Tiến sĩ JD của The Pillar hôm nay tường thuật thái độ của người Công Giáo Ukraine đối với những kẻ xâm lăng đất mẹ của họ (https://www.pillarcatholic.com/p/moscow-patriarch-prays-for-unity?utm_source=url).



Trước khi Mùa Chay bắt đầu, nhiều Kitô hữu Chính thống giáo và Công Giáo phương Đông cử hành “Chúa nhật Tha thứ” - một ngày lễ để các tín hữu tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa và nhằm mục đích tha thứ cho những người đã làm sai đối với họ.

Đối với các giáo xứ Công Giáo theo nghi lễ Hy Lạp của Ukraine, “Chúa nhật Tha thứ” đến vào thời điểm khó khăn hơn - diễn ra ở nhiều giáo xứ vào ngày 27 tháng 2, ba ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Tha thứ cho một cuộc xâm lược quốc gia không dễ dàng xảy ra. Và tại Giáo xứ Công Giáo Ukraine ở Nhà thờ Hiển Dung tại Denver, Cha Valeriy Kandyuk nói rằng sự tha thứ không phải là điều dễ dàng để rao giảng ngay lúc này.

Nhưng với một tiếng thở dài não nề, Cha Kandyuk nói với The Pillar rằng “chúng ta phải tha thứ cho tất cả mọi người, cũng như Chúa đã tha thứ cho tất cả tội lỗi của chúng ta”.

Gần hai thập niên trước đây, sau khi được thụ phong ở Ukraine, Cha Kandyuk đã đến để phục vụ như một nhà truyền giáo ở Chicago, lãnh đạo các giáo xứ ở California, Detroit và Colorado. Nhưng ngài vẫn cảm thấy thoải mái nhất khi nói chuyện thông qua người phiên dịch và những ngày này, suy nghĩ và trái tim của ngài đều hướng về Ukraine.

Khi các lực lượng Ukraine đẩy lùi quân đội Nga chiếm Kyiv vào Chúa nhật, Cha Kandyuk nói với The Pillar rằng “chúng tôi cảm thấy sự bảo vệ từ Chúa và từ Mẹ Maria. Chúng tôi có rất nhiều nơi [ở Ukraine] là nơi Mẹ Maria đã hiện ra. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy rằng Chúa đang giúp đỡ và bảo vệ chúng tôi”.

Tuy nhiên, “những gì đang xảy ra ở Ukraine thật khủng khiếp,” ngài nói với The Pillar. "Thực sự là khủng khiếp".

Vị linh mục giải thích, các bạn của ngài, các linh mục ở miền tây Ukraine, “đang giữ cho nhà thờ của họ mở cửa. Người dân được phép đến”. Và ở các vùng phía đông của Ukraine, các mục tử đang giữ cho các nhà thờ mở cửa ngay cả khi các ngôi làng bị tan hoang trong các trận chiến với binh lính Nga. Tại các thành phố, một số linh mục đang cung cấp các Phụng vụ Thánh trong các hầm tránh bom và tàu điện ngầm.

ha Kandyuk cho biết, khi một cuộc xâm lược diễn ra, lời kêu gọi tha thứ có tính bản thân - không phải là tha thứ cho kẻ thù trừu tượng, mà là sự tha thứ cho những kẻ hiện đang gây hại cho những người yêu thương của mình.

Cha Alexander Laschuk, một linh mục Công Giáo người Ukraine đang làm mục vụ tại Toronto, nói với The Pillar rằng vào Chúa nhật Tha thứ - ngày mà gia đình ngài, theo lịch Julian, sẽ cử hành vào tuần tới - ngài sẽ nói chuyện với giáo dân và với các con của mình, về việc yêu kẻ thù của họ.

Cha Laschuk nói với The Pillar, “Tôi có thể nói rằng yêu kẻ thù của mình là điều khó nhất mà chúng ta được kêu gọi với tư cách Kitô hữu. Hoàn toàn là khó khăn hơn cả”.

