Hôm 10 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp đoàn ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Dưới đây là tổng quan về quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh vào tháng Giêng năm 2022, được mô tả trong 5 số chính, để chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của Tòa Thánh trên trường quốc tế.
Trong số 195 quốc gia trên thế giới hiện nay, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 183 quốc gia. Như thế, Tòa Thánh trong tư cách là một quốc gia có quan hệ rộng rãi nhất với các nước trên thế giới. Thật vậy, Trung Quốc là nước đứng thứ hai trong lĩnh vực này, có quan hệ ngoại giao với 169 quốc gia, Hoa Kỳ 168 quốc gia, và Pháp 161 quốc gia.
Tính đến tháng Giêng năm nay, Tòa Thánh có 120 Tòa Sứ Thần tại các quốc gia. Điều này có nghĩa là một số vị Sứ Thần đại diện cho Tòa Thánh tại nhiều quốc gia cùng một lúc. Ngày nay, có 33 vị trí Sứ Thần Tòa Thánh bị bỏ trống, bao gồm Sứ Thần Tòa Thánh ở Liên minh Âu Châu - kể từ sau cái chết vì coronavirus của Đức Tổng Giám Mục Aldo Giordano vào tháng 12 năm ngoái. Bên cạnh đó, Úc, Đài Loan, Hung Gia Lợi, Mễ Tây Cơ, Hà Lan và Venezuela cũng đang trong tình trạng không có Sứ Thần Tòa Thánh.
Tổng cộng, có 13 quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh. Tòa Thánh không có bất cứ quan hệ ngoại giao nào với 8 quốc gia: Afghanistan, Bhutan, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Maldives, Tuvalu, Ả Rập Xê-út và Oman. Ở 4 quốc gia, Tòa Thánh không có đại sứ nhưng có các Khâm Sứ Tòa Thánh. Đó là trường hợp của Comoros, Somalia, Brunei và Lào. Cuối cùng, Tòa Thánh chỉ có một “đại diện không thường trú” tại Việt Nam.
Ta nên phân biệt rõ ràng hai từ ngữ này: Khâm Sứ Tòa Thánh và Sứ thần Tòa Thánh.
Khâm Sứ Tòa Thánh – tiếng Anh là Apostolic Delegate – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương. Ngài không làm nhiệm vụ ngoại giao vì quốc gia sở tại chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh. Hiện nay, Tòa Thánh chỉ có Khâm Sứ Tòa Thánh tại 4 quốc gia Comoros, Somalia, Brunei và Lào.
Sứ Thần Tòa Thánh – tiếng Anh là Apostolic Nuncio – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương. Ngài đồng thời cũng làm nhiệm vụ ngoại giao, trong tư cách là đại sứ của quốc gia thành Vatican, với nước sở tại. Nói một cách cụ thể, tại Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu vị đại diện của Đức Thánh Cha gọi là Sứ Thần Tòa Thánh, không phải Khâm Sứ Tòa Thánh.
Hiện nay, 87 đại sứ quán cạnh Tòa Thánh được đặt tại Rôma. Trong bài phát biểu trước các nhà ngoại giao, Đức Thánh Cha Phanxicô hoan nghênh việc sắp khai trương đại sứ quán thường trú thứ 88 tại Thành phố Vĩnh cửu, của Thụy Sĩ, cho đến nay đặt tại Slovenia. Một quốc gia khác sẽ sớm thành lập cơ quan đại diện thường trực tại Rôma là Azerbaijan.
Trong năm ngoái, 2021, Tòa Thánh đã đạt được 3 thỏa thuận sau:
Ngày 10 tháng 2, Tòa Thánh đã ký thỏa thuận hòa giải thứ 7 với Áo về việc quốc gia này bồi hoàn lại các tài sản của Tòa Thánh bị tịch thu trong thời kỳ Đức Quốc Xã.
Ngày 31 tháng 5, Tòa Thánh được công nhận là quan sát viên thường trực của Tổ chức Y tế Thế giới, thường được gọi tắt là WHO.
Cuối cùng, vào ngày 26 tháng 11, Tòa Thánh đã cùng với UNESCO công nhận văn kiện phê chuẩn Công ước Toàn cầu về Công nhận Văn bằng Giáo dục Đại học, nằm trong dự án Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sau lời phát biểu chào mừng của Ông George Poulides, Đại sứ Cộng hòa Síp, Đức Thánh Cha nói như sau:
Thưa quý vị, thưa quý bà và quý ông!
