1. Đức Giáo Hoàng hủy bỏ chương trình nghị sự theo lời khuyên y tế vì đau đầu gối
Đức Thánh Cha Phanxicô lại hủy các cuộc họp hàng ngày hôm thứ Ba vì cơn đau đầu gối cấp tính đã khiến khả năng vận động của ngài bị hạn chế rất nhiều trong những tháng gần đây.
Trong một tuyên bố, Vatican cho biết các bác sĩ của Đức Phanxicô đã khuyến nghị ngài hủy bỏ các hoạt động đã lên kế hoạch của mình, trong đó có cuộc họp với các cố vấn Hồng Y họp ba tháng một lần tại Vatican.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hủy bỏ lịch trình làm việc của mình để kiểm tra y tế, kết quả vẫn chưa được công bố. Đức Thánh Cha, năm nay 85 tuổi, cho biết ngài bị căng dây chằng ở đầu gối phải, khiến việc đi lại, đứng lên ngồi xuống trên ghế ngày càng khó khăn và đau đớn.
Đức Thánh Cha Phanxicô từ lâu đã phải đi khập khiễng do đau dây thần kinh tọa, nhưng cơn đau đầu gối ngày càng trầm trọng hơn. Ngài đã phải cúi đầu trong một cử chỉ đau đớn khi cử hành một số sự kiện phụng vụ gần đây, và phải nhờ những vị khác chủ sự thay cho ngài trong một số thánh lễ, bao gồm cả Lễ Vọng Phục sinh và một thánh lễ vào Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Giờ đây, ngài thường xuyên đi bộ với sự hỗ trợ của một phụ tá.
Đức Thánh Cha có một lịch trình du lịch dày đặc sắp tới, bao gồm các chuyến đi được lên lịch đến Li Băng vào tháng 6, Congo, Nam Sudan và Canada vào tháng 7 và Kazakhstan vào tháng 9.

Source:AP

2. Linh mục Hương Cảng nhận định Trung Quốc cố gắng kiểm soát tôn giáo ở lãnh thổ này
Lần đầu tiên phát biểu trước công chúng dưới tên riêng của mình, một linh mục Hương Cảng nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật ý thức hệ như cải tạo và tuyên truyền để xóa bỏ quyền tự do tôn giáo ở Hương Cảng, được nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc từ năm 1997.
Phát biểu trong chương trình “The World Over” của EWTN ngày 21 tháng 4, Cha Vinh Sơn Vũ, một linh mục của Giáo phận Hương Cảng và là một luật sư giáo luật, nói rằng bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội, điều đó đương nhiên bao gồm việc thực hành tôn giáo.
Cha Vũ nói rằng ngài đã quan sát thấy rằng nhiều nhà lãnh đạo Kitô giáo miễn cưỡng lên tiếng chống lại các hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì sợ bị chính quyền dân sự giam giữ, hoặc tệ hơn. Ngài lưu ý rằng gần đây, một mục sư Tin lành đã bị giam giữ và bị buộc tội dụ dỗ vì đã phát biểu trên kênh YouTube của mình để ủng hộ một người tổ chức một buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thiên An Môn.
Ngài nói: “Là những linh mục và giám mục, chúng ta được kêu gọi trở thành những nhà tiên tri, lên tiếng chống lại sự bất công trong xã hội của chúng ta”.
“Nhưng tấm gương đó của mục sư Tin lành cho các linh mục và giám mục ở Hương Cảng thấy rằng nếu bạn rao giảng điều gì đó chống lại chính phủ, thì sẽ có hậu quả to lớn, và vì thế trong hai năm qua, bạn hiếm khi thấy bất kỳ linh mục hay giám mục nào ở Hương Cảng dám nói điều gì đó công khai chống lại chính quyền Hương Cảng hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cha Vinh Sơn Vũ nhắc mọi người nhớ rằng vào ngày 31 tháng 10, một cuộc họp chưa từng có đã diễn ra trong thành phố, ban đầu được giữ bí mật nhưng sau đó được hãng tin Reuters cho biết trong một phúc trình ngày 30 tháng 12.
Cuộc họp được bảo trợ bởi Văn phòng Liên lạc Chính phủ Trung ương của Bắc Kinh tại Hương Cảng, với sự giám sát từ đại lục của Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước.