“Và tôi nói với mọi người rằng yêu kẻ thù của bạn có nghĩa là nếu bạn lên thiên đường và nhìn thấy Putin đang ngồi ở đó, bạn sẽ nghĩ rằng ‘Chà, Chúa thật vĩ đại!’ Chứ không phải ‘Chúa đang làm cái quái gì ở đây vậy?’”

Cha Laschuk nói tiếp, “Tha thứ không có nghĩa là thúc đẩy. Nó có nghĩa là yêu [kẻ thù] và mong muốn sự cứu rỗi của họ và thấy họ cũng được tạo ra theo hình ảnh của Chúa”.

“Và trong trường hợp cụ thể của ông Putin - đây là điều mà rất nhiều người rõ ràng phải đấu tranh, ngay cả trước động thái gần đây nhất này. Nhưng ông ta bảo ông ta là một Kitô hữu. Tôi tin rằng ông ấy nghĩ về đức tin của mình. Và đối với tôi, đó là điều mà Chúa Thánh Thần có thể làm việc. Tôi nói với mọi người hãy cầu nguyện cho ông ấy”.

Vị linh mục nói thêm. “Chúa Thánh Thần có thể làm những điều đáng kinh ngạc và có thể, chỉ có thể thôi nhá, Người có thể nói với trái tim của [Putin] và mang lại sự hoán cải mà chúng ta đang tìm kiếm - để thấy được phẩm giá của con người”.

Một linh mục Công Giáo Ukraine khác, Cha Oleh Katchour, thuộc Giáo xứ Công Giáo St. Nicholas ở Toronto, nói với The Pillar rằng “sự tha thứ là bãi chiến trường trong trái tim con người sẽ luôn tạo lợi thế cho điều tốt hơn điều xấu”.

Ngài nói: “Sự tha thứ có thể là ánh sáng bên cạnh bạn, sẽ không bao giờ bị bóng tối tiêu diệt”.

Ở Denver, gần 100 người thờ phượng đã đến tham dự buổi phụng vụ Chúa nhật bằng tiếng Ukraine của Giáo xứ Hiển Dung vào ngày 27 tháng 2 - một đám đông đông hơn nhiều so với thường lệ. Nhiều người trong số họ đến trong trang phục truyền thống thêu thùa rực rỡ của Ukraine.

Khi kết thúc phụng vụ Chúa nhật, Cha Kandyuk dẫn đầu các giáo dân trong một nghi thức tha thứ.

Giáo xứ cầu nguyện, “Từ tận đáy lòng con, con thực sự và chân thành tha thứ cho những người ghét con, những người đã xúc phạm hoặc làm tổn thương con, và chống lại những người mà con có ác cảm”.

Sau phần phụng vụ, giáo dân cho biết những lời cầu nguyện như thế đến vào một thời điểm bất thường.

Daria McKay ở Westminster, Colorado, có tổ tiên là người Ukraine - tên thời con gái của cô là Maksimowich, cô nói với The Pillar, rằng theo dõi cuộc chiến đang diễn ra là một trải nghiệm về “sự tàn phá hoàn toàn. Thật khó để nghĩ về ông bà của tôi, những người đã chiến đấu cho tự do của chúng tôi… chứng kiến điều này xảy ra trong thế kỷ 21 thật là kinh ngạc”.

McKay cho biết cô muốn tha thứ cho quân đội Nga đã xâm lược Ukraine. “Tôi nghĩ về người Nga, và quân đội… và tôi thậm chí không biết điều gì thuyết phục họ tấn công. Và vì vậy, việc tha thứ cho những người lính [Nga], những người thực sự đang lầm đường lạc lối… thật không dễ dàng chút nào ”.

Cô ấy nói rằng cô cũng nhìn việc tha thứ trong một lăng kính rộng lớn hơn. Cô nói, “Tôi đã suy nghĩ [trong suốt nghi lễ] về việc các nước khác đang hỗ trợ Ukraine nhiều như thế nào. Và điều đó nói lên sự tha thứ xiết bao”.

McKay nói với The Pillar rằng trong Chiến tranh Ba Lan-Ukraine năm 1918 và 1919, chị gái của ông nội cô đã bị giết bởi những người theo đảng phái Ba Lan.