Hôm qua kết thúc mùa phụng vụ Giáng Sinh, một thời kỳ đặc biệt để vun đắp các mối liên hệ gia đình, mà đôi khi chúng ta có thể bị phân tâm và xa cách do nhiều cam kết trong năm. Hôm nay chúng ta muốn tiếp tục tinh thần đó, khi một lần nữa chúng ta đến với nhau như một đại gia đình để thảo luận và đối thoại. Xét cho cùng, đó là mục đích của tất cả các hoạt động ngoại giao: đó là giúp giải quyết những bất đồng nảy sinh từ sự chung sống của con người với nhau, thúc đẩy sự hòa hợp và nhận ra rằng, một khi vượt qua xung đột, chúng ta có thể khôi phục cảm thức hiệp nhất sâu sắc của mọi thực tại. [1]
Do đó, tôi đặc biệt biết ơn qúy vị hôm nay đã tham gia “buổi họp mặt gia đình” hàng năm của chúng ta, một dịp thuận lợi để trao đổi những lời chúc tốt đẹp cho Năm Mới và để cùng nhau xem xét ánh sáng và bóng tối của thời đại chúng ta. Tôi đặc biệt cảm ơn Vị Niên Trưởng, Ngài George Poulides, Đại sứ Cộng hòa Síp, đã có bài phát biểu ân cần với tôi nhân danh toàn thể Ngoại giao Đoàn. Qua tất cả qúy vị, tôi xin gửi lời chào âu yếm của tôi đến các dân tộc mà qúy vị đại diện.
Sự hiện diện của qúy vị luôn là một dấu hiệu hữu hình cho thấy sự quan tâm mà các quốc gia của qúy vị dành cho Tòa thánh và vai trò của Tòa thánh trong cộng đồng quốc tế. Nhiều người trong qúy vị đã đến từ các thành phố thủ đô khác để tham dự biến cố hôm nay, tham gia cùng nhiều Đại sứ thường trú tại Rôma, là những vị sẽ sớm được tham gia bởi Liên bang Thụy Sĩ.
Thưa các Đại sứ,
Trong những ngày này, chúng ta biết rằng cuộc chiến chống đại dịch vẫn đòi hỏi sự nỗ lực đáng kể của mọi người; chắc chắn, năm mới sẽ tiếp tục đòi hỏi nhiều về mặt này. Coronavirus tiếp tục gây ra sự cô lập xã hội và cướp đi nhiều sinh mạng. Trong số những người đã qua đời, tôi muốn nhắc đến cố Tổng Giám mục Aldo Giordano, một Sứ thần Tòa thánh, người nổi tiếng và được kính trọng trong cộng đồng ngoại giao. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy ở những nơi có chiến dịch chích ngừa hữu hiệu, nguy cơ ảnh hưởng nặng nề của căn bệnh đã giảm xuống.
Do đó, điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực tạo miễn dịch cho dân số nói chung càng nhiều càng tốt. Điều này đòi hỏi một cam kết đa dạng trên các bình diện bản thân, chính trị và quốc tế. Đầu tiên, trên bình diện bản thân. Mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm chăm sóc cho bản thân và sức khỏe của mình, và điều này được hiểu là tôn trọng sức khỏe của những người xung quanh. Chăm sóc sức khỏe là một nghĩa vụ đạo đức. Đáng buồn thay, chúng ta ngày càng nhận thấy mình đang sống trong một thế giới có sự chia rẽ mạnh mẽ về ý thức hệ. Mọi người thường để mình bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ của thời đại, thường được củng cố bởi những thông tin vô căn cứ hoặc những sự kiện ít được dẫn chứng bằng tài liệu. Mọi phát biểu ý thức hệ đều cắt đứt mối ràng buộc của lý trí con người với thực tại khách quan của sự vật. Mặt khác, đại dịch thúc giục chúng ta áp dụng một loại “liệu pháp thực tại” khiến chúng ta đối diện trực tiếp với vấn đề và áp dụng các biện pháp phù hợp để giải quyết nó. Vắc-xin không phải là một phương tiện ma thuật để chữa bệnh, nhưng chắc chắn bên cạnh các phương pháp điều trị khác cần được phát triển chúng đại diện cho giải pháp hợp lý nhất để phòng bệnh.
Do đó, cần có cam kết chính trị để theo đuổi lợi ích chung của dân số nói chung qua các biện pháp phòng ngừa và chích ngừa nhằm thu hút sự tham gia của người dân để họ cảm thấy có liên hệ và có trách nhiệm, nhờ một cuộc thảo luận rõ ràng về các vấn đề và các phương pháp giải quyết chúng thích hợp. Việc thiếu khả năng ra quyết định kiên quyết và thông đạt rõ ràng sẽ tạo ra sự mơ hồ, ngờ vực và làm suy yếu sự gắn bó xã hội, thúc đẩy những căng thẳng mới. Kết quả là một “chủ nghĩa duy tương đối xã hội” có hại cho sự hài hòa và đoàn kết.
