I.Cuộc Đời và Sự Nghiệp

Hồng Y

Ngày 16 tháng 9 năm 1991, tuần báo quốc tế Time đưa tin: “Hồng Y Henri de Lubac, một trong những nhà thần học hàng đầu trong số các tu sĩ Dòng Tên Pháp, đã qua đời ở tuổi 95 tại Paris. De Lubac bị cấm giảng dạy từ năm 1946 đến năm 1954 sau khi xuất bản cuốn Surnaturel [Siêu Nhiên]của ngài (1). Được phục hồi vào năm 1958, ngài tham dự Công đồng [Vatican II] theo yêu cầu của Đức Gioan XXIII. Mối liên hệ của ngài với Rôma sau đó còn trở nên mạnh mẽ hơn dưới triều đại của Đức Gioan Phaolô II, người, trong chuyến thăm Paris năm 1980, đã cắt ngang bài phát biểu đang đọc khi nhìn thấy vị linh mục, và nói: “Tôi cúi đầu chào Cha de Lubac”.



Năm 1983, Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm nhà thần học, lúc đó tám mươi bảy tuổi, làm Hồng Y để công nhận các phục vụ của ngài trong lĩnh vực thần học. Vinh dự này, vinh dự mà Henri de Lubac dành cho toàn thể Dòng Tên nói chung, là bước cuối cùng trong việc phục hồi một người trong một thời gian từng bị nghi ngờ, ngay trong Giáo hội, đã làm suy giảm đức tin chân chính bằng đủ loại “đổi mới” Và là người từ năm 1950 đến năm 1958, đã bị sa thải khỏi chức vụ giảng dạy của mình vì những nghi ngờ như vậy và bị cấm xuất bản các sách học thuật về thần học.

Henri de Lubac và Karol Wojtyla, người sau này trở thành Giáo hoàng, đã quen biết từ những ngày của Công đồng Vatican II và rất quý trọng nhau. Họ đã cùng nhau thực hiện “Lược đồ 13” mà cuối cùng được gọi là Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, Gaudium et spes (Niềm vui và Hy vọng) (2). Thậm chí, hơn cả việc cộng tác trực tiếp của ngài vào các bản văn Công đồng, de Lubac còn ảnh hưởng đến Công đồng qua các nghiên cứu thần học đồ sộ mà ngài đã xuất bản trong những năm dẫn đến Công đồng, qua đó ngài đã góp phần vào việc đổi mới thần học dựa trên các nguồn, tức Sách Thánh và các trước tác của các Giáo phụ. Công việc sơ bộ nhưng chủ yếu cho cả Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Lumen gentium, và Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, là những tài liệu thần học quan trọng nhất của Công đồng, đã được thực hiện trong các tác phẩm của Henri de Lubac.

Về phần mình, trong các cuộc gặp gỡ với vị Tổng giám mục uyên bác của Krakow, Henri de Lubac thừa nhận rằng ngài đang xử lý với một cá nhân phi thường. Hai người trở thành bạn và thư từ qua lại. De Lubac đã viết lời tựa cho bản dịch tiếng Pháp cuốn sách Tình yêu và Trách nhiệm của Wojtyla, trong khi Wojtyla ủy nhiệm bản dịch tiếng Ba Lan cuốn tiểu luận của de Lubac, Églises particulières et Église universelle [Các Giáo hội Đặc thù và Giáo Hội Hoàn vũ]. Năm 1970 và 1971, Wojtyla mời de Lubac đến Ba Lan. Chỉ có căn bệnh của de Lubac khiến ngải không thể thực hiện kế hoạch du lịch của mình. De Lubac nhớ lại rằng trong những cuộc trò chuyện quen thuộc, ngài đã nhiều lần khẳng định: “Sau Đức Phaolô VI, Wojtyla là ứng viên của tôi”.

“Thiên tài về tình bạn”

Bất cứ ai đảm nhiệm việc phác thảo tiểu sử của Henri de Lubac, ngay từ đầu, hẳn phải tham khảo cuốn Mémoire sur l’occasion de mes écrits (Hồi ký về dịp các trước tác của tôi) (3), mà cuối cùng ngài đã cho xuất bản vào năm 1989 trong những năm hoàng hôn của cuộc đời mình; “bản ghi nhớ” này thực sự là một bản tường trình mà ngài đã tự soạn trong nhiều giai đoạn liên quan đến hoàn cảnh trong đó các bài viết của ngài đã bắt nguồn. Cuốn sách này sẽ luôn là nguồn có thẩm quyền cho bất cứ nghiên cứu đào sâu nào về con người và công trình của Henri de Lubac. Trong những năm từ 1956 đến 1957, de Lubac đã ghi chép về hai mươi năm đầu tiên của cuộc đời mình, nhưng ngài đã không xuất bản chúng (4). Trong khi đó, một loạt đầu tiên các hồi ký này đã được biên soạn từ những di tích văn học của ngài, được chú thích rộng rãi, và được xuất bản bởi Georges Chantraine. De Lubac cũng ghi lại nhiều hồi ký về những năm Thế Chiến hai và sự chiếm đóng của Đức trên đất Pháp và xuất bản chúng bằng tiếng Pháp vào năm 1988 (5).

