Một Nửa Sự Thật
CN I CHAY C
Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.
Nói đến cám dỗ, chúng ta thường nghĩ rằng ma quỷ xúi giục, dụ dỗ mình làm một điều xấu. Thật ra nếu biết điều đó là xấu thì mình cũng phải phân định, xem xét cân nhắc trước khi làm chứ!. Chiến thuật cám dỗ ma quỷ thường là nó làm cho người ta lầm tưởng cái giả là cái thật, cái thật là cái giả, coi cái không có là cái có và coi cái có là cái không có. Khi cám dỗ, ma quỷ luôn quảng cáo trước mắt chúng ta những điều thật, điều tốt và có lợi. Nhưng thật ra đó chỉ là “bánh vẽ”, nếu có thật chỉ là một phần rất nhỏ. Nó làm cho người ta mù quáng và không nhìn thấy những mặt xấu. Đó là những “chiêu” tinh vi ma quỷ dùng trong chiến thuật cám dỗ con người. Trong vườn địa đàng, ma quỷ xúi giục Adam-Eva ăn trái cấm. Nếu ma quỷ cho thấy hậu quả của việc ăn trái cấm, chắc hẳn hai ông bà phải xét lại đề nghị của ma quỷ? Ma quỷ trưng dẫn những mặt tích cực, mặt có lợi cho hai ông bà như ăn vào “mắt ông bà sẽ mở ra và sẽ bằng Thiên Chúa” (St 3,5). Ma quỷ cũng sử dụng “chiêu thức” này đối với Chúa Giêsu như nó đã cám dỗ Adam-Eva.
1. Một nửa sự thật.
Đức cha Phêrô Nguyễn Khảm gọi “chiêu thức” ma quỷ dùng để cám dỗ Chúa Giêsu là chiêu “một nửa sự thật”.
Khi đọc trình thuật Chúa Giêsu bị cám dỗ, chúng ta dễ nghĩ đây là những cám dỗ về mặt luân lý, đạo đức cá nhân, chẳng hạn như tội kiêu ngạo, tham lam của cải…Những suy nghĩ ấy rất tốt và rất cần, nhưng ở đây thử nhìn tới một viễn tượng lớn hơn bằng cách đặt câu hỏi: Chúa Giêsu chịu cám dỗ vào lúc nào? Thưa, vào lúc Ngài bắt đầu thi hành sứ vụ công khai. Cho nên, những cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu đối diện không chỉ là cám dỗ về mặt đạo đức cá nhân, mà là những cám dỗ về sứ vụ cứu thế, về đường lối giải thoát nhân loại. Vậy đâu là đường lối cứu thế mà ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu và nó dùng chiến thuật nào để thuyết phục Người làm theo? Chiến thuật của ma quỷ là lấy chính Lời Chúa để đánh lừa và cám dỗ con người. Lời Chúa là lời Chân Lý, Lời sự thật nhưng ma quỷ chỉ trình bày một nửa sự thật để đánh lừa con người.
Trong cơn cám dỗ thứ nhất, sau 40 ngày không ăn gì cả, Chúa Giêsu thấy đói, ma quỷ nói với Người “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi”. Ấn trong lời đề nghị đó là quan niệm cho rằng cứ có tiền bạc, cứ có của cải vật chất là giải quyết tất cả. Điều đó có đúng không? Con người cần cơm bánh, cần của cải, cần được cung ứng những nhu cầu căn bản cho cuộc sống. Nhưng tiền bạc và của cải vật chất tuy cần thật nhưng không phải là tất cả. Trong thực tế đã có bao nhiêu gia đình giàu có nhưng lại tan nát và con cái là những người phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Biết bao gia đình giàu có, nhưng con cái trong gia đình lại vướng vào tệ nạn xã hội, gây đau khổ cho mọi người. Đó là những kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống, chưa nói đến những kinh nghiệm của lịch sử thế giới dạy chúng ta điều đó.
Ở cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ nói với Chúa Giêsu: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn cho ai tùy ý. Nếu ông bái lạy tôi thì tất cả sẽ thuộc về ông”. Hàm trong lời đề nghị đó là quan điểm cứ có quyền lực là có tất cả. Tiếc rằng, điều đó chỉ đúng có một nửa. Quyền lực là cần thiết cho người lãnh đạo, nhưng không phải là tất cả. Lịch sử thế giới làm chứng biết bao nhiêu người với quyền lực gần như tuyệt đối trong tay mà chỉ gieo sợ hãi, gieo đau khổ cho biết bao thế hệ.