Cuối cùng, một cam kết toàn diện của cộng đồng quốc tế là điều cần thiết, để toàn bộ dân số thế giới tiếp cận như nhau các dịch vụ chăm sóc y tế và vắc xin thiết yếu. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận một cách tiếc nuối rằng, đối với các khu vực rộng lớn trên thế giới, khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe phổ quát vẫn là một ảo tưởng. Vào thời điểm trầm trọng này trong cuộc sống của nhân loại, tôi nhắc lại lời kêu gọi của tôi xin các chính phủ và các tổ chức tư nhân có liên quan thể hiện tinh thần trách nhiệm, khai triển một phản ứng phối hợp ở mọi bình diện (địa phương, quốc gia, khu vực, hoàn cầu), thông qua các mô hình liên đới và công cụ mới để tăng cường các khả năng của những quốc gia có nhu cầu lớn nhất. Cách riêng, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, những quốc gia đang nỗ lực thiết lập một cơ quan quốc tế sẵn sàng chuẩn bị và đối phó với đại dịch dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, lấy chính sách chia sẻ quảng đại làm nguyên tắc chính để bảo đảm việc mọi người được tiếp cận với các phương tiện chẩn đoán, vắc xin và thuốc chữa. Tương tự như vậy, điều thích hợp là các tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới điều chỉnh các phương tiện pháp lý của họ kẻo các quy tắc độc quyền sẽ tạo thêm nhiều trở ngại hơn nữa đối với sản xuất và tiếp cận có tổ chức và nhất quán việc chăm sóc sức khỏe ở bình diện hoàn cầu.
Thưa các Đại sứ,
Năm ngoái, cũng nhờ việc giảm bớt các hạn chế áp dụng năm 2020, tôi đã có dịp tiếp kiến nhiều Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ, cũng như các cơ quan dân sự và tôn giáo khác nhau. Trong số rất nhiều cuộc gặp gỡ đó, tôi muốn nhắc đến ngày 1 tháng 7 năm 2021, dành để suy tư và cầu nguyện cho Lebanon. Cho người dân Lebanon thân yêu, những người đang nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang bám sát đất nước này, hôm nay tôi mong được lặp lại sự gần gũi và những lời cầu nguyện của tôi. Đồng thời, tôi tin tưởng rằng những cải cách cần thiết và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế sẽ giúp đất nước kiên trì trong chính bản sắc riêng của mình như là khuôn mẫu chung sống hòa bình và tình anh em giữa các tôn giáo khác nhau.
Năm 2021, tôi cũng có thể tiếp tục các Hành trình Tông đồ của tôi. Tháng 3, tôi có niềm vui được du hành tới Iraq. Chúa Quan Phòng đã muốn điều này, như một dấu hiệu hy vọng sau nhiều năm chiến tranh và khủng bố. Người dân Iraq có quyền lấy lại phẩm giá của mình và được sống trong hòa bình. Các nguồn gốc tôn giáo và văn hóa của họ có từ hàng ngàn năm trước: Lưỡng Hà là cái nôi của nền văn minh; chính từ đó Thiên Chúa đã kêu gọi Ápraham khai mở lịch sử cứu độ.
Tháng 9, tôi đến Budapest để bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, và sau đó đến Slovakia. Đó là cơ hội để tôi gặp gỡ các tín hữu Công Giáo và các Kitô hữu của các tín phái khác, và đối thoại với cộng đồng Do Thái. Tôi cũng đã du hành đến Síp và Hy Lạp, một Hành trình vẫn còn sống động trong ký ức của tôi. Chuyến thăm đó cho phép tôi thắt chặt mối liên hệ sâu sắc hơn với những người anh em Chính thống giáo của chúng tôi và trải nghiệm tình huynh đệ hiện hữu giữa những tín phái Kitô giáo khác nhau.
Một phần rất xúc động trong Hành trình đó là chuyến thăm của tôi đến đảo Lesbos, nơi tôi được tận mắt nhìn thấy sự quảng đại của mọi người đang làm việc để cung cấp lòng hiếu khách và sự giúp đỡ cho các di dân, nhưng trên hết, để thấy khuôn mặt của rất nhiều trẻ em và người lớn, vốn là khách qúy của các trung tâm hiếu khách này. Đôi mắt của họ nói lên nỗ lực hành trình của họ, nỗi sợ hãi về một tương lai không chắc chắn, nỗi buồn của họ đối với những người thân yêu mà họ đã bỏ lại và nỗi thương nhớ quê hương mà họ buộc phải rời xa. Trước những bộ mặt đó, chúng ta không thể thờ ơ hay núp sau những bức tường và hàng rào kẽm gai lấy cớ bảo vệ an ninh hay một phong cách sống. Chúng ta không thể làm điều đó.
Do đó, tôi cảm ơn tất cả các cá nhân và chính phủ đang làm việc để bảo đảm rằng các di dân được chào đón và bảo vệ, cũng như hỗ trợ việc cổ vũ và hội nhập họ vào các quốc gia đã tiếp nhận họ. Tôi rất biết các khó khăn mà một số chính phủ đang gặp phải khi đối diện với một khối lượng lớn di dân ào vào. Không thể yêu cầu bất cứ ai làm những điều họ không thể làm, nhưng có một sự khác biệt rõ ràng giữa việc chấp nhận, mặc dù một cách hạn chế, và việc từ khước hoàn toàn.