Về phía Trung Quốc có ba giám mục và 15 linh mục và nam nữ tu sĩ của Giáo Hội quốc doanh được chính quyền Bắc Kinh công nhận. Về phía Hương Cảng có hai giám mục và 13 linh mục và nam nữ tu sĩ.
Trưởng phái đoàn Hương Cảng là Cha Phêrô Thái Huệ Văn (Choy Wai-man - 蔡蕙文), vị linh mục ngoan ngoãn mà chính quyền Trung Quốc rất vui khi được nhìn thấy đứng đầu giáo phận. Cha Stêphanô Châu, vị giám mục mới được chỉ định, chỉ tham gia cuộc họp một thời gian ngắn khi bắt đầu, trong khi sự kiện được khai mạc và bế mạc bởi Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon 湯漢), giám mục hiệu tòa của Hương Cảng và đang là Giám Quản Tông Tòa của giáo phận. Đương nhiên là vắng mặt vị Hồng Y chín mươi tuổi Giuse Trần Nhật Quân (陈日君, Zen Ze-kiun), biểu tượng cho sự phản đối bọn cầm quyền Trung Quốc và chỉ trích gay gắt thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh.
Các đại biểu từ đại lục nhấn mạnh rằng Hương Cảng cũng phải hoàn toàn nằm dưới chính sách của cái gọi là “sự Trung Quốc hóa” các tôn giáo, với sự phục tùng rõ rệt hơn của Giáo Hội Công Giáo đối với những đặc điểm riêng biệt của Trung Quốc, là những điều do Đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc quy định.
“Trung Quốc hóa” các tôn giáo là nền tảng chính sách của họ Tập, là người mà chương trình nghị sự thực tế đã được những người tham gia cuộc họp biết rõ. Trong suốt cả ngày, không ai đề cập đến chủ tịch Trung Quốc, nhưng “ông Tập là con voi trong phòng”, một thành viên của phái đoàn Hương Cảng nói với Reuters. “Một số người trong chúng tôi coi ‘Trung Quốc hóa’ chỉ là mật mã cho ‘Tập Cận Bình hóa’”. Xin mở ngoặc để giải thích thêm cụm từ “con voi trong phòng”, tiếng Anh là “the elephant in the room”, được dùng trong thế giới nói tiếng Anh để chỉ một vấn đề, hay một nhân vật sờ sờ ra đó và có một tầm ảnh hưởng lớn nhưng người ta cố ý không đề cập đến.
Cuộc họp ở Hương Cảng hoàn toàn không phải là một sáng kiến đơn lẻ. Vào đầu tháng 12, ông Tập đã có bài phát biểu tại Bắc Kinh trong khuôn khổ “Hội nghị quốc gia về công việc liên quan đến các vấn đề tôn giáo”, trong đó ông nhắc lại rằng tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc đều phải phục tùng Đảng Cộng sản, là đảng có quyền “thiết lập đường lối cho hoạt động tôn giáo”, vì lợi ích của một “xã hội Trung Quốc hóa toàn diện”.
Nhưng trên hết, phải tính đến văn kiện cơ bản được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua ngày 11 tháng 11, với tiêu đề “Nghị quyết về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử của Đảng trong một thế kỷ qua.”
Một nghị quyết như vậy là nghị quyết lần thứ ba trong toàn bộ lịch sử của cộng sản Trung Quốc. Lần thứ nhất là với Mao Trạch Đông năm 1945, lần thứ hai với Đặng Tiểu Bình năm 1981, và lần thứ ba, theo lệnh của Tập Cận Bình, liên quan đến những nghị quyết khác như một kiểu tổng hợp Hegel, với tham vọng kết hợp những gì tốt nhất mà Mao đã làm, những luận điểm, và những sửa sai bởi Đặng Tiểu Bình, hay những phản đề.
Trong phần thứ năm, nghị quyết chỉ trích hệ thống dân chủ Tây phương, được tạo thành từ chủ nghĩa hợp hiến, sự luân phiên của các chính phủ và sự phân chia quyền lực, một hệ thống mà nếu được thông qua được cho là “có thể dẫn đến sự hủy hoại của Trung Quốc”.
Nhưng đặc biệt, Tập từ chối “tự do tôn giáo kiểu Tây phương.” Ở Trung Quốc, “các tôn giáo phải được định hướng theo kiểu Trung Quốc” và liên tục chịu sự “chỉ đạo tích cực” của Đảng Cộng sản “để các tôn giáo thích ứng với xã hội xã hội chủ nghĩa”.