Cơn cám dỗ cuối cùng mà ma quỷ đề nghị với Chúa Giêsu là lên trên nóc đền thờ gieo mình xuống… “vì có lời chép rằng Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên Chúa sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Ở đây xuất hiện một cơn cám dỗ đặc thù trong thời đại chúng ta, thời đại của khoa học kỹ thuật. Ngày nay người ta nói đến kỹ thuật trị hay kỹ trị, với ý nghĩ rằng kỹ thuật giải quyết được hết mọi sự. Đúng là con người cần đến khoa học và kỹ thuật, nhờ đó cuộc sống được đầy đủ tiện nghi, thoải mái, an toàn, bảo đảm hơn. Những chuyện ngày xưa tưởng chỉ có trong chuyện khoa học viễn tưởng như máy bay, tàu ngầm, điện thoại, internet…nay đều thành sự thật, làm cho cuộc sống con người phong phú hơn. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là liệu kỹ thuật có giải quyết được hết mọi sự không? Con người có khả năng khám phá nguyên tử, nhưng từ ngày đó, nhân loại lại sợ hãi nghĩ đến chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ và tiêu diệt tất cả. Từ ngày internet phát triển đến nay, các phương tiện truyền thông bùng nổ, nối kết con người trong ngôi làng toàn cầu, thế nhưng tình trạng gian dối, lừa đảo, khủng bố trên không gian mạng cũng gia tăng, liệu nhân loại có cảm thấy bình an và hạnh phúc hơn chăng?
Phân tích những cơn cám dỗ này để thấy chiến thuật của ma quỷ là trình bày sự thật, nhưng chỉ là một nửa sự thật. Đấy chính là lý do khiến chúng ta dễ sa vào cơn cám dỗ vì nó xuất hiện với dáng vẻ rất ngọt ngào, đẹp đẽ, hấp dẫn. Ẩn trong dáng vẻ hấp dẫn và đẹp đẽ đó là sự chết, là tội lỗi dẫn đến sự chết mà nhiều khi mình không tỉnh thức và cảnh giác đủ. (x.Lời Chúa và cuộc sống năm 2022, ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm, suy niệm CN I Chay).
2. Trộn sự thật với dối trá
Linh mục Minh Anh (TGP Huế) gọi ‘chiêu’ cám dỗ của ma quỷ là “Trộn sự thật với dối trá”.
Thánh Maccô kể chuyện: “Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: ‘Ông là Con Thiên Chúa’” (Mc 3,7–12).
Thật bất ngờ, ma quỷ vừa bái phục Ngài, vừa nói cho biết; đúng hơn, nó tuyên xưng, “Ngài là Con Thiên Chúa!”. Thế nhưng, sẽ bất ngờ hơn, khi “Ngài nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Ngài”. Tại sao? Phải chăng Ngài biết, chúng là một chuyên gia ‘trộn sự thật với dối trá?’.
Chúa Giêsu ra lệnh cho các thần ô uế giữ im lặng về Ngài; bởi lẽ, lời chứng của chúng không đáng tin, nhất là một lời chứng về sự thật Ngài là ai. Điều quan trọng chúng ta cần hiểu ở đây là, ma quỷ thường lừa dối người khác bằng cách nói ra một số sự thật theo một cách thức pha lẫn dối trá. Vì thế, không thể tin chúng được; chúng luôn ‘trộn sự thật với dối trá’; chúng không xứng đáng để nói bất cứ một sự thật nào về Chúa Giêsu.
Ma quỷ tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng lại đi nghịch với Tin Mừng của Ngài; Nó bái phục, nhưng lại tìm mọi cách để cám dỗ Ngài đi theo đường lối nó. Đây là điều Ngài đã cảnh báo: “Dân này kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng thờ kính Ta cách giả dối”. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống sự thật, chọn sự thật và làm chứng cho sự thật.