De Lubac luôn cố gắng giữ kín cuộc sống cá nhân của mình. Điều này đúng với cả các trước tác của ngài lẫn những cuốn hồi ký tự truyện của ngài. Ngài không bao giờ nghĩ về thần học của mình như là độc đáo. Một trong những điều trớ trêu trong lịch sử thần học là ngài, giữa mọi người, nên được các đối thủ mô tả như là phát ngôn viên của nền “tân thần học”, La Nouvelle Théologie. “Trong các bài viết của mình, ngài mang thái độ [khách quan] đến mức tự xóa nhòa mình; nhiều trang viết của ngài không có gì khác ngoài một đoạn trích dẫn, đan kết với những lời bình luận. Ngài đã từ bỏ công trình thần học suy lý để trở thành ‘viên ký lục được đào tạo cho vương quốc thiên đàng', người từ kho tàng của mình, rút ra những điều mới và những điều cũ' với sự phong phú xa hoa", Xavier Tilliette đã mô tả về phương thức của de Lubac như thế, trong một đánh giá cao được viết nhân dịp sinh nhật lần thứ tám mươi của ngài (6). Động cơ chính trong công trình học thuật của ngài là đưa ra ánh sáng thích đáng chân lý của đức tin cũng như vẻ đẹp và sự huy hoàng của Truyền thống, cùng với công việc cả đời của bạn bè ngài. Cha Gerd Haeffner nói rằng ngài có "một thiên tài về tình bạn" (7). Nhiều trang hồi tưởng của ngài dành để tưởng nhớ bạn đồng tu và bạn bè. Bên cạnh gần bốn mươi bộ sách của ngài, de Lubac cũng đã xuất bản gần như số ấy các sách của bạn bè sau khi họ đã qua đời, ngoài việc viết lời nói đầu và dẫn nhập cũng như biên tập và chú thích thư từ. Henri de Lubac đã xuất bản bảy bản thảo đồ sộ của Cha Yves de Montcheuil, S.J. (sinh năm 1899), người bị Đức Quốc xã sát hại ở Grenoble vào tháng 8 năm 1944 ngay trước khi nước Pháp được giải phóng. Đúng là các bản thảo gần như đã sẵn sàng để in ấn, nhưng de Lubac đã một tay cứu chúng khỏi sự lãng quên. Ngài đã dành ba cuốn sách trên quy mô lớn để bảo vệ người cùng dòng và là bạn của ngài, Teilhard de Chardin (1881-1955). Ngài đau lòng khi kế hoạch xuất bản các tác phẩm quan trọng của Cha Pierre Rousselot, SJ., (8), người đã chết trong Thế chiến I ở tuổi 37, liên tục không đi đến đâu!

Trong khi ngài xuất bản và công bố tác phẩm của những người khác, cùng một dịch vụ này đã được thực hiện cho ngài bởi Hans Urs von Balthasar (1905-1988), một trong những người bạn thân của ngài từ những ngày họ cùng nhau ở Lyons-Fourvière. Ngay từ năm 1947, von Balthasar đã dịch cuốn sách đầu tiên của de Lubac, Catholicisme (Đạo Công Giáo) (9). Sau đó, vào năm 1967, ngài bắt đầu xuất bản các tác phẩm sưu tầm của de Lubac bằng tiếng Đức. Chúng được xuất bản bởi Johannes Verlag, nhà xuất bản do chính ngài sáng lập và chỉ đạo. Vì vậy, hầu hết các tác phẩm chính đều có sẵn bằng tiếng Đức, trong một bản dịch thích đáng, nhờ vào văn phong sáng chói của Hans Urs von Balthasar. Một ấn bản rút gọn của bộ sách Exégèse médiévale [Khoa Chú giải thời Trung cổ] gồm bốn tập, do chính Henri de Lubac soạn thảo với tựa đề L’Écriture dans la Tradition [Thánh kinh trong Thánh truyền](1966), gần đây đã xuất hiện bằng tiếng Anh với tựa đề Scripture in the Tradition (10).

Mặc dù những tác phẩm quan trọng nhất của Henri de Lubac do đó có thể tiếp cận được với độc giả nói tiếng Đức, chúng thực sự được biết đến ở Đức [và trong thế giới nói tiếng Anh] chỉ trong vòng giới hạn các chuyên gia, nói là giới hạn, vì so sánh với phạm vi và ý nghĩa công trình của ngài. Vậy Henri de Lubac là ai? Những tác phẩm quan trọng nhất của ngài là gì? Chúng được tạo ra khi nào và trong những mối liên hệ nào? Ngài đã dọn đường cho Công đồng Vatican II bằng những cách thức nào và qua những hiểu biết nào? Ý kiến của ngài về những phát triển sau Công Đồng là gì? Ngài đã nói điều gì có giá trị lâu dài về những chủ đề thần học nào?