Cô cho rằng, hôm nay, việc Ba Lan hỗ trợ người dân Ukraine nói lên một kiểu hàn gắn văn hóa, - sự tha thứ và hòa giải, sau những vết thương lịch sử.

Michael Wynar ở Denver, là một người Mỹ thế hệ thứ nhất. Vợ và bố mẹ ông phát xuất từ Ukraine, ông nói tiếng Ukraine với các con của mình.

Ông nói với The Pillar, các con rể của ông, sống ở Ukraine, hiện đang “ẩn náu trong núi, vì Putin nói ông ta có thể sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Wynar nói hôm Chúa nhật, khi đang xem các con trai của mình chơi bên ngoài Giáo xứ Hiển Dung, “Chúng tôi có truyền thống lâu đời là tin tưởng vào Đức Mẹ để bảo vệ Ukraine. Tôi nghĩ rằng mọi người hy vọng rằng Mẹ Maria và Chúa Giêsu sẽ can thiệp. Mặc dù chúng tôi có một đội quân nhỏ như vậy, nhưng nó giống như David và Goliath".

Ông nói thêm, “Và đây là cuộc chiến của mọi người. Bởi vì nếu Ukraine sụp đổ, thì châu Âu là nạn nhân tiếp theo. Hoặc nếu nó tràn sang Estonia hoặc Latvia, thì đột nhiên Mỹ cũng liên hệ. Vì vậy, đây là cuộc chiến của tất cả mọi người. Và lời cầu nguyện là điều quan trọng nhất lúc này”.

Wynar nói với The Pillar, tha thứ, "thật khó". “Chúng tôi thực sự đang cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho cả những người lính Nga vì đã tấn công. Thật khó để trở thành Kitô hữu trong thời kỳ chiến tranh. Và nghe có vẻ kỳ, nhưng đây không phải là lỗi của những người lính, họ đang tuân theo mệnh lệnh - lỗi là những người ra lệnh"

Ông nói, “Chúng tôi nói trong Giáo hội rằng không có kẻ thù nào ngoại trừ Kẻ thù – là Satan, là ma quỷ. Mỗi người đều có thể trở lại với Chúa và được tha thứ. Và trong thời kỳ chiến tranh, nó thực sự là đen và trắng”.

“Đây chỉ là một khoảng thời gian thực sự khó khăn, nhưng đây là Chúa nhật Tha thứ. Và - và chúng tôi đang cầu nguyện cho cả hai bên ngay bây giờ, bởi vì chúng tôi thực sự muốn hòa bình. "

Olga Odom di cư từ miền đông Ukraine vào năm 2009; quê hương của cô, nơi gia đình cô vẫn sống, cách biên giới Nga hai giờ. Và tất cả họ đều vô cùng kinh hãi ”.

Odom nhấn mạnh rằng người dân trong khu vực của cô, nhiều người trong số họ nói tiếng Nga, là những người Ukraine trung thành - bất chấp tuyên bố của Moscow rằng hầu hết người dân miền Đông Ukraine đồng nhất mạnh mẽ với Nga hơn là với Kyiv.

Tuyên bố đó “hoàn toàn dối trá” Odom nói. “Chúng tôi là một quốc gia, và chúng tôi tin tưởng vào nền dân chủ. Đó là một dối trá, chỉ là một cái cớ khác để tấn công".

Cô nhấn mạnh niềm tự hào về các lực lượng phòng vệ Ukraine.

Odom nói, “Chúng tôi rất tự hào về các chàng trai của mình. Họ là những người hùng của đất nước chúng tôi”.

Vào Chúa nhật Tha thứ, Odom nói rằng cô ấy "cầu nguyện cho Ukraine, cho gia đình và bạn bè của chúng tôi, và cho sự an toàn của tất cả người dân Ukraine".

Odom nói rằng Chúa nhật Tha thứ đến vào một thời điểm đầy thử thách.

“Nhưng, ý tôi là, chúng ta phải mạnh mẽ để tha thứ, đúng không? Và chúng tôi là một dân tộc mạnh mẽ”.



Thượng phụ Kirill biện minh xâm lăng

Trong khi ấy, Thượng phụ Kirill của Chính thống Nga cầu nguyện cho sự thống nhất của 'không gian duy nhất' Nga và Ukraine.

