đơn từ chức của ngài có thể liên quan đến những lời chỉ trích về khả năng lãnh đạo của ngài đối với tổng giáo phận.
Bài báo của Le Point cũng trích dẫn các nguồn ẩn danh chỉ trích cách điều hành giáo phận của Đức Tổng Giám Mục, cho rằng ngài là người chuyên quyền và độc tài. Các nguồn ẩn danh chỉ ra rằng Đức Tổng Giám Mục Aupetit đã loại bỏ nhiều linh mục khỏi các nhiệm vụ mục vụ khác nhau, và một số quan chức giáo quyền đã từ chức để phản đối ngài.
Đức Tổng Giám Mục cho biết vào cuối tuần qua rằng ngài đã nhận được tin nhắn ủng hộ từ các linh mục và giáo dân của tổng giáo phận sau bài báo của Le Point và trước quyết định của Đức Giáo Hoàng.
Trong một tuyên bố đáp lại thông báo của Vatican hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài đã “rất bối rối trước những cuộc tấn công mà tôi phải chịu.”
“Chúa đã ban cho, Chúa đã lấy đi”, Đức Tổng Giám Mục nói trong một tuyên bố video, “Chúc tụng danh Chúa.”
“Tôi cầu xin sự tha thứ từ những người mà tôi có thể đã làm tổn thương và tôi bảo đảm với các bạn về tình bạn sâu sắc và lời cầu nguyện của tôi.”
Tòa thánh Vatican cũng thông báo rằng Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier, Tổng Giám Mục hiệu tòa của Tổng giáo phận Marseille, đã được bổ nhiệm tạm thời lãnh đạo tổng giáo phận thủ đô.
Source:Pillar Catholic