Đức Giáo Hoàng cải tổ giáo triều để thích nghi với sự thay đổi của thời đại

Ngày 19/03/2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký Tông hiến Praedicate Evangelium (Hãy loan báo Tin mừng) tổ chức lại giáo triều (curia) và văn bản này được công bố cho công chúng trong buổi họp báo ngày thứ Hai 21/03/2022 dưới sự chủ tọa của Đức Hồng Y Marcello Semeraro, bộ trưởng bộ Phong Thánh.

Tông hiến (Costituzione apostolica) về “Giáo triều Rôma và sự phục vụ đối với Giáo hội và thế giới” đánh dấu 9 năm làm việc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 05 tháng sáu tới và thay thế cho Tông hiến Pastor Bonus (Mục tử nhân lành) do Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II ban hành hồi cuối tháng sáu 1988. Văn bản này gồm 11 chương và 250 điều.

Văn bản cho thấy có những thay đổi gì trong giáo triều? Đâu là điểm cốt lõi? Và mục tiêu của những cải tổ này là gì? Linh mục Phạm Hoàng Dũng từ Roma giải thích.


Văn bản là một sáng kiến của Đức Phanxicô?

Tông hiến Praedicate Evangelium (Hãy loan báo Tin mừng) ra đời trong bối cảnh Giáo Hội Công Giáo đang tiến hành thượng hội đồng các giám mục với chủ đề “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Và sẽ kết thúc vào năm tới 2023 với Công đồng quy tụ về Roma toàn bộ các giám mục trên toàn thế giới. Còn riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô, việc này đã được bàn đến và bắt đầu ngay trong cuộc họp các Hồng Y bầu Giáo hoàng năm 2013.

Cải tổ để thích nghi với sự đổi thay của thời đại là điều căn cốt của Giáo Hội Công Giáo. Giáo hội là một thực thể sống động chứ không phải là một cơ chế cứng nhắc hay một tổ chức hội nhóm đứng bên lề sự phát triển của xã hội. Nếu chỉ đọc bản văn tiếng Việt chúng ta sẽ không thấy được sự thay đổi ý nghĩ trong cơ cấu tổ chức hay các bản văn bằng các thứ tiếng như Anh, Pháp, Ý và cả bản gốc tiếng La-tinh cho thấy có sự thay đổi về mặt từ ngữ từ “congregazione” hay “consiglio” thành “Dicastero”. Mà tiếng Việt dịch chung là “Bộ”.

Trong số mười lăm Dicasteri (Bộ), đứng đầu là bộ Loan báo Tin mừng, do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng và bộ Truyền giáo gộp lại, do chính Đức Giáo Hoàng điều khiển. Cơ quan này được chia làm hai phân bộ và mỗi phân bộ do một Quyền Tổng trưởng cai quản: Phân bộ thứ nhất đặc trách các vấn đề cơ bản trong việc loan báo Tin mừng trên thế giới; Phân bộ thứ hai đặc trách về việc loan báo Tin mừng cho dân ngoại và các giáo phận mới thuộc vùng truyền giáo, cụ thể là bộ Truyền Giáo, như cho đến nay.

Đó là điều mới mẻ mà chúng ta thấy được ngay từ tên gọi, tức là 2 chữ đầu tiên trong bản văn tiếng La-tinh: Praedicate Evangelium (Hãy loan báo Tin mừng) và đây chính là mệnh lệnh của Đức Giê-su khi kết thúc sứ vụ trần thế, giành cho các tông đồ, những người tiếp tục sứ vụ của ngài.

Bộ Giáo lý đức tin trước kia đứng đầu trong các Bộ, nay đứng hàng thứ hai sau Bộ Loan báo Tin mừng. Bộ này gồm có hai phân bộ: thứ nhất là phân bộ thăng tiến và bảo vệ toàn vẹn đạo lý đức tin và luân lý; thứ hai là phân bộ kỷ luật. Thuộc bộ này, có Ủy ban thần học quốc tế và Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên.

Về phần bộ Dịch vụ bác ái, đây là một sự thăng cấp Sở từ thiện của Đức Giáo Hoàng, nay dưới quyền một vị bộ trưởng, cho đến nay được gọi là Chánh sở từ thiện của Đức Thánh Cha.