Thực vậy, vị thượng phụ này, hôm Chúa Nhật, đã dâng lời cầu nguyện cho cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, gợi lên khái niệm về một "tổ quốc" của Nga bao gồm Ukraine, đồng thời nhấn mạnh vào quyền lực giáo hội Mạc tư khoa đối với các nhà lãnh đạo Giáo hội của Kyiv.

Nhận xét của vị thượng vụ đã được nhiều người coi là một phần của lời biện minh thần học liên tục của Chính thống giáo Nga đối với cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine.

“Chúng ta không được để các thế lực thù địch và đen tối bên ngoài chê cười, chúng ta phải làm mọi cách để duy trì hòa bình giữa các dân tộc và đồng thời bảo vệ Tổ quốc lịch sử chung của chúng ta khỏi mọi hành động bên ngoài có thể phá hủy sự đoàn kết này,” Thượng phụ Kirill nói như thế trong một bài diễn văn, sau một buổi phụng vụ thánh vào ngày 27 tháng 2 tại Nhà thờ Chính thống giáo của Chúa Kitô Đấng Cứu thế.

Các lực lượng Nga xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2, mở các cuộc tấn công vào một số thành phố, bao gồm cả thủ đô của Kyiv. Giao tranh đã tiếp diễn liên tục trong 5 ngày qua, khi các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Ukraine và trên thế giới bày tỏ tình đoàn kết với người dân Ukraine, đồng thời các chính phủ cam kết viện trợ cho Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Ukraine là nơi có ba Giáo hội Kitô giáo lớn. Ngoài Giáo Hội Công Giáo Ukraine, các Kitô hữu Chính thống giáo của đất nước còn bị chia rẽ giữa các thành viên của Giáo hội Chính thống giáo tự quản của Ukraine, được Giáo chủ Constantinople công nhận vào năm 2018 và Giáo hội Chính thống Ukraine thuộc thẩm quyền của Thượng phụ Kirill của Mạc tư khoa.

Sự công nhận năm 2018 của Constantinople đối với Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập đã gây ra cuộc chia rẽ trong cộng đồng Chính thống giáo trên toàn thế giới, với việc Mạc tư khoa phá vỡ sự hiệp thông với Constantinople vì vụ công nhận này. Tòa thượng phụ Mạc tư khoa tuyên bố Ukraine là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình và khẳng định rằng đây là một tỉnh giáo hội phụ thuộc của Giáo hội Nga.

Giáo hội chính thống Mạc tư khoa vốn hiểu ý niệm “tất cả người Nga” bao gồm Ukraine, cũng như người dân của các quốc gia khác mà trong lịch sử đã nằm dưới ảnh hưởng của Nga.

Trong bài phát biểu của mình vào hôm Chúa nhật, Thượng phụ Kirill khẳng định có một sự thống nhất yếu tính giữa Nga và Ukraine, cũng như các Kitô hữu Chính thống giáo ở các quốc gia đó.

Thượng phụ Kirill nói, “Xin Thiên Chúa cấm, đừng để tình hình chính trị hiện tại ở Ukraine huynh đệ, gần gũi với chúng ta, nhằm mục đích bảo đảm để các thế lực tà ác luôn chiến đấu chống lại sự thống nhất của Nga và Giáo hội Nga, phỗng tay trên”.

“Xin Thiên Chúa cấm, đừng để giữa Nga và Ukraine có một lằn ranh khủng khiếp, nhuốm máu anh em. Chúng ta phải cầu nguyện cho việc khôi phục hòa bình, cho việc khôi phục mối quan hệ huynh đệ tốt đẹp giữa các dân tộc của chúng ta”.

Thượng phụ tiếp tục bày tỏ tình đoàn kết với các Kitô hữu của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng liên đới có nghĩa là chấp nhận thẩm quyền của Mạc tư khoa đối với Giáo hội Ukraine:

Thượng phụ Kirill nói, “Lời cam kết đối với tình anh em [Kitô giáo] này là Giáo hội Chính thống thống nhất của chúng ta, mà ở Ukraine được đại diện bởi Giáo hội Chính thống Ukraine [trung thành với Mạc tư khoa], do Đức Onufry đứng đầu. Chúng ta đã cầu nguyện cho họ ngày hôm nay”.