Cần phải khắc phục lòng thờ ơ và bác bỏ ý niệm cho rằng di dân là một vấn đề của người khác. Các hậu quả của phương thức này hiển hiện ở việc hạ nhân phẩm của những di dân bị tập trung ở các điểm nóng, nơi họ trở thành con mồi dễ dàng cho tội phạm có tổ chức và nạn buôn người, hoặc tham gia vào những nỗ lực tuyệt vọng để trốn thoát mà đôi khi kết cục bằng cái chết. Đáng buồn thay, chúng ta cũng nên lưu ý rằng chính các di dân thường bị biến thành một vũ khí tống tiền chính trị, trở thành một loại “hàng hóa mặc cả” chuyên tước mất phẩm giá của họ.
Ở đây, tôi muốn nói lại lòng biết ơn của tôi đối với các nhà chức trách Ý, nhờ đó mà một số người đã có thể cùng tôi đến Rome từ Síp và Hy Lạp. Đây là một cử chỉ đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Đối với nhân dân Ý, những người đã chịu nhiều thiệt hại khi bắt đầu đại dịch, nhưng cũng đã có những dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ, tôi xin bày tỏ niềm hy vọng tận đáy lòng rằng họ sẽ luôn giữ vững tinh thần quảng đại, cởi mở và liên đới rất đặc trưng của họ.
Đồng thời, tôi cho rằng điều cần thiết là Liên hiệp châu Âu phải đạt được sự gắn bó nội bộ trong việc xử lý các đợt di dân, giống như cách họ đã làm trong việc đối phó với các hậu quả của đại dịch. Cần phải tiếp nhận một hệ thống nhất quán và toàn diện để phối hợp các chính sách về di dân và tầm trú, nhằm chia sẻ trách nhiệm trong việc tiếp nhận di dân, duyệt xét các đơn xin tầm trú, tái phân bổ và hòa nhập những người có thể được chấp nhận. Khả năng thương thảo và khám phá các giải pháp chung là một trong những điểm mạnh của Liên hiệp châu Âu; nó đại diện cho một mô hình hợp lý cho cách tiếp cận có tầm nhìn xa hơn đối với những thách thức hoàn cầu trước mắt chúng ta.
Tuy nhiên, vấn đề di dân không chỉ liên hệ tới một mình châu Âu, mặc dù châu Âu bị ảnh hưởng đặc biệt bởi nhiều đợt di dân đến từ châu Phi và từ châu Á. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến, trong số nhiều điều khác, làn sóng di dân của những người tị nạn Syria và gần đây hơn là nhiều người đã chạy trốn khỏi Afghanistan. Chúng ta cũng không thể bỏ qua những đợt di dân ồ ạt ở lục địa Châu Mỹ, gây áp lực lên biên giới giữa Mễ Tây Cơ và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhiều người trong số những di dân này là người Haiti đang chạy trốn những thảm kịch đã xảy ra với đất nước của họ trong những năm gần đây.
Vấn đề di dân, cùng với đại dịch và biến đổi khí hậu, đã chứng minh rõ ràng rằng chúng ta không thể được cứu một mình và bởi chính mình: những thách thức lớn lao của thời đại chúng ta đều mang tính hoàn cầu. Do đó, điều đáng lo ngại là, cùng với sự liên kết qua lại lớn hơn giữa các vấn đề, chúng ta đang chứng kiến sự phân mảnh ngày càng nhiều của các giải pháp. Không có gì là bất thường khi gặp phải tình trạng không sẵn lòng mở cửa sổ đối thoại và dành không gian cho tình huynh đệ; điều này chỉ làm tăng thêm căng thẳng và chia rẽ, cũng như các cảm giác tổng quát hóa về sự không chắc chắn và không ổn định. Thay vào đó, điều cần thiết là phục hồi cảm thức của chúng ta về bản sắc chung như một gia đình nhân loại duy nhất. Cảm thức thay thế chỉ có thể là sự cô lập ngày càng gia tăng, được đánh dấu bằng việc từ khước và phủ nhận hỗ tương gây nguy hiểm hơn nữa cho chủ nghĩa đa phương, phong cách ngoại giao vốn là đặc trưng cho các mối liên hệ quốc tế từ cuối Thế Chiến hai đến nay.
Đã một thời nay, nền ngoại giao đa phương đang trải qua một cuộc khủng hoảng lòng tin, do sự giảm sút tính khả tín của các hệ thống xã hội, chính phủ và liên chính phủ. Các nghị quyết, tuyên bố và quyết định quan trọng thường được đưa ra mà không có diễn trình đàm phán thực sự trong đó tất cả các quốc gia đều có tiếng nói. Sự mất cân bằng này, hiện đã rõ ràng một cách đáng kể, đã gây ra sự bất bình đối với các cơ quan quốc tế từ phía nhiều quốc gia; nó cũng làm suy yếu hệ thống đa phương nói chung, với kết quả là càng ngày, nó càng trở nên kém hữu hiệu hơn trong việc đương đầu với các thách thức hoàn cầu.