Sống trong thời đại internet, thật không dễ để chúng ta phân biệt giữa sự thật và dối trá; giữa thế giới thực và thế giới ảo; đâu là ý kiến dẫn dắt con người, đâu là thao túng lương tri. Cách chung, Tin Mừng hôm nay sẽ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về việc lắng nghe. Được lắng nghe, được rao giảng là một điều tốt, nhưng không phải mọi điều chúng ta nghe, đọc hoặc xem…đều đáng tin cậy; vì lẽ, sẽ có vô số ý kiến, lời khuyên, thầy dạy mà đôi khi những người thuyết giảng sẽ nói một điều gì đó khá đúng; nhưng sau đó, vô tình hoặc cố ý, họ ‘trộn sự thật với dối trá’, dù thoạt đầu, những sai sót ấy xem ra rất nhỏ. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn và dẫn đến lầm lạc. Vì vậy, phải luôn lắng nghe, đọc và xem một cách cẩn thận, hầu phân biệt điều đó có hoàn toàn phù hợp với những gì Chúa Giêsu đã bày tỏ không. Đây là lý do mà chúng ta phải luôn dựa vào giáo huấn của Chúa Giêsu qua huấn quyền của Hội Thánh; Chúa Giêsu bảo đảm, chân lý của Ngài được nói qua Hội Thánh. Do đó, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, cuộc đời các thánh và sự khôn ngoan của Đức Thánh Cha và các Giám Mục phải luôn luôn được sử dụng làm nền tảng cho tất cả những gì chúng ta thụ huấn.
Thứ đến, trong mọi đấng bậc, chúng ta là những người rao giảng; chúng ta chịu trách nhiệm về điều mình rao giảng. Lời rao giảng của chúng ta phải đặt nền tảng trên thẩm quyền của Hội Thánh, cụ thể là đấng bản quyền; nội dung chúng ta rao giảng là Chúa Giêsu, Lời Ngài và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Nhờ hiệp thông với Hội Thánh và cầu nguyện, những gì chúng ta rao giảng phải được phân định và chiếu soi bởi Thánh Thần. Từ đó, chúng ta đọc, nghe và nói Lời Thiên Chúa trên ‘đầu gối’ của Hội Thánh và không được phép nhập nhằng ‘trộn sự thật với dối trá’ dù là vô tình; bởi lẽ, một phần sự thật, hoặc sự thật không toàn phần, không phải là sự thật.
Ngày kia, Satan đang đi cùng một trong những thuộc hạ của nó; cả hai nhìn thấy một người đàn ông đi trước nhặt một thứ gì đó bóng loáng. Thuộc hạ của Satan hỏi, “Không biết người ấy nhặt được cái gì?”; “Một mảnh của sự thật”, Satan trả lời. “Ngài không lấy làm tiếc và khó chịu khi người ấy chỉ tìm được một mảnh của sự thật sao?”, thuộc hạ hỏi. Satan trả lời, “Không! Ta sẽ giúp nó, ta sẽ ‘trộn sự thật với dối trá’ và tạo nên một tôn giáo mới từ mảnh chân lý quý giá ấy”.
Thật may mắn, Mẹ Hội Thánh của chúng ta không nhặt được một mảnh của sự thật, nhưng được trao ban một chân lý toàn vẹn bởi một Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống; đó là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, vị “Thượng Tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời” như thư Do Thái hôm nay nói đến. Ngài là “Ánh Rạng Ngời Chân Lý” như tên của một thông điệp mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết; chân lý của Ngài không bao giờ ‘trộn sự thật với dối trá’.
Đang ở trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Giáo Hội Kitô, chúng ta cầu xin Thánh Thần ban cho các Giáo Hội được hiệp nhất trong đức tin, hiệp nhất trong chân lý vẹn toàn, hiệp nhất trong Lời Chúa và hiệp nhất với Thánh Thần trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. (Lm. Minh Anh, suy niệm ngày 20.1.2021).
3. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.
Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan bằng Lời Sự Thật và đời sống chay tịnh cầu nguyện, luôn tín thác vào Chúa Cha.
Lời Chúa là Sự Thật nguyên tuyền, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Mỗi lần ma quỉ đưa ra một chước cám dỗ, Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
-Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)
-Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)
-Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).
Dường như suốt cả cuộc đời, Chúa Giêsu luôn bị Satan tấn công : “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỹ bỏ đi, chờ đợi thời cơ ” (Lc 4,13). Nhất là vào những giây phút cuối đời của Người. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với khổ nạn và cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nỗi mồ hôi đổ ra như máu. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b); “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b).
Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn, nhiều gian dối mưu mô lọc lừa, nhiều chiêu trò “một nửa sự thật” và “trộn sự thật với dối trá”, có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Thánh Phêrô dùng một hình ảnh đáng sợ để ám chỉ Satan: “Ma quỷ là thù địch của anh em, nó như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 3,8). Với lời trên, thánh Phêrô quả quyết Satan cám dỗ chỉ để làm hại con người mà thôi. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ".
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Sự Thật Lời Chúa.
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để ngưới tín hữu xét mình, để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mà sống đẹp lòng Thiên Chúa mỗi ngày.