Thượng phụ Mạc tư khoa tiếp tục cầu nguyện xin ơn bảo vệ cho "dân tộc vốn là một phần của không gian duy nhất của Giáo hội Chính thống Nga khỏi chiến tranh tương tàn".

Vị Thượng phụ nói thêm, “Chúng ta không được để các thế lực thù địch đen tối chế nhạo chúng ta, chúng ta phải làm mọi cách để duy trì hòa bình giữa các dân tộc, đồng thời bảo vệ Tổ quốc lịch sử chung của chúng ta khỏi mọi hành động bên ngoài có thể phá hủy sự đoàn kết này”.

Thượng phụ Kirill cầu nguyện, “Cầu xin Chúa bảo vệ đất Nga. Khi tôi nói 'nước Nga', tôi sử dụng một cách diễn đạt cổ xưa từ 'Câu chuyện những năm đã qua' - 'Lãnh thổ Nga đến từ đâu?' Lãnh thổ nay bao gồm Nga, và Ukraine cùng Belarus, và các bộ lạc cùng dân tộc khác. Để Chúa gìn giữ đất Nga khỏi những kẻ thù bên ngoài, khỏi những mối bất hòa bên trong, để sự hiệp nhất của Giáo hội chúng ta được củng cố”.

Phát biểu của Thượng phụ Kirill có thể sẽ được nhiều Kitô hữu Ukraine và những người theo dõi Giáo hội giải thích như sự ủng hộ ngầm, biện minh cho việc Putin xâm lược Ukraine.

Ngay trước khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tuần trước, Putin đã có một số bài phát biểu, trong đó ông tuyên bố Ukraine và các quốc gia khác giáp biên giới với Nga là “vùng đất lịch sử của chúng tôi”. Tổng thống Nga tuyên bố rằng “Ukraine hiện đại hoàn toàn do Nga tạo ra” và lãnh thổ và con người Ukraine không thể tách rời khái niệm Rus - con người và văn hóa lịch sử của Nga.

Ông Putin nói rằng sự tồn tại của một nước Ukraine độc lập là một "dự án chống Nga", do các lực lượng phương Tây bên ngoài ủng hộ.

Đại diện của Ukraine và Nga đã gặp nhau hôm thứ Hai để đàm phán ngừng bắn ngắn hạn ở biên giới Ukraine với Belarus, quốc gia-khách hàng của Nga đã cam kết gửi các lực lượng vũ trang của riêng mình tới Ukraine để hỗ trợ cuộc xâm lược của Nga.

Tòa thánh đã đề nghị giúp tạo điều kiện hơn nữa cho các cuộc đàm phán hòa bình. Trong khi Vatican luôn giữ thái độ trung lập công khai trong các cuộc xung đột quốc tế và kêu gọi hòa bình từ cả hai bên, thì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành Thứ Tư Lễ Tro trong tuần này làm ngày cầu nguyện và ăn chay cho người dân Ukraine.

Đức Giáo Hoàng cũng đã đến thăm đại sứ quán Nga tại Tòa thánh, để nài nỉ cho hòa bình. Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện trực tiếp với tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai, Đại Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, đã đưa ra lời cầu nguyện của riêng mình để “đối thoại và ngoại giao [sẽ] chiến thắng chiến tranh,” đồng thời lên án cuộc chiến tranh “quanh co, vô nhân đạo và tàn ác” của Nga.

Đức Đại Tổng Giám Mục Shevchuk ca ngợi "lòng dũng cảm" của người dân và quân đội Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng các lực lượng Nga hiện đang sử dụng phụ nữ và trẻ em làm lá chắn bằng người để che chở cho những bước tiến của họ trên đất nước.

Ngài nói: “Tôi biết ơn vì Đức Thánh Cha ủng hộ chúng tôi, cầu nguyện cho chúng tôi và mong muốn làm mọi thứ để ngăn chặn cuộc chiến này”.