Tính hữu hiệu giảm sút của nhiều cơ quan quốc tế cũng là do các thành viên của chúng nuôi dưỡng các tầm nhìn khác nhau về các mục tiêu họ muốn theo đuổi. Thông thường, trọng tâm lưu ý đã chuyển sang các vấn đề, tự bản chất gây chia rẽ của chúng, không hoàn toàn thuộc về mục tiêu của tổ chức. Kết quả là, các chương trình nghị sự ngày càng được ra lệnh bởi một não trạng chuyên phủ nhận nền tảng tự nhiên của nhân tính và cội nguồn văn hóa từng tạo nên bản sắc của nhiều dân tộc. Như tôi đã nói trong những dịp khác, tôi coi đây là một hình thức thực dân hóa ý thức hệ, một hình thức không chừa chỗ cho tự do ngôn luận và hiện đang mang hình thức “triệt tiêu văn hóa” xâm nhập vào nhiều giới và định chế công cộng. Dưới chiêu bài bảo vệ tính đa dạng, nó kết cục ở việc triệt tiêu mọi cảm thức bản sắc, với nguy cơ làm im lặng các chủ trương nhằm bảo vệ sự hiểu biết đầy tôn trọng và cân bằng về các mẫn cảm khác nhau. Một loại “tư duy một chiều” đầy nguy hiểm [suy nghĩ độc nhất] đang hình thành, người ta buộc phải phủ nhận lịch sử hoặc tệ hơn là viết lại lịch sử theo các phạm trù ngày nay, trong khi bất cứ tình huống lịch sử nào cũng phải được giải thích dưới ánh sáng khoa thông diễn học của thời đặc thù đó, không phải của ngày nay.
Do đó, nền ngoại giao đa phương được kêu gọi phải thực sự bao gồm, không triệt tiêu nhưng trân qúy các khác biệt và mẫn cảm vốn đánh dấu lịch sử của nhiều dân tộc khác nhau. Bằng cách này, nó sẽ lấy lại tính khả tín và hữu hiệu trong việc đương đầu với những thách thức sắp tới, những thách thức đòi hỏi nhân loại phải đoàn kết lại như một đại gia đình, một gia đình, bắt đầu từ những quan điểm khác nhau, phải chứng tỏ có khả năng tìm ra giải pháp chung vì lợi ích của mọi người. Điều này đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau và sẵn lòng đối thoại; nó đòi hỏi “lắng nghe lẫn nhau, chia sẻ quan điểm khác nhau, đi đến thỏa thuận và cùng nhau bước đi” [2]. Thật vậy, “đối thoại là cách tốt nhất để thể hiện điều luôn phải được khẳng định và tôn trọng ngoài bất cứ sự đồng thuận mau tàn nào” [3]. Chúng ta cũng không nên bỏ qua “sự tồn tại của một số giá trị lâu bền” [4]. Những điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra, nhưng việc chấp nhận chúng “tạo nên một nền đạo đức xã hội vững chắc và mạnh mẽ. Một khi những giá trị căn bản đó được tiếp nhận nhờ đối thoại và đồng thuận, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng vượt lên trên sự đồng thuận “ [5]. Ở đây tôi muốn đặc biệt đề cập đến quyền được sống, từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc tự nhiên của nó, và quyền tự do tôn giáo.
Về phương diện này, trong những năm gần đây, chúng ta ngày càng nhận thấy ý thức tập thể ngày một tăng về nhu cầu cấp thiết phải chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, vốn đang bị khai thác các tài nguyên một cách bừa bãi và liên tục. Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến Phi Luật Tân nơi, trong mấy tuần trước đây, bị tấn công bởi một cơn bão kinh hoàng, và các quốc gia khác ở Thái Bình Dương, dễ bị tổn thương bởi những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu, gây nguy hiểm cho cuộc sống cư dân của họ, hầu hết là những người sống phụ thuộc vào nông nghiệp, đánh cá và tài nguyên thiên nhiên.
Chính việc nhận ra này sẽ thúc đẩy cộng đồng quốc tế nói chung khám phá và thực thi các giải pháp chung. Không ai có thể coi mình được miễn trừ nỗ lực này, vì tất cả chúng ta đều có liên hệ và chịu ảnh hưởng như nhau. Tại Hội nghị COP26 gần đây ở Glasgow, một số biện pháp đã được đưa ra đúng hướng, mặc dù chúng khá yếu dưới góc độ trầm trọng của vấn đề cần đương đầu. Con đường đạt được các mục tiêu to lớn của Hiệp ước Paris rất phức tạp và xem ra rất dài, trong khi thời gian chúng ta có ngày càng ngắn hơn. Vẫn còn nhiều việc phải làm và vì vậy năm 2022 sẽ là một năm căn bản nữa để xác minh mức độ và cách thức mà các quyết định đưa ra ở Glasgow có thể và cần được củng cố hơn nữa theo quan điểm của COP27, được lên kế hoạch cho Ai Cập vào tháng 11 tới.