Ghi chú

1 Cuốn sách gây tranh cãi của De Lubac, Surnaturel: Études historiques [Siêu nhiên: Các Nghiên cứu Lịch sử] (1946) đã vạch trần lý thuyết về natura pura [bản tính thuần túy] như một sản phẩm thần học của thời kỳ hiện đại và do đó đưa ra một thách thức đối với các nền tảng của thần học Tân Kinh viện được giảng dạy trong các trường học. Về chủ đề này, xin xem cuộc thảo luận chi tiết, ở bên dưới, tại các trang 63-64, 92, và 122-38.

2 Các bản văn Công đồng, cũng như các văn kiện huấn quyền khác, được trích dẫn theo những chữ bắt đầu bằng tiếng Latinh: Lumen gentium [Ánh sang Muôn dân], Dei Verbum [Lời Thiên Chúa], Gaudium et spes [Vui mừng và Hy vọng], v.v. Có thể tìm thấy chúng trong Documents of Vatican II, ed. Austin P. Flannery [Các Văn kiện của Vatican II do Austin P. Flannery hiệu đính] (Grand Rapids, Mich: Eerdmans, 1975); hoặc trong ấn bản gần đây hơn, Vatican Council II: The Basic Sixteen Documents: Constitutions, Decrees, Declarations, ed. Austin P. Flannery [Công Đồng Vatican II: 16 Văn kiện Căn bản: Các Hiến chế, Sắc lệnh, Tuyên ngôn, do Austin P. Flannery hiệu đính] (Northport, N.Y: Costello; và Dublin: Dominican Publications, 1996).

3 Henri de Lubac, Mémoire sur l’occasion de mes écrits [Hồi ký về Hoàn cảnh đưa đến các Trước tác của tôi] (1989); Bản tiếng Anh, At the Service of the Church: Henri de Lubac Reflects on the Circumstances That Occasioned His Writings [Phục vụ Giáo Hội: Henri de Lubac Suy tư về các Hoàn cảnh đưa đến Các Trước tác của mình], của Anne Elizabeth Englund, Communio Books (San Francisco: Ignatius Press, 1993), ở đây được trích dẫn là PVGH. Tác phẩm này chứa các ghi chú tiểu sử, cùng với rất nhiều tư liệu như điểm sách, thư từ và các mục nhật ký.

4 Henri de Lubac, “Mémoire sur mes vingt premières années” [Ký ức về 20 năm đầu của tôi] I, Bulletin de l’Assotiation Internationale Cardinal Henri de Lubac I (1998): 7-31.

5 Henri de Lubac, Christian Resistance to Anti-Semitism: Memories from 1940-1944 [Kitô giáo phản kháng chống lại chủ nghĩa bài Do Thái: Các Hồi ký từ năm 1940-1944], Bản tiếng Anh của Elizabeth Englund (San Francisco: Ignatius Press, 1990).

6 Xavier Tilliette, “Henri de Lubac achtzigjährig”, Internationale Katholische Zeitschrift Communion 5 [“Henri de Lubac ở tuổi tám mươi ”, Tạp chí Công Giáo Quốc tế Communion 5] (1976): 187tt.

7 Gerd Haeffner, “Henri de Lubac”, trong Stephan Pauly, chủ biên, Theologen unserer Zeit [Các nhà thần học của thời đại chúng ta] (1997), trang 47-57.

8 Pierre Rousselot, SJ. (1878-1915), giáo sư thần học tín lý tại Paris. Luận án tiến sĩ của ngài, L’Intellectualisme de Saint Thomas [Thuyết duy trí của Thánh Tôma], một cột mốc quan trọng trong việc khôi phục các quan điểm ban đầu của của Thánh Tôma, có ảnh hưởng quyết định đến cách tiếp cận thần học của de Lubac. Về Rousselot, xem E. Kunz, Glaube, Gnade, Geschichte [Niềm tin, ân sủng, lịch sử] (1969).

9 Henri de Lubac, Catholicisme: Les Aspects Sociaux du dogme [Đạo Công Giáo: Các Khía cạnh Xã hội của Tín điều](1938). Bản dịch sang tiếng Đức bởi Hans Urs von Balthasar với tên Katholizismus als Gemeinschaft [Công Giáo như là cộng đồng] (1943); ấn bản thứ hai của bản dịch này xuất hiện vào năm 1970 với tựa đề sửa đổi là Glauben aus der Liebe [Đức tin vì tình yêu]. Bản tiếng Anh: Catholicism: Christ and the Common Destiny of Man [Đạo Công Giáo: Chúa Kitô và Số phận chung của Con người], của Lancelot C. Sheppard và Elizabeth Englund (San Francisco: Ignatius Press, 1988), ở đây được trích dẫn là Cath.

10 Henri de Lubac, L’Écriture dans la Tradition [Thánh kinh trong Thánh truyền] (1966); Bản tiếng Anh, Scripture in the Tradition [Thánh kinh trong Thánh truyền], của Luke O’Neill (New York: Crossroad Publishing, 2000); Ấn bản tiếng Đức, Typologie, Allegorie, Geistiger Sinn [Hình loại học, ngụ ngôn, ý nghĩa tâm linh], của Rudolf Voderholzer (Einsiedeln: Johannes Verlag, 1999).

Kỳ sau: Đào tạo