Các bộ khác và ba tòa án hầu như không có thay đổi đáng kể. Riêng Bộ Văn hóa và Giáo dục được hình thành bằng cách gộp lại Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa và Bộ giáo dục Công Giáo.

Về phương diện kinh tế, thì vẫn có Hội đồng Kinh tế gồm tám Hồng Y và bảy giáo dân chuyên gia, có nhiệm vụ giám sát các cơ cấu và hoạt động quản trị, tài chánh của các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Văn Phòng hay bộ Kinh tế, là cơ quan của Đức Giáo Hoàng lo về vấn đề kinh tế và tài chánh.

Tiếp đến là cơ quan quản trị của Tòa Thánh, gọi tắt là Apsa. Hai cơ quan này từ lâu vẫn hoạt động theo qui chế mới đã được Đức Giáo Hoàng thiết định trong những năm gần đây, tức là hoạt động thông qua công cụ của Istituto per le Opere di Religione tức là Ngân Hàng Vatican.

Đâu là từ khóa của văn bản này?

Như đã thấy nơi việc sáp nhập bộ Truyền giáo với Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng và đặt lên hàng đầu dưới sự điều hành của Đức Giáo Hoàng cho thấy sự đáp trả cho những thay đổi của thời đại, một thế hệ trẻ mới không biết đến, không còn được nghe nói đến hay hiểu ngôn ngữ đức tin ki-tô giáo. Một thế giới không biết Chúa Giê-su là ai. Vì thế truyền giáo hay sứ vụ (missione) là một trong 2 từ khóa của tông hiến này.

Khi chúng ta phải đối chiếu với bản văn sau hết liên quan đến Giáo triều, tức là Tông hiến Pastor Bonus (Mục tử nhân lành). Ở điều số 7 của tông hiến này nói rằng “những công việc đòi hỏi thực thi quyền cai quản, phải được dành cho những người được trao chức thánh”. Tuy nhiên, trong tông hiến mới này, Đức Phanxicô đã nhắc lại, ngay trong Lời mở đầu, vai trò quan trọng của người giáo dân, tức là những ai đã lãnh bí tích rửa tội: “Đức Giáo Hoàng, các giám mục và những người lãnh nhận chức thánh không phải là những người duy nhất loan báo tin mừng trong Giáo hội… Mỗi ki-tô hữu, với quyền năng của Bí tích thanh tẩy, là một tông đồ truyền giáo trong chừng mực gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô".

Đây là sự quay trở lại điều mà Công Đồng Vatican II nhắc đến sự tham gia của người giáo dân trong việc điều hành những cơ quan cao cấp của Toà thánh. Và chính Đức Giáo Hoàng cũng đang thực hiện điều này trong việc chỉ định và bộ nhiệm những người giáo dân, nữ tu có năng lực điều hành các cơ quan quản Tòa Thánh. Như vậy “Bí tích Thanh Tẩy” là từ khóa thứ hai để hiểu rõ văn bản này.

Nói cách khác, không gian của người tín hữu đã được mở rộng trong việc tham dự vào việc điều hành Giáo hội. Họ không chỉ thụ động tham dự và chủ động hơn và sâu rộng hơn trong công việc điều hành và cai quản giáo hội từ địa phương cho tới trung ương. Điều này không khác biệt hay xa lạ trong thần học về người giáo dân, các ki-tô hữu, mà Công đồng Vatican II đã lần lại các cột mốc quan trọng trong lịch sử và truyền thống của Giáo hội từ thời Chúa Giê-su và Các Tông đồ. Khi đó mọi người đều bình đẳng.

Bổ nhiệm người giáo dân vào các vị trí vốn của hàng giáo sỹ

Nếu thần học về người giáo dân cho phép mọi người lãnh bí tích thanh tẩy được quyền tham dự vào việc quản trị Giáo hội thì tông hiến này tạo điều kiện cho họ có khả năng nắm giữ các chức vụ vốn được giành riêng cho hàng giáo sỹ hay những người có chức thánh. Chẳng hạn, về lý thuyết một người giáo dân có khả năng nắm chức vụ Quốc vụ khanh Tòa Thánh của Đức Hồng Y Pietro Parolin hay Bộ trưởng bộ tu sỹ, v.v…

Tuy nhiên, về vấn đề này, Đức ông Marco Mellino, thư ký của Hội đồng Hồng Y từ năm 2020, nói rõ rằng "người giáo dân được bổ nhiệm hay không là do thẩm quyền cụ thể của Bộ đó". Việc đó cần một đánh giá đặc biệt: "Đó không phải là thứ áp dụng máy móc tự động".