Thưa quý vị, thưa quý bà và qúy ông!
Đối thoại và tình huynh đệ là hai tiêu điểm thiết yếu trong nỗ lực của chúng ta nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, “bất chấp nhiều nỗ lực nhằm đối thoại xây dựng giữa các quốc gia, tiếng ồn chói tai của chiến tranh và xung đột đang ngày càng gia tăng” [6]. Toàn thể cộng đồng quốc tế phải giải quyết nhu cầu cấp thiết là tìm ra giải pháp cho những cuộc xung đột bất tận có lúc xuất hiện như những cuộc chiến tranh ủy nhiệm thực sự.
Tôi nghĩ đầu tiên đến Syria, nơi mà sự tái sinh của đất nước vẫn chưa xuất hiện rõ ràng trên đường chân trời. Ngay cả hôm nay, người dân Syria vẫn đang than khóc những người đã khuất của họ và việc mất mát mọi sự, và tiếp tục hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Cải cách chính trị và hiến pháp là cần thiết để tái sinh đất nước, nhưng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt không nên tấn công trực tiếp vào cuộc sống hàng ngày, nhằm mang lại tia hy vọng cho người dân nói chung, đang ngày càng bị khốn khổ vì đói nghèo.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua cuộc xung đột ở Yemen, một thảm kịch nhân bản đã diễn ra trong nhiều năm, âm thầm, xa rời sự chú ý của các phương tiện truyền thông và với sự thờ ơ nào đó của cộng đồng quốc tế, ngay cả khi họ cho rằng có nhiều nạn nhân dân sự, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Trong năm qua, không có bước tiến nào được thực hiện trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Tôi thực sự muốn thấy hai dân tộc này xây dựng lại lòng tin lẫn nhau và tiếp tục nói chuyện trực tiếp với nhau, để đạt tới điểm mà họ có thể sống ở hai quốc gia, cạnh nhau, trong hòa bình và an ninh, không có hận thù và oán giận, nhưng được chữa lành nhờ việc tha thứ lẫn nhau.
Các nguồn quan tâm khác là căng thẳng định chế ở Libya, các đợt bạo lực của chủ nghĩa khủng bố quốc tế ở khu vực Sahel, và các cuộc xung đột nội bộ ở Sudan, Nam Sudan và Ethiopia, nơi cần “tìm lại con đường hòa giải và hòa bình qua một cuộc gặp gỡ thẳng thắn biết đặt nhu cầu của mọi người lên trên hết “ [7].
Các tình huống bất bình đẳng và bất công sâu xa, nạn tham nhũng đặc hữu và các hình thức nghèo đói khác nhau xúc phạm nhân phẩm cũng tiếp tục thúc đẩy các cuộc xung đột xã hội trên lục địa Châu Mỹ, nơi mà sự phân cực ngày càng gia tăng không giúp giải quyết các vấn đề thực sự và cấp bách của người dân, đặc biệt là những những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.
Sự tin tưởng lẫn nhau và sự sẵn sàng tham gia cuộc thảo luận bình thản cũng cần truyền cảm hứng cho mọi bên liên hệ, để các giải pháp có thể chấp nhận được và lâu dài có thể được tìm thấy ở Ukraine và ở nam Caucasus, đồng thời có thể tránh bùng phát các cuộc khủng hoảng mới ở Balkan, chủ yếu ở Bosnia và Herzegovina.
Đối thoại và tình huynh đệ thẩy đều là những điều cấp thiết hơn để đối phó một cách khôn ngoan và hữu hiệu với cuộc khủng hoảng gần một năm nay đã ảnh hưởng đến Miến Điện; các đường phố của họ, từng là nơi gặp gỡ, nay là cảnh chiến đấu không chừa cả những nhà cầu nguyện.
Đương nhiên, những xung đột trên càng trở nên trầm trọng hơn bởi lượng vũ khí dồi dào trên tay và sự vô lương tâm của những người luôn nỗ lực để cung cấp chúng. Đôi khi, chúng ta tự đánh lừa mình khi nghĩ rằng những vũ khí này dùng để xua đuổi những kẻ có tiềm năng xâm lược. Lịch sử và, đáng buồn thay, ngay cả các báo cáo tin tức hàng ngày, cho ta thấy rõ không đúng như thế. Những người sở hữu vũ khí cuối cùng sẽ sử dụng chúng, vì như Thánh Phaolô VI đã nhận xét, “một người không thể yêu với vũ khí tấn công trong tay” [8]. Hơn nữa, “Khi chúng ta nhượng bộ luận lý học vũ khí và xa rời thực hành đối thoại, chúng ta quên một cách tai hại cho chính mình rằng, ngay cả trước khi gây ra các nạn nhân và hủy hoại, vũ khí có thể tạo ra ác mộng” [9]. Ngày nay, những lo ngại này càng trở nên hiện thực hơn, nếu chúng ta coi việc có sẵn và việc sử dụng các hệ thống vũ khí tự động có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp và khôn lường, và cần phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế.