Source:Catholic News Agency

3. Tông thư dưới dạng Tự Sắc Recognitum librum VI điều chỉnh Giáo luật với những thay đổi mới nhất
Hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một Tông Thư dưới dạng Tự Sắc nhằm cập nhật bộ giáo luật về các quy tắc sa thải khỏi các tu hội, dựa trên luật hình sự đã được cập nhật liên quan đến các biện pháp trừng phạt tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ và các tội phạm khác.
Tông thư, được gọi là Recognitum librum VI và ban hành dưới dạng Tự Sắc, tức là theo “ý kiến của chính Đức Giáo Hoàng” vào ngày 26 tháng 4, sửa đổi một câu trong điều 695 của Bộ Giáo luật.
Đức Giáo Hoàng giải thích rằng việc sửa đổi làm cho khoản giáo luật này phù hợp với các sửa đổi lớn được thực hiện vào năm ngoái đối với Quyển VI của luật hình sự trong bộ giáo luật, trong đó đã phân loại một số tội phạm khác nhau và đưa ra các tội phạm mới.
Điều 695, triệt 1, trước khi có sự thay đổi quy định như sau:
§1. Một thành viên phải bị sa thải vì các tội phạm được nói đến ở các điều 1397, 1398 và 1395, trừ ra đối với những tội phạm được nói đến ở điều 1395 §2, mà Bề Trên xét thấy là việc sa thải không hoàn toàn cần thiết và có thể giúp cho đương sự sửa mình, việc bồi thường theo đức công bằng cũng như việc sửa chữa gương xấu có thể được giải quyết đầy đủ bằng cách khác.
Bản văn mới của giáo luật 695 §1 nói:
§1. Một thành viên phải bị sa thải vì các tội phạm được nói đến ở các điều 1395, 1397, và 1398, trừ ra đối với những tội phạm được nói đến ở điều 1395 §2-3 và 1398 §1, mà Bề Trên xét thấy là việc sa thải không hoàn toàn cần thiết và có thể giúp cho đương sự sửa mình, việc bồi thường theo đức công bằng cũng như việc sửa chữa gương xấu có thể được giải quyết đầy đủ bằng cách khác.
Giáo luật 607 triệt hai định nghĩa tu hội “là một cộng đoàn, trong đó các thành viên tuyên giữ các lời khấn công khai vĩnh viễn hay tạm thời, nhưng họ phải tuyên khấn lại khi mãn hạn, phù hợp với luật của tu hội, và chung sống đời huynh đệ”.
Điều 1395 của bộ luật mới đề cập cụ thể đến trường hợp “một giáo sĩ sống tư hôn” và những giáo sĩ tiếp tục phạm một số tội lỗi bên ngoài khác chống lại điều răn thứ sáu gây ra tai tiếng, cũng như một giáo sĩ “ép buộc ai đó để thực hiện hoặc phục tùng các hành vi tình dục.”
Điều 1397 của luật Giáo hội nêu chi tiết các hình phạt đối với một người phạm tội giết người, làm trọng thương người khác hoặc phá thai.
Điều 1398 đề cập đến lạm dụng tình dục của giáo sĩ đối với trẻ vị thành niên và việc phân phối các hình ảnh khiêu dâm của trẻ vị thành niên.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã thay đổi sau khi nghe ý kiến của Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp và Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ.
Bản thân Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp không phải là một nhà lập pháp, nhưng hỗ trợ Đức Giáo Hoàng, là nhà lập pháp tối cao của Giáo hội, trong việc soạn thảo và giải thích giáo luật.
Với sự thay đổi, điều luật 695 giờ đây đề cập đến các điều luật thích hợp trong Quyển VI sửa đổi của Bộ Giáo luật, có hiệu lực vào ngày 8 tháng 12 năm 2021.
Bộ luật hình sự được sửa đổi đã đưa các tội danh mới trong lĩnh vực kinh tế và tài chính thành giáo luật và chuyển các điều luật liên quan đến tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và tội khiêu dâm trẻ em từ phần “tội chống lại nghĩa vụ đặc biệt” sang phần “tội phạm chống lại cuộc sống, phẩm giá và tự do của con người” trong Quyển VI.
Source:Catholic News Agency