Bổ nhiệm theo nhiệm kỳ thay cho “công chức trọn đời”

Theo Tông hiến mới này, mọi “nhân viên” làm việc cho các cơ quan bộ ngành của Tòa Thánh đều được bổ nhiệm (nôm na là ký hợp đồng) 5 năm và có thể thì bổ nhiệm lại 5 năm nữa. Sau đó, họ phải trở về giáo phận của mình. Việc này, theo giới báo chí, thì không chỉ giảm bớt việc phát triển các kỹ năng chuyên môn mà còn gây khó khăn cho việc tìm người thích hợp.

Tuy nhiên theo tu sĩ Dòng Tên Ghirlanda “Đúng là kinh nghiệm đến từ việc luyện tập, nhưng nếu người đó trong 5 năm mà không có tiến bộ gì hoặc thấy anh ta sống lâu lên lão làng, thì không đáng để gia hạn hợp đồng. Mặt khác, nếu trong năm năm đó một người đã làm việc hiệu quả, thì có thể tái ký. Và không chỉ một lần mà miễn là nó được coi là hợp lệ”. Và theo chuyên viên Giáo luật này: “những người giữ các vị trí quản trị quá lâu có thể phát triển các trung tâm quyền lực. Và trong Giáo hội, điều đó không bao giờ nên xảy ra. Sự thay đổi mang lại ý tưởng mới, kỹ năng mới, sự cởi mở”.

Vai trò của Hội đồng Giám mục

Tông huấn đề cập đến vấn đề quyền lực của các Hội đồng Giám mục, dựa trên nguyên tắc “phân quyền - decentralizzazione”. Theo tu sỹ Ghirlanda: “Những gì được thiết lập bởi một hội đồng giám mục không thể mâu thuẫn với huấn quyền phổ quát (magistero universale), nếu không, nó đặt chúng ta ra ngoài sự hiệp thông của Giáo hội.” Tông Hiến mới được đặt "trên bình diện của sự hiệp thông trong giáo hội giữa các giám mục, bất kể đó là một hành động lập pháp hay một sự giải thích giáo lý". Đức Hồng Y Marcello Semeraro lặp lại: “Điều quan trọng là phải tạo ra một sự hiệp thông sâu sắc hơn giữa các giám mục và Hội đồng Giám mục”, Hồng Y Semeraro nói rằng ông đã tham dự cuộc họp của một Hội đồng Giám mục “nơi có thể nhìn thấy rõ ràng hai bên. Điều này không được xảy ra trong Giáo hội”.

Đấu tranh chống nạn lạm dụng tình dục

Đây là vấn nạn lớn trong Giáo hội hiện nay. Trước đây, các vụ việc vốn bị đùn đẩy qua lại giữa các bộ tùy theo vụ việc, thì nay đã có một Ủy ban giáo hoàng đặc trách việc này trực thuộc Bộ Giáo Lý Đức Tin. “Ủy ban này có nhiệm vụ ngăn chặn những tội ác như vậy, bộ phận kỷ luật của Bộ (giáo lý đức tin) tiến hành tố tụng hình sự chống lại chúng".

Đây là một dấu hiệu cho thấy Giáo hội đang nỗ lực như thế nào để ngăn chặn những tội ác nghiêm trọng như vậy tiếp tục gây ra bởi các linh mục, tu sĩ và ngay cả những người giáo dân thực hiện các chức năng trong Giáo hội. Nói như vị Hồng Y chủ tịch Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên (Pontificia Commissione per la Tutela dei Minori) Sean Patrick O’Malley, tổng giám mục Boston, thì tông hiến đã tạo nên bầu khi văn hóa bảo vệ cho trẻ em, những người vị thành niên và những người dễ tổn thương trong Giáo hội và xã hội.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn linh mục Phạm Hoàng Dũng từ Roma.