Trong số các loại vũ khí mà nhân loại đã sản xuất, vũ khí hạt nhân được đặc biệt quan tâm. Cuối tháng 12 vừa qua, Hội nghị Duyệt xét Lần thứ 10 của các bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, đáng lẽ đã họp tại New York trong những ngày này, nhưng, một lần nữa, bị hoãn lại do đại dịch. Một thế giới không có vũ khí hạt nhân là điều khả hữu và cần thiết. Do đó, tôi bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ coi Hội nghị đó là một cơ hội để thực hiện một bước quan trọng theo hướng này. Tòa thánh tiếp tục kiên định chủ trương rằng trong thế kỷ XXI, vũ khí hạt nhân là phương tiện phản ứng không thỏa đáng và không thích hợp trước các mối đe dọa an ninh, và việc sở hữu chúng là vô luân. Việc sản xuất chúng đã lấy đi các nguồn tài nguyên dành cho việc phát triển toàn diện con người và việc sử dụng chúng không chỉ gây ra những hậu quả thảm khốc về nhân đạo và môi trường, mà còn đe dọa chính sự hiện hữu của nhân loại.
Tòa thánh cũng coi việc nối lại các cuộc đàm phán ở Vienna về hiệp định hạt nhân với Iran (Kế hoạch Hành động Toàn diện chung) đạt được những kết quả tích cực, nhằm bảo đảm một thế giới an ninh và huynh đệ hơn.
Thưa các Đại sứ!
Trong Thông điệp của tôi cho Ngày Thế giới Hòa bình được cử hành vào ngày 1 tháng 1 vừa qua, tôi đã tìm cách nêu bật một số yếu tố mà tôi cho là cần thiết để thúc đẩy văn hóa đối thoại và tình huynh đệ.
Giáo dục có một vị trí đặc biệt, vì nó đào tạo thế hệ trẻ, tương lai và hy vọng của thế giới. Thực thế, giáo dục là phương tiện chính của việc phát triển toàn diện con người, vì nó làm cho các cá nhân trở thành tự do và có trách nhiệm. [10]. Diễn trình giáo dục diễn ra chậm chạp và tốn nhiều công sức, đôi khi có thể dẫn đến sự chán nản, nhưng chúng ta không bao giờ được bỏ rơi nó. Đó là một biểu thức xuất sắc của đối thoại, vì không một nền giáo dục chân chính nào có thể thiếu cấu trúc đối thoại. Giáo dục cũng phát sinh văn hóa và xây dựng những nhịp cầu gặp gỡ giữa các dân tộc. Tòa thánh mong muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục bằng việc tham gia Expo 2021 tại Dubai, với gian hàng lấy cảm hứng từ chủ đề của Expo: “Connecting Minds, Create the Future” [Nối kết Các Tâm trí, Tạo dựng Tương lai].
Giáo Hội Công Giáo luôn công nhận và coi trọng vai trò của giáo dục đối với sự phát triển tinh thần, đạo đức và xã hội của giới trẻ. Vì vậy, tôi rất đau lòng thừa nhận rằng trong các môi trường giáo dục khác nhau - giáo xứ và trường học - việc lạm dụng trẻ vị thành niên đã xảy ra, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và tinh thần cho những người đã trải qua chúng. Đây là các tội ác, và chúng đòi một quyết tâm điều tra chúng cách toàn diện, khảo sát từng trường hợp để xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm công lý cho các nạn nhân và ngăn chặn những hành động tàn bạo tương tự xảy ra trong tương lai.
Bất chấp mức độ nghiêm trọng của những hành vi như vậy, không một xã hội nào có thể thoái thác trách nhiệm của mình đối với giáo dục. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ngân sách nhà nước thường phân bổ ít nguồn lực cho giáo dục, vốn có xu hướng được coi là một tốn phí, thay vì là khoản đầu tư tốt nhất có thể cho tương lai.
Đại dịch đã ngăn cản nhiều người trẻ tuổi đến trường, gây tổn hại đến sự phát triển bản thân và xã hội của họ. Kỹ thuật hiện đại cho phép nhiều người trẻ trú ẩn trong thực tại ảo tạo ra những liên kết mạnh mẽ về tâm lý và xúc cảm nhưng lại cô lập họ với những người xung quanh và thế giới xung quanh, làm thay đổi hoàn toàn các mối liên hệ xã hội. Khi đưa ra điểm này, tôi không có ý phủ nhận tính hữu ích của kỹ thuật và các sản phẩm của nó, những thứ giúp chúng ta có thể kết nối với nhau dễ dàng và nhanh chóng, nhưng tôi khẩn thiết kêu gọi chúng ta hãy cẩn thận kẻo những công cụ này thay thế cho các mối liên hệ của con người ở bình diện liên ngã, gia đình, xã hội và quốc tế. Nếu chúng ta học cách tự cô lập mình ngay từ khi còn nhỏ, thì việc xây dựng những nhịp cầu của tình huynh đệ và hòa bình sau này sẽ trở nên khó khăn hơn. Trong một thế giới chỉ có “tôi”, khó mà dành chỗ cho “chúng tôi”.
Điều thứ hai tôi muốn nói ngắn gọn là lao động, “một nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng và gìn giữ hòa bình. Lao động là việc phát biểu bản thân và các tài năng của chúng ta, nhưng cũng là sự cam kết, tự đầu tư và hợp tác của chúng ta với những người khác, vì chúng ta luôn làm việc với hoặc cho người khác. Nhìn ở viễn ảnh rõ ràng có tính xã hội này, nơi làm việc cho phép chúng ta học cách đóng góp của chúng ta hướng tới một thế giới tươi đẹp và đáng sống hơn “ [11].
Chúng ta đã thấy rằng đại dịch đã thử thách nghiêm trọng nền kinh tế hoàn cầu, với những hậu quả nghiêm trọng đối với các gia đình và người lao động trải qua những tình huống đau khổ về tâm lý ngay cả trước khi những rắc rối kinh tế bắt đầu. Điều này càng làm nổi bật tình trạng bất bình đẳng dai dẳng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội khác nhau. Ở đây chúng ta có thể kể ra quyền tiếp cận nước sạch, thực phẩm, giáo dục và chăm sóc y tế. Số người thuộc diện nghèo cùng cực đã tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng y tế buộc nhiều người lao động phải thay đổi ngành nghề, và trong một số trường hợp buộc họ phải tham gia vào nền kinh tế bí mật, khiến họ mất đi sự bảo vệ xã hội vốn có ở nhiều nước.
Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của lao động, vì sự phát triển kinh tế không thể thiếu nó, cũng như không thể nghĩ rằng kỹ thuật hiện đại có thể thay thế giá trị thặng dư của sức lao động nhân bản. Lao động nhân bản tạo cơ hội cho việc khám phá ra phẩm giá bản thân của chúng ta, cho việc gặp gỡ người khác và cho sự trưởng thành nhân bản; đó là một phương tiện đặc quyền, nhờ đó mỗi người tham dự tích cực vào công ích và đóng góp cụ thể cho hòa bình. Ở đây, cần có sự hợp tác lớn hơn giữa tất cả các bên ở bình diện địa phương, quốc gia, khu vực và hoàn cầu, đặc biệt là trong ngắn hạn, vì những thách thức đặt ra bởi diễn trình chuyển đổi sinh thái mong muốn. Những năm tới sẽ là một thời điểm may mắn để phát triển các dịch vụ và doanh nghiệp mới, thích ứng các dịch vụ và doanh nghiệp hiện có, tăng khả năng tiếp cận với công việc xứng đáng và tạo ra các phương tiện mới để bảo đảm việc tôn trọng các nhân quyền và mức đãi ngộ tương xứng và bảo trợ xã hội.
Thưa quý vị, thưa quý bà và qúy ông,
Tiên tri Giêrêmia nói với chúng ta rằng Thiên Chúa có “kế hoạch cho phúc lợi của [chúng ta] chứ không phải cho điều ác, để ban cho [chúng ta] một tương lai và một hy vọng” (29:11). Vì vậy, chúng ta không nên sợ hãi dành chỗ cho hòa bình trong đời sống của chúng ta bằng cách nuôi dưỡng đối thoại và tình huynh đệ với nhau. Hồng ân hòa bình có tính “hay lây”; nó tỏa ra từ trái tim của những người khao khát nó và khao khát được chia sẻ nó, và lan tỏa ra toàn thế giới. Đối với mỗi người trong số qúy vị, gia đình của quý vị và những dân tộc mà qúy vị đại diện, tôi xin nhắc lại phúc lành của tôi và gửi những lời cầu chúc tự đáy lòng tôi cho một năm thanh thản và bình an.
Cảm ơn qúy vị!
[1] Xem Tông huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11 năm 2013), 226-230.
[2] Thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình 2022 (8 tháng 12 năm 2021), 2.
[3] Thông điệp Fratelli Tutti (ngày 3 tháng 10 năm 2020), 211.
[4] Đã dẫn.
[5] Đã dẫn.
[6] Thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình 2022, 1.
[7] Thông điệp Urbi et Orbi, ngày 25 tháng 12 năm 2021.
[8] Diễn văn trước Liên hiệp quốc (4 tháng 10 năm 1965), 5.
[9] Gặp gỡ vì hòa bình, Hiroshima, ngày 24 tháng 11 năm 2019.
[10] Xem Thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình 2022, 3.
[11] Thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình 2022, 4.